Nhà văn Gào mạt sát độc giả: Nhà văn có cần giữ mình?

08/07/2017 - 13:56

PNO - Gào nổi tiếng nhờ mạng xã hội, nhưng lại dùng chính phương tiện tạo nên tên tuổi mình để mạt sát cộng đồng. Gào viết sách nhưng lại chọn những ngôn từ không mấy đẹp đẽ ném vào độc giả.

Gào lại vừa gây chuyện với bạn đọc trên facebook. Biết nữ nhà văn đang mang thai, không khỏe; bạn đọc vào bình luận, thăm hỏi. Thật ngạc nhiên, Gào lại gọi họ bằng những từ ngữ như “chúng mày”, “con điên”… kèm theo những lời mắng chửi xối xả.

Đây không phải là lần đầu tiên Gào (sinh năm 1988, tên thật Vũ Phương Thanh, là tác giả của những cuốn sách gây sốt một dạo: Cho em gần anh thêm chút nữa, Yêu anh bởi những gì em có, Mất anh bởi những thứ em cho…) chửi người khác trên facebook bằng ngôn từ hằn học, chợ búa.

Nha van Gao mat sat doc gia: Nha van co can giu minh?
Với một câu thăm hỏi bình thường, Gào chửi người bình luận "sấp mặt"

Gào nổi tiếng nhờ mạng xã hội, nhưng lại dùng chính phương tiện tạo nên tên tuổi mình để mạt sát cộng đồng. Gào viết sách nhưng lại chọn những ngôn từ không mấy đẹp đẽ ném vào độc giả. Lượng bạn đọc theo dõi, yêu thích tác phẩm của Gào trước đây không ít; nhưng sự đanh đá, thái độ hung hăng, nanh nọc của cô trên mạng xã hội đã khiến Gào ngày càng đánh mất hình tượng.

Đã có một trang cộng đồng “anti” Gào với tôn chỉ “vì một nền văn chương lành mạnh”, ngày càng thu hút đông đảo lượng người theo dõi. Hiếm có một người viết văn nào bị “ghét hội đồng” và bạn đọc sẵn sàng liên kết lại để lên án và tẩy chay như vậy.

Nhà văn cũng có những hỷ nộ ái ố. Con người chẳng ai hoàn hảo. Nhưng văn học là nhân học. Văn là người. Anh không thể một mặt viết ra những lời hay ý đẹp, những lý tưởng nhân cách, những thông điệp về thân phận con người; một mặt đi ngược chiều với chính vai trò của mình và bức tử ngôn từ bằng lời lẽ chợ búa, hằn học và xô bồ.

Nha van Gao mat sat doc gia: Nha van co can giu minh?

Nhiều người nghĩ rằng trang cá nhân của họ, họ muốn viết gì mà không được. Nhiều nhà văn cũng tuyên ngôn như thế. Nhưng một khi đã phơi bày bộ mặt trên mạng thì ai cũng có thể nhìn thấy, tiếp nhận. Giữ mình không có nghĩa là giả tạo, nhưng đó là ý thức về tôn nghiêm và giá trị của bản thân, là lòng tin của bạn đọc và là trách nhiệm trước cộng đồng.

Một người viết văn khác từng đăng nhiều status khiến bạn đọc... hết hồn là Nguyễn Ngọc Thạch (tác giả những cuốn: Người cũ còn thương, Chênh vênh 25, Khóc giữa Sài Gòn)… Cách nhìn nhận các vấn đề xã hội có phần thẳng thắn và dí dỏm của Nguyễn Ngọc Thạch trên facebook luôn thu hút hàng ngàn lượt thích, bình luận. Nhưng, không ít lần, Thạch dùng nhiều từ ngữ lố lăng, phản cảm để bày tỏ chính kiến. Nếu không biết Thạch từng in sách, sẽ khó để tin đó là một người viết văn.

Mạng xã hội là phương tiện cho người dùng nói lên điều mình suy nghĩ. Nhưng những cuộc “phơi mình” bằng ngôn ngữ trên facebook cũng cho người khác một nhận diện về chủ nhân của chúng. Dù là chỉ trích đích danh hay ngấm ngầm đấu đá, đó cũng không phải là cách hay để phản biện hay chứng tỏ. Người viết văn lại càng nên cẩn trọng. Sự đanh đá, xấc xược trên mạng chẳng khiến ai tăng thêm sức mạnh hay giá trị bản thân, mà hầu hết là ngược lại. 

Hoàng Hạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI