Nhà trọ thân thiện, an toàn cho phụ nữ và trẻ em - Bài cuối: Nâng chất lượng sống cho nữ công nhân

18/02/2025 - 06:20

PNO - Tháng 10/2024, Hội LHPN TPHCM đã trao giải thưởng Nguyễn Thị Định - TPHCM cho mô hình “Nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” của Hội LHPN quận Bình Tân nhằm công nhận những nỗ lực của đơn vị này trong việc tạo ra môi trường sống an toàn, thân thiện cho đông đảo nữ công nhân, lao động và con em họ.

Cùng với hàng trăm khu nhà trọ xanh - an toàn - nghĩa tình khắp các quận huyện, Hội LHPN TPHCM đã nhân rộng 74 mô hình nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại quận Bình Tân và huyện Hóc Môn. Hội phụ nữ các cấp đã cùng các câu lạc bộ, tổ, nhóm nữ chủ nhà trọ nỗ lực để tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em tại các khu trọ, khu lưu trú công nhân, giúp họ an tâm sinh sống, làm việc và đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Bài 1: Khu trọ không để trẻ em bỏ học

Bài 2: Những khu trọ nói “không” với cái xấu

Trong nỗ lực chăm lo cho lực lượng nữ công nhân, lao động tại các khu nhà trọ, các cấp hội phụ nữ ở TPHCM không ngừng xây dựng thêm nhiều “Khu trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ, trẻ em”. Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, bà Nguyễn Thị Ngọc Linh - Phó chủ tịch Hội LHPN thành phố - cho hay:

- Với đặc thù của đô thị đặc biệt, TPHCM đã thu hút đông đảo lao động nhập cư, đặc biệt là lao động nữ. Qua trao đổi, nắm bắt tình hình tại các khu nhà trọ, chúng tôi nhận thấy sau giờ làm việc, trở về các khu trọ, khu lưu trú, chị em ít có điều kiện để vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động để nâng cao kiến thức, kỹ năng...

Trong khi đó, phụ nữ và trẻ em tại các khu nhà trọ lại đối mặt với nhiều nguy cơ bạo lực gia đình, xâm hại, mua bán người, tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, hội đã gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với nữ công nhân lao động, nữ chủ nhà trọ. Nữ công nhân thì e ngại tham gia phong trào phụ nữ. Nữ chủ nhà trọ thì thiếu nhiệt huyết, điều kiện, cũng như sự đồng cảm, thấu hiểu với những khó khăn của người thuê trọ. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chưa đồng bộ khi phối hợp các ban ngành, đoàn thể để chăm lo. Công tác vận động các mạnh thường quân có lúc còn khó khăn...

Đại hội Đại biểu phụ nữ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2016-2021 xác định việc thực hiện đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú - nhà trọ” là 1 trong 5 công trình trọng điểm. Mục tiêu của đề án là trang bị cho 50.000 nữ công nhân, lao động khu lưu trú, nhà trọ các kiến thức pháp luật, kỹ năng cần thiết để hội nhập đời sống đô thị, đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và thành phố.

Kết thúc nhiệm kỳ, có trên 52.000 nữ công nhân lao động được tiếp cận đề án. Nhưng thành công của đề án không chỉ là chuyện vượt mục tiêu đặt ra về con số mà quan trọng hơn là đã nhận được sự tham gia tích cực của công nhân lao động, các nữ chủ nhà trọ và sự chủ động của các cấp hội. Từ đề án, những mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em tại các khu lưu trú, nhà trọ đã được các cấp hội phát huy, phát triển bằng những cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Trong đó, mô hình “Nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” là một điển hình.

Khu trọ của chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng - quận Tân Phú - thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người ở trọ - ẢNH: DIỄM TRANG
Khu trọ của chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng - quận Tân Phú - thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người ở trọ - Ảnh: Diễm Trang

Phóng viên: Cụ thể, hội đã làm thế nào để có được những điểm sáng tích cực trên?

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh: Các cấp hội phụ nữ ở TPHCM đã trải qua một hành trình dài với nhiều nỗ lực để cùng chị em nữ công nhân - lao động tạo ra môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho chính họ. Khi tổ chức các hoạt động hướng đến nữ công nhân - lao động, ngoài việc phải thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền để phù hợp với khả năng tiếp nhận của chị em, hội còn phải đa dạng hóa các hoạt động để nội dung gắn với quyền lợi và sự quan tâm của chị em.

Cụ thể là hội đã tập trung vào việc trang bị kiến thức cho chị em về tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, kỹ năng tự vệ trước các tình huống có thể xảy ra, kiến thức tiền hôn nhân… theo từng đối tượng, lứa tuổi thích hợp để thu hút chị em tham gia.

Tập hợp nữ công nhân nhà trọ không dễ, nhưng nhiều cơ sở hội đã chủ động thành lập các mô hình hoạt động thiết thực, phù hợp với thực tế, như các mô hình câu lạc bộ (CLB) Nữ chủ nhà trọ, Chi - tổ hội nữ công nhân lao động.

Từ mô hình này, hội phụ nữ các cấp đã xây dựng lực lượng nòng cốt và kêu gọi họ đồng hành trong việc chăm lo nữ công nhân. Những năm qua, vai trò của nữ chủ nhà trọ thực sự đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ người thuê trọ. Không dừng lại ở chuyện chăm lo dịp lễ tết, các nữ chủ nhà trọ còn đang cùng hội từng bước tiến tới xây dựng nhiều hơn những khu trọ an toàn, thân thiện.

Các CLB Nữ chủ nhà trọ, Chi - tổ hội nữ công nhân lao động vẫn chủ động phối hợp hội phụ nữ duy trì sinh hoạt định kỳ gắn với các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nữ công nhân nhà trọ. Điều này giúp tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa nữ công nhân lao động với nhau, giữa chủ nhà trọ với người ở trọ, cùng nhau xây dựng những khu trọ văn hóa, văn minh, nghĩa tình.

Tính đến tháng 8/2024, chỉ riêng tại quận Bình Tân và huyện Hóc Môn, hội đã nhân rộng 74 mô hình nhà trọ an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em bên cạnh các khu nhà trọ xanh, nhà trọ “5 không, 3 có”, nhà trọ tình thương... ở khắp các quận huyện.

Song song đó, các cấp hội đã thành lập và duy trì hoạt động của 158 CLB, tổ, nhóm nữ chủ nhà trọ với 4.006 thành viên; 184 CLB, tổ nữ công nhân nhà trọ với 3.495 thành viên; xây dựng 87 chi hội nữ công nhân lao động với 3.326 hội viên; 1 tổ chức hội cơ sở và 12 chi tổ hội phụ nữ tại các doanh nghiệp với 466 thành viên.

* Theo bà, “Nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” đã mang lại những sự đổi thay như thế nào trong đời sống cũng như nhận thức, hành động của chị em nữ công nhân và nữ lao động khi đến TPHCM làm việc và sinh sống?

- Mô hình không chỉ góp phần tạo dựng môi trường sống an toàn, đáp ứng một phần nhu cầu về tinh thần, vật chất của nữ lao động nhập cư mà còn từng bước thay đổi nếp sống, nếp nghĩ của những người ở trọ trong việc chung tay cùng chính quyền thành phố xây dựng nếp sống văn minh, nghĩa tình. Ngày càng có nhiều nữ công nhân - lao động nhà trọ tham gia các hoạt động văn hóa, hoạt động đoàn thể tại các địa phương.

Có thể thấy, nhận thức, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của lực lượng nữ công nhân lao động tại TPHCM ngày càng được nâng cao. Họ đã chủ động hòa nhập, chủ động tiếp cận với công nghệ thông tin, chuyển đổi số, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thích ứng nhanh với nhịp sống hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh (bìa trái) - Phó chủ tịch  Hội LHPN TPHCM - tặng quà tết cho nữ công nhân, người lao động, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn - ẢNH: P.THƯƠNG
Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh (bìa trái) - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - tặng quà tết cho nữ công nhân, người lao động, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: P.Thương

* Hội LHPN TPHCM có kế hoạch gì để nhân rộng mô hình “Nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” cũng như tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của nữ công nhân, nữ lao động ở các khu nhà trọ trong thời gian tới?

- Chúng tôi đã định hướng, chỉ đạo Hội LHPN TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động rà soát tình hình nữ công nhân lao động và các khu nhà trọ tại địa phương để đánh giá những thuận lợi, khó khăn nếu triển khai mô hình, từ đó có cách thực hiện phù hợp. Chúng tôi hết sức đề cao sự quan tâm và chủ động tăng cường xã hội hóa, phát huy vai trò nòng cốt của nữ chủ nhà trọ, mạnh thường quân, doanh nghiệp tại các địa phương bên cạnh việc tăng cường các giải pháp chăm lo, đồng hành cùng các khu nhà trọ trong quá trình thực hiện.

Tháng 10/2024, Hội LHPN TPHCM đã trao giải thưởng Nguyễn Thị Định - TPHCM cho mô hình “Nhà trọ an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” của Hội LHPN quận Bình Tân nhằm công nhận những nỗ lực của đơn vị này trong việc tạo ra môi trường sống an toàn, thân thiện cho đông đảo nữ công nhân, lao động và con em họ. Giải thưởng cũng đã định hướng rõ ràng trong việc nhân rộng mô hình ra các quận, huyện khác.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của nữ công nhân, nữ lao động nhà trọ, chúng tôi cũng quan tâm xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội cơ sở nhằm kịp thời nắm bắt, phản ánh, hỗ trợ những khó khăn, nguyện vọng của nữ công nhân, lao động.

Ngoài ra, hội sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động bằng các loại hình sinh hoạt nhẹ nhàng, vui tươi, sôi nổi, hấp dẫn nhằm thu hút sự tham gia của nữ công nhân lao động, nữ chủ nhà trọ. Hiện nay, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh mô hình tập hợp nữ công nhân, lao động trên không gian mạng do các cấp hội quản lý.

* Xin cảm ơn bà.

Thu Lê (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI