Lấp “lỗ hổng” chính sách cho trẻ khuyết tật học hòa nhập - Bài 2:

Nhà trường “tự bơi”, giáo viên áp lực

06/10/2022 - 06:00

PNO - Đa phần nhà trường và giáo viên dạy trẻ khuyết tật chưa được hỗ trợ bài bản về cơ sở vật chất và đào tạo chuyên môn.

Sau 20 năm, TP.HCM đã có hơn 680 trường tiếp nhận học sinh hòa nhập. Tuy vậy, đa phần nhà trường và giáo viên dạy trẻ khuyết tật chưa được hỗ trợ bài bản về cơ sở vật chất và đào tạo chuyên môn.

Giáo viên phải tra... Google

Cô C.H. - giáo viên văn một trường THPT ở Q.4 - cho biết, dù dạy hòa nhập nhiều năm nay nhưng cô không được đào tạo chuyên môn về trẻ khuyết tật. Thời gian qua, thành phố có tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn nhưng đa phần dành cho lãnh đạo và cán bộ chủ chốt. Sau đó mới triển khai xuống giáo viên - những người trực tiếp đứng lớp. Bởi vậy, giáo viên chủ yếu tự mò mẫm, tìm tòi, rồi bằng tình thương, trách nhiệm để hỗ trợ các em. Dần dần, qua thời gian, qua nhiều lứa học sinh khuyết tật, thầy cô tự tích cóp thêm kinh nghiệm cho mình. 

Chuyên viên tư vấn, đánh giá để đưa ra phương pháp hỗ trợ cho học sinh khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM - ẢNH: PHÙNG HUY
Chuyên viên tư vấn, đánh giá để đưa ra phương pháp hỗ trợ cho học sinh khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TP.HCM - ẢNH: PHÙNG HUY

Bảy năm trước, khi lần đầu làm giáo viên chủ nhiệm lớp có một học sinh khuyết tật, cô C.H. lo lắng đến “mất ăn, mất ngủ”, trăn trở không biết làm thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho em. Cô hỏi người này người kia, kết hợp tra... Google để tìm kiếm thông tin. “Với những học sinh khuyết tật sau này, tuy đã bớt bỡ ngỡ nhưng tôi vẫn gặp không ít áp lực. Bởi, mỗi em là một dạng khuyết tật khác nhau, mức độ khác nhau nên giáo viên vẫn phải mày mò để tìm phương pháp dạy phù hợp cho từng em” - cô chia sẻ.

Tiếp nhận 22 học sinh hòa nhập trong năm học 2022-2023, bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường

Các giáo viên mầm non phải được học chuyên sâu về phát hiện và can thiệp sớm đối với các loại khuyết tật, vì đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Tại TP.HCM có hơn 3.200 học sinh khuyết tật nặng phải học chuyên biệt, nhưng trong đó chỉ có 419 trẻ được can thiệp sớm.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh

tiểu học Phú Thọ (Q.11) - kể: Giáo viên vô cùng vất vả, dạy một trẻ khuyết tật đầu tư công sức bằng dạy cả chục em bình thường, vì nhiều trẻ không những trí tuệ hạn chế mà hành động đôi khi tự phát, không kiểm soát. Tuy vậy, chế độ hỗ trợ cho thầy cô chỉ mang tính động viên. Giáo viên cũng không được đào tạo chuyên môn, kỹ năng để dạy trẻ khuyết tật. Do đó, thời gian qua, nhà trường chủ động mời giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm TP.HCM về tập huấn để thầy cô có thêm kiến thức và sự tự tin dạy hòa nhập.

Trường THPT Giồng Ông Tố (TP.Thủ Đức) cũng tiếp nhận 24 học sinh hòa nhập trong năm học này. Ông Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, với sĩ số cao, hơn 45 em/lớp nên việc phải tiếp nhận thêm học sinh khuyết tật tạo rất nhiều áp lực cho giáo viên. Đặc biệt, đối với khối lớp Mười năm nay, các thầy cô rất quá tải khi bắt đầu triển khai chương trình mới.

Trông chờ vào chữ tâm của giáo viên chưa đủ

Là trường đi đầu trong công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ mầm non, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường mầm non 8 (Q.3) - cho biết: Tại trường, hiệu trưởng không bố trí phòng riêng mà chỉ kê bộ bàn ghế làm việc ở góc phòng họp chung. Bởi, trường luôn muốn tận dụng mọi không gian làm thêm các phòng tâm vận động, phòng hỗ trợ cá nhân, phòng tiền học đường... cho học sinh khuyết tật. 

Năm nay tiếp nhận 42 học sinh hòa nhập, nhưng bà Nguyễn Thị Lan Anh luôn đau đáu mở rộng thêm không gian đón nhận trẻ khuyết tật. “Dù đã vào năm học vẫn có phụ huynh đưa con đến xin học hòa nhập, trong khi trường đã quá tải không thể tiếp nhận thêm. Nhìn dáng vẻ người mẹ, người cha đến tìm cơ hội học hòa nhập cho con nhưng bị chối từ, thực sự tôi rất chạnh lòng. Họ vào đây với niềm hy vọng và ra về với tâm trạng nặng nề. Do đó, trường luôn mong muốn mở rộng thêm phòng học, mở thêm cơ hội cho các em” - bà chia sẻ. 

Để làm tốt công tác hòa nhập, vị hiệu trưởng và một số giáo viên tự bỏ tiền túi học thêm bằng thạc sĩ, cử nhân chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Đồng thời, trường cũng cố gắng tiết kiệm chi phí, dành nguồn tài chính tuyển thêm sáu giáo viên có chuyên môn giáo dục đặc biệt để chăm sóc, giảng dạy hiệu quả cho các em. Hiện nay, trường đang tận dụng một phần hành lang để sửa chữa, bố trí thêm phòng tâm vận động. Nếu tính toán về lợi ích, việc mở thêm phòng học để tiếp nhận học sinh bình thường sẽ có lợi cho trường hơn là đầu tư các phòng chức năng vốn chiếm nhiều diện tích. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, những phòng chức năng sẽ giúp trẻ khuyết tật học hòa nhập tiến bộ lên từng ngày. Nhiều em sau một thời gian có thể theo học trường bình thường, từ đây đã có em học lên đại học, đó là động lực lớn nhất cho đội ngũ nhà trường.

Ông Lê Thái Minh Hầu - nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5) - người đầu tiên đưa mô hình học sinh hòa nhập vào trường tiểu học từ năm 2002 - chia sẻ: “Thời điểm đó, trường chủ động đầu tư cơ sở vật chất như phòng tâm vận động, phòng hỗ trợ cá nhân để có thể giáo dục tốt nhất cho trẻ khuyết tật. Có năm chúng tôi tiếp nhận hơn 180 em khuyết tật từ khắp TP.HCM và các địa phương. Các giáo viên rất vất vả, áp lực nhưng luôn tâm huyết, mỗi cô “ôm” thêm 5-6 em khuyết tật. Tuy vậy, theo quy định, mỗi lớp chỉ tiếp nhận tối đa hai em và dù có dạy nhiều hơn thì giáo viên cũng chỉ được nhận hỗ trợ với mức hai em/lớp. Còn đối với lãnh đạo các trường thì không có chế độ gì. Do đó, phải nhìn nhận, để làm tốt công tác giáo dục hòa nhập, chủ yếu trông chờ vào cái tâm của người giáo viên, lãnh đạo”.

Hiện nay, sau một thời gian ông Lê Thái Minh Hầu nghỉ hưu, phòng tâm vận động ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản không còn, số học sinh hòa nhập cũng giảm đáng kể. Theo ông, nếu không có chiến lược dài hơi mà trông chờ vào sự nỗ lực của một vài cá nhân, thì rất khó hiện thực hóa chủ trương giáo dục hòa nhập một cách dài lâu và trên diện rộng. Thực sự, các thầy cô làm tốt công tác giáo dục hòa nhập hiện nay đều xuất phát từ cái tâm. Thế nhưng, nếu chỉ với cái tâm thôi thì rất khó đi được đường dài. Do đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ bài bản về cơ sở vật chất, đào tạo chuyên môn và có chế độ tương xứng cho đội ngũ làm giáo dục hòa nhập. 

Giáo dục hòa nhập còn nhiều khó khăn

Hiện TPHCM có hơn 680 trường mầm non, phổ thông (trong tổng số hơn 2.400 trường) nhận học sinh khuyết tật và có hơn 6.300 giáo viên (trong tổng số hơn 73.000 giáo viên) dạy hòa nhập. Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - đánh giá công tác giáo dục hòa nhập còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành giáo dục đặc biệt còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân sự thực tế tại địa phương, nhất là với trường có nhiều học sinh khuyết tật học hòa nhập. Số học sinh khuyết tật ngày càng tăng, do vậy áp lực về sĩ số và cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu về chỗ học. Ngoài ra, thành phố thiếu hụt các điều kiện phục vụ cho từng dạng tật, như thiết bị dạy học, phương tiện sinh hoạt, phòng hỗ trợ hòa nhập...

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh - nguyên Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt Trường đại học Sư phạm TPHCM:

Đưa giáo dục đặc biệt thành môn bắt buộc khi đào tạo giáo viên

Trước đây, khi thực hiện đề tài nghiên cứu về trẻ khiếm thính học hòa nhập tại Trường tiểu học Hồ Thị Kỷ (Q.10), chúng tôi đề xuất và triển khai một số phương tiện hỗ trợ giáo viên giảng dạy (như máy trợ thính, hệ thống ký hiệu, cử chỉ). Đồng thời, hướng dẫn giáo viên phương pháp dạy học, điều chỉnh hình thức bài kiểm tra, đánh giá phù hợp với loại hình khuyết tật. Qua một thời gian, việc học hòa nhập của các em khiếm thính tại trường có hiệu quả hơn rất nhiều. Như vậy, việc trang bị phương tiện hỗ trợ và đào tạo chuyên môn cho giáo viên là hết sức cần thiết để việc dạy trẻ khuyết tật thực sự hiệu quả, giảm bớt áp lực cho thầy cô cũng như học sinh.

Chủ trương và các quy định pháp luật hiện nay đều xác định giáo dục hòa nhập là hình thức giáo dục chính dành cho người khuyết tật. Như vậy, cần phải tính đến việc đưa giáo dục đặc biệt thành một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo giáo viên.

Phương Thanh

Bài cuối: Kiến nghị sửa Luật Người khuyết tật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI