“Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng thông tư mới thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT, trong đó có đề xuất vị trí việc làm tư vấn học sinh (tức là có biên chế làm công tác tư vấn ở học đường)”. Ông Phạm Hùng Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM.
|
Ông Phạm Hùng Anh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
*Phóng viên: Trong năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) rất quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý học đường, và đã nêu bảy nhiệm vụ trọng tâm của công tác này ở các trường học. Tuy vậy, lâu nay, vẫn không có biên chế làm công tác này. Vậy theo ông, làm thế nào để công tác này đạt được hiệu quả?
- Ông Phạm Hùng Anh: Ngày 31/8, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 4252/BGDĐT-GDCTHSSV gửi UBND các tỉnh, thành về tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh, trong đó nêu bảy nhiệm vụ trọng tâm cụ thể.
Trong các giải pháp nhằm tăng cường hỗ trợ và tư vấn tâm lý cho học sinh, yếu tố con người luôn được coi là then chốt. Do đó, nhiệm vụ thứ năm đã mở ra rất nhiều lựa chọn cho các địa phương, nhà trường trong việc xây dựng đội ngũ làm công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Đó là mở ra cơ chế tự chủ, cho phép các trường hợp đồng với các chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp, hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ và tư vấn tâm lý có uy tín.
Các chuyên viên hoặc dịch vụ này sẽ phối hợp với đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ chuyên trách tư vấn trong nhà trường để phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh một cách kịp thời, bảo mật và hiệu quả. Nguồn ngân sách để hợp đồng (thuê) các chuyên viên tư vấn tâm lý chuyên nghiệp có thể lấy từ ngân sách địa phương, xã hội hóa từ phụ huynh học sinh, sự tham gia của các cơ sở giáo dục đào tạo ngành tâm lý, công tác xã hội, từ các nhà hảo tâm.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã và đang triển khai một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh như đã nêu trong Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
* Khi không có chuyên viên tư vấn tâm lý học đường chuyên nghiệp thì các trường nên tổ chức sắp xếp như thế nào để hoạt động này đạt hiệu quả cao, thưa ông?
- Đối với các trường chưa có phòng tư vấn tâm lý, cán bộ phụ trách tư vấn tâm lý thì giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cần quan tâm, chú ý đến các dấu hiệu tổn thương sức khỏe tâm thần của học sinh và phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ. Nhà trường cũng cần quan tâm khảo sát, sàng lọc để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe thể chất, tâm lý của học sinh; phối hợp các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng để đối phó với những vấn đề tâm lý.
Các trường cần phối hợp với các cơ sở GD-ĐT trong việc thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ giáo viên chuyên trách công tác tư vấn tâm lý học đường, có chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với đội ngũ này.
Các trường có năng lực tự chủ có thể bố trí vị trí việc làm theo diện hợp đồng cho nhân sự phụ trách hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh; huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hoạt động này, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan để huy động nguồn lực nhằm triển khai hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường.
* Thưa ông, về lâu dài, giải pháp của ngành giáo dục cho vấn đề này là gì?
- Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng văn hóa học đường; nghiên cứu, rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT, trong đó xem xét bố trí cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông phù hợp điều kiện thực tiễn của các trường.
Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường tại các cơ sở giáo dục; đa dạng hóa các hình thức và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học phù hợp với nhu cầu và bối cảnh xã hội; hoàn thiện và ban hành các tài liệu dành cho đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường; tổ chức tập huấn, khảo sát về tư vấn tâm lý cho học sinh.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng thông tư hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập để thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT và dự kiến ban hành vào tháng 11/2022.
Trong đó, có đề xuất vị trí việc làm tư vấn học sinh (đảm nhận nhiệm vụ tư vấn tâm lý học đường). Các cơ sở giáo dục được bố trí một người trong trường hợp đủ biên chế, trường hợp không đủ biên chế thì bố trí kiêm nhiệm hoặc ký hợp đồng lao động.
* Xin cảm ơn ông.
Hồng Ân (thực hiện)