Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương nhưng cuộc sống hiện tại của Hiền Trang lại gắn liền với những con chữ. Cuốn sách thứ tư của cô - Giấc mộng lang thang trên đồng cỏ úa - vừa đoạt giải ba cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần sáu do nhà xuất bản Trẻ tổ chức (cuộc thi không có giải nhất).
Tác phẩm này của Trang vẽ nên thế giới mộng mơ với vẻ điềm tĩnh, phản chiếu hiện thực của đời sống bằng giọng văn mượt mà, nhiều kiến thức. Trang còn trẻ, dĩ nhiên chưa nhiều trải nghiệm. Nhưng Trang là một người trẻ nhiều suy tư. Tôi thích tác phẩm của Trang bởi cách kể của cô phảng phất mùi vị của những quả anh đào đầu mùa, hơi chua một chút nhưng ngọt hậu.
Và quan trọng hơn hết, Trang “trung thành” với bản thể của cô, thay vì cố gắng khoác lên những lớp áo dù ý nghĩa nhưng thùng thình, sáo rỗng. Chính trong cõi mộng ấy, người ta bắt gặp hình bóng của những người trẻ đang tìm kiếm chính họ. Còn với độc giả, không phải đợi đến cuốn sách này họ mới biết đến Trang. Bởi, ba năm trở lại đây, cô là cây bút quen thuộc của nhiều bài viết ở mảng văn học, âm nhạc, điện ảnh trên nhiều tờ báo.
Tôi chỉ biết kể cái tôi của mình
Phóng viên: Chào Trang, vốn dĩ ngành bạn học không liên quan gì đến văn chương. Sự rẽ hướng đó bắt đầu từ cơ duyên nào vậy?
Nhà văn Hiền Trang: Tôi vẫn hay nói vui, ngoại thương là lò đào tạo ra hoa hậu. Tôi không thể trở thành hoa hậu nên... mới theo nghiệp bán chữ. Văn chương đến với tôi khá muộn, bởi nhiều bạn bây giờ 16-17 tuổi đã có truyện in báo, 20 tuổi đã có vài cuốn sách lận lưng. Muộn không có nghĩa là rẽ hướng. Thực tế tôi coi việc học ở trường ngoại thương là một cuộc rẽ hướng thì đúng hơn. Những ngày đi học, tôi đã sớm hiểu mình không thuộc về thế giới ấy. Chỉ là trước đó tôi không hề nghĩ mình viết được văn. Nói như Murakami thì ông bắt đầu viết tiểu thuyết năm 29 tuổi vì trước đó ông… chả có gì để viết. Chắc tôi cũng thuộc kiểu như vậy.
* Nếu chỉ là “giấc mộng lang thang” thì mơ mộng, lãng du, đằng này lại thêm “trên đồng cỏ úa”, đẹp đấy nhưng u buồn. Mà cuộc đời bạn, như bạn từng viết thì “bằng phẳng” và “tẻ nhạt”. Phải chăng vì thế mà bạn muốn thử sống một/vài cuộc đời khác hay vì bạn dễ bị cuốn vào những thứ đẹp và đầy độc dược ấy?
- Cái tên ấy đến sau khi tác phẩm ra đời, kỳ thực không liên quan gì. Giữa lúc bí quá, không biết đặt tên tác phẩm là gì, tôi bỗng nhớ những câu thơ cuối đời của Basho: “Nằm bệnh giữa cuộc lãng du/ Mộng hồn còn phiêu bạt/ Trên cánh đồng hoang vu”, không hiểu sao lại liên tưởng tới Van Gogh, cũng là truyện ngắn mở đầu, nên đã đặt tên như vậy.
Về tác phẩm, tôi tự thấy sự hạn chế của mình nằm ở chỗ tôi không thể bước ra một thế giới khác ngoài chính bản thân mình, tôi chỉ biết kể cái tôi của mình, bảo tôi kể chuyện của thiên hạ mênh mông như Dickens, Hugo thì tôi không thể nào làm được. Cuộc sống của tôi tạo ra những truyện ngắn đó. Truyện nào cũng không có thật, vì tôi thoát ly khỏi cuộc sống tẻ nhạt bằng những giấc mơ hoang đường.
Tôi không dám nói mình hiểu nhiều về cái đẹp, cái buồn. Thẩm mỹ là một vấn đề lớn, nỗi buồn cũng thế. Thứ duy nhất mà tôi chắc chắn là chúng đều phù phiếm. Mà những người sống đời tẻ nhạt thì hay phù phiếm, như tôi vậy.
* Nhiều tác giả đến với cuộc thi “Văn học tuổi 20” bằng truyện dài. Bạn lại chọn truyện ngắn. Phải chăng, đây là sự rèn luyện cho những bước chạy xa hơn?
- Lần đầu viết văn và in sách, tôi viết truyện dài. Lúc đó thấy cũng hay hớm lắm, sau này đọc lại mới thấy xấu hổ. Cụ Tô Hoài cũng từng đưa ra câu hỏi: mới viết văn thì nên viết ngắn hay dài? Bản thân cụ thì viết dài nhưng là do được đặt hàng, chứ sau này ngẫm lại, cũng thấy không ưng tác phẩm đó, lại lọ mọ bắt đầu lại với truyện ngắn. Viết truyện ngắn là cách tôi lần mò với văn chương. Nhưng tôi không có ý nói viết truyện ngắn thì dễ hơn truyện dài. Có mấy ai viết được như Chekhov, Bunin hay Lỗ Tấn?
Người học việc trong văn chương
* Không chỉ sách mà những bài báo của bạn đều tải một lượng kiến thức đáng kể. Cái nền đó, ngoài nỗ lực tích lũy, có phải được bồi đắp từ gia đình?
- Trước hết phải nói là tôi đọc chưa nhiều đâu. Song đúng là tôi thích đọc sách một phần vì sự ảnh hưởng từ gia đình. Những đêm mùa đông, bà tôi vẫn đọc cho tôi nghe Nguyễn Du và Nguyễn Khuyến. Bố tôi cũng là người thích sách vở, tủ sách gia đình tôi có vài ngàn cuốn, đủ mọi chủ đề. Đến lượt mình, có những khoảng thời gian, mỗi ngày tôi đọc một cuốn sách 200 trang và xem một phim điện ảnh. Giống như bị nghiện vậy.
* Có lúc nào bạn cảm thấy bản thân bị khối lượng kiến thức ấy lấn át, quên đi điều cần viết hoặc muốn chuyển tải?
- Người viết văn như tay lái đò. Trên đò chở đầy kiến thức, vững thì đến bến, không vững sẽ lật nhào. Tôi vẫn tự coi mình là người học việc trong văn chương, Nabokov, Oscar Wilde, Shakespeare là những bậc thầy của mình. Sự ảnh hưởng là điều không tránh khỏi. Nhưng câu chuyện của tôi vẫn là của tôi, không thể là của Nabokov được. Tôi mong nó là của Nabokov quá đi chứ, bởi mỗi khi bơi trong biển văn chương của ông, tôi chỉ muốn... bẻ bút đi làm việc khác nhưng cuối cùng tôi vẫn là tôi. Khi viết người ta khó che giấu căn tính của mình.
* Bạn nghĩ gì về thế hệ những cây viết trẻ cùng thời với bạn và về tác phẩm của những người trẻ khi đang dần hình thành hai dòng rõ rệt, một ăn khách nhưng chạy theo thị hiếu, số ít ỏi còn lại miệt mài nhưng tác phẩm thì in cầm chừng?
- Tôi ít khi đưa ra quan điểm về vấn đề này. Vì tôi nghĩ những thứ xu thời đó không thể gọi là văn chương được. Nhưng nếu cho tôi nói thẳng nói thật thì quả là bây giờ làm nhà văn dễ quá. Nhiều người viết ngữ pháp, chính tả còn sai mà cũng là nhà văn. Xin đừng nghĩ tôi nói vậy vì ghen tỵ. Bởi độc giả mà những cây viết nghiêm túc hướng đến phân biệt được đâu là văn chương tử tế, đâu là văn chương giả danh. Còn với lớp độc giả không phân biệt được điều này thì có gì để bận lòng?
* Ngày nay, không ít người xem văn chương là thứ lấp lánh, điểm tô tên tuổi hơn là một sự nghiệp nghiêm túc. Đọc sách của bạn, tôi cảm nhận được tình yêu rất lớn bạn dành cho văn chương. Tại sao bạn lại chọn một con đường mà nghe đến đã thấy gập ghềnh và trong mắt nhiều người, nó chẳng thể nào hái ra tiền?
- Có thể sự hậu đãi từ văn chương không phải là tiền bạc, mà là niềm khoái lạc sâu kín ở bên trong khi câu chữ thành hình, có lúc là nỗi hân hoan khi cảm nhận được sự giao cảm từ một vài độc giả.
Đúng là “văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Nhưng có sao đâu. Trong truyện ngắn Những người thích trườn, tôi có viết rằng, nếu đi đủ nhiều và đủ xa, ta sẽ gặp cả những con mèo không ăn cá mà thích ăn táo, những con mèo thích ăn thịt ngựa vằn, những con ăn chay, những con thích uống trà hoa cúc, thậm chí những con mèo ăn thịt chính nó. Cũng như vậy, trong xã hội có người mê tiền, có người mê văn… Cuộc sống muôn hình vạn trạng. Và đó là chuyện bình thường.
* Cảm ơn bạn đã chia sẻ.
Lê Phan (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp