Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: "Tâm thức về quê hương của tôi vô cùng mãnh liệt"

13/10/2016 - 06:21

PNO - Nhìn Quế Mai, khó ai biết được rằng cô đã lấy chồng người nước ngoài, sống ở nước ngoài đến 16 năm, đã đi nhiều nơi trên thế giới, đã có thể làm thơ, viết lách bằng tiếng Anh.

Tôi gặp Quế Mai lần đầu tiên tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX năm 2015. Dù đã là cái tên quen thuộc, nhưng “mặt mũi” của nhà thơ thì chưa nhiều người biết đến. Và vì thế, chuyện “chỉ trỏ” cho nhau xem Nguyễn Phan Quế Mai là ai khá… xôm tụ.

Có một điều khiến tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy Mai trong vài ba buổi đại hội: hình như cô ăn mặc và ứng xử còn Việt Nam hơn cả những nhà thơ nữ trong nước. Nhìn Quế Mai, khó ai biết được rằng cô đã lấy chồng người nước ngoài, sống ở nước ngoài có đến trên 16 năm, đã đi nhiều nơi trên thế giới, đã có thể làm thơ, viết lách bằng tiếng Anh. Chính những điều đó khiến tôi hẹn hò với chị, để được trò chuyện về những điều nuôi dưỡng cái hồn, cái chất phụ nữ (PN) Việt ấy trong chị.

* Phóng viên: Con đường đến với thơ, với văn chương và chữ nghĩa của mỗi người khác nhau, có người là cuộc tìm tòi, là sự khám phá, có người lại là sự giải tỏa… Còn hình như với chị, văn chương là một cuộc trở về?

- Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai: Thật ra, tôi yêu và mê đọc sách, mê thơ từ ngày còn rất nhỏ, sổ tay, lưu bút chép đầy thơ. Nhưng gia đình tôi khi ấy rất nghèo, mọi thành viên trong nhà đều phải bươn chải, nên tôi ước mơ làm bác sĩ để giúp gia đình. Thế nhưng sau đó, một người anh trai nói với tôi là thi vào trường y khó đậu, lại học tới sáu năm mới ra trường, thế là tôi thi vào ngành ngoại thương, sau đó được học bổng, qua Úc học quản trị kinh doanh.

Thời ấy tôi đọc nhiều, nhưng chỉ toàn sách về kinh doanh. Về Việt Nam, tôi làm cho một tập đoàn bảo hiểm của Úc. Với một người mà tâm hồn đã có thấm chút văn chương chữ nghĩa, công việc kinh doanh làm tôi thất vọng. Ở trong môi trường ấy, đôi khi tôi gặp những trường hợp, hoàn cảnh mà những tiêu chuẩn về đạo đức bị hạ thấp.

Trong môi trường kinh doanh, chuyện đưa hối lộ và nhận hối lộ diễn ra hàng ngày thành thói quen. Và hình như trong môi trường đó, người ta không được sống bằng con người thật của mình, luôn phải nghĩ đến mánh khóe…

Thời gian đó, tôi gặp ông xã của tôi bây giờ, một người Đức. Tôi lấy anh và theo chồng sang Bangladesh, nơi anh công tác, để sinh sống. Tôi sinh con và phải ở nhà nuôi con nên luôn cảm thấy hết sức bức bối, ngột ngạt.

Một lần, ông xã đưa cho tôi xem quảng cáo tìm người của một trường quốc tế. Tôi lập tức xin đi làm và đó chính là may mắn của tôi. Tôi vào làm trong thư viện lớn nhất của Bangladesh. Ở đó, tôi làm công việc mua sách, hệ thống tư liệu, đọc sách, trao đổi lịch, mời tác giả nói chuyện… Tôi bắt đầu đọc nhiều hơn, có hệ thống hơn và ý thức hơn.

Năm 2006 tôi cùng chồng trở về quê hương và tiếng Việt đã ùa vào tôi. Tôi viết một cách tự nhiên, không hề chịu ảnh hưởng của ai cả. Thơ với tôi khi ấy đúng là một cuộc trở về.

Nha tho Nguyen Phan Que Mai:

* Bắt đầu làm thơ như một cuộc trở về với cội nguồn, nhưng cũng chính là trở về với bản thân mình, một cô gái luôn thuần chất Việt, nhưng sau đó chị lại bắt đầu dịch thơ và sáng tác thơ bằng tiếng Anh. Phải chăng đó lại là một cuộc ra đi khác, mang ý nghĩa lớn hơn, trách nhiệm hơn của một người cầm bút?

- Khi mới bắt đầu viết, tôi viết nhiều, không trăn trở, suy tư mấy về đề tài. Giờ đây, tôi viết chọn lọc hơn. Khi làm truyền thông cho một tổ chức của Liên Hiệp Quốc, tham gia vào công việc xóa đói giảm nghèo, tôi gặp gỡ nhiều người nghèo và đưa số phận của họ - những người bán hàng rong, những người nhặt rác - vào thơ.

Thơ với tôi không phải để viết cho vui mà là nơi để những con người như thế cất lên tiếng nói của mình, là thông điệp của xã hội và lịch sử. Tôi muốn qua thơ ca để nói về lịch sử của Việt Nam. Tôi muốn kể với bạn bè quốc tế về Việt Nam. Tôi viết về cái chết của bà nội tôi trong nạn đói năm 1945, về cuộc ra đi và trở về của những đứa trẻ bị đưa đi khỏi Việt Nam năm 1975.

Khi ra nước ngoài, đọc thơ giao lưu là tôi muốn kể một câu chuyện về Việt Nam. Tôi muốn thu hút sự quan tâm của bạn đọc, sao cho khi nghe thơ tôi, người ta muốn đến Việt Nam. Tôi muốn nói với mọi người về nguồn năng lượng dồi dào của mảnh đất này.

* Rời khỏi Việt Nam đã hơn 16 năm, lấy chồng người Đức, nhưng hình như chị vẫn là một PN rất Việt Nam trong trang phục, tính cách, cư xử. Điều gì đã giúp chị giữ được là mình trong cuộc hội nhập vào hôn nhân và văn hóa?

- Lòng tự hào. Tôi nghĩ thế. Đi ra nước ngoài, tôi càng nhận thấy người Việt không thua kém ai, người Việt có bản lĩnh, có tri thức và rất tự tin. Cái kém của người Việt là ngoại ngữ và hơn nữa là sự co cụm trong tâm thức. Tôi ước gì các bạn trẻ Việt Nam đừng nghĩ tới biên giới quốc gia.

Tôi lấy chồng người nước ngoài, sống nhiều năm ở nước ngoài nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Tôi vẫn nghĩ ra đi là để trở về, cuộc sống mới thật là cuộc sống, được nói tiếng Việt, ăn đồ Việt. Xa quê là sự thiếu thốn. Khi xa quê, tâm thức về quê hương của tôi vô cùng mãnh liệt.

Việc lấy một người chồng nước ngoài không biến tôi thành một người khác. Tôi thấy đó là một điều hết sức bình thường. Chồng tôi làm công việc ngoại giao, cứ bốn năm, chúng tôi lại di chuyển sang một nước khác. Sự dịch chuyển đó có thể gây nên những đau đớn rất lớn khi người ta luôn luôn phải làm lại từ đầu, kết thân lại từ đầu và chưa kịp quen thuộc thì đã dịch chuyển.

Và anh ấy tự hào về tôi: đi đâu tôi cũng có thể hội nhập rất nhanh. Tôi làm công việc viết lách, và văn chương cho tôi sự tự do, có thể làm việc ở bất cứ đâu. Tôi không buồn chán, không bất mãn, không than thở. Dù ở đâu, đi đâu, tôi không để cho sự khác biệt làm ảnh hưởng đến mình.

* Người ta thường nói đến sự khác biệt văn hóa giữa các cặp vợ chồng khác quốc tịch, về những đau đáu của người con xa quê khi thấy con cái mình sinh ra không nói được tiếng nước mình, không hiểu văn hóa và nhất là xa lạ với quê hương của mình…

- Chồng tôi rất yêu Việt Nam. Sau khi học xong đại học, anh đã đi du lịch bụi khắp châu Á rồi quay lại Việt Nam và gặp tôi. Anh thích đồ ăn Việt Nam, thích chạy xe máy, thích đi mua hàng và trả giá… Tôi nghĩ khi yêu thương và trân trọng nhau thì sẽ không có sự khác biệt văn hóa nào mà không vượt qua.

Điều quan trọng là khi phải rời bỏ quê hương, theo chồng, đừng để mình thành người phụ thuộc, đừng để mình tụt hậu về kiến thức. Khi đó, mối quan hệ sẽ không còn bình đẳng và sẽ rạn nứt.

Giữa vợ và chồng, điều quan trọng nhất theo tôi là sự chia sẻ, phải luôn trò chuyện với nhau, phải hiểu bạn đời của mình. Hãy cố gắng tạo nên những điều mới mẻ, hạnh phúc cho cuộc sống của mình. Năm ngoái, tôi và chồng đã có một chuyến đi xe máy từ Bắc vào Nam hơn một tuần lễ. Chúng tôi đã cùng nhau ghé trạm xá Đặng Thùy Trâm và ở đó tôi đã viết bài thơ Tiếng chim gieo vào tôi bóng mát.

Với các con, tôi thường xuyên cho chúng về Việt Nam để có thể sống tuổi thơ hạnh phúc ở quê mẹ. Tôi tạo cho chúng ký ức về Việt Nam và từ đó mà chúng tự yêu, cảm thấy tự hào rằng mình là người Việt Nam.

* Hình như khi ở nước ngoài, chị không chỉ giới thiệu với bạn bè quốc tế về Việt Nam bằng thơ và qua thơ mà còn đến với mọi người bằng hình ảnh của PN Việt làm thơ với những chiếc áo dài, với phong cách và phong thái của PN Việt?

- Đúng vậy. Tôi yêu và tự hào về chiếc áo dài. Lần nào về Việt Nam tôi cũng may áo dài. Tôi đi nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa và tiếp xúc với nhiều PN, tôi thấy không chiếc áo truyền thống nào đẹp như chiếc áo dài. Tuy nhiên, tôi không mua những chiếc áo dài cầu kỳ, đắt tiền. Tôi mua những chiếc áo rất bình dân để được thoải mái thật sự với chúng. Thiếu chiếc áo dài, tôi cảm thấy hình ảnh mình giới thiệu về Việt Nam với bạn bè quốc tế sẽ không còn trọn vẹn.

Bên cạnh áo dài, có một thứ trang sức tôi cũng vô cùng yêu thích là bông tai. Tôi nghĩ bông tai tạo nên tính cách cho khuôn mặt. Và tôi cũng không mua bông tai đắt tiền. Tôi thường mua chúng trên đường phố những nơi tôi đi qua. Mỗi đôi bông tai lại gắn với tôi bằng một câu chuyện khi tôi hỏi thăm, cười và chụp hình với những người bán hàng trên phố.

* Trong mắt của nhiều người, hình như chị là một nhà thơ, một PN làm việc, viết lách với cường độ rất cao. Chị còn thì giờ để chăm sóc, làm đẹp cho mình không?

- Tôi nghĩ, một PN đẹp chính là một PN biết chăm sóc mình. Nhưng sự chăm sóc đó không đơn giản là phấn son, lụa là mà trước hết là chăm sóc cho tâm hồn mình, tình cảm của mình. Trong thời đại hiện nay, với cuộc sống có quá nhiều thông tin, quá nhiều tiếp xúc với thế giới từ mọi nguồn thì chăm sóc tâm hồn là phải biết cách tạo cho mình một bộ lọc.

Hận thù, giận hờn là tự hại mình. Khi có điều không vui hoặc buồn phiền, giận dữ thì hãy làm gì đó mình thích: đi bộ, dạo chơi, nghe tiếng chim hót, thả hồn vào thiên nhiên. Người PN đẹp là người PN khỏe mạnh cả tâm hồn và thể xác. Dù có bận rộn đến mấy, tôi vẫn dành ra mỗi ngày 20-30 phút tập thể dục, làm vài động tác hít thở hay yoga. Tôi tranh thủ tập thể dục bằng cả việc mang giày bệt và đi bộ thật nhanh.

Song Văn (thực hiện)

Ảnh: Trịnh Bửu Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI