edf40wrjww2tblPage:Content
Nhưng, Nguyễn Tuân vẫn trả lời tôi trên đài rất cẩn thận và khúc chiết. Mãi sau này, Nguyễn Tuân mới biết Anh Đức chính là Bùi Đức Ái. Những bức thư của tôi và Nguyễn Tuân, sau này tôi tập hợp in thành sách tựa đề Bức thư Cà Mau".
Có thể nói hai tác phẩm hay nhất của Anh Đức là Một chuyện chép ở bệnh viện được chính anh chuyển thể thành kịch bản phim truyện Chị Tư Hậu do đạo diễn (ĐD) Phạm Kỳ Nam thực hiện và tiểu thuyết Hòn Đất do ĐD Hồng Sến thực hiện thành phim Hòn Đất. Anh Đức nói: “Trong bộ phim Chị Tư Hậu, ĐD Phạm Kỳ Nam chuyển tải hết ý nghĩa toàn câu chuyện. Tôi đánh giá rất cao khả năng diễn xuất của diễn viên Trà Giang. Trà Giang thể hiện nhân vật chị Tư Hậu rất tốt’’.
Liên hoan phim quốc tế Matxcơva, Trà Giang nhận giải thưởng diễn viên nữ xuất sắc nhất. Về phim Hòn Đất, Anh Đức cũng thẳng thắn nhận xét: “Tôi chưa hài lòng về bộ phim này. Có một số chi tiết tôi và ĐD Hồng Sến có chút sai lệch. Tuy nhiên, về tổng thể, bộ phim đã chuyển thể được ý trong tác phẩm Hòn Đất. Diễn viên Hiệp Định đóng vai chị Sứ, thường hay ghé qua nhà tôi, nhờ tôi tham vấn, nhưng tôi cảm thấy chị có vẻ không hợp với vai này cho lắm”.
Viết về Anh Đức, tôi không thể không nói về chị Mộng Loan - vợ anh. “Hồi đó tôi làm công tác thư viện trong Hội Nhà văn Việt Nam, quen thân nhà thơ Chế Lan Viên và nhiều nhà văn nhà thơ khác, trong đó có nhà văn Bùi Đức Ái. Thế rồi duyên số khiến chúng tôi yêu nhau. Nhưng rồi anh ấy lại tình nguyện trở vào Nam chiến đấu”. Mối tình của họ bắt đầu như thế.
Cuộc chiến chống Mỹ ở miền Nam tiếp tục kéo dài, chị Mộng Loan nghĩ, hai năm nữa họ sẽ cưới nhau, nhưng bốn năm sau không thấy người yêu quay về như lời hẹn ước. Trong khi đó, là người đọc bản thảo tiểu thuyết Hòn Đất đầu tiên của nhà văn Anh Đức gửi thẳng ra Hà Nội cho ông Tố Hữu, đọc xong, chị làm đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Sau những tháng vượt Trường Sơn gian nan, chị tập kết tại căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Rồi họ cưới nhau ở chiến khu Miền Đông tại Tiểu ban Văn nghệ Giải phóng. Và một đứa con trai chào đời trong chiến khu Tây Ninh.
Trong đời thường, Anh Đức sống chuẩn mực, giản dị, được mọi người kính nể. Anh là một trong những nhà văn Nam bộ được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhiều văn nghệ sĩ quý mến anh như nhà văn Lê Văn Thảo, nhạc sĩ Hoài Mai, GS-NGND Trần Thanh Đạm. Có điểm đặc biệt, khá lạ lùng mà chỉ văn học mới có thể tạo nên từ hình tượng hư cấu trong tác phẩm văn học. Từ cô Phan Thị Ràng có thật, trong tiểu thuyết Hòn Đất, nhân vật do nhà văn hư cấu với tên là chị Sứ. Thế nhưng khi tôi về thăm Hòn Đất thì đồng bào nơi ấy vẫn gọi mộ chị Ràng là mộ chị Sứ.
Trong phim Những ngày ở Bảy Núi tôi đã ghi hình người em trai chị Phan Thị Ràng đang là đội trưởng du kích Bảy Núi. Những ngày hòa bình tôi gặp lại anh đang là Thường vụ Tỉnh ủy An Giang. Anh Đức kể: “Khi tôi viết tiểu thuyết lấy nguyên mẫu từ sự kiện, nguyên mẫu có thật mà tôi nghe kể lại, theo suy nghĩ cá nhân tôi là đã hư cấu. Ấy vậy mà tôi đã gặp khó khăn nhiều khi nhiều người cứ nghĩ chị Sứ rồi cả bà Cà Xợi không thể có một thằng con trai tàn bạo như Đại úy Xăm. Thật ra bà Cà Xợi và chị Sứ cũng chỉ là nhân vật do tôi hư cấu mà thôi”.
Riêng với tôi, anh Anh Đức là người hướng dẫn tôi trong những bước đầu vào nghề văn chương trong chiến khu Miền Đông. Nhớ có lần, tôi gửi anh một truyện ngắn gần như bút ký tôi viết ở chiến trường đồng bằng sông Cửu Long. Những tưởng anh chỉ xem qua. Trong một buổi uống trà sáng cùng anh Hoài Mai, Lê Văn Thảo, Trang Thế Hy, Nguyễn Chí Hiếu, Diệp Minh Tuyền… anh Anh Đức không nói gì mà chỉ ngồi im lắng nghe cả nhóm luận bàn chuyện thời sự trên chiến trường như thường ngày. Khi ai nấy vui vẻ rời bàn trà, anh Anh Đức ngồi nán lại, kín đáo đặt vào tay tôi lá thư viết tay dài hai trang giấy. Một bản góp ý văn chương tình nghĩa, chân tình và chi tiết. Tôi vẫn còn giữ bản viết tay ấy đến tận bây giờ.
Những ngày anh bệnh nặng tưởng không qua khỏi. Vậy rồi anh hồi sinh, sống lặng lẽ, rời bỏ mọi chức trách, tránh gặp gỡ mọi người. Mỗi ngày anh Anh Đức vẫn trao đổi qua điện thoại với nhạc sĩ Hoài Mai, người bạn thủy chung, thân tình nhất của anh. Nghe tin anh Anh Đức tạm khỏi bệnh, nhiều lần vợ chồng tôi ghé nhà thăm. Anh nói chậm, hơi khó nghe nhưng anh vẫn nhớ kỹ những hồi ức cũ.
Thế rồi cách đây không lâu, tôi đến gặp anh xin phép ghi vài hình ảnh. Cô con gái anh dù quen biết tôi nhưng ngần ngại không muốn báo tin tôi đến. Thế nhưng khi nghe tôi đến, anh và chị vui vẻ mở rộng cửa mời tôi vào phòng khách. Những lời tôi ghi chép trên đây, chính xác từng chữ một, không ngờ lại là những lời kể cuối cùng của anh Anh Đức. Vô cùng thương tiếc anh, nhà văn Anh Đức.
Đạo diễn LÊ VĂN DUY