Nhà thơ Lê Minh Quốc nặng tình cùng tiếng Việt

03/08/2024 - 08:31

PNO - "Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm" là tựa sách mới nhất của nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc, vừa được nhà xuất bản Trẻ phát hành.

Nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc từng có bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (gồm ba tựa, xuất bản năm 2021) cùng tập sách Tiếng Việt lắt léo (2017). Nay, anh tiếp tục cho ra mắt tập sách Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm (nhà xuất bản Trẻ phát hành).

“Dám nói rằng, dù là người Việt, nhưng chắc gì chúng ta có thể hiểu hết tiếng Việt?” - tác giả đã dành lời mở đầu như thế cho tập sách. Với anh, tiếng Việt phong phú, thâm thúy, uyển chuyển và chính điều đó khiến cho ngôn ngữ mẹ đẻ mang những giá trị đặc trưng riêng, giàu bản sắc.

Tiếng Việt
Tiếng Việt - Lắt léo và lịch lãm thuộc Tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp của nhà xuất bản Trẻ.

Trở lại với tác phẩm viết về ngôn ngữ lần này, nhà thơ Lê Minh Quốc khảo sát tiếng Việt ở các khía cạnh: sự biến hóa của ngôn ngữ qua thời gian, hiện tượng sử dụng từ mượn rồi "Việt hóa" tạo nên sắc thái ngữ nghĩa riêng và sự phong phú của tiếng Việt thể hiện qua phương ngữ.

Lời ăn tiếng nói thường ngày lẫn văn viết, kho tàng ca dao - tục ngữ, văn chương bình dân và bác học đều được tác giả khảo sát, đặt trong nhiều bối cảnh giao tiếp khác nhau. Cùng với quá trình tra cứu công phu, tham khảo và đối chiếu với từ điển và tư liệu khảo cứu, nhà thơ Lê Minh Quốc cho bạn đọc "dạo bước" qua khu vườn ngôn ngữ muôn màu muôn vẻ, đầy sức hấp dẫn và thú vị.

Trong nghiên cứu của anh, còn có nhiều nhà văn được nhắc đến như là những giọng văn đại diện cho ngôn ngữ vùng miền: Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Hồ Xuân Hương, Tú Mỡ, Vũ Trọng Phụng, Phan Bội Châu...

Một số tựa sách trong Tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp đã phát hành
Một số tựa sách trong Tủ sách Tiếng Việt giàu đẹp đã phát hành

"Một khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hay ở bất cứ loại hình nghệ thuật gì, tôi nghĩ chúng ta phải phấn đấu đạt đến tầm “rất Việt”: của người Việt, dành cho người Việt và vì người Việt. Khi đi đến sự tận cùng của bản sắc Việt, tinh hoa Việt thì mới có thể hòa nhập vào trong dòng chảy văn hóa của nhân loại" - nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ.

Tình yêu anh dành cho tiếng Việt được thể hiện qua những cuốn sách nghiên cứu ngôn ngữ công phu, với nguồn tư liệu sâu rộng. Một trong những điều trăn trở anh muốn gửi gắm đến những người trẻ là hãy sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ bằng tình yêu và sự tôn trọng.

"Điều đáng tiếc nhất và khiến bản thân tôi cảm thấy âu lo là hiện nay đã xuất hiện một thứ tiếng Việt méo mó, dị dạng. Nhiều người dùng mạng xã hội cố tình viết sai chính tả: "hay thặc", "nỗi bùn", "kon chuột", "pà con", "bình lựng"...

Thiết nghĩ, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, ông bà ta chắt chiu, gìn giữ và trao lại cho thế hệ sau vô số hạt gạo ngon, gạo quý, lẽ nào ngày nay chúng ta lại nhẫn tâm ném vào đó cát, sạn như một cách giễu nhại, mua vui?" - nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc bày tỏ.

Hương Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI