‘Nhà trẻ’ cho người già ở Nhật Bản: Nơi các cụ ông cụ bà thả sức 'chơi bời'

21/07/2017 - 06:00

PNO - Ở một quốc gia không chấp nhận cờ bạc như Nhật Bản, trung tâm chăm sóc ban ngày mang tên Dịch vụ Ngày Las Vegas (DSLV) có các bàn chơi mạt chược và máy đánh bạc để “trông giữ” các khách hàng lớn tuổi.

Khách hàng đến DSLV bằng những chiếc limousine đen bóng, trình hộ chiếu VIP cho nhân viên.

Bên trong, tòa nhà được trang trí bằng những đèn chùm pha lê và giấy dán tường hai màu đen và vàng, đèn nhấp nháy quanh những chiếc máy đánh bạc và những âm thanh sòng bài vui tai chờ đợi người chơi.

DSLV trông giống như một sòng bạc thương mại, nhưng thực ra đây là một trung tâm chăm sóc ban ngày dành cho người cao tuổi ở Nhật Bản, được khai trương năm 2014.

‘Nha tre’ cho nguoi gia o Nhat Ban: Noi cac cu ong cu ba tha suc 'choi boi'
Các khách hàng đang chơi mạt chược - Ảnh: Lien Foundation

Sáng kiến lập ra trung tâm theo mô tip sòng bài xuất phát từ chuyến đi thực tế của ông Kaoru Mori, giám đốc điều hành DSLV đến Las Vegas, Hoa Kỳ.

Tại casino MGM Grand, ông Mori rất ngạc nhiên khi thấy một số lớn khách hàng lớn tuổi.

"Họ đặt cược nhỏ thôi - chỉ 10 đến 15 đô la, nhưng tất cả đều ăn vận chỉn chu và tâm trạng vui vẻ”, ông nói.

Giám đốc Mori nói: "Sự già đi của dân số là một vấn đề lớn Nhật Bản đang phải đối mặt, nước này hiện có khoảng 6.22 triệu người già cần được chăm sóc”.

Ý tưởng của ông nhắm đến việc tạo ra một “sân chơi” để cho người già có lý do đi ra ngoài.

Đó là một bước đi táo bạo của người sáng lập “tiểu Las Vegas” cho các cụ, khi mà sau đó đến 2 năm, năm 2016 các sòng bạc mới được hợp pháp hóa ở Nhật Bản.

‘Nha tre’ cho nguoi gia o Nhat Ban: Noi cac cu ong cu ba tha suc 'choi boi'
Giám đốc điều hành Dịch vụ Ngày Las Vegas (DSLV), Kaoru Mori, cho rằng đây là cách thức hiệu quả để đưa người cao tuổi ra khỏi nhà và tham gia hoạt động thể lực - Ảnh: CNA Insider

Khác với các sòng bạc, các trò chơi và dịch vụ DSLV cung cấp được thiết kế cho mục đích thúc đẩy người cao tuổi giữ gìn thể lực và tinh thần mạnh khỏe.

Không có đồng tiền thực nào được sử dụng tại trung tâm.

Mỗi ngày, trước khi khách hàng có thể bắt đầu chơi, họ phải kiểm tra nhiệt độ và đo huyết áp, và tập thể dục để “kiếm được” 10.000 đồng tín dụng đánh bài, được gọi là 'Vegas'.

Giám đốc khu Las Vegas Adachi, ông Mayu Ichikawa, nói: "Nhiều người cao tuổi không thích tập thể dục, vì vậy đây là một cách tốt để họ tham gia nếu muốn có Vegas để chơi bài”.

Khách hàng có thể sử dụng Vegas kiếm được để chơi các trò chơi như mạt chược, poker, blackjack và pachinko (jackpot).

‘Nha tre’ cho nguoi gia o Nhat Ban: Noi cac cu ong cu ba tha suc 'choi boi'
Khách hàng phải kiếm 'Vegas' – tiền tín dụng chơi tại trung tâm – thông qua việc thực hiện các bài tập thể dục - Ảnh: CNA Insider

Cụ bà Madzu Katzuko Kikuchi, 83 tuổi, thường xuyên có mặt ở bàn mạt chược. "Tôi có bạn bè ở đây và chúng tôi chơi rất vui”, bà nói.

Bên cạnh các trò chơi của “sòng bài”, khách hàng cũng có thể được mát-xa, hát karaoke, chơi với các trò chơi luyện trí não, đọc sách, sơn tượng hay xem phim.

Ông Mori nói rằng các trò chơi ở trung tâm giúp kích thích chức năng não và có thể cải thiện trí nhớ, kỹ năng toán học và đánh giá tình huống.

Ngoài ra, thường xuyên xen kẽ các hoạt động tập thể dục từ 5 đến 20 phút trong suốt cả ngày.

Trung tâm cũng cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng 45 phút để giúp làm săn chắc cơ bắp của khách hàng.

‘Nha tre’ cho nguoi gia o Nhat Ban: Noi cac cu ong cu ba tha suc 'choi boi'
Tại trung tâm có dịch vụ mát-xa - Ảnh: CNA Insider

Ngày nay, trung tâm của ông Mori dường như đã gặt hái được kết quả, ngay cả người mẹ 93 tuổi của ông cũng là khách hàng thường xuyên ở đây.

Trung tâm Adachi chỉ là một trong 16 điểm phục vụ của DSLV với gần 700 khách hàng trên khắp Nhật Bản.

Tuy nhiên, một khó khăn tiềm tàng đang đe dọa làm hỏng sự thành công của DSLV. Trung tâm hiện nay vẫn duy trì được giá cả phải chăng cho người cao tuổi, vì hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn của Nhật Bản chi trả 90% trên 100 USD phí mỗi ngày.

‘Nha tre’ cho nguoi gia o Nhat Ban: Noi cac cu ong cu ba tha suc 'choi boi'
Cờ bạc vẫn không được tán thưởng trong xã hội Nhật Bản - Ảnh: CNA Insider

Nhưng trong những năm tới điều này có thể không được bảo đảm, vì hệ thống bảo hiểm này đang ngày càng trở nên căng thẳng vì xã hội Nhật Bản đang già đi, và được cải cách với phí bảo hiểm cao hơn.

Bản thân các trung tâm kiểu casino cũng bị một số người chỉ trích, ví dụ vào năm 2015, thành phố Kobe đã bỏ phiếu cấm mạt chược và máy đánh bạc tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

Nhưng ông Mori, giám đốc điều hành DSLV tin tưởng rằng trung tâm của ông sẽ giúp các khách hàng lớn tuổi, gần một nửa trong số đó bị sa sút trí tuệ, trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Thanh Hải (Theo CNA Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI