Bắt đầu từ tác phẩm đầu tay Con trai con gái, in trong Tủ sách tuổi mới lớn của Nhà xuất bản Kim Đồng vào năm 2007, đến nay, Hồ Huy Sơn đã có hơn mười tác phẩm được xuất bản. Trong đó, có thể kể đến: Ngày lạ (2009), Cơm nhà cơm người (2012), Rồi lẻ loi như gió (2016), Những đóa hoa lạ nhà, Hát cho lời quả sai (2017), Một cảnh không có trên phim (2018), Mây vẫn bay trên bầu trời thành phố (2021)…
Mới đây, Sơn cho ra mắt tập thơ thiếu nhi sau mười năm ấp ủ: Những ngọn đèn thơm (Sbooks và Nhà xuất bản Văn học ấn hành). Trước đó, anh cũng từng có những tựa/bộ sách viết cho thiếu nhi: Thả chim về trời (2012), Đi qua những mùa vàng, Con diều ngược gió (2017, đã tái bản)…
Ai cũng có thể viết cho thiếu nhi
Phóng viên: Chúc mừng Hồ Huy Sơn với tập thơ Những ngọn đèn thơm vừa phát hành. Lâu nay, thơ vẫn khiến nhiều người lo ngại khi in sách. Chọn thời điểm này để phát hành tập thơ ấp ủ suốt mười năm, có phải anh đã nhìn thấy được một tín hiệu khả quan từ “thị trường thơ”?
Nhà thơ - nhà báo Hồ Huy Sơn: Tôi nghĩ tác giả không quyết định được thời điểm ra mắt sách, mà nó là tổng hòa của các yếu tố: thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Cách đây mười năm, tôi từng có ý định in tập thơ thiếu nhi, lúc đó có tên là Cánh đồng ấu thơ. Tuy nhiên, vì một chút trục trặc từ phía nhà in, tập thơ đã không được ra đời. Mười năm qua, tôi vẫn tiếp tục sáng tác. Phần thưởng cho sự nỗ lực đó là tập thơ Những ngọn đèn thơm vừa ra mắt, có sự đầy đặn, nhiều bài thú vị hơn so với trước đây.
Ở khía cạnh thơ thiếu nhi, đúng là tôi có nhìn thấy được những tín hiệu tích cực từ thị trường. Cách đây không lâu, nhiều tập thơ thiếu nhi đã để lại ấn tượng tốt và được độc giả đón nhận như Ra vườn nhặt nắng (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Con nít con nôi (Hoa Cúc và Mel Mel), Biển là trẻ con (Huỳnh Mai Liên)… Điểm chung ở các tập thơ này là được trình bày sinh động, bắt mắt, có nhiều tranh minh họa dễ thương. Vì vậy, khi in tập thơ thiếu nhi đầu tiên của mình, tôi có trao đổi với đơn vị phát hành là phải in màu và phải có tranh minh họa.
Khi sách đến với các bậc phụ huynh và các em nhỏ, nhận được những lời khen của bạn đọc, tôi tin mình đã quyết định đúng.
|
Một số tác phẩm đã xuất bản của Hồ Huy Sơn |
* Nhiều tác giả sáng tác thơ khi đã có con, Hồ Huy Sơn thì không phải vậy. Điều đó có là thử thách cho anh?
- Đúng là rất nhiều người, từ khi có con, nguồn cảm hứng viết cho thiếu nhi trở nên sôi nổi và dồi dào. Đó giống như một cuộc khám phá bất ngờ và thú vị. Nhưng tôi cũng tự hỏi: Liệu sau 10, 15 năm khi những cô bé, cậu bé kia lớn lên, nguồn cảm hứng viết cho thiếu nhi của những ông bố, bà mẹ đó có còn không? Tôi nghĩ ai cũng có thể viết cho thiếu nhi, miễn là có đủ đam mê, đủ tài năng và tình yêu dành cho trẻ nhỏ.
Bản thân tôi bắt đầu viết từ những năm 15, 16 tuổi. Đến giờ, số tuổi đã gấp đôi hồi đó nhưng may mắn là đam mê và tình yêu dành cho trẻ nhỏ vẫn còn. Tôi cũng tin rằng, trong mỗi người đều tồn tại một đứa trẻ, quan trọng là chúng ta có chịu đánh thức đứa trẻ bên trong mình hay không. Mỗi ngày qua, tôi vẫn luôn sống với đứa trẻ đó, cho nên việc viết thơ cho thiếu nhi cũng không có gì phải gọi là thử thách. Còn nếu để gọi là thử thách thì đó là việc phải viết làm sao cho hay, bắt đúng tần số của các em, để các em yêu thích tác phẩm của mình. Đây là thách thức lớn nhất mà tôi đã và đang nỗ lực để vượt qua.
* Vậy lợi thế lớn nhất của anh trong việc sáng tác thơ cho thiếu nhi là gì?
- Lợi thế lớn nhất của tôi có lẽ là sự hồn nhiên (cười). Nhiều người nói vậy và tôi xem đó như một lời khen. Với tôi, sự hồn nhiên giống như một món quà, không chỉ giúp tôi dễ dàng đi qua những điều bất như ý trong cuộc sống mà còn giúp tôi có thể viết được cho thiếu nhi. Tôi nghĩ sự hồn nhiên cũng là yếu tố quyết định xem một người có thể viết được cho thiếu nhi hay không.
Ngoài ra, tôi còn có tình yêu với trẻ nhỏ. Có một điều rất lạ là hồi nhỏ, có rất nhiều đứa trẻ từng được tôi trông, cho ăn rồi ru ngủ. Biết tôi và cả nhà đều thích trẻ con, hàng xóm vẫn thường bế sang. Khi đó, mọi sự cứ diễn ra tự nhiên như vậy, không có một sự thỏa thuận nào, việc trông trẻ hoàn toàn miễn phí. Có lẽ vì yêu trẻ từ nhỏ nên sau này, tôi cũng được trẻ quý.
Quê hương luôn là nơi để chúng ta ngóng vọng
* Tuổi thơ và quê hương ảnh hưởng thế nào đến các sáng tác của anh? Và cuộc sống đô thị tác động đến cảm xúc thi ca ra sao?
- 19 tuổi, tôi xa nhà ra Hà Nội học, 24 tuổi thì chuyển vào Sài Gòn sống từ đó tới giờ. Đúng là những gì thân thương, ấm áp, làm nên con người tôi sau này hoàn toàn đến từ khoảng thời gian 19 năm ấy.
Quê hương luôn là nơi để chúng ta ngóng vọng. Với riêng tôi, quê hương còn là nguồn cảm hứng không thể thiếu cho những trang viết, dù là truyện ngắn, thơ hay tản văn. Có một sự thật là mỗi khi nhớ hoặc viết về quê hương, trong lòng tôi luôn tìm thấy sự bình yên. Tôi mong muốn được lan tỏa điều này đến bạn đọc, thông qua những trang viết của mình.
* Từ nhỏ, anh đã làm thơ. Có thể hình dung một “nhà thơ nhí” của năm ấy như thế nào?
- Khi còn là cậu học trò nhỏ, tôi viết nhiều, một phần vì lúc đó tôi nhận ra mình là cậu bé nhạy cảm và sống nội tâm. Khi không thể trò chuyện được với mọi người trong nhà thì tôi tìm đến thơ, như tìm đến một người bạn để tâm tình và giãi bày. Thêm vào đó, mỗi lần thơ của mình được đăng báo, sau đó được nhận một khoản nhuận bút đáng kể, tất cả trở thành nguồn động viên, khích lệ rất lớn với tôi.
Hồi đó, tôi có khoảng 2, 3 cuốn sổ, chép lại những bài thơ. Giờ mỗi lần về nhà, mở ra đọc lại, không tránh khỏi cảm giác buồn cười lẫn thích thú. Dường như mọi thứ đều diễn ra xung quanh cuộc sống của cậu học trò quê hồi đó, từ chuyện gia đình, trường lớp đến những ngày tháng chăn trâu cắt cỏ trên đồng. Tất cả đi vào thơ một cách tự nhiên, thấy gì viết nấy mà ít có sự đầu tư hay chăm chút về câu chữ.
* Bây giờ, viết văn, viết báo, làm thơ, vui sống… Anh còn mong ước thêm những điều gì?
- Thực tình là sau này, tôi ít khi bận tâm những vấn đề ngoài văn chương, báo chí. Bởi so với nhiều người, tôi nghĩ mình may mắn, mọi thứ đều diễn ra trong những từ khóa mà bạn đề cập. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Mỗi ngày trôi qua, tôi cố gắng hoàn thành công việc để có thời gian đọc sách, viết lách, thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè. Tôi cố gắng điều hướng cuộc sống của mình đến một sự bình an nhất có thể.
* Thế hệ cầm bút 8X tuy chưa già nhưng cũng không trẻ nữa. Thời điểm này, anh nghĩ gì về những điều muốn làm với văn chương trong tương lai?
- Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn và biết ơn khi đã có một hành trình gắn bó với văn chương. Thấm thoát mà cũng hơn 20 năm rồi! Hẳn nhiên, văn chương không giúp người ta giàu có về vật chất nhưng lại là công việc cho người viết một đời sống giàu có về tinh thần. Rất mừng là đến lúc này, tôi không còn cảm giác phân vân hay hoang mang về văn chương, về việc mình đã bỏ qua nhiều công việc khác để theo đuổi văn chương.
Chuyện tương lai thật khó nói trước, còn hiện tại, tôi vẫn viết và đọc, xem như một hoạt động thường ngày không thể thiếu. Đến khi có bản thảo ưng ý, tôi lại đi tìm cơ hội xuất bản cho nó.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Cầm Thi (thực hiện)