Nhà trọ đìu hiu vì công nhân mất việc

31/08/2023 - 06:17

PNO - Những ngày đầu tháng Tám, chúng tôi đến “thủ phủ nhà trọ” ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM, cách Công ty TNHH PouYuen Việt Nam khoảng 2km. Tại đây, hàng loạt khu nhà trọ cho thuê đang rơi vào cảnh ảm đạm chưa từng có sau đợt cắt giảm lao động của các công ty.

Loay hoay với ổ khóa gỉ sét khoảng vài phút, chị Huỳnh Thị Thu - (38 tuổi) quản lý khu trọ ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân - mới mở được cửa phòng. Chị cho biết, khu trọ có tổng cộng 28 phòng, nhưng 19 phòng bỏ không hơn nửa năm nay. Mỗi tuần chị đều phải lên mở cửa để quét dọn cho phòng thông thoát, tránh mùi ẩm mốc. Dãy trọ có 3 tầng thì cả tầng 3 đóng cửa, mạng nhện giăng ở cửa ra vào.

Mỗi ngày, chị Lê Thị Tùng đều ngóng trông người đến thuê trọ - ẢNH: TỪ LAI
Mỗi ngày, chị Lê Thị Tùng đều ngóng trông người đến thuê trọ - ẢNH: TỪ LAI

Theo lời chị Thu, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân - “thủ phủ phòng trọ công nhân” chưa bao giờ ảm đạm thế này. Các dãy trọ gần khu công nghiệp, trước đây luôn kín người, còn bây giờ thì biển “cho thuê phòng” treo khắp các tuyến đường. Nhiều tấm biển treo từ lâu, đã bạc màu, được chủ trọ lấy xuống sơn đậm rồi treo lên lại. “Công nhân giờ còn chẳng có tiền ăn, lấy đâu tiền thuê trọ” - chị Thu nói. 

Trong 3 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê ước tính có gần 294.000 lao động phải nghỉ hoặc giãn việc do doanh nghiệp thiếu đơn hàng. Một số doanh nghiệp sử dụng lượng lao động lớn tiếp tục bị giảm đơn hàng. Điển hình là 2.358 lao động đã không được Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TPHCM) tái ký hợp đồng. Mất việc và cũng không thể tìm được việc làm khác, từng tốp công nhân tạm biệt chị Thu để về quê. “Những ngày công nhân chưa nghỉ việc, vào khoảng 21g khu trọ đông nghẹt, còn bây giờ chập tối đã vắng ngắt. Nhìn cảnh này đau lòng lắm” - chị Thu tâm sự.

Gần đó, dãy phòng trọ với 26 phòng của bà Nguyễn Thị Sáu (55 tuổi) cũng chung cảnh ngộ. Bà Sáu thầu khu trọ rồi cho công nhân thuê ở để kiếm sống. Mỗi tháng, bà phải trả cho chủ hơn 10 triệu đồng. “Đợt này khó khăn quá, tôi chủ động giảm giá thuê trọ cho công nhân để cầm cự, nhưng cũng chẳng ai thuê. Mới đây, công nhân trả một lúc 7 phòng” - bà Sáu rầu rĩ.  

Chị Lê Thị Tùng (44 tuổi) cũng đang ngồi trên đống lửa bởi 10/25 phòng trọ của chị đang trống. Cầm cuốn sổ nợ trên tay, chị Tùng cho hay nhiều lao động thuê trọ mua hàng thiếu, bỏ về quê không trả. “Trong cuốn sổ này cũng cả mấy chục triệu đồng tiền công nhân nợ tôi. Nhưng giờ họ ở tứ xứ mình biết đâu mà đòi” - chị Tùng bộc bạch. 

Theo lời kể của chị Tùng, những chiều cuối tuần trước đây khu trọ như “ong vỡ tổ” với hàng trăm công nhân ra vào. Khoảng 16g15, chợ Bà Hom và chợ Lộ Tẻ cách đó 350m đông kín người, ra chợ phải nhích từng chút một, công nhân phải tranh nhau mới mua được hàng tươi. Họ về nấu ăn trước sân, hát karaoke đến tận tối. Hơn 1 năm nay, hẻm 58 vắng lặng, các dãy trọ như bỏ hoang, chỉ lác đác vài công nhân đi về.

Ông Nguyễn Trí Hùng - Trưởng khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân - cho biết, hiện nay số lượng công nhân ở khu phố giảm 1/3 so với trước đây (từ 22.000 nhân khẩu giảm xuống còn 14.000 nhân khẩu), nguyên nhân chủ yếu do các công ty cắt giảm đơn hàng. 

Buôn bán cầm cự chứ không mong có lời

Trên tay bưng chồng đĩa khách vừa ăn xong, chị Hà Thị Thơm - 43 tuổi, chủ tiệm cơm ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân - nói với chúng tôi như trút nỗi lòng: “Tôi buôn bán cơm ở đây chủ yếu cho công nhân mà họ về quê nghỉ hết rồi. Bình thường, buổi trưa khách đông nghẹt, bây giờ vắng tanh. Lúc trước, mỗi ngày bán hơn 1 triệu đồng, giờ còn chưa được một nửa”. Rồi chị đưa mắt nhìn đồng hồ, đã hơn 12g mà lượng khách vào quán chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Tôi cố gắng cầm cự để trả tiền sinh hoạt, chứ không mong có lời” - chị Thơm than thở. 

Cách đó không xa, quầy nước của ông Tô Văn Tài cũng không khá hơn. Ngồi đếm lại số tiền đã bán được trong buổi sáng, ông nhíu mày: “Ế lắm, sáng giờ chỉ bán được 1 ly nước mía. Tôi ngồi đây chỉ đuổi ruồi".

Từ Lai-Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI