Nhà tôi ăn tết ba miền

23/02/2015 - 06:55

PNO - PN - Mẹ tôi gốc Bắc, nhưng chị em tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây. Hồi bé, trong ký ức của chị em tôi bây giờ, là những buổi sớm ngày cuối năm, mẹ tôi đi chợ, mua về thịt đầu heo để làm giò thủ, giò xào đúng điệu với...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mẹ cắt lá chuối thay lá dong để gói bánh chưng. Miền Tây, nên cái lá dong thần thánh xanh xanh ấy hiếm hoi vô cùng, chỉ bạt ngàn lá chuối tươi chuối khô. Rồi lối xóm mang cho cho đòn bánh tét nhân chuối, mớ mứt dừa nhà làm. Mẹ tôi "lại quả" cho họ mấy thứ lạ mắt, lạ miệng “nhà trồng được”, nhận lại ánh mắt trầm trồ trước cặp bánh chưng “hình vuông buồn cười”…

Nha toi an tet ba mien
 

Sau này, đi học rồi đi làm, chị em tôi lần lượt ở lại thành phố, cả nhà tôi bắt đầu đón những mùa xuân “thập cẩm", là lạ, dường như có đầy đủ cả ba miền góp mặt. Trong căn nhà be bé ở thành phố, mẹ tôi bây giờ ở nhà giữ cháu cho đám con, có lẽ cả năm chỉ đợi dịp tất cả đông đủ tụ họp thế này. Cuối năm, chị tôi cứ thi thoảng tạt ngang gởi mẹ gói lớn gói nhỏ. Anh trai đưa về tờ lịch mới, chai rượu tây để nhà đón khách. Em gái tôi tha về đặc sản nem chua, khô cá gì đấy sau một đợt công tác cuối năm ở xứ biển.

Tôi thì bắng nhắng mua cái này cái nọ, hết đồ khô lại tới rau củ. Nhà mình, nhà mẹ. Bên nội, bên ngoại. Tựa hồ như chăm chút cho cái tổ ấm của cả gia đình là một niềm vui hiển nhiên, một phần tất yếu của việc đón năm mới vậy. Chị dâu tôi nhất định giành lấy việc “chủ bếp”, cương quyết rằng, mẹ “chiếm cứ” cái bếp cả đời rồi, cũng phải cho mẹ nghỉ hưu đi chứ! Mẹ tôi rưng rưng bảo, mẹ thật có phước quá, nên năm hết Tết đến mới được con cái vui vẻ hiếu thuận đến vậy.

Những dịp lễ Tết, ba tôi đùm túm nào rau, nào tôm nào cá đón xe đò, ngược dòng lên đây để sum họp với cả nhà. Mẹ chép miệng bảo, tội ba lỉnh kỉnh một mình trên chuyến xe ngày cuối năm. Với chị em chúng tôi, hình như ngày xuân bắt đầu từ đấy, trọn vẹn trong cảm giác sum vầy đã lâu mới có.

Nha toi an tet ba mien

Nhà chồng tôi người Trung. Những ngày cuối năm, mẹ chồng tôi thường gói ghém ít ràng bánh tráng, thứ không thể thiếu trong mâm cơm của dân xứ “nẫu”, bảo tôi mang qua biếu ngoại hai đứa nhỏ. Kèm theo là hũ thịt luộc ngâm nước mắm đậm đà. Tôi đứng trong bếp của nhà mẹ ruột, loay hoay treo mớ bánh tráng lên kệ, nhìn quanh và cảm giác, hình như quà quê Bắc Trung Nam đều hội tụ ở đó. Tết ở Sài Gòn nhất định phải có canh khổ qua hầm, măng nấu chân giò, thịt đông, dưa cải muối chua… Đủ thứ “ăn chơi”. Rồi thịt kho hột vịt thấm đẫm nước dừa Nam bộ. Rồi bánh tét rặt miền tây ba tôi gói gém mang lên. Có dưa hành, thịt đông, hai thứ khoái khẩu mà ba tôi hẳn lâu lắm rồi không được nếm. Tất cả nhờ bàn tay chăm chút và tình yêu thương của cả gia đình “ba miền” hội tụ.

Cánh đàn ông con trai trong nhà cũng “bon chen” với rượu chuối, rượu nếp ngòn ngọt. Đủ thứ hết, trong mấy câu cằn nhằn lấy lệ của mẹ và các chị, rằng sao “chuẩn bị nhậu nhẹt kỹ dữ vậy ta?!”. Nói vậy, nhưng mẹ lại dặn con gái, con dâu nhớ để sẵn vài món “bắt mồi” đặng cha con ngồi cụng ly với nhau. Mẹ giành phần ngồi canh nồi bánh chưng xanh đã có sẵn dây buộc, lá dong ngan ngát. Em trai tôi thổi than hồng, nướng những chiếc bánh đa thơm thơm hương mè. Mùa xuân như vừa mới tạt ngang qua nhà tôi, mang ấm áp và yên vui thật gần, gần lắm.

ĐỖ QUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI