Nhà trường phải giúp nạn nhân mạnh dạn lên tiếng

12/09/2023 - 08:20

PNO - Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM - cho rằng, rất khó chấm dứt hoàn toàn tình trạng bạo lực học đường, nhưng có thể giảm thiểu thông qua sự can thiệp của nhà trường.

Phóng viên: Theo ông, hậu quả lo ngại nhất của bạo lực học đường là gì? Vì sao tình trạng này vẫn xảy ra thường xuyên dù luôn được xã hội quan tâm, tìm cách ngăn chặn?

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp: Ngoài những ảnh hưởng về sức khỏe thể chất của nạn nhân, cả người đi bắt nạt lẫn bị bắt nạt đều sẽ bị rối nhiễu về tâm lý. Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến bạo lực học đường. 

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM

Về chủ quan, do văn hóa và gia đình áp đặt quan niệm, tâm lý lên học sinh. Trong xã hội Việt Nam, người lớn thường bắt nạt người nhỏ tuổi, cha mẹ thường không lắng nghe, không chia sẻ mà thường mắng chửi, đánh đập khi răn dạy con. Quan niệm “thương cho roi cho vọt” gần như in sâu vào tâm thức của người lớn và cả trẻ nhỏ. Những đứa trẻ bị bắt nạt, bị bạo lực trong gia đình rất dễ rơi vào trạng thái ức chế về tâm lý và chúng cần tìm nơi để “xả” nỗi ức chế này. Chúng tấn công bạn bè hoặc những người yếu thế hơn. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất.  

Về khách quan, xảy ra bạo lực học đường là do quy định, quy tắc của các trường học còn lỏng lẻo, thiếu ổn định hoặc chưa có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời, nhất là về mặt tâm lý. Mầm mống của bạo lực học đường có thể đã có sẵn trong người đứa trẻ, nhưng nếu điều kiện bên ngoài không thuận lợi thì việc này sẽ khó xảy ra hoặc khó lặp lại nhiều lần. 

* Đa số vụ bạo lực học đường được phát hiện khi có hậu quả nghiêm trọng hoặc có clip bị phát tán trên mạng, rất hiếm khi nạn nhân hoặc bạn bè của nạn nhân dám tố cáo với thầy cô. Vì sao như vậy, thưa ông?

- Số vụ bạo lực học đường mà chúng ta biết được thông qua clip chỉ là con số nhỏ so với thực tế. Vẫn còn rất nhiều trường học, thầy cô bao che hoặc giải quyết không triệt để những sự vụ liên quan đến bạo lực học đường do sợ ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của nhà trường. Chính vì vậy, tình trạng bắt nạt cứ tiếp diễn và nạn nhân khó lòng nói ra sự thật. 

Việc bạn bè không dám tố cáo là do họ phân tích cái lợi, cái hại và nhận ra rằng, một là mình không liên quan, hai là những kẻ bị tố cáo cũng chẳng bị kỷ luật hay xử lý, ba là mình có nguy cơ trở thành đối tượng bị bắt nạt nếu mọi chuyện bại lộ. Hơn nữa, số người bắt nạt và người bị bắt nạt ở các lớp cũng chỉ là thiểu số. 

Nói tóm lại, khi nạn nhân và bạn bè không lên tiếng, chúng ta không nên đổ lỗi hoàn toàn cho họ mà nên xem lại cách quản lý, xử lý của nhà trường.

* Vậy, làm sao để học sinh mạnh dạn tố cáo thay vì phải sống trong sợ hãi khi bị bắt nạt, hành hung?

- Về lâu dài, nhà trường nên tổ chức giáo dục kỹ năng sống để các em biết cách tự bảo vệ mình. Còn biện pháp trước mắt và hiệu quả nhất là nhà trường phải cho học sinh thấy được rằng, các em đang được bảo vệ tuyệt đối chứ không phải là nói ra rồi vẫn bị đánh tiếp. Giáo viên chủ nhiệm là người hiểu rõ và đứng ra xử lý bạo lực học đường nhưng nếu nhà trường không cho phép xử lý mạnh tay thì họ cũng chỉ nhắc nhở mà thôi. 

Như vậy, để hỗ trợ các học sinh bị bắt nạt, nhà trường cần có những biện pháp, hình thức xử lý đối tượng bắt nạt phù hợp. Bên cạnh đó, học sinh gây bạo lực và bị bạo hành đều cần được hỗ trợ về tâm lý. Tất nhiên, nhà trường cần có phòng tư vấn, có chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm và kiến thức để tư vấn đúng, an toàn, hợp tình hợp lý.

* Xin cảm ơn ông. 

Trang Thư (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI