Nhà thơ Trúc Thông qua đời

26/12/2021 - 11:57

PNO - Nhà thơ Trúc Thông – một trong những tên tuổi lớn của thi ca chống Mỹ - vừa qua đời lúc 6g30 sáng nay, ngày 26/12, sau nhiều năm chống chọi bệnh tật, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông, sinh năm 1940, tại Bình Lục, Hà Nam. Từng nhập ngũ, biên tập văn học của Đài Tiếng nói Việt Nam, đã xuất bản các tác phẩm: Chầm chậm tới mình (thơ, 1985), Maraton (thơ, 1993), Một ngọn đèn xanh (thơ, 2000), Văn chương ngẫu luận (lý luận phê bình, 2003), Vừa đi vừa ở (thơ, 2005), Mẹ và em (bình thơ, 2006), Trúc Thông tiểu luận - bình thơ (2013), Trúc Thông thơ (2014).

Trong đó, bài thơ Cao Bằng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (tập 2) là một trong những bài thơ nổi tiếng của ông; bài Bờ sông vẫn gió được giới phê bình văn học coi là một trong những bài thơ hay nhất viết về mẹ trong thi ca Việt Nam hiện đại.

Nhà thơ Trúc Thông
Nhà thơ Trúc Thông

Ông đoạt được nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017.

Nhà thơ Trúc Thông bị tai biến mạch máu não vào năm 2008, sau đó trải qua không ít lần thập tử nhất sinh nhưng đều qua khỏi nhờ bàn tay chăm sóc tận tụy của người vợ và 2 cô con gái.

Sự ra đi của nhà thơ Trúc Thông là mất mát lớn đối với nền văn học Việt Nam. Trên Facebook cá nhân của nhà thơ, nhiều bạn văn, bạn thơ để lại lời chia buồn sâu sắc. Nhà thơ Văn Công Hùng từ Tây Nguyên viết: “Vĩnh biệt anh, một thi sĩ đích thực thi sĩ”. Nhà thơ Mai Nam Thắng gọi Trúc Thông là “nhà thơ thật thơ”.

Trong kí ức của mình, nhà báo Trần Mai Hưởng vẫn vẫn nhớ hình ảnh nhà thơ Trúc Thông nửa thế kỷ trước: “Một nhà thơ giàu nhiệt huyết, cá tính sáng tạo mạnh mẽ, quyết liệt đổi mới thi ca. Một người anh, người bạn giàu lòng yêu mến, thương quý bạn bè bốn phương. Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông ở 16 Hồng Phúc là một địa chỉ quen thuộc cho các cuộc gặp mặt của anh em báo chí, văn nghệ lui tới. Một người thanh niên thương mẹ, quý chị, lặng lẽ gánh vác việc nhà; dù chưa vợ, buổi trưa vẫn không ngại ngần mang thùng lấy nước gạo các nhà quen trong phố về cho mẹ nuôi lợn...”.

Đầu năm 1972, khi tiễn người em thân thiết lên đường đi mặt trận Quảng Trị, nhà thơ đã viết tặng nhà báo Trần Mai Hưởng bài thơ với đầu đề rất... Trúc Thông: Gửi người em trai mang thai. Và cũng "mùa hè đỏ lửa" năm 1972 ấy, 2 người lại có dịp gặp nhau trên đất Quảng Trị khi ông cũng tình nguyện vào mặt trận với tư cách phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. “Hình ảnh ông cùng anh em phóng viên Thông tấn xã Việt Nam chúng tôi trên những ngả đường Gio Linh, Triệu Phong, Đông Hà... sẽ còn mãi trong ký ức”, nhà báo Trần Mai Hưởng viết trên Facebook của mình.

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI