* Anh có từng nghĩ sẽ khai thác yếu tố sex trong các tác phẩm lịch sử?
- Hoàn toàn không. Một cuốn sách hay, thu hút cần nhiều yếu tố khác. Không phải cứ mang sex vào là sẽ gây sự chú ý hay làm nên sức hấp dẫn. Khởi viết Bảo kiếm và giai nhân từ 4 năm trước, tôi chỉ có một thôi thúc duy nhất: đặt mình vào tâm thế của thái hậu Dương Vân Nga để thấu hiểu, chia sẻ với các nhân vật lịch sử.
Bao đời nay hậu thế vẫn lên án bà đã dâng ngai vàng của triều Đinh cho Lê Hoàn, nhưng trong bối cảnh đầy nguy nan và biến động như vậy, một người phụ nữ có con nhỏ như bà giữa chốn ba quân liệu có thể làm gì khác hơn? Bằng góc nhìn ấy, tôi đã cố gắng liên kết các nhân vật lịch sử sống cùng thời Thái hậu, từ triều Ngô đến Đinh-Tiền Lê.
|
Nhà văn Bùi Anh Tấn
|
* Nếu cho rằng Thái hậu Dương Vân Nga có tư tình với phó vương Lê Hoàn, thì trong tiểu thuyết dã sử nhà văn vẫn có quyền hư cấu, thêm thắt miêu tả cảnh nóng, chẳng hạn?
- Lịch sử là những câu chuyện, nhân vật, sự kiện có thật. Còn tiểu thuyết lịch sử được hình thành hoàn toàn dựa vào quá trình cảm nhận, suy luận chủ quan của nhà văn – tất nhiên vẫn dựa trên nền tảng sử liệu.
Nhà văn Bùi Anh Tấn nổi tiếng với những tác phẩm viết về người đồng tính, nhưng bên cạnh đó anh cũng tạo dấu ấn với nhiều tiểu thuyết lịch sử: Bí mật hậu cung, Đàm đạo về Điều ngự giác hoàng, Nguyễn Trãi (gồm hai tập Oan khuất và Bức huyết thư – đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh cùng tên của ĐD Victor Vũ).
Anh cũng vừa cho ra mắt tiểu thuyết Bảo kiếm và giai nhân, viết về Thái hậu Dương Vân Nga (sách do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành).
|
Chính sử chỉ là những cuốn sách biên niên, còn bù đắp vào khoảng trống cảm xúc, số phận của các nhân vật là nhiệm vụ của các nhà văn sau này. Nhà văn sẽ cho các nhân vật được yêu, được sống một cuộc đời riêng, có tâm tư, cả sự thấu hiểu…
Lịch sử được soi chiếu bởi những góc nhìn. Tôi cho rằng nhà văn luôn được quyền sáng tạo, nhưng còn sáng tạo tới đậu lại là lựa chọn riêng của từng người. Có người chỉ viết về những trận đánh, người khác lại khai thác cuộc đời riêng của các nhân vật sử…
Về phần mình, tôi không chọn khai thác yếu tố sex. Không riêng Bảo kiếm và giai nhân mà các tiểu thuyết sử trước đây của tôi cũng vậy. Viết tiểu thuyết lịch sử chỉ có thể gọi là vì đam mê, nếu không bản thân người viết sẽ rất khó vượt qua hết những gian nan thử thách với thể loại này.
Tôi cũng không viết tiểu thuyết lịch sử để đánh bóng tên tuổi hay cố tình câu khách. Văn chương thiếu gì cách để khắc họa nhân vật, đầu cần phải dùng đến sex để miêu tả tính cách một con người.
|
Tác phẩm mới nhất của Bùi Anh Tấn: Bảo kiếm và giai nhân
|
* Anh nhìn nhận thế nào về những tranh cãi “sex trong sách sử” dạo gần đây?
- Quan điểm của 1, 2 người viết không thể thay thế được quan điểm chung cho tất cả người viết văn. Tôi có thể không thích, nhưng bạn, người khác thích thì sao. Lịch sử luôn để lại những góc nhìn, những tranh luận cho hậu thế. Tích cực là khi chúng ta chứng minh được góc nhìn của mình bằng những dẫn chứng thuyết phục.
Dân mình xưa nay vốn luôn xây hình tượng danh nhân, vĩ nhân. Cho nên tác phẩm khai thác góc nhìn khác, phản biện hoặc miêu tả làm xấu đi hình ảnh người xưa là thế nào cũng bị phản ứng. Nhưng tranh cãi cũng để những người viết sách sử cẩn trọng hơn và nhìn nhận lại nghiêm túc quá trình sáng tác của mình.
* Anh có đọc Chim ưng và chàng đan sọt của nhà văn Bùi Việt Sỹ chứ?
- Nhiều người cũng hỏi ý kiến tôi về việc này. Thực tâm mà nói, tôi chỉ… biết cười thôi. Nhận xét một tác phẩm chỉ qua 2 trang sách như nhiều người thì không nên, tôi chỉ có thể nói là tôi không thích cách miêu tả cảnh nóng của hai nhân vật Trần Khánh Dư và công chúa Thiên Thụy trong Chim ưng và chàng đan sọt.
Cá nhân tôi cho rằng khai thác yếu tố sex trong tác phẩm văn học không khó, chỉ khác ở cách nhà văn thể hiện. Có người miêu tả… lộ thiên ra, người viết hình tượng hơn sau bức rèm, hoặc sử dụng âm thanh chẳng hạn. Quan trọng là cách viết đủ giàu sức gợi cảm hay ngược lại, sẽ trở thành thô thiển, phản cảm.
|
Tiểu thuyết lịch sử luôn đòi hỏi người viết thái độ cẩn trọng, cân nhắc và có trách nhiệm
|
* Theo anh, điều khó khăn nhất khi viết tiểu thuyết lịch sử là gì?
- Đó là tìm nguồn sử liệu. Chính sử chỉ có những sự kiện, số liệu được ghi chép rất ngắn gọn. Dựa vào những thông tin ít ỏi đó, nhà văn phải tạo cho nhân vật những số phận, tính cách, đời sống riêng. Nhà văn buộc phải đọc rất nhiều tư liệu sử để có thể thẩm thấu, kết nối các dữ kiện. Nếu không có sự đam mê và nhẫn nại, tôi cho rằng sẽ rất dễ bỏ cuộc. Viết tiểu thuyết lịch sử là đương đầu với khối tư liệu sử không lồ mà bản thân người viết phải biết cách xử lý khéo léo, và phải thận trọng.
* Xin cảm ơn anh!
Sex trong sách sử - thường bị lên án
Tiểu thuyết lịch sử ở lại trong lòng độc giả nhờ cách khắc họa nhân vật cùng kiến thức, góc nhìn của nhà văn mà trên hết vẫn là các giá trị nhân bản. Yếu tố sex chỉ là thứ yếu, không cần thiết và cũng không nên khai thác. Nếu không khéo sẽ trở thành phản tác dụng, giảm giá trị tác phẩm.
Không riêng Chim ưng và chàng đan sọt (bị dư luận phản ứng gần đây), hầu như tác phẩm nào hư cấu nhân vật quá đà theo kiểu dung tục, trần trụi hóa nhân vật lịch sử đều bị chỉ trích: Trở về Lệ Chi Viên (Nguyễn Thúy Ái), Tây Sơn bi hùng truyện (Lê Đình Danh)…
Văn học sử ngày càng khởi sắc khi không chỉ các nhà văn đi trước mà nhiều cây bút trẻ cũng đã chọn viết đề tài này. Tác phẩm hay sẽ ở lại bằng những giá trị riêng mà không cần đến yếu tố sex. Nói theo nhà văn Lưu Sơn Minh (người đã dành 8 năm để viết tiểu thuyết lịch sử Trần Khánh Dư), ông chỉ chấp nhận hư cấu trong trường hợp tác phẩm khai thác kiểu tâm lý tình cảm nhân vật chung chung, còn với nhân vật có thật trong lịch sử thì không.
“Nghiêm túc, trách nhiệm, thận trọng và trân trọng lịch sử” là những tính từ mà nhà văn Lưu Sơn Minh đã dành về tiểu thuyết lịch sử. Đây cũng chính là những giới hạn cần với người cầm bút.
|
Diệp Nguyễn