Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: “Thế giới "Truyện Kiều" sẵn sàng dung nạp những sáng tạo mới”

24/11/2020 - 16:39

PNO - "Truyện Kiều tự kể'', tác phẩm artbook cảm tác từ "Truyện Kiều'', Cao Nguyệt Nguyên viết lời kết hợp cùng minh họa của 12 họa sĩ, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành mới đây, đưa các nhân vật vốn gắn liền với hình ảnh ước lệ bước vào đời sống thực qua góc nhìn của những người trẻ.

Thách thức của Truyện Kiều tự kể không chỉ nằm ở phần tranh, mà còn ở phần lời được cảm tác. 12 họa sĩ là những cái tên không mấy xa lạ trong cộng đồng minh họa như: KAA Illustration, Hoàng Giang, Thùy Duy, Lê Đức Hùng, Vườn Illustration… Họ cùng tạo nên sinh khí mới cho một tác phẩm văn chương trung đại. 

Phóng viên: Chiếc áo mới Cao Nguyệt Nguyên khoác cho Truyện Kiều, một tác phẩm quá đỗi quen thuộc, là gì?

Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: Truyện Kiều tự kể tiếp cận Truyện Kiều ở một phương diện hoàn toàn khác. Ở đây, không có sự quy chụp, không bị bất kỳ rào cản nào ngoài sự sáng tạo và cảm nhận của người viết. Mỗi nhân vật được thoát khỏi những khuôn hình ước lệ trước kia để bước ra thế giới thực, được nói lên suy nghĩ rất đời và rất người. Nhân vật cũng có những mặt tốt xấu, cũng so bì hơn thiệt…

Tác giả Cao Nguyệt Nguyên
Tác giả Cao Nguyệt Nguyên

Quan trọng là người viết phải hóa thân và hiểu được nhân vật của mình, với những hỉ, nộ, bi, ai của kiếp người, để nhân vật bộc bạch chiều sâu suy nghĩ, tâm tư nội tại của họ. Tôi nghĩ, điều thú vị ở tác phẩm này chính là cá tính sáng tạo, là góc nhìn độc lập của những người trẻ, dựa trên nền tảng một tác phẩm đã quen thuộc và nổi tiếng.

* Làm thế nào có thể tạo nên sự tương ứng, hài hòa giữa phần lời và phần hình khi có đến 12 họa sĩ thực hiện?

-Khi viết, thực ra tôi không bị cuốn vào việc làm thế nào để viết sao cho phù hợp với minh họa. Tôi cứ viết thật tốt phần “truyện”, tức là làm sao hóa thân vào nhân vật một cách tuyệt đối nhất và toàn vẹn về cảm xúc. Nếu cứ bị phân tâm họa sĩ vẽ gì, thì vô tình sẽ bị gò ép và làm giảm sức sáng tạo của mình. 

Đối với phần minh họa của 12 họa sĩ, chúng tôi không ràng buộc hay quy định là phần chữ và phần hình phải thống nhất toàn vẹn một cách cứng nhắc. 12 họa sĩ là 12 gam màu riêng biệt không hòa lẫn. Mỗi tác phẩm minh họa cũng là một sự hóa thân của họa sĩ vào chính nhân vật. Truyện Kiều tự kể là tác phẩm có hai lần hóa thân, từ tác giả phần lời và từ các họa sĩ minh họa.

* Với Cao Nguyệt Nguyên, trong quá trình cảm tác Truyện Kiều, đã có những bất ngờ, hoặc những mở rộng nào về chiều sâu tư tưởng?

- Khi bước vào thế giới nhân vật của Truyện Kiều, tôi ngẫm ra được nhiều điều. Đó không chỉ là ý niệm về cuộc đời, về nhân tình thế thái, mà còn trong cách sáng tạo của mình. Tôi thấy thế giới nghệ thuật vô cùng bao dung và rộng mở. Thế giới ấy sẵn sàng dung nạp những khám phá, và thử nghiệm cái mới. Thế giới ấy nói với chúng tôi rằng: “Nào, hãy biến đổi! Hãy khác lạ!”. Đó luôn là lời cổ vũ tuyệt vời nhất đối với những người trẻ trên dặm đường chữ nghĩa.

* Khía cạnh thứ hai của việc làm mới chính là phản ứng thái quá từ số đông - vốn đã quen mắt với những định danh, định hình được đặt để. Bạn chuẩn bị tâm thế ra sao trước những phản ứng này?

- Trước khi bắt tay vào dự án, tôi đã có nhiều suy tư và trăn trở. Không phải tôi sợ dư luận, sợ độc giả không chấp nhận một tác phẩm mới với giọng văn gai góc. Cũng không phải tôi sợ họ bàng hoàng khi thấy những nhân vật quen thuộc vốn đã được định hình đẹp đẽ trước kia giờ trở nên méo mó. Thậm chí, tôi còn nghĩ, nếu độc giả phản ứng thái quá khi đọc Truyện Kiều tự kể, có lẽ đó cũng là một thành công đối với tác phẩm.

Hình ảnh trong sách Truyện Kiều tự kể do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành
Hình ảnh trong sách Truyện Kiều tự kể do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành

Điều tôi sợ nhất, là liệu mình có đủ sức sáng tạo và khả năng để hóa thân vào 12 nhân vật của tác phẩm không? Nói thật là mỗi lần hóa thân vào một nhân vật, tôi phải chìm đắm và suy nghĩ làm sao để sống với họ, để hiểu họ, thấm nỗi đau của họ. Việc này khá cực nhọc với người cầm bút. Phải mất một khoảng thời gian “xả vai” khỏi nhân vật này để bước vào một thế giới nhân vật khác. Đây là cuốn sách tôi dành khá nhiều tâm huyết, nội lực và thời gian. 

* Điều gì ở Truyện Kiều thôi thúc và thu hút một người viết trẻ như bạn đến vậy?

- Truyện Kiều luôn là tác phẩm đặc biệt ở khả năng mời gọi những sáng tạo và thể nghiệm mới mẻ của người làm nghệ thuật. Việc cảm tác Truyện Kiều với tôi không đơn thuần là được sống lại những kỷ niệm cá nhân, nhớ lại lần đầu được cầm quyển truyện thơ trên tay. Dự án là một sự mời chào, một thử thách đầy thú vị. Một tác phẩm mà khi bước vào, tôi có được mảnh đất, không gian để thỏa sức sáng tạo, sự tự do vô biên trong thế giới nghệ thuật, được thể hiện cá tính của mình, và được “lên đồng” cùng với nhân vật, thì còn mong gì hơn. 

* Cảm ơn nhà văn Cao Nguyệt Nguyên. 

Lê Phan (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI