Nhà tôi, cha tìm cá, má nấu cơm

11/10/2021 - 06:02

PNO - Tôi nhìn quanh tìm bóng dáng người thân cùng vào bữa năm nào và chợt nhận ra: món bình dân từng ăn tới phát ngán mới là món ngon nhất, ngon hoài…

Một người bạn hóm hỉnh viết trên Facebook: “Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Trước treo gác bếp nay đem ra dùng”. 

Dòng viết của anh khiến tôi khựng lại, nghĩ về “ngô khoai”, món ăn xưa ta quá đỗi hững hờ, nay lại là món “chủ lực” mùa dịch. Tôi nhớ đến bài hát dân miền Tây hay nghêu ngao: “Sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương, tối chui vô mùng, nằm nghe cải lương…” lột tả khá bao quát đời sống vật chất, tinh thần của ông bà ta vài ba thập niên trước. 

Thuở còn là trẻ con nhiều lý sự, tôi hay vu vơ cắc cớ rằng “nước tương với cải lương thì có, nhưng đâu thấy cơm sườn”, vì nhà tôi thường ăn cơm với cá. Nói chung là cá, nhưng gồm nhiều loại thủy sản khác nhau, từ tép bạc trắng, bạc đất, cua rạm đến cá trắm cỏ, bống cát… 

Miền Tây kênh rạch chằng chịt, khí hậu ôn hòa, cá tôm phong phú. Chỉ cần chịu khó quăng chài là cầm chắc có cái đem vào nhà nổi lửa. Đấy là chưa kể những trận mưa xối xả cho nhiều lóc đồng, rô sặc, ếch nhái…

Mưa xuống, cá nhảy lên bờ. Mọi người tự khắc mang oi đi lượm. Nhà tôi, cha tìm cá, má nấu cơm. Cơm cá má nấu đơm đầy thương yêu, chăm chút chồng con.

Chỉ là cá, nhưng má khéo tính toán, chế biến thành đủ món ngon: cá sặc chiên giòn chấm mắm gừng, cá lóc nướng trui dậy mùi lá chuối, cá chạch um rau ngổ hoặc kho nghệ vàng ươm, cá rô đồng mặn mòi một nắng…

Món nào cũng đậm đà khó cưỡng, nhưng đặc sắc và ấn tượng nhất phải là xửng cá chưng tương nóng hổi thơm lừng, ăn một lần nhất định khó quên. 

Cá chưng tương miền Tây gồm hai thành phần chính là cá và tương hột đen, nhưng các phần phụ trội đi kèm không hề “đóng vai” phụ chút nào. Cá áp chảo với hành phi; cà chua, nấm rơm, gừng xắt sợi đảo qua lửa lớn; bún tàu, ngò rí rải lên rồi đem chưng cách thủy. 

“Biến tấu” của má khác ở chỗ: nhà không có cá chẽm, má dùng cá mè hoa, mè dảnh nuôi dưới đìa. Tép bạc non và cá nhỏ mềm xương cũng được má “tranh thủ” cho vào chưng cùng. Thịt cá mè mềm nhưng không béo như cá chẽm. Má bù bằng muỗng tóp mỡ rưới lên trên, trước khi ngừng củi lửa.

Nhấc nồi cá xuống, mở nắp vung, hương thơm đặc trưng món ngon nhà quê lan tỏa gọi mời. Vị mặn, ngọt, chua, béo, ấm nồng tự nhiên đan xen hòa quyện. Dùng với cơm nóng, cơm nguội đều hợp tình. Gia đình đông người, ai cũng chuộng món cá chưng tương, đặc biệt là thằng Út. Hôm nào gặp đúng món “tủ”, Út nhỏ ngồi ngay ngắn tự múc, ăn sạch chén. 

Nhà có mình tôi lập dị, tôi là “tín đồ” các món kho mặn, nhất là kho sả băm đến cháy sém. Vào bàn cứ “đụng” cá chưng tương mãi nên tôi giở chứng chê bai. Cha tôi nghiêm khắc, răn dạy đôi lần không thành, cha phát đều mỗi con ba củ khoai ăn cả ngày. Sợ ăn khoai quá, nên tôi… khỏi bệnh. 

Mười năm xa xứ, tôi tất bật mưu sinh, nuôi con nhỏ. Nay COVID-19 ép uổng nhận lấy kỳ nghỉ dài, nhìn thời gian chầm chậm trôi, tuy nhiên nhờ vậy mà ký ức xưa của tôi lục tục kéo về. Tôi nhớ quay quắt món cá chưng tương một thời quen thuộc. 

Hôm qua, lụi hụi chưng tương món cá hồi “xa xỉ”, tôi nhìn quanh tìm bóng dáng người thân cùng vào bữa năm nào và chợt nhận ra: món bình dân từng ăn tới phát ngán mới là món ngon nhất, ngon hoài… 

Thu Hằng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI