Chỉ mới đây thôi, tôi có về Nghệ An chơi và được anh Phan Thắng - nguyên Tổng biên tập tạp chí Văn hóa Nghệ An - chở đi thăm thú các nơi. Mỗi lần đi qua địa danh nào của xứ Nghệ, anh lại kể về địa danh đó, ở đó có những gì đặc biệt. Tôi nhớ, chuyến đi hôm đó, chúng tôi có ghé qua H.Yên Thành. Phan Thắng nói như reo: “Quê cụ Phan Ngọc đấy”. Tôi tiếp lời: “Đúng là địa linh nhân kiệt”.
Trên xe, cứ thế, chúng tôi trò chuyện mãi về cụ. Cả hai đang thắc mắc không biết cụ còn khỏe không. Nghe bảo cũng yếu lắm rồi. Vì thế, biết tin cụ mất vào tối 26/8, tôi thoáng giật mình. Có những hiền tài họ đến với cuộc đời, rồi họ ra đi như thế.
Nói về cụ Phan Ngọc, thứ nhất, không thể không nhắc đến đóng góp của cụ trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Cụ viết một loạt sách về ngôn ngữ học, từ điển mà ai muốn viết đúng chính tả thì phải mở sách của cụ ra. Thứ hai là đóng góp trên phương diện nghiên cứu văn học. Một số công trình nổi bật có thể kể đến: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” (viết xong năm 1965, xuất bản năm 1985); Văn hóa Việt Nam, cách tiếp cận mới (1994) là hai công trình tiêu biểu về khoa học xã hội và nhân văn của cụ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2000.
Có lẽ, cụ Phan Ngọc là người dẫn đầu ở Việt Nam nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa và ngôn ngữ học. Bởi lẽ, từ trước tới nay, những nghiên cứu về sự gặp gỡ văn học với văn hóa thì nhiều; song, nghiên cứu như một quan điểm có tính chất chủ động trên cơ sở tiếp thu lý thuyết phương Tây và tích hợp lý thuyết phương Tây và phương Đông thì cụ có lẽ là trường hợp hiếm hoi.
Những năm cuối đời, cụ đi sâu nghiên cứu văn hóa. Hàng loạt bài viết, công trình lớn, nhỏ về nghiên cứu văn hóa được ra mắt, trong đó không thể không nhắc đến Bản sắc văn hóa Việt Nam, Thức nhận về văn hóa Việt Nam. Từ nghiên cứu ngôn ngữ sang nghiên cứu văn học liên ngành và những năm cuối đời, kết tinh lại ở văn hóa. Tôi không dám so sánh trong ba lĩnh vực, cái nào lớn nhất, đặc sắc nhất vì cả ba khu vực cụ đều có những đóng góp xuất sắc.
Qua các kết quả nghiên cứu của mình, cụ Phan Ngọc đã gợi ra các chuyên luận, các hướng nghiên cứu khác nhau. Với cá nhân tôi, và có lẽ với không ít người, đây cũng là cái lớn của nhà văn hóa Phan Ngọc. Vì cụ là người vừa nghiên cứu có thành quả, vừa có tính chất gợi dẫn các nghiên cứu. Một số người chỉ đưa ra các kết quả hoặc kết quả nghiên cứu của họ chỉ dừng ở đó mà thôi; nhưng bằng sự tiếp nhận tinh thần đối thoại của phương Tây, các nghiên cứu của cụ còn hơn thế nữa. Đó là gợi dẫn, tôn trọng các điểm khác biệt và khai phóng.
Chẳng hạn, khi nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, cụ nghiên cứu trong sự đối sánh với văn hóa Trung Hoa. Cụ có nói một ý mà tôi nhớ mãi. Đại ý, người Trung Hoa khác người Việt Nam ở chỗ, người Việt là con người của làng, của nước, của những tình cảm cộng đồng, của nhân văn. Nếu cần phải có một định nghĩa ngắn gọn nhất về văn hóa Trung Hoa, cụ nói: văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa của những cái cực đoan. Đại để, lớn thì phải lớn nhất, ví dụ như Vạn lý trường thành - cả thế giới không bì được; nhỏ cũng phải nhỏ nhất, như bức tranh trên hạt gạo, quả táo; còn mưu mô thì cũng mưu mô nhất và lịch sử Trung Hoa chính là lịch sử tranh quyền đoạt vị.
Thế mới thấy, khi nghiên cứu văn hóa Việt Nam ta phải đặt trong cái nhìn so sánh với các nền văn hóa khác, trong đó có văn hóa Trung Hoa thì mới thấy cái được, cái hay của ta. Một số học giả phương Tây, cho rằng, văn hóa Việt Nam chẳng qua chỉ là một phiên bản nhỏ của văn hóa Trung Hoa, thậm chí, là một phiên bản nghèo nàn của văn hóa Trung Hoa.
|
Một số tác phẩm của nhà văn hoá Phan Ngọc (ảnh internet) |
Nhưng dưới cái nhìn của cụ Phan Ngọc, mới thấy, văn hóa chúng ta vẫn có những đặc điểm và giá trị khác biệt. Và cũng chỉ có những nghiên cứu như thế, mới khiến người Việt chúng ta không mặc cảm, không tự ti và biết nâng niu quý giá văn hóa Việt hơn. Tôi dẫn ra một ví dụ trong rất nhiều ví dụ có thể nói để thấy những gợi dẫn của cụ, vào cái thời đó, rất đáng nể.
Tôi còn nhớ, gần 20 năm trước, khi đó, tôi còn giảng dạy bên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, được “giao” nhiệm vụ sang nhà mời cụ Phan Ngọc tới trường để nói chuyện về bản sắc văn hóa cho các bạn sinh viên nghe. Cụ Phan Ngọc lúc đó mới ngoài 70 tuổi, chưa yếu lắm; nhưng vì tranh thủ thời gian làm việc và nghiên cứu nên cụ rất bận. Mọi liên hệ hẹn gặp đều phải thông qua thư ký - chính là vợ cụ Phan Ngọc - cụ bà Nguyễn Thị Kim Tuyến.
Tôi còn nhớ, khi bước vào nhà, sách của cụ nhiều kinh khủng. Căn phòng của cụ giữa phố cổ tương đối lớn; nhưng bốn bức tường toàn sách. Ra hành lang, từ phòng này qua phòng kia, cũng là một hành lang dài toàn sách là sách. Những giá sách gỗ cao đến nỗi, tôi nghĩ, mỗi lần lấy, phải bắc thang chứ không kiễng chân mà với tới được.
Vốn trước đó có đọc cụ, cũng nghe nhiều giai thoại về cụ nên khi đến nhà cụ, cảm giác rất đặc biệt. Khi đó, tôi mới xấp xỉ tuổi bốn mươi, đến với cụ trong tâm thế của một người học trò nhỏ đến với một người thầy lớn. Ngoài nghiên cứu, cụ còn tham gia dịch rất nhiều công trình đáng nể như: Thần thoại Hy Lạp, Chiến tranh và hòa bình từ nguyên bản tiếng Nga; kịch Shakespeare từ tiếng Anh; Sử ký Tư Mã Thiên, thơ Đỗ Phủ và các tác phẩm triết học của Hegel.
Cụ Phan Ngọc là một người mà tới bây giờ, tôi vẫn hoàn toàn ngưỡng mộ. Các sách của cụ sau này được tái bản và bổ sung liên tục; chứng tỏ, cụ làm việc liên tục, ngoài nghiên cứu tổng hợp, rồi nghiên cứu trường hợp, để bổ sung vào, củng cố nghiên cứu tổng quan trước đó của mình.
Một con người tầm vóc như vậy, chỉ có thể làm “sang” hơn cho ngành khoa học nhân văn nước nhà nhưng ở ta vẫn chưa được đối xử xứng đáng. Đâu đó vẫn còn nhiều sự ngậm ngùi, chua xót khi nhắc tới cụ.
Phó giáo sư - tiến sĩ Văn Giá
Đậu Dung (ghi)