PNO - Viết sách vào tuổi “cổ lai hy” và ở tuổi 95, nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng trở thành người truyền cảm hứng cho giới trẻ. Cuộc đời bà ở lại trên trang sách, với tất cả vẻ đẹp của lịch sử - văn hóa, tình yêu và thân phận con người.
Xuất hiện với vai trò là đại biểu khách mời tại hội nghị Những người viết trẻ TPHCM lần 5 - năm 2024 (Hội Nhà văn TPHCM tổ chức mới đây), nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng được mọi người yêu thương gọi là “nhà văn trẻ nhất”, vì bà là “gương mặt mới” trên văn đàn và cũng chỉ vừa trở thành hội viên Hội Nhà văn TPHCM vào năm ngoái. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn miệt mài viết sách. Cách đây vài tháng, bà vừa ra mắt tác phẩm mới Khắc đi… khắc đến (Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM). Với bà, viết là cách để được chia sẻ, giãi bày, kết nối thế hệ và quan trọng là viết để không cảm thấy cô đơn với tuổi già.
Nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng nhắn nhủ người viết trẻ hãy học ngoại ngữ để mở rộng tri thức - Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM
Người trẻ đã luôn thấy ở bà một tinh thần tươi trẻ, trí tuệ mẫn tiệp và yêu nghề bằng trái tim thanh xuân, tràn đầy sức sống. Bà nói, người cầm bút không có tuổi. “Khi giữ mãi trái tim thanh xuân thì tôi tin sẽ không có gì giới hạn chúng ta trong sáng tác hay tiếp xúc với cuộc đời này. Các em trẻ hãy luôn học hỏi, trau dồi kiến thức và đặc biệt là học ngoại ngữ để mở rộng chân trời của mình, hội nhập quốc tế” - đó là lời nhắn nhủ của bà dành cho thế hệ trẻ hôm nay. Đó cũng chính là thái độ sống của bà từ thuở đôi mươi, đã không ngừng vượt qua những giới hạn và dấn bước trên hành trình cuộc đời, sự nghiệp. Trong hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… (tác phẩm được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020) cũng như Khắc đi… khắc đến, bà đã cho mọi người thấy cuộc đời phi thường của chính mình. Từ khi còn là cô gái thoát ly gia đình làm cách mạng đến lúc trở thành nhà làm phim tài liệu, rồi mở phòng tranh và đưa tranh Việt ra thế giới, lúc nào cũng thấy ở bà một “tinh thần thép”.
Tinh thần ấy một lần nữa được bà truyền cho thế hệ những người cầm bút mới - lực lượng sẽ góp phần quyết định tương lai của văn học Việt Nam. “Sống tích cực và lan tỏa năng lượng cũng là cách để người cầm bút chống lại sự cô đơn. Các em trẻ đừng để tri thức của mình chỉ ở lũy tre làng. Ta phải vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, tiếp thu tinh hoa các nước khác. Khi đó, các bạn sẽ thấy cuộc đời đẹp hơn rất nhiều” - bà nói. Văn chương Việt với mộng ước “ra thế giới” trong tương lai gần thì việc người trẻ giỏi ngoại ngữ chính là một thế mạnh. Nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng đã đưa tranh Việt ra thế giới bằng hành trình không mỏi, vượt qua biết bao khó khăn. Giờ đây, với văn chương, bà cũng như rất nhiều người cầm bút đi trước đã trao gửi kỳ vọng đó cho thế hệ trẻ.
Các tác phẩm hồi ký của nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng đã xuất bản
Vẻ đẹp của cống hiến và dấn thân
Ở tuổi 95, nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng trở thành “idol” (thần tượng) của nhiều người. Trong mắt những người quen biết, bà luôn đối đãi với mọi người rất giàu tình cảm. Với người được gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ truyền cảm hứng, lại thấy hình ảnh một người già đã sống và làm việc cả cuộc đời bằng trái tim thanh xuân và tinh thần tươi trẻ. Còn với những người đã đọc các tác phẩm của bà là sự khâm phục và ngưỡng mộ một phụ nữ giản dị mà phi thường. Bà viết văn không chỉ cho mình mà còn để lại cho đời sau những câu chuyện chứa đựng cả lịch sử - văn hóa của dân tộc.
“Nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng viết Gánh gánh… gồng gồng… không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả sinh mệnh của trái tim yêu nước thương nòi, là hành trình sáng tạo nghệ thuật không mệt mỏi của bà. Cuốn hồi ký không chỉ là câu chuyện cuộc đời của tác giả mà cách nào đó cũng đồng thời chứa đựng cả số phận của đồng bào mình, dân tộc mình” - nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - nhận định.
Gánh gánh… gồng gồng… đưa người đọc cùng đi qua một dặm trường của nhà văn, với 2 cuộc kháng chiến trường kỳ cho đến thời đổi mới. Từng trang viết cảm động và ấm áp, những câu chuyện có thể khiến người đọc rơi nước mắt mà cũng có thể mỉm cười vì tất cả vẻ đẹp lấp lánh của chữ và của cuộc đời. Trong tất cả những gian truân và cả hiểm nguy sinh tử của đời mình, người phụ nữ can trường ấy chưa bao giờ bỏ cuộc. Một cô gái sinh ra trong gia đình hoàng tộc ở Huế đã chân trần rướm máu hành quân cùng đồng đội trong rừng thẳm. Trên đường đời phải đối diện với biết bao đau đớn vẫn như “cánh chim ngược gió”, kiên cường dấn bước về phía trước.
Trong tập Khắc đi… khắc đến, nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng lại một lần nữa cho người đọc cảm nhận vẻ đẹp của cống hiến và dấn thân. Bà dùng chính cuộc đời mình để trao gửi yêu thương và hy vọng, truyền cảm hứng cho niềm tin và khát vọng. Những trang viết kết nối thế hệ và cũng trao gửi giá trị sâu sắc cho đời sau. Từng dặm trường lặn lội đưa tranh Việt sang một vùng rừng ngập mặn và sa mạc ở Tây Úc để triển lãm khi ở tuổi 85, giờ thì bà vẫn đang tiếp tục có kế hoạch viết tiếp tác phẩm thứ ba của đời mình.