Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Ngoài đời tôi 'cà tửng' và rất 'lầy'

23/01/2017 - 07:00

PNO - 11 năm trước, cái tên Ðỗ Hoàng Diệu làm “dậy sóng” văn đàn với tác phẩm Bóng đè rồi bẵng đi ngần ấy thời gian chị trở lại với tiểu thuyết Lam Vỹ mà có ý kiến cho rằng còn… kinh dị hơn cả Bóng đè.

Trong suốt hơn một thập kỷ, Bóng đè là tác phẩm mỗi lần nhắc đến vẫn tạo nên những luồng ý kiến đa chiều, còn tác giả thì định cư ở Mỹ.

Ðề tài Đỗ Hoàng Diệu chọn, thân phận con người cùng cách chị thể hiện trong tác phẩm mới cứ ám ảnh người đọc. Ám ảnh đến ngạt thở. Lam Vỹ - sẽ có người thích người không, nhưng có lẽ rằng một khi đã cầm cuốn sách lên thì người đọc sẽ khó mà bỏ xuống. Trong những giăng mắc của số phận là trùng trùng những con chữ đào sâu, khai phá đến cùng những ngõ ngách của tâm lý, của những bi kịch khốn cùng.

Một sự dẫn dụ ma mị như từ cõi u mê bóng tối nào đó cứ đưa người đọc đi đến trang cuối cùng. Ðể rồi nhìn thấy những giọt nước mắt long lanh hòa trộn từ đau đớn và thương yêu - trong cùng một cuộc đời. Lam Vỹ - tựa cuốn sách chính là tên của một loài chim như một biểu tượng trú ẩn trong tâm hồn của người phụ nữ…

* Tôi đã thẫn thờ một đỗi khi đọc xong Lam Vỹ, còn chị thì sao - khi chị đặt bút chấm hết dòng cuối cùng?

- Nhà văn Ðỗ Hoàng Diệu: Tôi ư? Gập máy tính, tắm rồi lên giường ngủ giấc ngon không mộng mị. Ðầu rỗng tênh, óc ngưng nghỉ. Giống như đã trút gánh nặng nào đó khỏi người, giống như vừa vượt qua khu rừng tăm tối đầy ma than hời, đến vùng ánh sáng. Tính tôi, không viết thì thôi, nếu đã gõ những dòng đầu tiên, tôi sẽ theo nó đến cùng, cho dù bận rộn, cho dù đôi lúc tự nghĩ thứ mình đang viết chả ra gì. Người yêu mến nói tôi quyết liệt, nhưng chính xác là bướng. Từ nhỏ tôi đã như ổi xanh, mấy chục năm vẫn chưa chín thêm miếng nào.

Nha van Do Hoang Dieu: Ngoai doi toi 'ca tung' va rat 'lay'
 

* Ngần ấy năm sống ở nước ngoài, có lẽ nào những nỗi ám ảnh dòng tộc, gia phả… vẫn không rời tâm trí chị?

- Chẳng lẽ cứ sống ở ngoại quốc thì viết văn phải có yếu tố ngoại? Sống ở thành thị thì không nên viết về nông thôn và người già viết về tuổi già, người trẻ viết chuyện tuổi trẻ? Văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung không có cách phân định như vậy. Bạn chỉ ở trong nhà, bạn vẫn có thể viết về cuộc sống của người sao Hỏa. Với tôi, trí tưởng tượng, hành văn và cảm xúc quyết định hay dở một tác phẩm văn học hư cấu.

Thật sự, bàn thờ hay gia phả không phải nỗi ám ảnh trong cuộc sống, chính xác hơn là chẳng tác động gì tới cách sống cách nghĩ cách mộng mơ của tôi thì hiện tại. Nói thế, bạn sẽ thắc mắc, không ám ảnh làm sao vẫn viết về nó? Chỉ có thể giải thích nó ở trong tiềm thức, nó là hiện thực tôi nhìn ngửi thấy nơi quê hương vẫn còn nhiều định kiến. Bạn tôi phá thai chỉ vì siêu âm cho hình ảnh bé gái, bạn tôi lấy vợ lẽ mong kiếm thằng con trai, bạn tôi xấu hổ giấu giếm thân phận con ngoài giá thú nửa cuộc đời... Vì sao và vì sao?...

* Vậy nỗi ám ảnh ấy, giờ đã được kể hết chưa?

- Chuyện gì đã đi vào tiềm thức, nó sẽ luôn ở đó, dai dẳng ngự trị, không thoát ra hôm nay sẽ thoát ra ngày mai, thoát lần này lại tiếp lần khác, đến lúc bộ não chết, trái tim ngừng đập. Nhưng thông báo “tin vui” là tiểu thuyết mới tôi đang viết sẽ không còn bàn thờ nữa. Mà khung cảnh là một cánh rừng hoang, những mảnh núi xác xơ và lũ người
khát nước.

* “Này con người, đừng có ảo tưởng, bóng tối, chứ không phải là ánh sáng, mới là màu sắc chủ đạo của cõi nhân gian” - dòng nhận xét này trên bìa bốn Lam Vỹ nghe lạnh người quá. Tôi lại nghĩ không phải đâu, thế giới vẫn tràn ngập ánh sáng và lòng nhân, yêu thương và cứu rỗi…

- Trong bóng tối vẫn có lòng nhân, yêu thương và cứu rỗi. Niềm vui chỉ vỡ òa trong chốc lát, tan theo vành môi nụ cười khác với sự tự tại, an nhiên, thư thái bên trong con người. Bạn tin không, những người hay cười và cười to thường mang nhiều nỗi buồn. Niềm vui như bọt biển, hùng hổ nhưng nhẹ tênh. Nỗi buồn tựa sóng ngầm, lặng sâu ẩn nhẫn tý toái bên trong mình cả cuộc đời.

Góc khuất chứa những bí mật của quá khứ, có thể là niềm đau cũng có thể một nhành khói hạnh phúc thương yêu còn vương lại. Khi mặt trời lên, lúc nào đó tia sáng xuyên qua ký ức rọi vào góc khuất, nhành khói ấy sẽ hiện lên vô cùng rực rỡ. Rực rỡ hơn cả cầu vồng, khiến con người lấp lánh tin yêu…

* Người ta thường nói “văn là người”. Thế nên chị nghĩ sao khi có người nói Ðỗ Hoàng Diệu - cô ấy ngoài đời cũng… ma mị như tác phẩm?

- Một số độc giả ruột của tôi là đạo sĩ. Hôm trước, có vị đọc xong Lam Vỹ rất lấy làm băn khoăn tác giả còn sống còn ăn còn thở hay chỉ là một dạng vật thức của linh hồn người chết ám nhập nơi trần thế. Tôi nghe mà xanh mặt, tự cấu véo mình cả buổi. Chỉ người thân thiết mới biết ngoài đời tôi rất cà tửng, rất “lầy”. Ăn nhiều nói to, đúng bản chất nông dân. Lại nhiều độc giả hỏi khi viết phải chăng tôi đắm chìm theo cảm xúc chẳng còn biết gì thế giới xung quanh.

Thực ra tôi hay vừa nấu cơm vừa trông con vừa nghe nhạc vừa viết. Tất nhiên, nhiều lúc tôi cũng hơi khác người. Ví dụ, có thể ngồi nhìn đăm đăm một điểm trong vài tiếng, hoàn toàn trống rỗng. Không có bất cứ thứ gì trong tim trong não, bên ngoài trời rung đất lở, trai đẹp đến thăm tôi vẫn thản nhiên câm lặng trong thế giới riêng mình. Một thế giới không ánh sáng - bóng tối, không hạnh phúc - khổ đau, không tương lai - quá khứ.

Nha van Do Hoang Dieu: Ngoai doi toi 'ca tung' va rat 'lay'
 

* Phụ nữ hiện đại rất bản lĩnh mà sao nhân vật Thơ của chị đã 28 tuổi mà vẫn dễ dàng trượt ngã quá. Còn tuổi thơ, tuổi trẻ của Ðỗ Hoàng Diệu thì sao, chị đã từng ước mơ gì?

- Ồ, bạn biết không, hồi nhỏ tôi hết mơ thành bác sĩ, diễn viên, công an lại ước đi du học Nga, du học đông Ðức. Rồi thì sao, cuối cùng tôi thành luật gia, ru rú xó thủ đô. Rồi cuối cùng đi ra ngoài là vì... tình. Bao nhiêu người tài, thậm chí thiên tài từ xưa tới nay đã hủy hoại thân thể mình vì tình yêu, chắc mọi người còn nhớ. Lý tưởng, nghề nghiệp, thân thế, giai cấp... không quyết định cách anh yêu thế nào, nếu đó là tình yêu thực sự.

Tôi nghĩ, tình yêu là thứ lớn lao nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nhân vật Thơ ấy mà, cô ấy không đơn thuần đau khổ chỉ vì tình yêu trai gái đâu. Cô ấy sinh ra đã là con của bóng đêm. Bóng đêm từ thân thế người cha, từ quê hương, từ bản năng đàn bà nhạy cảm.

Nếu ngoài đời có một cô Thơ thật, tôi cho rằng cô ấy rất cá tính và bản lĩnh. Cô ấy dám sống dám yêu dám tận hưởng và đón nhận bất hạnh một mình. Nếu tôi đã để cho cô Thơ đứng lên sau khi bị bỏ, ngẩng cao đầu rồi đi du lịch với bạn, rồi bạn khuyên phải cố gắng vượt qua, rồi cô ấy lập tức nhận ra đau khổ vì một thằng đàn ông là vớ vẩn, rồi cô ấy tươi vui tận hưởng cuộc sống... nó sẽ thành mẩu chuyện sau lũy tre làng. Và tạng tôi, cũng chẳng khi nào viết thế. Nhưng suy cho cùng, sách cũng như cái rổ đựng khuy áo của bà hàng xén ấy mà, người mua thích to nhỏ màu mè nào thì lượm cái đó.

Còn tôi ư? 28 tuổi, hạnh phúc cũng lắm mà đau khổ cũng nhiều. Làm tư vấn luật, viết lách lăng nhăng, yêu rồi bỏ, rồi lại yêu người khác... Bình thường một cách không bình thường.

* Và 11 năm qua của chị, kể từ Bóng đè đã tiếp tục ra sao?

- Ðơn giản, bình dị như hàng triệu người vợ người mẹ trên thế giới. Êm đềm tới mức nhiều khi tôi phải kiếm cớ tự tạo sóng gió cho mình. Ngoại trừ nỗi đau mất mát người cha kính yêu của mình, nỗi đau đến giờ vẫn chưa nguôi, cuộc sống của tôi bình lặng đến nhàm chán. Tôi đành trút hết bất hạnh tưởng tượng vào các nhân vật. Những hình ảnh đẹp trên những chuyến đi nhiều cảm hứng lại không phải là phong cách của tôi. Tôi mô tả niềm vui rất kém, nhiều khi không biết mô tả thế nào. Những miền ánh sáng đó để dành cho các bạn.

* Nếu thêm một lần nữa trở lại với độc giả quê nhà, chị nghĩ mình sẽ viết tiếp về điều gì?

- Thường thường, tôi không đặt mục tiêu, tính toán đề tài trước cho một cuốn sách trong tương lai. Nhưng tôi đang viết vài truyện ngắn, vài tùy bút song song với một tiểu thuyết còn dang dở. Tất cả đều buồn, những nỗi buồn đẹp.

* Chị có viết: “Ai không có cô độc, người đó thật bất hạnh”. Vậy có thể suy ra: “Cô độc là
hạnh phúc”?

- Cô độc khác cô đơn. Bạn ở giữa một cuộc vui nhiều người, bạn có thể vẫn cảm thấy cô độc. Gia đình bạn đủ đầy ấm êm, cô độc vẫn ẩn sâu trong tâm hồn bạn. Người ta không bao giờ buộc được mình cô độc, nếu có chỉ là giả vờ, và sự cô độc đó sẽ nhạt hoét. Có những người sinh ra đã mang máu cô độc. Họ may mắn hay bất hạnh, chỉ có họ mới biết. Tôi sống chung với nỗi cô độc dài dài, tôi đã quen. Không có thuốc chữa hoặc nếu có cũng hiếm. Nên tôi hay cười, tôi trêu chọc mọi người, tôi la làng lên rằng ta đây thật sung sướng.

Nha van Do Hoang Dieu: Ngoai doi toi 'ca tung' va rat 'lay'
 

* Có thể chị đi nhiều năm, chưa biết văn học Việt có những dòng chảy đã thay đổi lắm. Một thế hệ người trẻ đang đủ sức làm chủ văn đàn theo nhiều cách. Nhỡ như người trẻ… không đọc Ðỗ Hoàng Diệu?

- Tôi tự hào mà nói mình có nhiều độc giả ruột từ Bóng đè đến bây giờ và các độc giả mới. Và sau khi phát hành Lam Vỹ, tôi phát hiện ra khá đông trong số họ là giáo viên dạy văn hoặc sinh viên văn khoa. Ðiều đó khiến tôi vui, tiếp thêm năng lượng cho tôi viết tiếp. Còn mỗi một người đọc có gu riêng, tôi không thể ép ai đó phải đọc sách của mình, cũng không thể vì chiều lòng ai đó mà viết khác mình đi.

Cứ viết thôi, viết cho vui ấy mà. Còn với bạn viết trẻ, tôi vẫn đọc tác phẩm của những người viết thế hệ sau. Nhưng tất nhiên, đọc theo gu của riêng mình. Ví dụ, tôi thích Phan An, Ðinh Phương, Tru Sa, Trọng Khang... Và oái ăm, những bạn tôi vừa kể trên cũng chưa phải là những cái tên ăn khách trên thị trường sách.

* Không biết chị và gia đình sẽ đón tết Việt như thế nào?

- Chỗ chúng tôi ở hiếm người Việt nên nói thật, tết của tôi khác với ngày thường chỉ là gọi điện về quê hương nhiều hơn. Những năm trước, tôi thường nấu cơm Việt và mời các bạn nước ngoài đến ăn tối. Có thể năm nay cũng vậy.

* Xin cảm ơn chị!

Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI