Nhà thơ thiếu nhi Phạm Anh Xuân: "Tôi muốn góp phần kiến tạo những cung bậc cảm xúc cho trẻ em"

30/05/2023 - 08:06

PNO - Phạm Anh Xuân vui vẻ thú nhận anh chỉ là một kẻ “tay ngang” bước vào thế giới văn thơ. Thế nhưng, một “tay ngang” sung sức như anh đang giúp mảng văn học thiếu nhi như được tô vẽ thêm nhiều sắc màu tươi sáng, vừa gần gũi mộc mạc vừa lung linh huyền diệu và đầy tính thiện.

“Nếu sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầu tiên nuôi sống cơ thể thì tôi tin rằng cảm xúc và những rung động đầu đời là nguồn dinh dưỡng đầu tiên nuôi sống tâm hồn một đứa trẻ. 

Tôi không dám nhận hay đánh giá tình cảm của mình dành cho thiếu nhi là lớn hay nhỏ. Song chắc chắn rằng tôi không chỉ có tình yêu, trách nhiệm mà còn có cả nguồn năng lượng cực kỳ dồi dào và tích cực dành cho trẻ con. Nguồn năng lượng ấy được tự thân tôi nuôi dưỡng, được các em nhỏ chăm bón qua sự đón nhận… để hằng ngày tôi viết và sẽ còn viết cho thiếu nhi” - nhà thơ Phạm Anh Xuân chia sẻ.

Nhà thơ Phạm Anh Xuân trong vai trò khách mời tại một buổi ra mắt sách
Nhà thơ Phạm Anh Xuân trong vai trò khách mời tại một buổi ra mắt sách

Phạm Anh Xuân vui vẻ thú nhận anh chỉ là một kẻ “tay ngang” bước vào thế giới văn thơ. Thế nhưng, một “tay ngang” sung sức như anh đang giúp mảng văn học thiếu nhi như được tô vẽ thêm nhiều sắc màu tươi sáng, vừa gần gũi mộc mạc vừa lung linh huyền diệu và đầy tính thiện.

Cơ duyên đưa anh vào con đường sáng tác thơ văn cho thiếu nhi khá muộn, khi đã vào tuổi 40. Song, cơ duyên muộn màng này lại mang về cho anh một “gia tài” thơ thiếu nhi đồ sộ với gần 900 bài thơ (được chọn lọc và in trong 4 tập thơ thiếu nhi: Ấm êm ngộ nghĩnh, Tuổi thơ trong trẻo, Bởi vì yêu thương, Trồng nụ trồng hoa) cùng tập truyện dài Nghé Ọ hai xoáy. Anh cũng là tác giả có thơ được đưa vào sách giáo khoa cấp tiểu học và rất được trẻ em yêu thích.

Riêng tập truyện dài Nghé Ọ hai xoáy vừa lọt Top 10 tác phẩm vào chung khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn (Báo Thể thao & Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam tổ chức) lần IV/2023.

Thế giới tuổi thơ luôn rộng mở 

Phóng viên: Hiện nay, cái tên Phạm Anh Xuân đang rất được chú ý. Anh có biết vì sao tác phẩm của mình lại tạo nên sức hút không chỉ với độc giả nhí mà còn với cả người lớn?

Nhà thơ Phạm Anh Xuân: Sau thời gian sáng tác cho thiếu nhi, tôi nhận ra rằng có lẽ các bé thích thơ “chú Xuân” vì trong thơ luôn mang đến những phát hiện lạ lẫm nhưng rất trong sáng, dễ thương, vừa gần gũi vừa kỳ diệu như chính thế giới đầy trí tưởng tượng phong phú của các bé. Nếu đọc, bạn sẽ thấy thiên nhiên trong thơ và truyện của tôi hiền hòa, gần gũi nhưng cũng không kém phần lung linh nhờ ngôn ngữ giàu tính tượng hình, giàu cảm xúc. Đây cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu và rất quan trọng mỗi khi tôi viết cho các em. Tiếng Việt có đầy đủ năng lực thể hiện sự gần gũi, giản dị, trong sáng để dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và lay động cảm xúc. Có đủ những yếu tố này thì bạn đọc - đặc biệt là trẻ con - mới thích thú, muốn đọc và có thể tương tác nhóm cũng như lan tỏa. 

Dù vậy, có một tầng tiêu chí cao hơn tôi muốn hướng đến: niềm vui và nguồn năng lượng tích cực. Trong bất kỳ bài thơ, câu chuyện nào tôi viết, “thân bài” có thể hàm chứa chuyện đứa trẻ khóc vì nhớ mẹ, nũng nịu dỗi hờn vì điều này điều kia nhưng đến khi kết bài thì những điều ấy luôn được hóa giải để tạo sự tươi mới, vui vẻ.

Truyện dài Nghé Ọ hai xoáy lọt top 10 tác phẩm vào vòng chung khảo giải Văn học thiếu nhi  Dế Mèn lần IV/2023
Truyện dài Nghé Ọ hai xoáy lọt top 10 tác phẩm vào vòng chung khảo giải Văn học thiếu nhi Dế Mèn lần IV/2023

* Anh từng nói: “Tôi sinh ra ở Phú Thọ, tuổi thơ của tôi là bầu trời rộng lớn, là cây cỏ, sông nước, nơi tôi có thể thả sức tưởng tượng…”. Như vậy, có phải mục đích đầu tiên khiến anh làm thơ và viết truyện thiếu nhi là để tìm về thời thơ ấu xa xôi của mình?

- Cũng có thể nói là như thế. Khi viết, tôi như được trở về làm một đứa trẻ của những ngày xưa. Những bài thơ đầu tiên chính là những dòng ký ức, những kỷ niệm của một thời trẻ con trong trẻo và vô cùng tươi đẹp ấy. 

Thế nhưng, tôi cho rằng việc tôi viết thơ và truyện cho thiếu nhi còn có ý nghĩa vượt xa và rộng hơn mục đích đầu tiên ấy. Đó là tôi được viết về tuổi thơ của chính các con tôi cũng như về những đứa trẻ hồn nhiên mơ mộng xung quanh mình.

Càng viết tôi càng bị cuốn hút vì thấy rằng thế giới tuổi thơ cực kỳ rộng mở. Cùng với thế giới thực vốn đã rất sinh động, trẻ con còn có thế giới tưởng tượng vô cùng hồn nhiên và phong phú. Đó là một thế giới tràn ngập sắc màu.

Nhà thơ Phạm Anh Xuân trong những buổi nói chuyện với trẻ em về thơ văn tại các trường tiểu học ở Hà Nội
Nhà thơ Phạm Anh Xuân trong những buổi nói chuyện với trẻ em về thơ văn tại các trường tiểu học ở Hà Nội

* Thông qua thơ, truyện của mình, anh muốn gửi thông điệp gì để giúp trẻ tương tác với thiên nhiên trong thế giới rộng mở của các em mà không phải chỉ bằng sự tưởng tượng hay tương tác ảo?

- Tất cả những đứa trẻ đều rất yêu thích và ham muốn được chơi đùa chạy nhảy, tương tác với thiên nhiên. Mỗi lần giao lưu với các bạn nhỏ, tôi luôn nói rằng thiên nhiên là ngôi trường rộng lớn và thực tế nhất. Trong thế giới tự nhiên, vạn vật đều có cảm xúc và tâm hồn.

Khi hòa mình và tương tác với thiên nhiên, trẻ em sẽ phát triển rất nhiều kỹ năng như bơi lội, chạy nhảy, đánh đu, leo trèo… Đây chính là bài học để phát triển thể lực.

Khi tương tác với thiên nhiên, trẻ em sẽ biết được sự vận hành của thế giới tự nhiên. Đó chính là bài học để phát triển trí lực. Đây là những bài học cực kỳ quan trọng góp phần hình thành nhân cách, phát triển tâm hồn và cảm xúc của trẻ. Tôi cho rằng sự tương tác thực tế giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với thiên nhiên có ý nghĩa và giá trị rất quan trọng.

Bằng cách vẽ nên những cảnh tượng thiên nhiên thật đẹp, hấp dẫn như một lời mời gọi, qua những câu chuyện, bài thơ của mình, tôi mong các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội quan tâm để giúp trẻ em được gắn kết, tương tác với thế giới tự nhiên nhiều hơn bằng các hoạt động ngoài trời, khám phá thiên nhiên một cách thiết thực. Từ đó, tình yêu thiên nhiên, muốn gần gũi, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống, bầu không khí này, thế giới này… sẽ được vun bồi trong tâm hồn trẻ một cách tự nhiên nhất. 

Thơ của Phạm Anh Xuân được đưa vào sách giáo khoa
Thơ của Phạm Anh Xuân được đưa vào sách giáo khoa

Sẽ thật khó nếu cha mẹ ngồi chơi điẹn thoại nhưng bắt con đọc sách 

* Ở góc độ người viết, anh đánh giá thế nào về tầm quan trọng của văn học thiếu nhi, đặc biệt là thơ ca, trong việc giáo dục, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn và hoàn thiện nhân cách, cảm xúc của các bé?

- Trong thực tế, thơ ca là những “hạt giống” đầu tiên cho tâm hồn trẻ. Thơ ca đã gieo hạt giống trong tâm hồn tôi - đứa trẻ của mấy chục năm về trước, để hôm nay hạt giống ấy nảy mầm và cất lên thành lời. 

Những làn điệu hát ru, những bài đồng dao chính là dạng thức của thơ ca đã truyền đời biết bao thế hệ. Chỉ trong câu hát: “Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… đã có biết bao nhiêu cái hay, cái đẹp được hàm chứa. Câu hát của bà, lời ru của mẹ, bài đồng dao của đứa trẻ này truyền miệng cho đứa trẻ khác đã trở thành mạch nguồn dồi dào đến vô tận. Những đứa trẻ còn chưa biết đọc, chưa biết viết nhưng đã có thể nghe - hiểu - thuộc - nhớ những ngôn ngữ, hình ảnh, câu chuyện. 

Tác động tích cực của thơ ca đến trẻ sẽ còn rộng lớn và sâu sắc hơn thế. Chẳng phải vô tình mà bao nhiêu thế hệ ông cha đã sáng tạo ra những trò chơi dân gian; hầu như trò chơi nào cũng có những bài đồng dao để trẻ con học nhau và cùng đọc mỗi khi tham gia. 

Trẻ con dạy nhau những câu thơ, lời hát; chúng truyền cho nhau những kỹ năng khi tham gia các trò chơi có trong đồng dao rồi chúng mở mang cho nhau kiến thức về thiên nhiên, cuộc sống có trong thơ ca mà chúng nhớ, chúng thuộc. Chính trong sự kết nối và tương tác này, trẻ con đã phát triển trí lực và thể lực - thậm chí còn có thể giúp phát hiện sớm những đứa trẻ có dấu hiệu tự kỷ, bị câm, điếc hay các khuyết tật khác…

Phạm Anh Xuân trong những lần trao quỹ Học bổng Gạo cho trẻ em vùng cao
Phạm Anh Xuân trong những lần trao quỹ Học bổng Gạo cho trẻ em vùng cao

* Rõ ràng như anh nói, thơ ca giúp trẻ bộc lộ cảm xúc tự nhiên với cuộc sống. Nhưng để trẻ em có thể tiếp cận thơ, truyện và hình thành thói quen yêu thích đọc thơ, đọc truyện, chúng ta phải là một người dẫn đường sáng suốt?

- Vai trò dẫn dắt của người lớn rất quan trọng đối với trẻ trong việc đọc sách, tiếp xúc với thơ văn nhưng ý nghĩa hơn thế là sự tương tác, kết nối, thấu hiểu và đồng cảm của người lớn với trẻ nhỏ. Có nhiều phương cách để tạo thói quen đọc sách cho trẻ. Tuy vậy, dù với phương cách nào, thói quen ấy cũng cần được xây dựng, vun đắp và phát triển từng ngày, từng giờ một cách bền bỉ với tình cảm và trách nhiệm. Qua giai đoạn hình thành thói quen sẽ đến giai đoạn tự thân. Khi đó, trẻ sẽ tự giác đọc sách, tìm đến thơ văn.

Cũng cần nhấn mạnh rằng sẽ thật khó nếu mẹ ngồi chơi điện thoại, cha ngồi ôm laptop nhưng lại bắt con đọc sách. Đó là vấn đề của xã hội hiện nay.

* Cha mẹ nên làm thế nào để các bé có hứng thú, yêu thích thơ, văn, đọc sách với một niềm vui thích tự nhiên nhất?

- Có 3 câu chuyện mà tôi tích lũy, trải nghiệm và tham khảo để khuyến khích trẻ em đọc sách: 

Câu chuyện thứ nhất là một bà mẹ mang theo những tập thơ của tôi trong hành trang định cư tại Áo. Hằng đêm trước khi đi ngủ, bà mẹ này thường đọc thơ cho các con nghe. Việc đó được thực hiện thường xuyên. Cho đến một ngày, gia đình họ đi du lịch châu Âu. 2 bạn nhỏ đã mang theo 2 tập thơ của tôi đi cùng và nói với mẹ rằng các bé sẽ mang 2 tập thơ đi khắp thế giới. Tương tự, một bà mẹ khác ở Nhật cũng hằng đêm đọc thơ cho 2 con nghe. Đồng thời mỗi ngày, bà mẹ này giao cho các con tập đọc thu video và tập chép. 2 bạn nhỏ đã xây dựng khá nhiều video giới thiệu các tập thơ và những bài thơ của tôi trên kênh YouTube.

Các tập thơ thiếu nhi của nhà thơ Phạm Anh Xuân đã xuất bản
Các tập thơ thiếu nhi của nhà thơ Phạm Anh Xuân đã xuất bản

Câu chuyện thứ hai mà nhiều bà mẹ khác áp dụng là nếu các con muốn được chơi điện tử hay muốn có những món đồ chơi yêu thích thì cần tập đọc, tập chép và học thuộc những bài thơ; sau đó giới thiệu lại nội dung… Cùng với những phần thưởng thì mỗi khi trẻ phạm lỗi; hình phạt cũng là đọc sách.

Câu chuyện thứ ba là một số ông bố, bà mẹ đã chọn những bài thơ về những trò chơi dân gian, về làm thủ công như làm diều, làm chong chóng… đọc và cùng tham gia trải nghiệm với con trong chính những trò chơi, việc làm đó.

Bằng sự dẫn dắt này, không chỉ gắn kết và “làm bạn” với trẻ, cha mẹ còn tạo cho trẻ thói quen đọc sách, rèn các kỹ năng liên quan như tìm hiểu, cảm nhận, thực hành kỹ năng viết, kỹ năng diễn giải… Thậm chí, nhiều bạn nhỏ đã tập làm thơ. 

* Anh có nhận xét gì về cách trẻ em ngày nay đón nhận những giá trị của thơ ca, văn học?

- Tôi cảm nhận được sự khát khao trong ánh mắt và cách những đứa trẻ nghe và giao lưu với tôi. Các em không chỉ thuộc thơ trong sách giáo khoa mà thuộc nhiều bài thơ khác. Ở Trường Tiểu học Tràng An, Trường Tiểu học Ngô Quyền (Hà Nội), các em nhỏ muốn được chạm vào tay tôi để thấy rằng tác giả thơ và tác phẩm thơ thật gần gũi chứ không hề xa xôi lạ lẫm. 

Một em bé người Việt định cư tại Đức đã dịch bài thơ Tuổi thơ có bà của tôi sang tiếng Đức để khoe với bạn bè và làm bài tập nộp cho giáo viên. Rất nhiều em nhỏ khác đã sử dụng sách và thơ của tôi trong các bài tập, bài thuyết trình, giới thiệu…

Như vậy, đọc sách, cảm nhận và sử dụng ngữ liệu văn học - trong đó có thi ca - là một nhu cầu rất lớn và chính đáng của trẻ. Vấn đề là người lớn khơi gợi, đáp ứng và nuôi dưỡng nhu cầu ấy như thế nào.

Những câu thơ dễ thương của anh được trẻ em yêu thích
Những câu thơ dễ thương của anh được trẻ em yêu thích

Muốn góp phần kiến tạo những cung bậc cảm xúc cho trẻ em 

* 900 bài thơ cùng một truyện dài chứng tỏ tình yêu của anh với thiếu nhi rất lớn…

- Nếu sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầu tiên nuôi sống cơ thể thì tôi tin rằng cảm xúc và những rung động đầu đời là nguồn dinh dưỡng đầu tiên nuôi sống tâm hồn một đứa trẻ. 

Tôi không dám nhận hay đánh giá tình cảm của mình dành cho thiếu nhi là lớn hay nhỏ. Song chắc chắn rằng tôi không chỉ có tình yêu, trách nhiệm mà còn có cả nguồn năng lượng cực kỳ dồi dào và tích cực dành cho trẻ con. Nguồn năng lượng ấy được tự thân tôi nuôi dưỡng, được các em nhỏ chăm bón qua sự đón nhận… để hằng ngày tôi viết và sẽ còn viết cho thiếu nhi.

Tôi mong muốn và tin rằng thông qua thơ và truyện của mình, tôi góp phần kiến tạo nên những cung bậc cảm xúc cho trẻ. Đầu tiên là các bạn nhỏ có thơ để đọc cho vui; tiếp đó là tìm hiểu, hấp thụ và thẩm thấu những câu chuyện, chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ; sau nữa là kích thích trí tò mò, óc tưởng tượng và năng lực sáng tạo. Đích đến cuối cùng là góp phần bồi đắp tâm hồn, tình yêu thương, lòng nhân ái, bao dung cùng kỹ năng, bản lĩnh cá nhân để hoàn thiện 2 yếu tố quan trọng của một đứa trẻ: trí tuệ và thể lực. 

* Truyện dài Nghé Ọ hai xoáy của anh được cả thiếu nhi và người lớn yêu thích vì những chi tiết ứng xử, những bài học làm người rất hay. Trong đó, tình yêu thương, sự dìu dắt của người lớn rất quan trọng suốt quá trình lớn lên, hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Đây có phải là “kim chỉ nam”?

- Trong truyện dài Nghé Ọ hai xoáy cũng như trong các bài thơ từng viết, tôi luôn coi trọng và đề cao tình cảm yêu thương giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và loài vật. Tôi tin rằng ở đâu có tình yêu thương thì nơi ấy mầm nhân ái, lòng bao dung sẽ sinh sôi và phát triển. Giáo dục bằng tình yêu thương là giáo dục bền vững và tiến bộ. 

Xuyên suốt trong mọi tác phẩm tôi viết, những trụ cột về mối quan hệ người lớn với trẻ con, trẻ con với trẻ con, trẻ con với thế giới tự nhiên luôn vận hành bằng trách nhiệm đúng đắn và tình yêu thương. Sự trừng phạt có thể nhấn chìm và giết chết cảm xúc nhưng tình yêu thương và trách nhiệm đúng đắn sẽ nâng đỡ cảm xúc và tạo ra sự rung động, thấu cảm. Đó là cội nguồn của nhân cách con người và cũng là những yếu tố đắp bồi nhận thức, hành vi có tính thiện. 

* Bạo lực học đường đang là vấn đề đáng báo động trong môi trường giáo dục. Anh có nghĩ rằng thơ ca hay văn học thiếu nhi sẽ khơi gợi lòng trắc ẩn, giúp các em nhận thức được đúng sai, trân trọng tình bạn, tránh xa việc xấu, bảo vệ lẽ phải?

- Thật đau lòng và xót xa! Người lớn đã chưa thực hiện trọn vẹn trách nhiệm và tình cảm của mình đối với thế hệ thiếu niên, nhi đồng. 

Không có đứa trẻ nào bỗng dưng hư đốn. Đó là hệ lụy của một quá trình trượt dài mà không có dấu vết tình thương và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng. 

Những đứa trẻ lớn lên trong tình yêu thương và trách nhiệm sẽ không manh động và quá đáng như vậy - hoặc nếu có thì cũng chỉ là sự bộc phát và hiện tượng cá biệt, riêng lẻ. 

Tôi tin rằng những đứa trẻ được tưới tắm trong những cảm xúc đẹp mà thơ văn mang lại sẽ có tâm hồn đẹp. Tâm hồn đẹp thì hành động sẽ đẹp hoặc chí ít là không xấu xí đến mức thành bạo lực nguy hiểm. 

Nhà thơ Phạm Anh Xuân trong một buổi giao lưu cùng học sinh tiểu học tại Hà Nội
Nhà thơ Phạm Anh Xuân trong một buổi giao lưu cùng học sinh tiểu học tại Hà Nội

* Anh có thể chia sẻ một chút về quỹ Học bổng Gạo mà anh tham gia? 

- Đây là chương trình do một nhóm thiện nguyện lập ra, kết nối các cá nhân, tổ chức quyên góp trao học bổng thường xuyên và học bổng hằng năm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi tại các địa phương. Bên cạnh đó, Học bổng Gạo cũng ủng hộ và vận động quyên góp xây trường học, thư viện; tặng sách, dụng cụ học tập, thiết bị điện mặt trời cho các điểm trường vùng cao. Mới đây, với vai trò là tình nguyện viên nòng cốt của quỹ, tôi kết nối hoạt động của Học bổng Gạo với một nhóm tái chế xe đạp để thực hiện trao tặng xe đạp cho một số học sinh.

Hằng năm, tôi cũng trao tặng sách của tôi và mua thêm những tập sách thuộc nhóm văn học kinh điển để trao tặng cùng với quỹ.

Ngoài việc mang đến những tác phẩm thơ, văn để chăm sóc về mặt tinh thần, bồi dưỡng cảm xúc, đây là cách thiết thực nhất để tôi chung tay chăm sóc các bé về mặt thể chất được tốt hơn.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Trần Huyền Trang

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI