Nếu theo dõi, hẳn chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra có một dòng văn học trẻ - đầu thế kỷ XXI - đang cố gắng vượt thoát những ước lệ cũ xưa, những khuôn phép cố cựu, bằng một giọng thơ mới có tính đương đại và hiện sinh, phóng khoáng, tự do, không vần… nhưng vẫn không làm mất đi hồn thơ, ngữ điệu và nhạc tính trong thơ. Ngô Thị Hạnh - bút danh Ngô Hạnh hay Hạnh Ngộ, nổi lên trong dòng văn học này như một hiện tượng về thơ trẻ ngay khi còn là sinh viên của trường ÐH KHXH & NV TP.HCM.
Năm 2004, Ngô Thị Hạnh có tác phẩm được in thành sách: tập thơ Vang vọng và tập truyện Hòn bi vỡ. Năm 2006, Ngô Hạnh được kết nạp vào Hội nhà văn TP.HCM. Từ “bệ phóng” văn chương này, giọng thơ trẻ Ngô Thị Hạnh ngày càng sắc cạnh và thơ của Hạnh nhanh chóng tiếp cận với độc giả mọi lứa tuổi.
Ðến nay, Ngô Hạnh đã xuất bản riêng tám tác phẩm văn học và tham gia sáng tác trên 10 kịch bản phim truyền hình, trong đó có hai tác phẩm điện ảnh. Văn chương của Hạnh không làm dáng và càng không kiểu cách vì những ngôn từ cuộc sống qua góc nhìn của Hạnh chân thật với những câu chuyện, những cảm xúc nhuần nhị, những trăn trở đầy cá biệt và rất... đàn bà.
Sinh trưởng trong một gia đình công chức nghèo ở Tây Ninh, cũng như bao cô sinh viên khoa văn nhiều mơ mộng, Ngô Hạnh cũng mong đợi một mái ấm gia đình và một tấm chồng tử tế. Hạnh nghĩ mình có đủ khả năng để làm điều đó. Nhưng tình yêu - hạnh phúc cứ như những hạt cát rời khỏi kẽ tay cô gái bé nhỏ. Cô độc chứ không cô đơn, Hạnh bảo thế, vì xung quanh mình cuộc sống vẫn tiếp diễn với biết bao điều thú vị của nó, nên chị cần mẫn làm việc, lặng lẽ trải nghiệm cuộc sống cô độc và viết.
Hạnh viết miệt mài, viết kiên trì nhưng nghề viết cũng vô cùng khắc nghiệt với một cô gái trẻ. Viết dở thì đã đành, còn nếu “lỡ” viết hay thì không biết bao sóng gió thị phi ập xuống “giết non” không chỉ tác phẩm mà cả người viết. Hạnh không nản, vẫn làm việc kiếm sống, vẫn chắt chiu từng con chữ.
May mắn là sau khi tốt nghiệp ra trường (2005) Hạnh có công việc ổn định ở Nhà xuất bản Phương Nam, nên không phải đến nỗi vật vã chuyện áo cơm như bao bạn bè cùng trang lứa. Thời gian làm việc ở nhà xuất bản cũng khiến cho “vốn liếng” về cuộc sống của Hạnh đầy đặn thêm và sau nhiều năm miệt mài cùng con chữ, những sản phẩm của Hạnh đã được công chúng đón nhận.
Ðiều đáng ngạc nhiên là khi mảnh vườn chữ nghĩa Ngô Thị Hạnh gieo trồng bắt đầu cho những mùa quả ngọt, thì chị quyết định dừng lại và đơn độc với sự chọn lựa của mình: làm mẹ một mình. Ðiều mà trước đó có nằm mơ chị cũng không bao giờ nghĩ tới, dù chị cũng thuộc kiểu phụ nữ hiện đại.
Chị bảo, vì chị không thoát khỏi suy nghĩ “đũa phải có cặp”, “vợ chồng phải có đôi” theo truyền thống của ông bà cha mẹ mình. Cũng bởi chị không thích việc sinh con đơn thân. Nếu số phận của đứa trẻ được định như vậy thì đành phải chịu. Còn nếu chê đàn ông bạc bẽo mà không lấy họ làm chồng thì cũng nên biết trách phụ nữ không biết khơi gợi những tính tốt nơi họ.
Vậy nên, chị chỉ chấp nhận số phận này khi mình phải rơi vào nghịch cảnh. Mà khi đã chấp nhận, chị cố gắng sống “tận tình” với số phận ấy, không kêu ca hay thù hận. Việc mình với người đàn ông kia như thế nào không nên lôi kéo đứa trẻ vào, mối quan hệ mẹ - con là một mối quan hệ khác, nó thiêng liêng và khác biệt với chuyện ái tình của người lớn, cho dù nó được sinh ra từ ái tình…
Vậy là một ngày đẹp trời - ở tuổi 36, Ngô Hạnh chọn cái điều trước đây chị từng phản bác. Với Ngô Hạnh đây lại là chọn lựa vất vả nhưng hạnh phúc. Chị bảo, ngay từ khi biết mình mang thai sinh linh bé nhỏ, chị đã rất hạnh phúc. Bởi đứa trẻ được cộng hưởng từ tình yêu - dù ngắn ngủi, dù không trọn vẹn và ít nhiều ngang trái. Những vất vả là có thật và sẽ rất gian nan trong một khoảng thời gian dài nuôi con khôn lớn, nhưng niềm hạnh phúc cho sự tồn tại của một con người lớn hơn nhiều, nên chị chấp nhận.
“Tôi thấy tôi đã tìm lại chính mình, thậm chí tìm ra hành trình hình thành bản ngã của mình qua con trẻ, nên dù không có ba bé ở bên, tôi phải biết nhìn cái mình đang có mà sống, mà vươn lên. Rớt nước mắt trong sự lẻ loi nhưng từ sâu thẳm, tôi lại cảm ơn người ấy đã cùng mình tạo ra một con người. Ðó là sự gắn kết trần tục và thiêng liêng. Tôi trân trọng điều đó”.
Trải nghiệm làm mẹ cũng khiến chị trưởng thành hơn và có thể thông cảm với tất cả tính vị kỷ của phụ nữ - như ghen tuông, chiếm hữu và tự ti - mà trước đó, với bản tính dứt khoát, chị chấp nhận chứ không thể cảm thông một cách sâu sắc như bây giờ. Ðặc biệt, chị đã biết nghĩ cho mẹ mình và những người phụ nữ khác nhiều hơn - từ khi có cậu con trai Tobi.
Chị chia sẻ: “Thương lắm, nhưng chẳng thể làm gì bù đắp được những khoảng trống từ đáy mắt của mẹ mình - và cả những bà mẹ có con “chẳng may” rơi vào cảnh mẹ đơn thân hoặc cha đơn thân hay giới tính trái nghịch. Một cái ôm hay ngàn lời xin lỗi của những đứa con dám vượt qua lễ giáo này - trong đó có tôi - cũng khó có thể bù đắp được nỗi buồn của mẹ. Ðặc biệt là mẹ tôi, người phụ nữ tôi thầm ngưỡng mộ nhưng lúc nào gặp dường như cũng có cãi cọ - xung đột nho nhỏ, vì hai mẹ con khắc khẩu.
Tuy nhiên, con trai tôi bây giờ có thể làm mẹ tôi vui hơn. Bé an ủi bà ngoại bằng những nụ cười. Mẹ tôi là bà nội đã gần 5 năm nay, nhưng cháu nội ở xa, nên giờ có cháu ngoại bên cạnh, mẹ vui nhiều hơn. Bà thích tắm cho bé, ngày nào việc tắm bé cũng trở thành ngày hội, vì con tôi rất thích nghịch nước, thích nắm áo và tay bà khi tắm.
Nỗi buồn của mẹ tôi có lẽ đã được tan ra, hay được “gió cuốn đi” mất biệt từ lúc mẹ đón đứa cháu ngoại từ phòng hồi sức của bệnh viện phụ sản. Bé không đỏ hỏn, khóc oe oe như ngoại nghĩ, mà bé trắng tươi, tóc đen như mun, môi đỏ - đang sảng khoái với việc tập ti mẹ khi mới chào đời. Âu đó cũng là lời xin lỗi mẹ của tôi, và tôi cảm thấy biết ơn đất trời vì điều đó. Ðấng tự nhiên đã ban tặng cho chúng tôi một món quà vô giá: đó là một con người”.
Vẫn là Hạnh của những ngày chưa làm mẹ đấy thôi, vẫn mái tóc ngắn “man lỳ” và cách nói chuyện say sưa, quyết liệt, đầy cá tính… nhưng lần tiếp xúc này, tôi cảm nhận trái tim người đàn bà ấy đa cảm hơn và trăn trở hơn. Vẫn là Hạnh biết gói ghém lại bằng nụ cười an nhiên trên từng trang viết, vẫn tỉ mẩn vẽ lại hình hài của nỗi buồn, hình hài của nỗi đau, của thương yêu tiếc nhớ của những chông chênh trong cảm xúc, của những chông gai trong cuộc sống… Nhưng giờ đây, Hạnh đã trưởng thành khi làm mẹ - dù phía trước còn nhiều thử thách.
Thiên Nga