Nhà thơ Phan Hoàng: “Gió dựng thành lũy biên cương…”

23/05/2014 - 16:03

PNO - PN - Sinh ra và lớn lên trên bán đảo Đông Tác cuối dòng sông Đà Rằng (Tuy Hòa, Phú Yên), chứng kiến những mùa gió quê nhà và cả những “mùa giông tố” của thời cuộc, nhà thơ Phan Hoàng (ảnh) nói, không gian chủ đạo trong thơ anh cũng...

edf40wrjww2tblPage:Content

* Trong tâm thế này, chắc anh cũng đang sáng tác về biển đảo?

- Không phải thời điểm này tôi mới sáng tác thơ về biển. Trước đây tôi từng có những bài: Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc, Gió hợp hôn đất nước, Tiếng hát trên đảo Sơn Ca… Hiện tôi đang tập trung hoàn thành tiếp loạt thơ về Trường Sa. Tôi cũng vừa chăm chút lại bài Gió dựng thành lũy biên cương, được viết sau hai chuyến đi xuyên Việt. Đây cũng sẽ là một bài trong tập Bước gió truyền kỳ sắp in.

* Những xúc cảm nào về Trường Sa anh không thể quên?

- Rất nhiều. Trường Sa - trong lòng tôi không quá xa xôi mà ngược lại rất gần gũi, từ tiếng chuông chùa, từng ngọn rau muống biển, từng người lính… Gần gũi mà thiêng liêng, bất cứ ai ra Trường Sa trở về đều có cách nhìn khác về đất nước, dân tộc mình. Phải đi mới thấm thía tình yêu dành cho Tổ quốc, để biết rằng giữa trùng khơi ấy, biển không hề bình yên. Tôi nhớ có lần trên đảo Sơn Ca, đoàn công tác đang diễn văn nghệ thì trên trời xuất hiện máy bay lạ, các chiến sĩ lao lên công sự, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chúng tôi ngơ ngác, không kịp biết mình đang đối mặt với điều gì. Thế mới biết, hiểm nguy có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Sau lần ấy, tôi đã viết bài thơ Tiếng hát trên đảo Sơn Ca: Em hát về vùng trời bình yên/Đảo bỗng nhiên báo động/ Tiếng sơn ca chới với giữa trùng khơi/Dưới lớp sóng dịu êm/Âm ỉ bao trận bão…

* Theo anh, thơ ca ở thời điểm này có còn đủ sức tạo ảnh hưởng “trên mặt trận văn hóa”?

- Trước đây, website Hội Nhà văn TP.HCM cũng có chuyên đề thơ về Biển Đông nhưng không thường xuyên. Giờ số lượng tác phẩm đã nhiều lên. Rõ ràng tình yêu quê hương đất nước luôn ẩn sâu trong lòng mỗi người, khi đất nước có biến cố, tình yêu ấy trỗi dậy mãnh liệt. Không thể so sánh với thơ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhưng thơ ca từ sau thời kỳ đổi mới đến nay đã có được tầm vóc riêng mà có lẽ những nhà phê bình chưa đánh giá hết.

Nha tho Phan Hoang: “Gio dung thanh luy bien cuong…”

* Trong thơ anh không chỉ có cảm xúc mà còn có cả lịch sử đầy thăng trầm của Tổ quốc…

- Đó là vì tôi rất yêu lịch sử. Từ năm lớp 3 tôi đã thích và say mê đọc sách sử, có khi thuộc cả nhiều chương. Càng đọc càng ngấm, để rồi tự hỏi vì sao phải có chiến tranh? Vì sao đất nước Việt Nam phải trải qua 14 lần giông tố trong những cuộc chiến gìn giữ biên cương? Hỏi để đi tìm câu trả lời về hòa bình. Sau này, khi đi làm báo, viết chân dung các danh tướng Việt Nam, tôi cũng đã tự hỏi rất nhiều lần như vậy. Không thể có câu trả lời, bởi mỗi thời kỳ đều có những lý do, mục đích và biện giải riêng. Tôi nhớ có rất nhiều vị tướng nói “chúng ta phải luôn cảnh giác đàn anh Trung Quốc”. Lịch sử và những bài học xương máu còn đó.

* Có một nỗi ám ảnh nào từ lịch sử đã chi phối lựa chọn và phong cách sáng tác của anh?

- Tôi có một ký ức hãi hùng vào năm lên bảy tuổi, đúng năm đất nước được giải phóng. Quê tôi cứ vài ba ngày là có một xác chết được đưa về, hoặc bộ đội hoặc lính cộng hòa. Tôi nghe tiếng súng nổ hàng đêm, chứng kiến cảnh đạn lạc sượt ngang vai mẹ. Cả tuổi thơ ám ảnh xác người trôi lềnh bềnh trên con kênh nhỏ chảy qua nhà mình. Những hình ảnh chết chóc kinh hoàng đó ám ảnh tôi dữ dội.

* Có phải vì vậy mà trong rất nhiều sáng tác của anh có hình ảnh của sóng, của gió...

- Tôi sinh ra giữa gió, lớn lên trong gió. Ở đâu cũng có gió nhưng gió miền Trung rất khắc nghiệt, có khi dịu dàng nhưng có lúc hết sức dữ dội. Có lẽ đó như là hơi thở, quen thuộc đến mức không hẳn tôi có chủ ý viết về sóng, gió nhưng những câu thơ lại cứ gắn với sóng, gió.

* Mỗi người sinh ra đều có một sứ mạng. Anh có nghĩ sứ mạng của mình thuộc về thơ ca?

- Tôi sống trong những giai đoạn chuyển giao khốc liệt, trải qua mất mát, từng có lúc bế tắc, bất lực. Tôi không dám nói đã và sẽ làm được điều gì lớn lao cho Tổ quốc, cho cuộc đời, nhưng với riêng tôi, điều lớn lao đó chính là trách nhiệm. Sống có trách nhiệm với bản thân và với mọi người. Đó vừa là mối lo vừa là hạnh phúc và niềm vui. Tôi cũng không đặt nặng hay kỳ vọng về những gì mình có thể làm cho thơ ca, chỉ cần trong khoảnh khắc trải lòng với con chữ, tôi thấy mình hạnh phúc.

* Xin cảm ơn anh.

 TIỂU QUYÊN (thực hiện)

Từ khóa Phan Hoàng
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI