Trong ba năm liên tiếp, nhà thơ Lữ Mai ra mắt ba tập trường ca đầy sức nặng: Ngang qua bình minh (Nhà xuất bản Văn học, 2020), Chư Tan Kra mây trắng (Nhà xuất bản Văn học, 2021) và Hồi sinh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022). Trên cánh đồng chữ nghĩa, Lữ Mai (sinh năm 1988, hiện sống và làm việc tại Hà Nội) luôn khiến bạn văn, bạn đọc ngạc nhiên lẫn ngưỡng mộ vì những gì cô đã làm với văn chương. Cô chọn viết về những đề tài vốn không hề dễ dàng: biển đảo, chiến tranh cách mạng, các anh hùng liệt sĩ… bằng trường ca - thể loại vốn luôn đầy thử thách với những người cầm bút.
Trường ca Ngang qua bình minh được trao giải ba giải thưởng Văn học đề tài Biên giới, hải đảo giai đoạn từ năm 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam. Trước đó, bộ sách tản văn viết về Trường Sa Nơi đầu sóng và Mắt trùng khơi được trao giải B giải thưởng Văn học nghệ thuật, báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân. Riêng Nơi đầu sóng còn được trao giải thưởng của Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam 2019.
Với trường ca Hồi sinh viết về đại dịch COVID-19 vừa ra mắt, những trích đoạn thơ trong tác phẩm này được tác giả gửi tham dự các cuộc thi thơ cũng đã được trao nhiều giải thưởng. Không chỉ làm thơ, Lữ Mai còn viết văn xuôi: đã xuất bản Hà Nội không vội được đâu, Linh hồ, Những mùa hoa còn lại (văn xuôi); Giấc, Mở mắt rồi mơ, Thời cách ngăn trống rỗng (thơ). Cô từng được trao giải thưởng truyện ngắn của Quỹ nhà văn Lê Lựu.
“Thơ xoa dịu sự day dứt trong tôi”
Phóng viên: Chào Lữ Mai. Chúc mừng chị ra mắt tập trường ca thứ ba - tác phẩm ý nghĩa viết về đại dịch COVID-19. Đến giờ đọc lại, những câu chuyện hoặc cảm xúc nào từ tác phẩm từng khiến chị rơi nước mắt khi ngồi bên bản thảo?
Nhà thơ Lữ Mai: Có rất nhiều câu chuyện xúc động, ám ảnh và cũng có những câu chuyện vì một lý do nào đó mà chưa xuất hiện ở Hồi sinh. Nhưng về cơ bản, hình ảnh, tinh thần, sự hy sinh của con người, đội ngũ tuyến đầu chống dịch đã được tôi chuyển tải bằng ngôn ngữ, cảm xúc thơ ca. Có những hình ảnh tưởng chừng bé nhỏ, như trẻ em học và chơi giữa những bức tường lạnh lẽo trống trải; những mái tóc dài được các y bác sĩ cắt phăng đi để thuận tiện khi làm nhiệm vụ chống dịch, cứu chữa bệnh nhân; những bàn thờ vọng cho các chiến sĩ, tình nguyện viên có người thân mất mà không thể về chịu tang; những con người kiên cường bất khuất sau bao ngày tháng căng mình chống dịch đã về bên kia thế giới…
Tất cả để lại trong tôi niềm ám ảnh vô hạn. Ai đó có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi viết xong một tác phẩm nhưng với tôi và với trường hợp của Hồi sinh thì không. Khi viết xong những câu chữ cuối cùng, tôi vẫn không thể rời bàn viết, lòng trĩu nặng vì cảm giác mình còn mắc nợ, mình chưa diễn đạt hết bao nỗi ngổn ngang, sâu thẳm.
|
Gia đình hạnh phúc của nhà thơ Lữ Mai, chồng chị là nhà thơ Đoàn Văn Mật |
* Thơ xoa dịu trái tim tác giả như thế nào trong những ngày căng thẳng nhất của đại dịch?
- Tôi đã quan sát và sáng tác Hồi sinh từ sự day dứt, rằng trong những ngày tháng ấy, mình không thể làm nổi điều gì lớn lao, ý nghĩa để chia sẻ với mọi người. Có những đêm dài trên sân thượng, nghe loa phường vang lên thông báo giãn cách xã hội và nhớ lại cảnh người người kéo nhau ra siêu thị gom lương thực… tôi cảm thấy sự hỗn độn, khủng hoảng đã thực sự đến rồi, không còn xa xôi nữa: “Trà rót chậm êm đềm buồn bã/ Ta về nghe hoa trắng chuyện trò/ Chuông cửa vẳng đủ nguyên do nghiệt ngã/ Ám thị mặt người mốc bạc phù sa”. Thơ xoa dịu sự day dứt trong tôi nhưng cũng bồi đắp vào tôi những niềm trăn trở khác, rằng mình nên làm gì, mình có thể làm gì để chia sẻ nhiều hơn với cuộc sống.
* Và những ngày tháng ấy, chị đã làm việc trong tâm thế như thế nào?
- Ngoài công việc ở cơ quan và gia đình, tôi dành nhiều thời gian đọc, quan sát và viết. Có những ngày, tôi dành nhiều giờ cho sáng tác. Điều tôi đang trăn trở, bao ước muốn chưa thể làm được, những điều chưa thể trao đi… tôi đều thể hiện qua trang viết. Cũng có khi, chữ nghĩa đi đâu mất, còn lại tôi đối diện với màn đêm và trang giấy trắng. Nhưng, tôi cứ để mặc mình sống trong phút giây ấy, để thấy mình còn có những lúc thật vô nghĩa, nhỏ nhoi, bất lực… và tự đánh thức trong mình những khát khao, suy ngẫm nhiều hơn sự giản đơn vốn có.
* Các sáng tác văn chương về đại dịch COVID-19 có lẽ vẫn sẽ tiếp tục ra đời khi cả nước đã trở lại trạng thái bình thường mới. Bao tâm tư dồn nén chị đã trải hết với Hồi sinh hay vẫn còn những điều chưa viết?
- Tôi cho rằng quá khứ, hiện tại hay những điều thuộc về tương lai sẽ luôn thu hút mọi sự tìm tòi, sáng tạo. Không có giới hạn nào cho điều đó, ngay cả khi chúng ta sống trong trạng thái bình thường mới. Có lẽ, chẳng riêng gì tôi, hầu hết những người cầm bút đều sẽ không hài lòng tuyệt đối với tác phẩm mình viết ra bởi không phải hiện thực, nỗi đau hay tình yêu nào cũng có thể giãi bày đủ đầy hoặc thăng hoa qua tác phẩm. Tôi tin, đã và sẽ luôn có những tác phẩm lớn về những đề tài nóng hổi của xã hội được ấp ủ, nối tiếp nhau ra đời. Đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ xuất hiện ở nhiều tác phẩm, thuộc nhiều thể loại văn học nghệ thuật bằng sự cảm nhận, sáng tạo mang dấu ấn đặc biệt của mỗi cá nhân. Sau tập trường ca này, tôi vẫn tiếp tục lao động với những sáng tác khác trong dư âm mãnh liệt về COVID-19.
Viết để tưởng nhớ, biết ơn và tri ân bao thế hệ
* Hai năm đại dịch vừa qua lại là thời gian cho chị dấn bước với thể loại trường ca và tác phẩm nào cũng để lại dấu ấn. Có thể gọi đây là thời điểm chín muồi trong sự nghiệp của chị chưa? Vì sao chị liên tục chọn trường ca để thể hiện?
- Tôi cho rằng việc đánh giá về một tác giả, tác phẩm luôn thuộc về độc giả. Tôi có tự tin bao nhiêu cũng không dám cho mình quyền nhận định, nhất là về bản thân. Ở góc độ cá nhân, tôi chỉ biết nỗ lực lao động, chọn cách thức chuyển tải phù hợp ở từng giai đoạn. Trước đây, tôi từng nghĩ tới trường ca nhưng không có nhiều thời gian và cũng chưa đủ điều kiện để dồn tâm huyết. Gần đây, tôi cân đối được phần nào cuộc sống nên với mỗi chủ đề, tôi thường lựa chọn thể loại phù hợp để mình được căng đầy, thiết tha với nó, trường ca là một ví dụ.
* Thử thách nhất đối với chị khi viết trường ca là gì?
- Đó là việc tôi luôn muốn “giữ mạch” cho nội dung và cảm xúc của tác phẩm. Khi viết cả ba cuốn trường ca, tôi thường đặt ra nguyên tắc khắt khe. Tôi sẽ làm việc liên tục, nhiều giờ, ngày nọ tiếp nối ngày kia để mạch viết không ngắt quãng. Tôi sợ nhất tình huống nhỡ đâu mình ngừng lại, ít lâu giở ra viết tiếp sẽ không biết bắt đầu nối nhịp thế nào, mọi thứ sẽ chập chờn, không liền mạch.
Nhiều người cho rằng, điều khó nhất của trường ca là cần xây dựng nội dung tư tưởng lớn. Tôi lại thường bắt đầu bằng những câu chuyện và quan sát nhỏ, từ đó đẩy liên tưởng đi xa, chìm sâu thay vì ngay ban đầu đã ôm đồm sự cao rộng. Có lẽ điều này bắt nguồn từ chính bản năng: tôi là phụ nữ, là một người mẹ, tôi chọn cách bắt đầu như thế và đích cuối cùng cũng vẫn quay về những câu chuyện rất con người. Như trường ca Chư Tan Kra mây trắng kết thúc bằng hai tiếng “Mẹ ơi!”. Với Ngang qua bình minh thì: “Khắp núi non, đồng đất, sông ngòi/ Đều bất tử trong hình hài ngọn sóng” và Hồi sinh là câu đồng dao của trẻ nhỏ: Người đi suốt kiếp/ Người về muôn nơi/ Quay theo tràng hạt/ Bông hoa mặt trời.
|
Ba tập trường ca ra đời trong ba năm liên tiếp của Lữ Mai: Ngang qua bình minh, Chư Tan Kra mây trắng và Hồi sinh |
* Nhưng chị giữ năng lượng cảm xúc và sắp xếp thời gian thế nào để có thể sáng tác liên tục?
- Tôi có thói quen lập thời gian biểu cho mọi việc theo từng ngày. Nếu bạn nhìn lịch ở điện thoại tôi chắc sẽ bật cười, vì chi chít. Tôi không tin tuyệt đối vào trí nhớ của mình, càng không đẩy mọi việc vào cảm hứng, thích thì làm, quên thì thôi mà tôi có sự khắt khe riêng để chia sẻ phù hợp với quỹ thời gian. Điều này nghe có vẻ khó chịu nhưng đó lại là bí quyết để tôi tập trung cho công việc. Thời gian tôi đi spa, cà phê hoặc vui chơi cũng ở trong lịch. Ai thân thiết đều biết rằng nếu không có việc cần kíp, tôi sẽ không ra khỏi nhà sau 17 giờ và luôn đi ngủ trước 21 giờ.
Với các tác phẩm của mình, tôi cũng luôn có kế hoạch, ngoài việc viết thì có cả kế hoạch in ấn, truyền thông, phát hành… Tôi nghĩ đây là xu hướng mang tính thời đại mà người viết cần quan tâm nếu muốn tác phẩm của mình có sự hỗ trợ và lan tỏa nhiều hơn.
* Điều gì thôi thúc chị tìm đến những đề tài có thể nói là rất khó đối với thi ca (biển đảo, thương binh liệt sĩ…)?
- Tôi vẫn luôn tâm niệm mình được bình yên mỗi ngày, được làm những điều mình thích, không đơn giản là cuộc sống vốn vậy và đương nhiên vậy, mà phía sau đó là sự hy sinh của nhiều người khác dành cho mình. Chúng ta có thể biết người hy sinh cho mình là ai, cũng có thể không bao giờ biết. Những đề tài về chủ quyền biển đảo, thương binh liệt sĩ… là sự tưởng nhớ, biết ơn và tri ân của tôi về bao thế hệ đã hy sinh cho hòa bình, độc lập. Quá khứ là những điều đã qua nhưng không bao giờ chúng ta được lãng quên. Khi mình làm một điều gì đó dù nhỏ để nhớ về quá khứ thì tất cả sự hy sinh đều không vô nghĩa, thì những con người đã tan vào gió mây sẽ bất tử đến muôn đời.
|
Nhà thơ Lữ Mai giao lưu với bạn đọc trong dịp ra mắt tác phẩm Nơi đầu sóng |
* Nhiều người thường nói những người làm thơ đôi khi phải “đổi lấy một trái tim vỡ, một cuộc đời đau thì mới có thơ hay”. Nhưng tôi nhìn chị lại thấy một phụ nữ rất hạnh phúc và làm thơ chuyên nghiệp, đâu nhất thiết phải “đánh đổi nỗi đau” hay phải lựa chọn điều gì mới được sống cho thơ, phải không?
- Có lẽ sự đánh đổi ấy thuộc về số phận chứ hiếm ai cố tình lựa chọn sự đau đớn, tan nát để có thơ hay. Cảm nhận sâu rộng ra, tôi thấy cách nói này mang tính biểu trưng, hình tượng nhiều hơn. Một tác phẩm văn chương lớn phải được ra đời bằng sự nghiêm túc trong lao động, ấm áp về đạo đức và đôi khi còn là hy sinh xương máu, như thế hệ các nhà thơ thời kháng chiến từng hy sinh ở chiến trường. Trong xã hội hiện đại, khi văn nghệ sĩ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để sáng tác thì nhiều giá trị cũng cần thay đổi trong cách đánh giá, nhìn nhận. Tôi thích sự văn minh, chuyên nghiệp ở cả nghề viết và cuộc sống.
Nặng lòng với ký ức và gia đình
* Trong nhiều bài chia sẻ trên các báo, chị luôn nhắc nhiều kỷ niệm của bố. Ông có từng gửi gắm niềm tin và kỳ vọng rằng con gái sẽ thay ông viết, viết thật nhiều về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính?
- Bố tôi là thương binh trở về từ chiến trường Campuchia, bây giờ vui vầy với ruộng vườn, đồi núi. Ông không chia sẻ nhiều câu chuyện về chiến tranh nhưng dấu ấn những ngày tháng ấy vẫn phảng phất trong cuộc sống của người lính thời bình. Tuổi thơ của tôi được đùm bọc, sưởi ấm qua từng bao sắn, khoai, củi, gạo… của đồng đội bố cứu đói gia đình. Những lúc vui nhất, bố tôi lại kể chuyện thời thanh niên hăm hở lên đường nhập ngũ. Khi ấy, tôi gặp một chàng trai đôi mươi khấp khởi, mộng mơ trong chân dung gầy guộc, ốm đau của bố.
|
Chị liên tục được trao các giải thưởng văn chương danh giá |
Bố tôi trải qua nhiều cực nhọc và giây phút cận kề sinh tử nên chỉ mong các con khỏe mạnh và sống tử tế mỗi ngày, làm nghề gì cũng được. Ông chưa bao giờ đọc tác phẩm của tôi mà khen hay. Tôi còn nhớ, đầu xuân năm nay, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam về nhà tôi quay phóng sự, trong đó có phần phỏng vấn bố tôi. Khi đèn máy quay bật lên, ống kính chĩa vào thì ông rơi nước mắt khi nói: “Tôi là bố của nhà thơ Lữ Mai”. Tôi tin rằng bố tôi tự hào và cảm động vì tôi biết nhớ thương, biết quan tâm tới những câu chuyện quá khứ.
* Ký ức cũng như những câu chuyện về bố và gia đình ảnh hưởng đến sự nghiệp và sáng tác của chị ra sao?
- Tôi luôn nặng lòng với ký ức và gia đình. Tôi nhớ hồi còn bé, mẹ thường phải đi cấy thuê cách nhà rất xa, tôi mè nheo khóc lóc không cho mẹ đi, thế là mẹ bế tôi ra sau đồi, hái một búp lá, xoay tròn trong tay và đưa lên mũi tôi, dỗ dành “thơm thơm quá!”. Tới giờ tôi vẫn nhớ đó là loại lá gì, mọc ở đâu. Mẹ bảo khi đó tôi mới ba tuổi. Một kỷ niệm khác, tôi nhớ trước cơn mưa giông, ông nội và ông ngoại tôi cùng bắc thang leo lên mái nhà tranh lợp lại nhà cho mấy mẹ con tôi khi bố đi bè gỗ ngược ngàn. Khi ấy tôi hơn ba tuổi.
Tôi có thể nhớ những kỷ niệm ở độ tuổi rất nhỏ nhưng có những chuyện vừa xảy ra hôm qua thì lại lãng quên. Có lẽ cuộc đời mỗi người luôn có những điều kỳ lạ và kỳ diệu. Điều đó đôi khi quyết định tới việc họ sẽ sống ra sao, sẽ lựa chọn con đường nào. Những tác phẩm của tôi thiên về ký ức. Tôi thấy nhẹ lòng và hạnh phúc về điều đó.
* Đọc nhiều chia sẻ của chị về bố và về tình yêu dành cho thơ, cho những đề tài khát khao được viết, tôi nghĩ về hai chữ “sứ mệnh” của người cầm bút. Có bao giờ chị nghĩ nếu không phải là mình thì ai sẽ dấn bước và viết về Chư Tan Kra, về nơi đầu sóng?…
- Tôi nghĩ tất cả những người cầm bút chân chính đều ý thức được sứ mệnh của mình dù họ có thể lựa chọn cách thức thể hiện khác nhau. Nếu không phải tôi, đương nhiên có nhiều người khác dấn bước, thậm chí họ còn sâu sắc, xuất sắc hơn. Song, người viết chân chính, có lẽ cũng là người không bao giờ so đo, tính toán điều gì, mà chỉ biết sống trọn vẹn với trang viết. Càng nhiều người viết ý thức và sống trọn vẹn được với sứ mệnh thì cuộc sống càng ý nghĩa hơn.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Không có ai đặt bút vào tay mình và ép mình phải viết, đó đơn giản là sự lựa chọn tự nguyện của chúng ta. Nếu không viết văn thì ta làm việc khác. Viết lách cũng cần được nhìn nhận bình đẳng như những công việc khác, để chúng ta rành mạch hơn, không ảo tưởng. Tôi không đồng tình khi một số người cho rằng văn nghệ sĩ thì phải sống “khác người”, phải “đánh đổi”, thậm chí phải trăng hoa thì mới có tác phẩm hay. Trước khi có tác phẩm, hãy là một người tử tế. Trừ khi “trời đày”, số phận chẳng may quàng vào mình những bất hạnh, rủi ro hay đa đoan trắc trở thì đành chịu”. Lữ Mai
|
Bùi Tiểu Quyên (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp