Nay, ở ngưỡng tuổi 60, hội họa đến với chị cũng với tâm thế đó: một cuộc chơi ngẫu hứng, hết mình. Sau ba triển lãm cá nhân trong sáu năm cầm cọ, mới đây, Giáng Vân lại trình làng Đời gốm - một triển lãm nhỏ xinh khai phá một vùng đất mới trong chị.
Nhà thơ Giáng Vân và các tác phẩm của chị
Có lẽ chưa bao giờ Giáng Vân tự đóng khung mình vào một khuôn khổ nào. Ngay cả khi thành danh nhà thơ, được đánh giá là một trong những nữ nhà thơ nổi tiếng của thế kỷ XX, Giáng Vân vẫn nói “những bài thơ được viết cách đây vài chục năm tôi thấy không liên can tới mình”. Chị từng viết như một lời tuyên ngôn rằng “Tôi đã bước ra khỏi tôi/ là không trở lại”. Giáng Vân không bao giờ bị che phủ bởi những hào quang của quá khứ mà với chị: “Câu thơ đã viết/ Giống như hơi đã thở/ Đã thở rồi/ Không thở sẽ chết/ Nhưng không thể còn thở lại”. Có lẽ, vì xác tín đó, Giáng Vân luôn tràn đầy năng lượng, tự do khai phá những vỉa quặng tâm hồn đầy tiềm năng của mình, luôn mang đến cho công chúng những ngạc nhiên, bất ngờ.
Đường gió (2013) - một tập thơ về sự tự do, phóng khoáng - đã hé lộ một Giáng Vân nhiều tiềm năng đang khai phá. Khác hai tập thơ trước đó (Năm tháng lãng quên và Trên những ngày buồn) vẫn còn nhiều gánh nợ nhân gian, Đường gió mang sắc màu của Thiền, đạt đến trạng thái tự do tuyệt đối của người nghệ sĩ. Ở trạng thái đó, chị thỏa sức sáng tạo. *** Cơn gió ấy giờ đang thổi vào hội họa, để ta gặp lại một Giáng Vân không phải bằng ngôn từ mà bằng màu sắc. Từ lúc nghỉ hưu ở Báo Phụ nữ Thủ đô, dễ chừng đã sáu năm, Giáng Vân phiêu lưu với nhiều trải nghiệm mới: làm báo giấy, tổ chức sự kiện cùng không gian sáng tạo Heritage với nhiều mơ mộng, mở quán cà phê... Và, một cơ duyên tuyệt vời đã đến khi bạn bè rủ chị cầm cọ. Trước đây, những năm 1990, chị từng mở gallery tại Hà Nội bằng sự tự tin về năng lực cảm màu, thẩm tranh của mình. Thế nhưng cuộc chơi kinh doanh không dành cho kẻ chỉ biết thưởng lãm.
Chị nói về cơ duyên hội họa thật hồn nhiên và với tâm thế đó, Giáng Vân đã dấn thân vào hội họa một cách mê đắm. Chỉ trong sáu năm, Giáng Vân đã có bốn triển lãm cá nhân. Lúc chân dung, lúc tĩnh vật, phong cảnh rồi trừu tượng... Đó là trái ngọt của sức làm việc miệt mài, say mê và nghiêm túc của chị. Chị cũng thử nghiệm trên nhiều chất liệu (acrylic, giấy dó) và mới đây là vẽ trên gốm.
Vẽ tranh về gốm và vẽ trên gốm - cuộc chơi mới nhất của Giáng Vân cho thấy sự háo hức sáng tạo và ý thức rõ rệt về việc không lặp lại mình. Lần này, Giáng Vân trình làng một bộ sưu tập tranh gốm và những bình gốm do chị vẽ. Với Đời gốm, Giáng Vân muốn kể chuyện về một chất liệu chị mê từ khi còn trẻ - gốm mộc.
Chị chia sẻ: “Tôi hoàn toàn không ý thức được vì sao mình lại can dự đến gốm dù rằng đã mấy chục năm trước, khi làng Bát Tràng bắt đầu rục rịch mở lại những xưởng gốm đầu tiên, với những lò củi thô sơ, với những bát ăn cơm và bát chiết yêu, những bộ ấm chén như thời chiến, tôi và cô bạn Vũ Thúy Quỳnh đã lọ mọ sang, hy vọng kiếm được vài thứ hay ho. Trải biết bao cơn biến động của thị trường, những cơn lao đao của thợ và nghệ nhân gốm, những thợ gốm tài hoa phải đối mặt với gốm Trung Quốc dán nhãn Bát Tràng… không hiểu sao tôi vẫn dõi theo những bước đường của gốm, với buồn lo và hy vọng. Rồi một ngày tôi cầm cọ vẽ. Như một mối tơ duyên rất tự nhiên, trong vô thức, tôi thích vẽ những chiếc bình gốm. Nếu là tĩnh vật hoa thì đi cùng nó luôn là những bình gốm các kiểu dáng và không hiểu sao luôn là gốm vuốt tay, thô, là loại gốm độc bản chứ không phải hàng sản xuất hàng loạt. Những chiếc bình gốm đó luôn gợi lên sự ấm áp, tĩnh tại của mẹ đất, của tâm hồn và những bàn tay người thợ tạo nên chúng. Sự biến điệu của lửa và không khí làm nóng chảy men tạo ra những kết quả huyền diệu không thể đoán, cũng như không thể lý giải bằng các công thức toán học. Rồi cũng tự nhiên, tôi nhận ra những chiếc bình gốm của tôi rất sống động, tình cảm và tôi đặc biệt thích chúng. Tuy nhiên, gần đây tôi mới thực sự chạm vào gốm theo nghĩa đen và chạm vào gốm bằng sự cảm nhận đời sống tinh thần của gốm”.
Những tác phẩm của Giáng Vân tại triển lãm
*** Với 25 bức tranh vẽ bằng chất liệu acrylic và 25 tác phẩm gốm vẽ tay độc bản, Đời gốm thực sự là một câu chuyện đầy cảm xúc kể lại chặng đường đến khi "thực sự chạm vào gốm theo nghĩa đen" của Giáng Vân. Phòng tranh nhỏ xinh ấm cúng ở tận Hồ Tây được một chủ gallery thế hệ 9X vì xem và mê tranh của Giáng Vân mà sẵn lòng mời. Có lẽ khoảng cách thế hệ đã được xóa nhòa bởi năng lượng sáng tạo của chị, tự thân nó tạo nên hấp lực riêng. Tranh chị vẽ về những điều cổ xưa, những bình gốm mộc, nâu trầm nhưng rất hiện đại trong lối nhìn và cách vẽ. Tôi thích những gam màu trầm của chị. Chúng gợi cho tôi nhiều cảm xúc về sự bình yên, sâu lắng. Có lần, chị kể, chị thử vẽ những màu sắc rực rỡ nhưng vẽ xong liền úp ngay vào tường. Nó không thuộc về chị. Giáng Vân thuộc về những màu trầm, không phải là sự trầm mặc cổ kính mà màu của nội tâm.
Cơn cớ cho cuộc trình diễn gốm của chị là khi chị vẽ tĩnh vật, với rất nhiều bình gốm trong những ánh sáng, bố cục, màu sắc khác nhau. Có khi chị chạy theo gốm, có khi chị áp đặt lên chúng sự tưởng tượng của mình. Có khi những chiếc bình gốm, bình trà… gợi ý cho chị trong các bố cục, màu sắc, đường nét và quan trọng là dựng lên một thứ không khí khi hư ảo, khi ấm nóng, khi cổ kính, khi trang nghiêm, khi thân thuộc... “Chính thứ không khí đặc biệt đó tạo ra mỹ cảm về gốm, một đời sống của gốm tinh tế, đơn giản, mộc mạc, quyến rũ… mà tôi càng vẽ càng nhận diện sâu sắc hơn. Không chỉ cho sự tồn tại gốm mà đó chính là lý do tồn tại của mọi thứ nghệ thuật, là luôn chứa đựng trong đó một thứ năng lượng sống dù câu chuyện của nó rất bé nhỏ và không hề nổi sóng” - Giáng Vân trải lòng.
Chị dành hai ngày ở xưởng gốm của nhà thơ Thi Nguyên, một người bạn tận Chí Linh, để vẽ men lên những chiếc phôi gốm có sẵn. Chị miệt mài từ sáng đến đêm, gần đủ cho hai mẻ nung. Chính chị cũng ngạc nhiên trước những tác phẩm của mình. Một màu men trầm mặc, sâu lắng và mỗi tác phẩm là một độc bản ghi dấu bàn tay nghệ sĩ. Giáng Vân vừa vẽ vừa lo lắng sẽ phá hỏng cả mẻ gốm của bạn. Còn nhà thơ Thi Nguyên, cũng là bà chủ lò gốm Thi Nguyên, lại an ủi chị: “Chúng ta chỉ làm gốm bằng một tay thôi, tay kia để cho thần may mắn làm nốt. Cho nên chị chỉ cần vẽ theo cảm hứng, đừng lo lắng quá”. Và rồi Giáng Vân đã cho ra lò loạt gốm ấm nồng với sắc màu mang cảm thức của chị - trầm và ấm. ***
Tôi hỏi Giáng Vân chị tìm gì khi vẽ, chị đáp: “Tôi tìm mình”. Đó là một cuộc tìm kiếm đầy hào hứng của một kẻ ngoại đạo. Tranh của chị khiến người xem rung cảm bởi sự trong trẻo ấy. Như một người bạn đã viết về Giáng Vân: “Tôi chợt nhớ mấy câu thơ buồn của chị: “Gần bốn mươi năm rồi và thành phố cũ kỹ chậm mòn vẫn còn đó trong cơn mưa phùn đêm qua/ Chúng ta đã đổi thay nhiều và thay đổi lớn nhất là chúng ta hầu như không còn hy vọng điều gì/ Thành phố chậm hay nhanh, mùa xuân vẫn còn ở đấy cho đến khi chúng ta không còn nơi này nữa/ Vậy nên tôi sẽ lại đi tìm chiếc bình gốm nâu để cắm cho bạn những bông hoa thạch thảo/ Chẳng vì một điều gì”. Phải chăng lý do Giáng Vân vẽ tranh gốm và vẽ trên gốm - “Chẳng vì một điều gì” - thực ra là vì một điều thực khó diễn tả: đi tìm hồn mình và tìm những gì chị cho là quý giá nhất cõi đời này trong gốm”…