Những ngày ở trong nhà theo lệnh giãn cách, thấy người này kêu chán, người kia phàn nàn than buồn, tôi chỉ im lặng và thấy bình thường sau khi kiểm tra tủ lạnh.
Ngay từ trước khi có thứ bệnh dịch tên là COVID-19, gia đình tôi đã có thói quen đeo khẩu trang khi đi đường. Từ ngày có dịch thì kỹ hơn, trước khi ra cửa là đeo, khi về nhà đóng cửa mới bỏ ra.
Trong túi xách của mỗi thành viên luôn có một bịch khẩu trang, khăn ướt và gel rửa tay. Nhiều khi chúng tôi còn đùa, nếu chọn gương điển hình 5K thì nhà chúng tôi không thoát được giải chính thức.
Kể để biết, chúng tôi rất nghiêm túc và thận trọng. Nghe tin trong khu có F1 được xe của y tế phường đưa đi cách ly, cả khu được phun xịt khử khuẩn, chúng tôi vẫn bình tĩnh ở trong nhà.
Trong những ngày này, là bà nội trợ, tôi đã có ra ngoài đi chợ sáng. Tôi đi rất sớm, khi ấy còn vắng, mua chừng mười phút là xong lượng rau củ quả cho cả tuần. Khi về hầm xe gần như không có ai, thang máy không phải chờ.
Nghe tin người này người kia dính F, tôi thầm nghĩ chẳng biết ai lành ai bệnh lúc này khi mà người F0 chẳng có một chút biểu hiện bệnh nào. Việc của những người nội trợ như tôi là ngày ba bữa lo cho gia đình những bữa ăn đủ dinh dưỡng, bổ sung trái cây, uống thêm vitamin để tăng sức đề kháng.
Đến nỗi con tôi còn đùa. Mẹ không giảm cân nữa à? Tôi đã cười, cứ ăn no ngủ thẳng, ngày tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà, qua dịch còn nhiều thời gian giảm cân.
Nhưng sau giấc ngủ trưa, nhà tôi bỗng thành F3.
Là một gia đình tầng dưới có F1, hàng xóm nhà tôi gửi con ở nhà đó vì có mối quan hệ họ hàng. Và cậu bé hiếu động thường không chịu ở trong nhà nên có chạy qua nhà tôi chơi...
Nghe hàng xóm báo tin mà tôi sững người. Câu đầu tiên tôi hỏi là ca F1 đó có kết quả xét nghiệm chưa, câu trả lời là chưa có. Có nghĩa là phải chờ.
|
Nếu phải đi cách ly, nên chuẩn bị thật kỹ càng cho trẻ nhỏ. Ảnh minh họa |
Cảm giác chờ đợi rất khó chịu. Hai đứa trẻ nhà tôi đã lớn nên chúng bình tĩnh, không như nhà hàng xóm, đám con còn trứng gà trứng vịt, vợ chồng gọi điện thông báo cho họ hàng bạn bè gì đó và khóc lóc ầm ĩ.
Tôi phải gõ cửa nói hai vợ chồng trẻ bình tĩnh, khóc lóc hay oán trách lúc này chẳng giải quyết được gì. Lo lắng quá càng loạn, việc đầu tiên cứ phải cho bọn trẻ ăn ngủ đàng hoàng đi đã. Và người lớn có việc của người lớn.
Anh chồng có vẻ nghe trong khi chị vợ vẫn không ngừng khóc, thậm chí cô còn nói tôi khuyên gì kỳ vậy, làm sao có thể bình tĩnh khi hai đứa trẻ còn nhỏ thế này, rồi cháo não, cơm sữa tã bỉm thì tính sao?
Tôi bảo không tính cũng phải tính, và phải tính trước mọi tình huống. Đầu tiên cứ phải chuẩn bị quần áo và các vật dụng cần thiết, ghi ra giấy những thứ con nhỏ thường dùng và mang theo, nếu mai kia đi cách ly thì cứ đưa tờ giấy ấy ra nhờ người ở ngoài hỗ trợ. Đồ chơi của con cũng đừng quên.
|
Nên chuẩn bị kỹ càng nếu cần cách ly. Ảnh minh họa |
Cô vợ khi thấy trong phòng khách nhà tôi là mấy cái vali đang mở toang, chồng con tôi đi qua đi lại thu xếp thì có vẻ hiểu ra tình hình.
Khuyên hàng xóm vậy nhưng thật sự tôi cũng lo lo, thấy tôi ngồi thừ trên bàn lướt điện thoại. Cậu con trai nhỏ mười bốn tuổi nói mẹ uống nước rồi cả nhà mình đi ngủ sớm. "Có sao đâu, mình cứ cách ly và chờ kết quả xét nghiệm của mọi người. Nếu phải đi cách ly tập trung thì đi thôi".
Nghe con nói có phần thản nhiên, tôi giấu bớt nỗi lo trước mặt con. Trẻ con, đáng lẽ những ngày này đang được chân trần chạy trên rơm rạ ở quê, tận hưởng không khí mùa hè trong lành chứ không phải là thi dồn thi vội rồi ai ở nhà nấy. Đến phần thưởng cho cả một năm cố gắng cũng phải hẹn lại vào ngày khai giảng năm sau.
|
Cách ly thôi có gì phải sợ? - Ảnh minh họa |
Nhưng hai con tôi chấp nhận một cách bình thản, hẳn chúng nó cũng hiểu được ngoài kia đang xảy ra chuyện gì. Nhìn chúng vô tư chia đôi nhau tuýp kem đánh răng đề phòng hai anh em ở hai nơi mà tôi bật cười.
Ừ thì F, ừ thì cách ly. Bị nghi nhiễm hay nhiễm bệnh có ai muốn đâu. Cách ly là giữ cho mình và cho cộng đồng. Chẳng phải là mọi người đã có hẳn hai năm làm quen với lo âu rồi, đến nay còn sợ gì nữa. Trong khi mình ở nhà giãn cách thì ngoài kia bao người vất vả để gìn giữ bình yên. Những y bác sĩ, những tình nguyện viên... một ngày có được mấy tiếng đồng hồ để ngủ trong khi chúng tôi được ngủ thẳng giấc đến khi tự thức.
Mỗi người có một nhiệm vụ của mình khi đến với thế giới này. Và hiện tại, nhiệm vụ của nhà tôi, nhà cô hàng xóm là phải khỏe mạnh và bình tĩnh để đối mặt với những gì đang đến. Nếu làm được điều này thì 21 ngày cách ly có gì đáng sợ?
Huyền Anh