Nhà tôi có một cái lu, sẵn sàng chống ngập

14/07/2019 - 08:57

PNO - Nếu dùng lu chứa nước chống ngập là một giải pháp tồi thì nhiều công trình chống ngập tốn bộn tiền khác cũng chẳng khá hơn.

Tôi gần như quên bẵng cái lu nước trước sân nhà cho đến khi câu chuyện dùng lu chống ngập được bàn tán xôn xao.

Đó là một cái lu nhỏ, dùng để nuôi cá bảy màu. Hai tháng trước, khi những cơn mưa lớn đầu mùa mang ô nhiễm đổ xuống thành phố, bầy cá bảy màu loi ngoi rồi chết sạch.

Năm trước cũng vậy, vào tầm tháng 5, cá trong lu cũng chết hết do nước mưa đầu mùa quá bẩn.

Cái lu để đó suốt mùa mưa nhưng hầu như chưa bao giờ đầy nước. Nếu không đặt cái lu dưới máng xối, chỉ để khơi khơi trước hiên nhà hay trên sân thượng, lượng nước mưa hứng được chẳng bõ bèn gì.

Nếu ở TP.HCM, mỗi nhà có một cái lu hứng nước mưa thì tổng lượng nước trữ được chắc cũng chẳng được bao nhiêu. Nhưng nếu đặt trong chuỗi những phương án giữ lại nước mưa để góp sức chống ngập, cái lu là vật dễ hình dung nhất.

Hơn 10 năm trước, khi TP.HCM chưa thành lập Trung tâm Chống ngập nước (thành lập vào năm 2008), cũng đã có nhiều chuyên gia đề xuất giữ lại nước mưa để góp phần chống ngập.

Đó là những gợi ý nhằm khuyến khích người dân tạo nhiều mảng xanh hay dùng những vật dụng trong nhà để giữ nước mưa, hạn chế lượng nước dồn hết ra đường…

Có thời điểm, thành phố cũng rộ lên những giải pháp giữ nước mưa. Trên một vài tuyến đường, vỉa hè được xẻ ra để trồng thảm cỏ,  vài chỗ thấy lát gạch con sâu (để thấm nước)…

Nhưng rồi, đường phố vẫn không hết ngập. Và những giải pháp “mềm” như giữ lại nước mưa cũng nhanh chóng bị lãng quên.

Nha toi co mot cai lu, san sang chong ngap
Dù đã chi ra 160 tỷ đồng cho dự án chống ngập, đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) vẫn ngập nặng sau mưa. Vào tháng 10/2018, UBND quận 12 đã đề xuất chi thêm 44 tỷ đồng để xây hồ ngầm trữ nước mưa, chống ngập - Ảnh: Trung Thanh

Khi người dân mất niềm tin về hiệu quả của các công trình chống ngập, đề xuất “dùng lu trữ nước” lập tức trở thành “vật tế thần”.Hơn 10 năm qua, TP.HCM đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để chống ngập nhưng tình trạng ngập nước vẫn còn đó, đầy bề bộn.

Nhưng nếu mỉa mai rằng đây là một giải pháp chống ngập tồi, thì nhiều phương án chống ngập tốn bộn tiền khác, chắc gì đã khá hơn!

Mấy năm trước, khi nhiều người đang “lên đồng” về mô hình dùng máy bơm hút nước chống ngập mà không cần phải cải tạo đường cống, tôi  tìm gặp một chuyên gia về lĩnh vực này để nhờ giải tỏa sự hoài nghi.

Vị chuyên gia không nói gì, chỉ lấy ly nước cắm cái ống vào hút cái rột, hết gần nửa ly. Rồi ông cầm cái ống hút lên, châm vài lỗ thủng, phồng má hút nhưng nước vẫn không lên.

Đó là cách trực quan nhất mà vị chuyên gia đã dùng để giải thích về hiệu quả của những chiếc máy hút nước chống ngập. Nó không có tác dụng như nhiều người nghĩ, vì đường cống thoát nước không thể kín mít như cái ống hút mà có rất nhiều khoảng hở (các hố ga). Mặt khác, nếu dùng máy bơm hút nước thì con đường phải “bị đặt trong trình trạng ngập nước”, mới có nước để hút…

Nếu chúng ta mỉa mai về cái lu trữ nước chống ngập thì cũng nên xem lại những công trình chống ngập mà TP.HCM đã đầu tư.

Như đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) vì sao đã đã bỏ ra hơn 160 tỷ đồng nâng cấp nhưng vẫn cứ mưa là ngập?

Vì sao phải tính phương án xây hồ ngầm để chống ngập bổ sung cho khu vực này?

Những cái hồ ngầm với số tiền đầu tư mỗi hồ gần cả trăm tỷ đồng đó có sức chứa bằng bao nhiêu cái lu gộp lại?

Những dự án chống ngập không giống như cái lu, nên chúng ta dễ bị đánh lừa bởi sự “hoành tráng” của nó.

Cũng như, nếu chỉ nhìn vào những con số, chúng ta sẽ thấy điểm ngập ở TP.HCM đã giảm rất nhiều. Song, phía sau nhiều con đường được nâng cao chống ngập là cuộc sống của hàng ngàn người dân khốn đốn vì nhà biến thành hang, không tiền sửa chữa…

Chúng ta có thể cảm thấy buồn cười về chuyện cái lu chống ngập nhưng có những công trình chống ngập tốn bộn tiền mà hiệu quả còn thua những cái lu.

                                                                                    Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI