Cuối năm 2019, Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ hai đã trao giải B cho tác phẩm Hùng binh của nhà văn Đặng Ngọc Hưng (Nhà xuất bản Trẻ ấn hành). Đây cũng là tiểu thuyết lịch sử duy nhất được chọn trao giải thưởng danh giá này.
Không nhiều người biết tác giả đã dành trọn sáu năm cho cuốn tiểu thuyết viết về đội hùng binh bảo vệ quần đảo Hoàng Sa từ thời triều Nguyễn.
Tác phẩm được ra mắt tháng 4/2018 tại Hà Nội. Vậy nhưng trong suốt gần hai năm kể từ ngày phát hành, Hùng binh vẫn lặng lẽ trên kệ sách, thậm chí có phần bị độc giả lãng quên - một nghịch lý buồn cho tiểu thuyết lịch sử và người say mê viết thể loại này. Tôi tin, khi đọc Hùng binh của Đặng Ngọc Hưng, bạn đọc sẽ không tiếc thời gian đã dành cho tác phẩm dày hơn 500 trang này.
Tình yêu sử Việt phải xuất phát tự bản thân mỗi cá nhân
Phóng viên: Hai năm sau khi phát hành, Hùng binh có vẻ như chỉ được biết đến khi nhận giải thưởng Sách quốc gia, anh có nghĩ tác giả cũng một phần… có lỗi khi chưa nỗ lực quảng bá, giới thiệu tác phẩm của mình?
Nhà văn Đặng Ngọc Hưng: Tôi nghĩ, xã hội đã phân công mỗi người một nghề. Cá nhân tôi cũng chẳng biết phải làm gì để có thể quảng bá tác phẩm. Tác phẩm không được đón nhận tôi chỉ nghĩ có thể do nội dung sách chưa đủ hấp dẫn người đọc hay do chủ đề lịch sử luôn kén độc giả chăng. Một lý do nữa là sách được bọc kín bằng ni-lông nên bạn đọc không được xem thử, không biết nội dung bên trong viết gì, viết như thế nào để quyết định mua, giá sách lại không hề rẻ.
Thú thực sau khi Hùng binh được xuất bản, tôi cảm thấy khá buồn. Buồn vì không được độc giả đón nhận một phần, nhưng buồn hơn nữa là một cuốn sách có ý nghĩa to lớn và thiết thực về chủ quyền biển đảo lại không được một trang báo nào nhắc đến. Người đọc đã ít mà những người làm báo chuyên về mảng văn học và lịch sử cũng chẳng ai ngó ngàng đến cả.
* Vậy giờ anh có nghĩ mình sẽ mang sách đến với bà con làng An Vĩnh, đảo Lý Sơn nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung? Và kế hoạch giao lưu, trò chuyện cùng học sinh - sinh viên nữa chứ?
- Tôi đang có ý định sẽ sớm quay trở lại Lý Sơn để tự tay dâng cuốn sách Hùng binh trước tượng đài và anh linh các hùng binh Hoàng Sa đồng thời tặng sách cho một số đơn vị bộ đội, trường học ở ngoài đó. Đảo Lý Sơn tôi từng đến vào năm 2016. Mục đích lúc đó chỉ là đi du lịch kết hợp tìm hiểu phương ngữ của người dân Lý Sơn để về hoàn thiện tác phẩm Hùng binh.
Điều kiện công việc cũng như tính cách của mình khiến tôi không có ý nghĩ sẽ truyền bá tác phẩm theo cách đi giao lưu, nói chuyện về cuốn sách ở các trường học. Tôi nghĩ tình yêu sử Việt phải xuất phát tự bản thân mỗi cá nhân. Với một tác phẩm văn học thì càng không thể hô hào người đọc ủng hộ được. Tôi chỉ hy vọng tác phẩm Hùng binh sẽ được một vài cơ quan truyền thông dành cho một góc nhỏ, một thời lượng nhỏ để đăng, đọc tác phẩm của mình nhằm giới thiệu tới đông đảo những người yêu thích lịch sử, yêu thích văn học mà không có điều kiện tiếp cận.
|
Tiểu thuyết Hùng binh - giải B giải thưởng Sách quốc gia lần hai - 2019 |
* Tôi rơi nước mắt nhiều lần khi đọc Hùng binh, còn anh thật sự đã trải qua những khoảnh khắc đối diện với trang viết cùng chính mình như thế nào?
- Tôi rất mừng và xúc động khi nghe bạn nói “rơi nước mắt nhiều lần khi đọc Hùng binh”. Tác phẩm đoạt giải và được nhiều người đọc khen, tôi cảm thấy rất vui, vì ít nhiều cuốn sách cũng có được chút giá trị nhân văn thay vì chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt chính trị. Nhiều người nói với tôi là cái kết đau thương và mất mát quá. Song tôi nghĩ như vậy mới thể hiện được đúng phần nào những nỗi đau và mất mát khi Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm.
Tôi vẫn luôn nghĩ, cha ông chúng ta đã phải mất rất nhiều thời gian, trí tuệ, công sức, máu xương… để có được Hoàng Sa thì phận hậu thế chúng ta không được phép lãng quên. Càng không được chùn bước để đòi lại chủ quyền Hoàng Sa. Sự đấu tranh đó có thể sẽ phải mất nhiều năm, nhiều đời mới đạt được. Nhưng tôi tin khi tất cả mọi con dân Việt Nam đều biết ở ngoài Hoàng Sa kia có máu xương của ông cha ta vẫn còn nằm lại, khi những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn vẫn còn hiện hữu, khi những câu hát ru của người dân Lý Sơn vẫn được hát lên cho con cháu nghe… thì Hoàng Sa vẫn mãi mãi là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.
Sáu năm cho Hùng binh
* Nhưng anh nghĩ sao, nếu có ý kiến cho rằng các đoạn viết về tình yêu, tình cảm gia đình, tình thương của dân làng với đội hùng binh Hoàng Sa vẫn chưa đủ truyền tải sâu sắc nhất sự rung cảm…
- Nhận xét đó là hoàn toàn chính xác. Trong tác phẩm, tôi mới chỉ tập trung dẫn dắt người đọc đi theo những cánh buồm lẻ loi, những dấu chân thầm lặng, những gian nan vất vả... của đội hùng binh theo lệnh của triều đình Đại Nam đi làm nhiệm vụ ngoài đảo xa nên những tình cảm của người dân cù lao Ré với đội hùng binh mới chỉ dừng lại ở hình ảnh của những người đàn bà trầm lặng “ít nói, hiếm khi cười”...
* Hỏi thật, bản thảo tác phẩm này có bị… kiểm duyệt nhiều hơn anh nghĩ không?
- Trong tác phẩm Hùng binh hầu như không có chi tiết nào gây tranh cãi hoặc bị hư cấu một cách phi thực tế nên cũng không bị kiểm duyệt nhiều. Ngay từ đầu tôi vẫn nghĩ tác phẩm này sẽ được ủng hộ thay vì kiểm duyệt. Viết về lịch sử đã khó, viết về Hoàng Sa lại càng khó hơn bởi không thể tiếp cận được thực tế trong khi cần phải viết một cách chính xác về địa chất, địa hình, điều kiện tự nhiên...
Đây là cuốn sách góp phần đấu tranh để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, nếu anh viết mà không dựa trên thực tế thì sẽ bị chê cười, thậm chí sẽ bị phản tác dụng. Nhiều chi tiết biên tập viên hỏi tôi lấy từ nguồn tư liệu nào để thẩm định lại thông tin. Tôi nghĩ cẩn thận như vậy là cần thiết cho một cuốn sách viết trực diện về Hoàng Sa. Tôi mất ba năm để viết và cũng gần ba năm nữa để cùng biên tập viên nhà xuất bản Trẻ thẩm định và chuyển phương ngữ.
|
Nhà văn Đặng Ngọc Hưng cùng gia đình trong một lần đến đảo Lý Sơn vừa du lịch vừa trải nghiệm thực tế sáng tác |
Tiếp tục với Bình minh Đại Việt
* Một nghịch lý của xuất bản hiện nay là tác phẩm hay đôi khi bị bỏ quên, ngược lại sách có nội dung không xuất sắc mấy nhưng lại nổi đình nổi đám nhờ PR. Anh nghĩ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam cần có những yếu tố “cần và đủ” như thế nào để đủ sức làm cuộc “lội ngược dòng” đến công chúng?
- Tiểu thuyết lịch sử nói chung luôn kén người đọc và thường không mang lại lợi nhuận cho nhà xuất bản nên cũng không được chú trọng đầu tư. Từ thực tiễn hai lần ra sách (trước đó, nhà văn Đặng Ngọc Hưng từng xuất bản tiểu thuyết lịch sử Bạch Đằng dậy sóng - PV), tôi thấy chủ đề lịch sử không được số đông độc giả đón nhận. Điều này phần nào làm giảm đi sự hưng phấn của các tác giả và vơi đi bầu nhiệt huyết của các nhà xuất bản.
Làm sách cũng là kinh doanh nên tôi cho rằng PR sách cũng là một hình thức hay chứ không có gì phải chê trách cả. Tiểu thuyết lịch sử cũng chỉ là một tác phẩm văn học, anh không thể làm gì ngoài việc phải có một nội dung câu chuyện đủ sức hấp dẫn để lôi cuốn người đọc. Còn điều kiện đủ thì lại không thuộc về tác giả mà thuộc về các nhà xuất bản, các đơn vị truyền thông. Các đơn vị này cần ủng hộ bằng cách giới thiệu, quảng bá tác phẩm, định hướng độc giả... Có như vậy may ra mới đủ sức để làm cuộc “lội ngược dòng” cho dòng sách này.
* Tôi cho rằng Hùng binh rất cần được chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài, thậm chí là chuyển thể thành phim. Anh nghĩ điều này trong tương lai gần liệu có khả quan?
- Điều này chỉ có trong suy nghĩ và mong ước của cá nhân tôi, còn thực hiện được hay không phải có người có đủ cả tâm và tầm thì mới làm được.
|
Tiểu thuyết Bạch Đằng dậy sóng |
* Anh từng viết cuốn Bạch Đằng dậy sóng nhưng trên bìa gấp tiểu thuyết Hùng binh lại không có thông tin về những tác phẩm trước đây. Vì sao lại “giấu mình” đến vậy?
- Tôi có cố tình giấu mình gì đâu. Thực ra thì bản thảo cuốn sách Hùng binh ban đầu cũng không được thuận lợi cho lắm. Tôi từng viết thư đề nghị được tặng bản thảo cuốn sách này cho UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) song cũng không nhận được hồi âm. Vậy nên khi được nhà xuất bản Trẻ nhận in, tôi mừng lắm, từ đó tôi chỉ làm theo các hướng dẫn của nhà xuất bản chứ không dám đòi hỏi gì cả (cười).
* Anh bắt đầu tìm hiểu và viết về lịch sử từ khi nào? Những hiểu biết về lịch sử đã thay đổi nhận thức của anh ra sao?
- Tôi bắt đầu nghiệp viết khá muộn, mãi năm 35 tuổi (2007) khi đó do điều kiện công việc phải làm xa nhà hơn 50km (nhà văn Đặng Ngọc Hưng học chuyên ngành xây dựng, hiện đang làm tại phòng Xây dựng của công ty TNHH Quốc tế Vinata (Nhật Bản - PV). Mỗi ngày đi về tôi phải ngồi trên ô tô từ 4 đến 5 giờ đồng hồ. Quãng thời gian đó trong một ngày quả là rất nhiều nên tôi chợt có ý nghĩ phải tranh thủ để làm một việc gì đó. Và không việc gì thích hợp hơn viết. Tôi có thể tranh thủ khoảng thời gian đó để đọc, suy nghĩ và sắp xếp câu chuyện.
Tôi không dám nhận mình là người hiểu biết về lịch sử mà chỉ là người yêu thích lịch sử. Sau khi xuất bản cuốn Bạch Đằng dậy sóng và được Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM đọc trong chương trình Đọc truyện đêm khuya, tôi nhận thấy việc làm của mình ít nhiều cũng có ích cho cộng đồng. Từ đó, tôi tự cảm thấy mình phải có trách nhiệm hơn với xã hội, với dân tộc Việt. Sẵn có một chút hiểu biết về lịch sử nên tôi tự giao nhiệm vụ cho bản thân là phải viết một cuốn sách về Hoàng Sa.
* Những đề tài lịch sử nào anh hiện vẫn ấp ủ?
- Tôi viết hai cuốn tiểu thuyết lịch sử và đều được các nhà xuất bản chọn in nên cũng có tự tin để viết tiếp. Nhưng từ khi Hùng binh đoạt giải đến giờ, tôi lại có chút e dè vì sợ người đọc kỳ vọng rồi biết đâu sẽ thất vọng ở tác phẩm kế tiếp. Hiện nay, tôi đã hoàn thành bản thảo tác phẩm mới có tựa là Bình minh Đại Việt. Nội dung viết về mâu thuẫn giữa Kiều Công Tiễn với Ngô Quyền cùng trận Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938. Tuy nhiên, cũng giống như hai lần trước, tôi đang một mình âm thầm tìm nhà xuất bản để thẩm định và ấn hành.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
|
Nhà văn Đặng Ngọc Hưng (thứ hai từ trái sang) nhận giải thưởng Sách quốc gia |
“Theo lệnh của triều đình Đại Nam, mỗi năm làng An Vinh ở cù lao Ré phải cấp đủ bảy mươi người để sung đội hùng binh Hoàng Sa, họ phải chia ra làm năm đội đi trên năm chiếc ghe câu trực chỉ Hoàng Sa để làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ mà triều đình giao cho họ bao gồm rất nhiều công việc như: thu lượm các sản vật từ các ghe thuyền bị đắm, săn bắt hải sản quý hiếm, do thám, canh giữ các đảo, các bãi cát dài ở ngoài biển khơi, nắm bắt và trình báo về hoạt động của toán cướp biển, cứu giúp thuyền bé đánh cá hoặc các thuyền buôn đi qua khu vực đó nếu không may gặp nạn…
Năm 1820, khi vua Gia Long băng hà, con trai Ngài lên nối ngôi lấy niên hiệu là Minh Mạng, vua Minh Mạng cũng đã tiếp tục duy trì công việc tổ chức cai quản Hoàng Sa của vua cha, thông qua việc cho hải quân đồn trú, tiến hành thu thuế, bảo vệ ngư dân… Điều này khẳng định quần đảo Hoàng Sa trên biển Đông là một phần lãnh thổ thiêng liêng, mãi mãi không thể chia lìa của quốc gia Việt Nam” - trích đoạn mở đầu giới thiệu về đội hùng binh trong tác phẩm.
|
Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)
ảnh: T.Q.