Nhà văn Đoàn Tuấn: Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi...

01/05/2022 - 15:34

PNO - Chúng ta, khi sinh ra không ai là lính nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, chúng tôi trở thành người lính. Người lính làm nghĩa vụ cao cả, cứu một dân tộc, giúp họ hồi sinh rồi trở về. Song, ký ức chiến tranh vẫn ám ảnh.

Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt của nhà văn Đoàn Tuấn được viết theo hai tuyến truyện: Hành trình của nhà sư Phteah Saniphap trên đất nước Campuchia và “tôi” - người cựu chiến binh đi thăm và kể lại câu chuyện về đồng đội mình ở khắp Việt Nam. Các nhân vật đã cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, chữa lành nỗi đau, hòa giải dân tộc. Hai hành trình song song ấy được thể hiện trong tác phẩm theo thủ pháp đồng hiện, soi chiếu quá khứ - hiện tại, chiến tranh - hòa bình, chính nghĩa - phi nghĩa, tàn lụi - hồi sinh…

Bằng tình yêu và lòng bao dung, vị tha, trái tim người lính đã chạm đến những tầng sâu nhất của vẻ đẹp và cả nỗi đau con người; dùng ánh sáng của đức Phật cứu rỗi những linh hồn người lính và nhân dân đã nằm lại chiến trường. Nhà văn đối thoại với cả những linh hồn của kẻ thù cho một nhân diện thấu suốt về tội ác và ông tha thứ cho họ…

Sau những tác phẩm viết về chiến trường K (Một trăm ngày trước tuổi hai mươi, Mùa linh cảm, Mùa chinh chiến ấy…), nhà văn Đoàn Tuấn một lần nữa gây ám ảnh và xúc động với tác phẩm Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành tháng 4/2022). 

 

“Tôi thường xuyên mơ thấy súng nổ và chiến trận”

Phóng viên: Khi viết xong Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt, cảm giác của ông thế nào?

Nhà văn Đoàn Tuấn: Khi đặt dấu chấm cho những dòng cuối cùng, tôi cảm thấy dường như một nửa tâm hồn mình vẫn rong ruổi cùng nhà sư Phteah Saniphap trên những con đường đất đỏ ở Campuchia; còn một nửa vẫn cùng đồng đội tôi vọng về những nghĩa trang, những làng xóm, những ngôi nhà trên đất nước Việt Nam và tiếp tục lắng nghe những câu chuyện của họ. Đó là những hành trình không có kết thúc.

Cần rất nhiều thời gian để lắng nghe những câu chuyện của từng người ở hai nước. Ngồi với một người trong một buổi chiều hoặc nghỉ lại ở một ngôi nhà bên nước bạn một đêm, người viết sẽ có rất nhiều câu chuyện có ích để kể lại với bạn đọc. Tôi nghĩ đó là cách sống và viết của những người kể chuyện cổ điển. Tôi học theo họ.

* Ông đã ấp ủ kể câu chuyện về hành trình cầu nguyện của nhà sư Phteah Saniphap trong bao lâu?

- Câu chuyện này viết trong bao lâu tôi cũng không biết nữa. Có lẽ từ mấy chục năm trước, khi chúng tôi diệt được địch nhưng không thể chôn họ. Ánh mắt họ, cách họ ngã xuống… hiện về trong giấc mơ. Rồi chuyện đồng đội mất tích, khi chúng tôi đến nhà họ, những người thân hỏi: “Sao các anh về được mà con tôi không về?’’. Thật sự, trái tim chúng tôi như tan vỡ.

Nhưng đâu chỉ có những chuyện buồn. Đồng đội tôi còn rất nhiều chuyện vui. Họ rất ngờ nghệch, thậm chí bị lừa dối. Song, trong cái ngờ nghệch của họ lại có những hành động rất đẹp. Chúng ánh lên vẻ đẹp nguyên sơ của những người chân chính. Cần phải kể cho bạn đọc biết. Còn những cuộc sống khác, chất người ánh lên như ngọc tiềm ẩn đâu đây. 

Nhà văn Đoàn Tuấn trong dịp ra mắt tác phẩm Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt diễn ra tại Đường sách TP.HCM
Nhà văn Đoàn Tuấn trong dịp ra mắt tác phẩm Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt diễn ra tại Đường sách TP.HCM

* Một lần nữa, ông trở lại chiến trường xưa trên trang viết bằng những bài điếu văn, những cuộc đối thoại với linh hồn đồng đội đã mất. Việc viết những đoạn ấy có là thử thách cảm xúc đối với ông?

- Thực ra, khi ở chiến trường, tôi được đơn vị phân công viết điếu văn truy điệu đồng đội. Truy điệu ngày. Truy điệu đêm. Truy điệu dưới mưa… Tôi viết và đọc, rồi thả lời điếu xuống huyệt. Cả một nghĩa trang hơn năm chục người đều do tôi viết. Hồi đó, tôi viết hoàn toàn theo cảm xúc tiếc thương đồng đội hy sinh khi còn quá trẻ. Gia đình, quê hương, bạn bè, tính nết người chết... Những con người đó, từ khi vào lính, đều phải nghe mệnh lệnh. Chỉ khi nhận được thư nhà, họ mới được nghe những lời thương nhớ. Khi họ hy sinh, tôi chỉ biết cố gắng an ủi linh hồn họ một cách chân thành nhất.    

Sau này, có điều kiện tìm hiểu, tôi mới biết dân tộc Việt Nam mình có cả một kho tàng văn tế mà đọc lên, đến cỏ cây, sông núi cũng bùi ngùi. Đương nhiên, văn tế của người xưa có nhiều thể loại. Mỗi thể loại lại có những quy định nghiêm ngặt. Vậy nhưng khi viết, tùy đối tượng, tôi viết theo cảm xúc của mình. 

Nhà văn Đoàn Tuấn cùng đồng đội tại nghĩa trang Ngọc Hồi (ảnh chụp năm 2014)
Nhà văn Đoàn Tuấn cùng đồng đội tại nghĩa trang Ngọc Hồi (ảnh chụp năm 2014)

* Trong quá trình hoàn thiện tác phẩm này, cũng như các tác phẩm viết về chiến trường K, ông có từng mơ thấy đồng đội trở về?

- Không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng đội tôi luôn mơ thấy đồng đội trở về. Thậm chí chúng tôi còn mơ thấy cả lính địch. Trong Mùa chinh chiến ấy, tôi từng viết về anh Phạm Hòa, người Thanh Hóa, mơ thấy địch ném lựu đạn vào chốt. Anh giơ chân đạp trái lựu đạn ra nhưng không ngờ ống chân đạp trúng thanh sắt chắn trên giường tầng. Thế là gãy chân, đi viện. Còn trong sách này, nhân vật Ánh của tôi mơ thấy địch đang bóp cổ mình. Thì ra anh ấy đang bóp cổ chính vợ mình. Người vợ giãy giụa kêu la, anh ấy mới tỉnh.

Còn tôi luôn mơ thấy súng nổ, mơ thấy chiến trận thường xuyên. Tôi có một người bạn là Dương Công Hạm, hy sinh, nhưng đơn vị quy tập làm mất tên và địa chỉ. Vào một đêm rằm tháng Bảy, tôi thắp hương rồi đọc Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, khấn bạn về báo mộng, chỉ chỗ bạn nằm để báo gia đình đi lấy hài cốt. Tôi thiếp đi. Trong mơ, tôi thấy một tấm bia lớn màu đen đặt trước ngực mình nhưng không có tên. Tôi biết bạn mình đã trở về nhưng vô danh. Không tên tuổi, những người mất đi không có gì. Họ không nói gì. Chỉ có chúng ta, những người đang sống.

Cùng đồng đội về lại chiến trường xưa
Cùng đồng đội về lại chiến trường xưa

* Tôi đã nghĩ rất nhiều về lời ông từng chia sẻ, rằng người lính khi trở về từ cõi chết chỉ “sợ nhất hai điều: những điều tử tế và lẽ phải”. Vì sao lại như vậy?

- Người lính, nhất là những người lính làm nghĩa vụ quốc tế, khi về nước thường bị “qua mặt” vì nhiều lý do. Họ thường phản ứng gay gắt. Sự phản ứng của họ đã được rèn luyện trong trận mạc. Ai quanh co, dối lừa, họ vạch mặt ngay, thậm chí bằng hành động rất mạnh mẽ. “Tính thẳng như nòng súng” - tôi đã viết câu thơ như thế. 

Tôi chứng kiến câu chuyện một anh lính quèn khi gặp viên chỉ huy đơn vị, giờ đeo lon đại tá, bèn nổi xung. Anh luôn miệng chửi viên đại tá kia vì trong một trận đánh, viên sĩ quan này bị dính một mảnh đạn nhỏ bằng hạt gạo vào lưng nhưng đã bỏ đơn vị, đòi đi viện, để anh em trần mình chiến đấu. Chúng tôi phải khuyên nhủ, anh mới bớt giận.

Chúng tôi luôn tôn trọng những người tử tế và lẽ phải. Đó là nguyên tắc sống của những người lính chân chính, bởi chúng tôi hiểu một điều: chúng tôi đã đi qua cái chết. Cái chết luôn là đỉnh cao nhất, nguy nan nhất của cuộc chiến nhưng chúng tôi không sợ. Chúng tôi luôn cho rằng chết thế nào mới là điều quan trọng. Đó là danh dự, nhân phẩm được rèn luyện hằng ngày bằng cách sống.

Vợ chồng nhà văn Đoàn Tuấn tại nơi nhà văn từng đóng quân ở Siem Reap (ảnh chụp năm 2017)
Vợ chồng nhà văn Đoàn Tuấn tại nơi nhà văn từng đóng quân ở Siem Reap (ảnh chụp năm 2017)

* Đồng đội ông - những nhân vật xuất hiện trong tác phẩm, cũng đã sống vì những điều tử tế và lẽ phải. Đó có phải là rào cản lớn nhất cho những người lính trở về với thực tại và thực tế cuộc sống quá khác với lý tưởng năm xưa?

- Đúng vậy. Họ không chịu đựng nổi những hành động luồn cúi, đê hèn, ti tiện… Tôi có người đồng đội ở Đà Nẵng. Công việc của anh có thể sẽ có người hối lộ nhưng tính anh ngay thẳng, không bao giờ làm điều xằng bậy. Có lần, tay trưởng phòng ăn nói xúc phạm đến màu áo chiến binh, bị anh bạn tôi đạp cho một phát, ngã lăn. Hắn phải xin lỗi. Những cựu binh, nhân danh lẽ phải, hành động và được những người tử tế ủng hộ. Họ chẳng cần chức này tước nọ. Sự ngay thẳng khiến mọi người nể trọng.

* Hành trình đi từ Bắc chí Nam để thăm lại đồng đội và viết để “tặng những người sống bình dị với trái tim đầy nhân ái” phải chăng cũng chính là “hành trình chữa lành” cho ông?

- Trong mỗi con người đều có những kháng thể để tự chữa lành vết thương nội tâm. Trong Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt có câu chuyện người vợ có chồng bị địch chặt đầu; có câu chuyện người mẹ mất con trai cả, những người con thứ hư hỏng… Thế nhưng, họ vẫn cố gắng sống cuộc sống bình thường, không cầu xin bất cứ ai, bất cứ điều gì. Ngay cả những người làm công tác thương binh xã hội cũng đâu để ý đến những sang chấn tâm lý của những người vợ mất chồng, người mẹ mất con, người em mất anh… Nhà nước chủ yếu chỉ trả cho họ mỗi tiền tuất. Cái đó đâu có đủ.

Tôi cùng đồng đội đi nhiều nơi. Sau mỗi chuyến đi ấy, tôi càng thêm yêu những con người giản dị. Có người ở Bình Định đánh được cá ngừ, giong thuyền ra tận Hải Phòng để biếu đồng đội. Có người trồng cà phê ở Gia Lai, tự tay thu hoạch, chế biến, mang biếu anh em. Có người làm muối ở Sa Huỳnh gửi đồng đội những lọ muối do chính tay mình làm ra… Nhiều câu chuyện nghĩa tình cảm động lắm, nhất là khi thấy cảnh đồng đội còn nghèo, lại đau yếu…

“Hóa vàng” tác phẩm Mùa chinh chiến ấy tặng đồng đội tại chiến trường xưa (2017)
“Hóa vàng” tác phẩm Mùa chinh chiến ấy tặng đồng đội tại chiến trường xưa (2017)

* “Tôi không thể sống thiếu người đã mất/ Tôi sống bằng cái chết của bạn tôi…”. Nếu nghĩ rằng số phận đã chọn cho mình một sứ mệnh và được sống, phải sống để thực hiện sứ mệnh ấy thì ông có cảm thấy nhẹ lòng hơn?

- Câu thơ này tôi viết đã lâu. Đó là một đêm hè, ngồi trước cửa nhà nhìn ra đường phố, chợt nhớ lá thư thằng bạn viết ở chiến trường: “Tuấn ơi, thế là thêm một thằng không được về thành phố nữa rồi”. Xung quanh nhà tôi, bạn bè hy sinh nhiều. Tôi chôn họ. Ngày nào đi đường, tôi cũng cảm thấy sao gương mặt người kia giống thằng bạn mình đã chết thế nhỉ. Phải chăng bạn mình đã đầu thai? Mình không thể sống thay họ nhưng khi đến nhà họ, đứng trước mộ họ, mình có thể nói những lời chân thành.

Có những cuộc gặp rất cảm động. Khi chúng tôi đến nhà một người bạn đã mất, bà mẹ kể: “Đêm qua, con tôi về báo mộng. Nó bảo, hôm nay sẽ có hai đồng đội đến nhà”. Mà chúng tôi đến lần đầu. Tôi càng cảm thấy sự hy sinh của đồng đội rất thiêng liêng. Họ dõi theo chúng tôi và chúng tôi quyết không thể làm họ buồn. 

Dùng chữ “sứ mệnh”, tôi cảm thấy quá to tát. Tôi chỉ tâm niệm một điều: những người chết và những người sống, còn rất nhiều câu chuyện chưa ai biết. Mình là người dẫn chuyện. Giúp họ kể, giúp họ lên tiếng.

Nhà văn Đoàn Tuấn (phải) tặng tác phẩm Mùa chinh chiến ấy cho đồng đội tại Đà Nẵng vào năm 2017
Nhà văn Đoàn Tuấn (phải) tặng tác phẩm Mùa chinh chiến ấy cho đồng đội tại Đà Nẵng vào năm 2017

“Cuộc chiến nào cũng đến hồi kết thúc. Vết thương nào cũng đến lúc sẽ lành”

* Trong Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt, có những đoạn khiến người đọc cảm động vô cùng vì vẻ đẹp nhân văn và lấp lánh của con người. Đó là khi nhà sư Phteah Saniphap cầu siêu cho những linh hồn lính Khmer Đỏ và cả Pol Pot. Nó như tâm tư sâu thẳm của ông, rằng “tôi - người lính chiến trường K tha thứ cho tội ác của các anh” hay là “chúng tôi - những người Việt Nam - đã tha thứ”?

- Có lẽ là cả hai, vì đạo lý cao cả của người Việt Nam từ ngàn xưa. Truyền thống đó rất sâu đậm trong văn học. Nó thấm vào chúng tôi tự bao giờ, không biết. Chúng tôi từng chăm sóc tù binh. Thậm chí, khi gặp những chiến binh của đối phương rất cứng đầu, chúng tôi vẫn dành cho họ sự tôn trọng và chôn cất họ đàng hoàng.

Chúng ta, khi sinh ra không ai là lính nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, chúng tôi trở thành người lính. Người lính làm nghĩa vụ cao cả, cứu một dân tộc, giúp họ hồi sinh rồi trở về. Song, ký ức chiến tranh vẫn ám ảnh. Đồng đội tôi qua bên đó thành nhà sư, cầu nguyện cho những linh hồn đối phương, như một lẽ thường tình của tự nhiên. 

Còn Pol Pot chỉ là một cá nhân. Khi ông ta được giãi bày, ông ta cảm thấy nhẹ lòng. Ông ta rất cô đơn, không bạn bè, không người tâm sự. Khi được nhà sư hỏi chuyện, ông thổ lộ tất cả. Nhiều năm, tôi tìm hiểu về nhân vật này từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau và dựng lên chân dung ông ta qua cuộc đối thoại với nhà sư Phteah Saniphap.

* Đó là góc nhìn nhân văn của người cầm bút khi chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm. Còn khi là người lính ở chiến trường, người chiến sĩ thông tin Đoàn Tuấn đã nhìn nhận về người lính Khmer Đỏ như thế nào khi đối mặt với họ?

- Chúng tôi đối mặt với họ nhiều lần, trước, trong và sau trận đánh. Mỗi lần, tâm trạng khác nhau. Trong Mùa chinh chiến ấy, tôi có kể về việc gặp một đoàn nữ chiến binh Pol Pot, chỉ huy không cho bắn, nói: “Chúng nó như em gái mình ở nhà”. Tết năm 1979, tôi canh giữ tù binh, lấy nước, nấu cơm cho họ. Có lần hành quân, chúng tôi còn dẫn họ theo. Tù binh chẳng ai béo tốt. Ai cũng gầy gò, mặt sạm đen. Họ là nạn nhân của những tên chỉ huy độc tài hoang tưởng. Nhìn họ, tôi thương như thương đứa em nhỏ của mình. Tôi cho họ hút thuốc, uống nước rất bình thường.

Thế nhưng, tôi rất sợ họ bắt được tôi. Tôi không có súng, chỉ có mỗi máy thông tin vô tuyến nên lúc nào tôi cũng giữ hai trái lựu đạn, đề phòng lúc bị địch bắt sống, tôi sẽ tự sát. Nếu một trái xịt, trái kia sẽ nổ. Tôi giữ hai trái lựu đạn suốt năm năm, đến lúc ra quân mới trả lại quân khí. Rất may tình huống xấu đó không xảy ra.

Nhà văn Đoàn Tuấn nhập ngũ vào tháng 8/1978, là chiến sĩ thông tin D8-E29-F307. Ông may mắn sống sót trở về nhưng khoảng thời gian năm năm sống và chiến đấu ở chiến trường K đã khiến cuộc đời ông thay đổi. Nhà văn nói, trong suốt những năm tháng ở chiến trường, ông đã luôn được đồng đội che chở. 

“Từng ngày. Từng trận đánh. Từng mùa mưa, mùa khô… Tôi mang ơn đồng đội nhiều lắm vì tôi là lính thông tin, có súng đạn gì đâu. Đồng đội nổ súng, mình vác máy chạy theo chỉ huy. Tôi luôn cảm thấy đồng đội che đạn cho mình. Họ trúng đạn, ngã xuống thay tôi. Nếu tôi cũng cầm súng chiến đấu như họ, chắc tôi xanh cỏ lâu rồi” - nhà văn bùi ngùi. Ký ức và những trang viết về đồng đội đã theo ông cả cuộc đời như sứ mệnh của một người cầm bút.

* Ông nghĩ sao nếu có người nói rằng với tội ác chiến tranh và những kẻ gây ra tội ác ấy, chúng ta không có cách nào để biện giải và tha thứ?

- Cuộc chiến nào cũng đến hồi kết thúc. Vết thương nào cũng đến lúc sẽ lành. Để làm được việc này, chúng ta nên hành động tích cực. Lấy đức báo oán, thù hận sẽ dần phai. Lev Tolstoy đã viết, ai mang hạt lửa thù hận trong lòng, hạt lửa sẽ thiêu đốt chính người đó. Khi chúng ta hiểu tại sao họ làm việc đó, tại sao họ lại như thế - cội nguồn của những hành động bất lương - chúng ta có thể thông cảm. Khi ấy, đức khoan dung sẽ mở đường. 

* Ông sẽ còn viết tiếp chứ - về chiến trường K, về những hành trình cứu rỗi để “cỏ hát chiều nay trên đất Campuchia”?

- Về đề tài chiến trường K, tôi còn rất nhiều điều, nhiều câu chuyện muốn kể, chẳng bao giờ hết. Đồng đội gửi cho tôi rất nhiều tư liệu, đó là những khối quặng rất quý. Tôi có trách nhiệm tinh luyện những chất liệu thô đó thành vàng để dâng tặng bạn đọc, nhưng cái khó là tìm cách kể cho khác với những người đã viết về chiến tranh. Khác về hình thức, cấu trúc, giọng điệu… Điều quan trọng nhất là phải giữ được lòng tin ở bạn đọc. Nếu người đọc cảm thấy câu chuyện giả dối, họ không đọc nữa.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)

Nguồn ảnh: Nhà thơ Lê Minh Quốc cung cấp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI