Nhà thơ Lương Hữu Quang: Viết cho đồng đội bằng trái tim người lính

21/12/2022 - 08:36

PNO - Nhà thơ Lương Hữu Quang từng là chiến sĩ phòng không - không quân. Năm 1989, anh rời quân ngũ. 20 năm sau, anh bắt đầu làm thơ và viết về người lính. Nhà thơ chia sẻ, anh muốn viết cho đồng đội mình và tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước…

Từ trong đất lửa là chương trình do Báo Phụ Nữ TPHCM thực hiện, nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật được trao giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010-2020).

Chương trình giao lưu với văn nghệ sĩ cùng các nhân vật bước ra từ trang sách, cũng như các vở diễn sân khấu, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm múa; với những sáng tác có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, ca ngợi vẻ đẹp của đất và người ở thành phố mang tên Bác.

Số 1: Hoa trong lửa

Số 2: Vở cải lương "Thành phố buổi bình minh": Một thời gian khó, một thời thương

Số 3:  Huyền thoại tàu không số - Tập 1: Những người anh hùng chân đất

Số 3: Huyền thoại tàu không số: Tập 2 - Ngày trở lại "bến xưa"

Số 4: Lời Bác sáng mãi muôn đời

Trường ca Nơi khôn thiêng của biển là một trong những tác phẩm ấn tượng của nhà thơ Lương Hữu Quang. Tác phẩm được trao giải B (không có giải A) giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018.

Chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm, nhân vật Từ trong đất lửa số 5 của Báo Phụ nữ TPHCM sẽ giao lưu với nhà thơ Lương Hữu Quang cùng trường ca Nơi khôn thiêng của biển. Hai tập với chủ đề Bắt đầu từ đảo sóngVọng tới xưa sau sẽ được phát sóng vào ngày 22 và 23/12, tại www.phunuonline.com và kênh YouTube Báo Phụ nữ TPHCM.

“Người lính đảo gấp số phận làm thuyền vượt sóng" 

“Ai đó trong đêm hỏi tôi/ Đảo là gì? Tổ quốc là gì?…

Ai đó trả lời thay trong đêm/ Đảo là khuôn mặt của lặng im xa xôi/ Là tiếng rì rầm dẳng dai của nỗi nhớ/ Là vầng mặt trời bằng nước/ đỏ rực qua bốn mùa/ Tổ quốc là lời ca im lặng/ sinh ra những người con của tự do/ với tình yêu hải đảo…”.
Đó là những dòng thơ mở đầu trường ca Nơi khôn thiêng của biển. Và biển đảo đã hiện lên qua tập thơ dài hơn 70 trang sách, với 6 phần: Lời mở, Bắt đầu từ đảo sóng, Không chỉ là cái chết, Với mẹ những lời thưa, Tượng đài chắn những giông bão xâm lăng Vọng tới xưa sau. Nhà thơ Lương Hữu Quang chia sẻ rằng anh đã dành thời gian 5 năm để thai nghén, ấp ủ và sáng tác nên tập thơ này.

“Trong những năm tháng chiến đấu ở đơn vị phòng không - không quân, tôi đã đi qua rất nhiều đơn vị, đã nhìn thấy sự hy sinh của những người lính ở rất nhiều góc độ khác nhau. Sau này, tôi cũng đến nhiều điểm đảo, tiếp xúc với các đơn vị hải quân, lắng nghe và chia sẻ với các chiến sĩ, tôi càng đau đáu trong lòng rằng mình sẽ phải viết một tác phẩm về người lính, về biển đảo” - nhà thơ Lương Hữu Quang bày tỏ. 

Những vần thơ anh viết về hình tượng người chiến sĩ hải quân: “Mồ hôi mẹ sôi trên cánh đồng đổ lửa/ Đôi chân cha đạp nát đá Trường Sơn/ để có anh bây giờ…”, “Người lính đảo/ Khuôn mặt lấp ló buổi bình minh/ Số phận thấp cao con sóng/ Trí khôn phập phồng cơn giông/ Tình yêu sóng sánh ánh sao Hôm/ Bàn tay gom nắng trắng/ Dấu chân chồng dấu chân tôn cao cột mốc/ Đầu đội mảnh thời gian xanh/ Mắt khoanh vùng hải phận…”. Câu thơ gói ghém cả lịch sử của đất nước và đời người, từ dấu chân Trường Sơn của cha anh đến sự tiếp bước nơi đầu sóng, gìn giữ, bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. 

Trường ca Nơi khôn thiêng của biển không chỉ là câu chuyện về những chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng hiên ngang canh giữ biển trời, kiên cường chiến đấu và ngã xuống với trùng khơi. Họ hóa thân vào sóng và trở thành những tượng đài bất tử. Đó còn là câu chuyện của nỗi nhớ, của tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình mẹ, và lớn lao hơn cả là tình yêu dành cho Tổ quốc. Người lính trong thơ của nhà thơ Lương Hữu Quang không chỉ có những khoảnh khắc hiên ngang, anh dũng, bảo vệ biển trời, mà còn có cả những khoảnh khắc đời thường, bình yên bên các con của mình. “Người lính làm đồ chơi bằng ốc biển cho con/ Và anh gửi thì thầm vào sóng/ Con trai ơi con đang ngủ trưa/ Có mơ thấy những đôi chân bé xíu thoăn thoắt bò đi/ Mỗi cái chân có một bàn chân/ Mỗi bàn chân mang sẵn một nụ cười/ Càng đi cát càng rạng rỡ/ Rạng rỡ ánh lên từ phía nôi con nằm…”.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - bày tỏ rằng, khi đọc trường ca Nơi khôn thiêng của biển, anh đã vô cùng xúc động. “Nơi khôn thiêng của biển là một phần của Tổ quốc, là lịch sử, hiện tại và tương lai; là máu xương của cha anh, của bao thế hệ gìn giữ biển trời. Từ “khôn thiêng” mà tác giả dùng hàm nghĩa bao quát hơn, rộng lớn hơn cả nghĩa của từ “linh thiêng”. Có lẽ phải nói rằng, sự hòa quyện của hồn thiêng sông núi và trái tim người lính đã cho Lương Hữu Quang làm nên tập trường ca này” - nhà thơ Phạm Sỹ Sáu chia sẻ. 

Viết về Trường Sa ngay cả khi chưa đến nơi dầu sóng 

Có một điều đặc biệt là nhà thơ Lương Hữu Quang đã viết về Trường Sa ngay cả khi anh chưa đặt chân đến nơi đầu sóng. “Tôi từng có cơ hội đi thăm Trường Sa nhưng cuối cùng vì lý do cá nhân, tôi không thể lên đường. Cũng chính vì việc không đi được Trường Sa, lại càng thôi thúc tôi phải viết. Không trực tiếp cảm nhận nơi đầu sóng, tôi tìm hiểu nghiên cứu tài liệu qua sách báo, qua chia sẻ của bạn bè mình. Hình dung trong tôi biển đảo Tổ quốc mình nơi nào cũng là ở giữa trùng khơi, nơi nào người chiến sĩ cũng ngày đêm canh giữ biển trời. Và dù là nơi nào, phía sau họ là gia đình, là những người mẹ, người vợ và con cái họ luôn mong chờ, trông ngóng” - nhà thơ Lương Hữu Quang bộc bạch. 

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - nguyên Phó chủ tịch Hội  Nhà văn TPHCM (trái) - và nhà thơ  Lương Hữu Quang tại chương trình Từ trong đất lửa  - ẢNH: TAM NGUYÊN
Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu - nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM (trái) - và nhà thơ Lương Hữu Quang tại chương trình Từ trong đất lửa - Ảnh: Tam Nguyên

Anh đặt tâm cảm của một người lính sẻ chia với đồng đội, tâm thế của một người con trao gửi tình cảm cho mẹ, cho đất liền và Tổ quốc. Và chính vì thế, những vần thơ đẫm đầy cảm xúc yêu thương. Trường Sa và Hoàng Sa với đảo Cô Lin, Gạc Ma, đảo Chữ Thập, Cồn Cỏ, “từ gốc đa làng tới chân đảo/ chạy từ cánh đồng xanh ngắt tới chậu đất mỏng manh/ đang nâng niu mầm cây” được nhắc đến trong những vần thơ viết cho biển đảo. Bằng lời nói của đêm, bằng tiếng thì thầm của biển khơi, và “lời của mây trên nóc nhà”, câu chuyện của đất liền - hải đảo, của mẹ - con, Tổ quốc và Trường Sa, lịch sử và hiện tại, chiến tranh và hòa bình đã được nhà thơ Lương Hữu Quang dựng lại trong mạch thơ dâng trào tình yêu dành cho nơi đầu sóng. 

“Đảo ở giữa trùng khơi/ Như con tàu ngược sóng/ Tàu có thể lật/ Nếu vắng con của mẹ/ Đảo có thể chìm/ Nếu vắng con của mẹ…”, “Vắng con của mẹ”, đảo có thể “gió dừng lại ngang trời, mưa chẳng rơi, chiều xô lệch chiều, cuồng phong giật gấp vạn lần, hải âu phiêu dạt, chẳng con thuyền nào bình an qua lại…” - trích phần Với mẹ những lời thưa.

Nhà thơ Lương Hữu Quang nói rằng, đề tài chiến tranh cách mạng nói chung và về người lính nói riêng sẽ luôn là đề tài muôn thuở. Bởi vì chiến tranh vẫn luôn tồn tại và người lính thời nào cũng sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. “Đó luôn là đề tài quặn thắt, đau lòng và mất mát khi tôi nghĩ về. Sự mất mát của người lính trong chiến tranh, nỗi đau của những người vợ, người mẹ, và những đứa con không gì có thể bù đắp được” - nhà thơ nói. Trường ca khép lại với những vần thơ bi tráng: “Tôi lại thấy màu xanh hội ngờm ngợp/ những chiến binh trở về/ từ một ngàn năm trước, từ năm trăm năm trước/ từ xửa xưa và ngay hôm qua/ Trở về những gương mặt khác nhau/ nhưng chung nhau dòng máu/ giữ cho vững đảo này…”, “Những chiến binh đứng thành hàng quanh đảo/ đứng trên trời sao chói lói nhìn về/ Mệnh lệnh trầm trầm vang lên từ trong sâu thẳm/ và muôn triệu lời chập lại: Có tôi!”. 

Nhà thơ Lê Tú Lệ - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TPHCM: Biển đảo - Trường Sa luôn là nguồn cảm xúc thiêng liêng

Nhắc đến hai chữ Trường Sa, lúc nào trong lòng tôi cũng thường trực cảm xúc rất kỳ lạ, vừa thiêng liêng vừa gần gũi, vừa thực vừa ảo. Đối với tôi, không chỉ Trường Sa, Hoàng Sa, mà biển đảo của chúng ta đều là nguồn cảm xúc thiêng liêng. Tôi không bao giờ quên được những ngày đến thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Đặc biệt là ngày ở đảo Sơn Ca, khi phát hiện có một máy bay lạ bay qua vùng biển của mình, chỉ trong một khoảnh khắc, tất cả các chiến sĩ đã lao ngay vào vị trí chiến đấu dưới lòng đất. 

Sau chuyến đi ấy, tôi đã viết 3 bài thơ: Hòn đảo hình mũi giáo, Những bà mẹ Gạc Ma (được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc thành ca khúc Bà mẹ Gạc Ma) và Gửi sóng. Tất cả những cảm xúc bắt đầu từ buổi đoàn thả hoa trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin, tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh. Cho đến bây giờ mỗi khi nhắc lại, trong lòng tôi vẫn vô cùng xúc động. “…

Biển sâu thế nỗi buồn sâu hơn biển/ Ba mươi mấy năm rồi/ Những bà mẹ Gạc Ma vẫn chong đèn đợi cửa/ Đêm dày thêm mỗi ngày/ Nhớ đầy thêm mỗi khắc/ Gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi/ Biển giấu các con mẹ ở đâu, ở đâu/ Để người bạc đầu thay sóng/ Những bà mẹ Gạc Ma không lập mộ gió/ Hàng đêm gối đầu lên nỗi nhớ/ Lạy trời anh về…” - trích Những bà mẹ Gạc Ma.

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI