“Nhà trẻ” của nội

09/02/2017 - 11:16

PNO - Tuổi gần chín mươi, không còn sức để ẵm bồng từng đứa, dù vậy, bà vẫn chăm tốt đàn cháu.

Ông mất, để lại cho bà nội 16 người con, trong đó có ba đứa con nuôi. Hỏi vì sao nhà đông con còn nhận nuôi thêm, nội nói thời chiến tranh, thỉnh thoảng trong làng lại có gia đình trúng đạn bom chết hết, chỉ còn lại trẻ con. Thương chúng bơ vơ, ông bà nhận nuôi, coi như con ruột.

“Nha tre” cua noi
 

Một đời chăm con, về già, nội dành hết thời gian cho đám cháu chắt. Lúc nào dưới mái ngói năm gian thân thuộc ấy cũng có hơn chục đứa cháu lớn nhỏ. Hễ có đứa nào đến tuổi đi nhà trẻ mà cha mẹ còn nhiều lo toan chuyện cơm áo, bà đều bảo đưa chúng đến cho bà, để đỡ được phần nào những khoản phí.

Tuổi gần chín mươi, không còn sức để ẵm bồng từng đứa, dù vậy, bà vẫn chăm tốt đàn cháu. Nội “huấn luyện” những đứa lớn chăm nom đứa nhỏ hơn. “Nhà trẻ” của bà đủ mọi lứa tuổi, từ choai choai hiếu động đến mấy đứa chắt còn chưa biết nói. Đông vui rộn ràng nên ngoài giờ học, đám cháu đang là học sinh cấp III cũng luân phiên phụ giúp.

Nội lập quỹ để “trả lương” cho những đứa cháu hăng hái, được việc. Làm ăn khấm khá, bác Tư, bác Sáu và bác Bảy, ba người con nuôi, ủng hộ quỹ thường xuyên nhất. Có đứa cháu nói cảm giác thật sung sướng khi cầm tiền bà đưa, vì đó là đồng tiền đầu tiên trong đời chúng tự tay kiếm được.

Cạnh nhà nội là nhà cô Thu, con người bạn thân của bà khi xưa. Con gái cô Thu qua đời sau cơn vượt cạn, con rể lấy vợ mới, để đứa cháu ngoại cho cô nuôi. Nhà nghèo, cô Thu nhiều bệnh tật vẫn phải gửi cháu ở một nhà trẻ tư nhân để đi làm. Thấy tội, nội bảo mang cháu sang, bà sẽ trông giùm, hoàn toàn miễn phí. Thỉnh thoảng, bà còn cho cháu cô Thu nào sữa nào bánh. Bà bảo, tuy ngày xưa không trực tiếp nuôi dưỡng cô Thu, nhưng bà luôn thương cô, như con cái trong nhà.

Năm nay, nội trải qua hai lần bệnh nặng. Muốn bà được nghỉ ngơi, cô Út khuyên mọi người tự lo cho gia đình của mình, nghĩa là không ai được phép để nội trông trẻ nữa. Những ngày bà nằm dưỡng bệnh, nhà cửa yên ắng lạ lùng. Trong cơn sốt, nội mê sảng gọi tên hết đứa này đến đứa khác, hỏi chúng đã phơi quần áo, lau nhà, tắm các em chưa... Cô Út òa khóc. Cô nói cả đời bà cực với đàn con đông đúc, đến tuổi này sao còn quá nhiều lo toan, bao giờ tâm trí bà mới thật sự được thảnh thơi?

Qua mấy ngày nằm vùi, bà dần hồi phục. Câu đầu tiên bà hỏi mọi người là mấy đứa nhỏ đâu hết rồi. Khi nghe quyết định của cô Út, nội đùng đùng nổi giận. Bà bắt cô phải gọi điện từng nhà, gom đàn cháu về đầy đủ như trước kia. Út giận dỗi, bảo vì bà không nghe lời nên từ đây về sau sẽ không thèm về nhà bà nữa. Nói thì nói vậy thôi, thế nào vài hôm sau Út cũng sẽ đến với vẻ tươi cười hớn hở. Trong đàn con, bà thương Út nhất. Hai mẹ con vì thương nhau nhiều nên cũng giận nhau hoài. Dù vậy, chẳng bao giờ bà và cô làm mặt lạnh được quá một tuần.

Bà đã khỏe, gian ngói cũ lại ồn ào tiếng trẻ con. Đối với cháu, ngôi nhà này, góc sân này, cả cái dáng còng bé nhỏ của nội, tất cả thân thương biết bao. Từ nơi này, ký ức tuổi thơ của cháu thấm đẫm những kỷ niệm. Cháu và các anh chị em họ đã lớn lên ở đây, với sự chăm sóc thương yêu của bà nội.

Sau tụi cháu là lớp em út nhỏ hơn một chút, rồi lớp nữa, lớp nữa... Sự bao dung thương yêu ấy bây giờ còn dành cho cả những đứa cháu cố. Miệt mài với đám trẻ nhỏ, nhưng chưa bao giờ thấy bà than mệt, than ngán, chưa bao giờ nghe bà có ý định nghỉ ngơi.

Nội nói người già không có nhu cầu ngủ nhiều. Bà thường thức giấc giữa đêm về sáng, nằm đó và không thể nào ngủ tiếp được. Khoảng thời gian thanh vắng ấy đối với nội rất dài, rất quạnh quẽ. Bà chỉ mong nó qua nhanh, mặt trời lên, để bà được bận rộn với cháu con. Tuy cực nhưng vui, ồn ào quen rồi. Lúc nào im lặng quá lại đâm ra khó chịu.

Loay hoay chăm con cháu khiến bà thấy tuổi già bớt cô độc quạnh quẽ, thấy bản thân có ích. Làm việc khiến nội cảm giác vẫn khỏe mạnh, thấy mình vẫn chưa già lắm. Bà ngồi nhẩm tính, với từng ấy đứa nhỏ phải đi nhà trẻ, mỗi tháng sẽ tốn hơn hai chục triệu đồng. Để chúng cho bà trông vừa đỡ mất tiền, vừa vui vẻ thoải mái. Dưới sự điều động của nội, con cháu trong họ chăm sóc nhau, vừa tận tình vừa gắn kết yêu thương.

Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI