edf40wrjww2tblPage:Content
Em không dám đạp xe ngang tiệm phở
Khi anh đăng quang làm Thành Cát Tư Hãn của nền thi-ca-thịt-mỡ
Em sợ con trai chúng ta kêu vạn tuế bánh mì
Khi anh dùng văn chương làm yến tiệc triều nghi
Em lấy cái lưỡi đong từng lon gạo chạy
Khi anh đổ bia lên đầu những tên Thừa tướng, Thái sư bằng… giấy
Em chắt sữa tươi đi đóng thuế riêng mình...”
Nhà thơ Bùi Chí Vinh đã từng viết tặng vợ - chị Hương Lan như vậy. 26 năm hôn nhân, tình yêu của anh chị vẫn ngọt ngào và tươi mới như buổi ban đầu.
Nhà thơ Bùi Chí Vinh và vợ con
PV: Tình yêu của anh chị đã bắt đầu như thế nào? Điều gì ở người này thu hút người kia?
Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Tình yêu của chúng tôi bắt đầu rất đơn giản và hợp lý. Một người đọc thơ trước đám đông, một người trong đám đông nghe thơ. Từ thơ phát triển thành tình bạn rồi sau đó là tình yêu. Một phần cũng do hình thức bề ngoài của hai bên gây ấn tượng. Cô ấy đẹp, hiền, là hoa khôi trường mẫu giáo Q.Phú Nhuận thời ấy. Còn tôi là một anh chàng độc thân, cao ráo, dám làm, dám nói và chịu chơi.
* Một kỷ niệm vui nhất và một kỷ niệm buồn nhất trong cuộc sống vợ chồng của anh chị?
- Vui nhất là lúc vợ tôi sinh con trai đầu lòng. Ca sinh đó khó đến nỗi tôi phải đọc kinh cầu nguyện liên tục và không dám đến bệnh viện. Buồn nhất là khi chúng tôi xây mới ngôi nhà vào năm 1998, nhà xây xong thì không còn một cắc.
* Sau nhiều năm chung sống, điều gì khiến anh chị hài lòng nhất về nhau và thất vọng nhất về nhau?
- Điều khiến chúng tôi hài lòng nhất về nhau là… nụ cười. Nụ cười vợ tôi rất đẹp với hàm răng đều như bắp. Tôi luôn tìm mọi cách ghẹo cho cô ấy cười để… thư giãn. Nếu vợ không cười thì đó là điều tôi thất vọng nhất.
* Khi vợ chồng giận nhau, anh chị hóa giải bằng cách nào?
- Khi đã đến với nhau bằng tiếng cười thì làm gì có chuyện xung đột hay giận hờn lâu dài. Chỉ thoáng qua một chút là đã có giải pháp gỡ rối tơ lòng… thòng. Giải pháp đó có thể là đi siêu thị, công viên hoặc vợ chồng cụng ly rượu vang tay đôi.
* Trong hôn nhân, tình yêu thỉnh thoảng cũng cần được hâm nóng. Anh chị hâm nóng tình yêu bằng cách nào?
- Chúng tôi chọn lẩu bò, lẩu thập cẩm, lẩu nấm hoặc bất cứ thứ lẩu nào có thể bồi dưỡng sinh lực và tâm hồn để cười sảng khoái với nhau. Dĩ nhiên là phải... nhậu lai rai.
* Theo anh, yếu tố quan trọng nhất làm nên hạnh phúc vợ chồng là gì? Mối nguy hại lớn nhất đối với hôn nhân là gì?
- Yếu tố quan trọng nhất làm nên hạnh phúc lứa đôi là sự chung thủy, tin cậy lẫn nhau. Mất điều đó thì kể như bạn đang sống trong cuộc hôn nhân ảo.
* Anh chú trọng đến điều gì nhất khi giáo dục con?
- Tôi dạy con như bà mẹ Mạnh Tử dạy thầy Mạnh Tử lúc còn bé. Tránh cho con trai tiếp xúc với những ô trọc của thế gian, tạo điều kiện tối đa cho con mình được tự do sáng tạo theo năng khiếu trong không gian riêng. Và, quan trọng nhất là cư xử với nó như một người bạn lớn.
* Bùi Vương - cậu con trai 24 tuổi của anh, là kỹ sư công nghệ thông tin. Bùi Vương có yêu thơ và có biết làm thơ như cha?
- Đáng tiếc là con trai tôi hoàn toàn xa lạ với văn chương. Bùi Vương có lập luận rất vững chắc, thậm chí có thể hùng biện trước những vấn đề cốt tử của xã hội nhưng không đi vào con đường văn học nghệ thuật mà lại trở thành một kỹ sư phần mềm. Tôi chẳng biết nghịch lý đó có hợp lý không nữa.
* Nhiều cô gái đã được gọi tên trong thơ anh, tất cả đều là những người có thật trong đời hay chỉ là những nàng thơ hư ảo?
- Đây là chuyện riêng tư của thi ca từ cả ngàn năm nay. Thi sĩ nào cũng réo gọi rất nhiều nàng thơ nhưng ngoài đời anh ta chỉ biết có một phu nhân duy nhất. Những nàng thơ giúp các thi sĩ thăng hoa vần điệu lãng mạn, đọng lại cho hậu thế. Yêu những nàng thơ ấy thì chỉ có nước chết đói vì ngoài đời, chỉ có vợ của nhà thơ mới quan tâm đến dạ dày của chàng.
* Dù nhìn Bùi Chí Vinh ở đời thật hay đọc thơ Bùi Chí Vinh, người ta đều dễ có cảm giác anh là người đào hoa… Chuyện này hư thực ra sao? Anh có dám tự nhận mình là người đàn ông chung thủy?
- Tôi dám tự nhận mình là người đàn ông sống chung thủy và tôn trọng gia đình. Ai không tin thì tùy họ. Tính cách tôi phóng túng, ngang tàng nhưng lại rất ngăn nắp và thậm chí bảo thủ.
* Vợ anh có ghen không? Anh thường làm gì để ứng phó khi vợ ghen?
- Vợ tôi không ghen vớ vẩn. Cô ấy có học thức, có nhan sắc, có khả năng ứng xử linh hoạt với những người bạn của tôi, bất kể là nam hay nữ. Tôi hoàn toàn tin cô ấy.
* Vợ anh có vị trí như thế nào trong thơ anh? Anh có bao giờ dùng thơ để… nịnh vợ?
- Vợ tôi là người phụ nữ thứ hai quan trọng nhất trong đời, ngoài mẹ tôi. Tôi có làm thơ về mẹ và cũng có làm nhiều bài thơ về vợ. Làm sòng phẳng chứ không nịnh.
* Mấy năm gần đây, anh vẽ rất nhiều và người mẫu của anh chính là vợ. Hình ảnh chị Hương Lan trong tranh anh có gì giống và khác so với hình ảnh chị ấy trong thơ anh?
- Hình ảnh người vợ trong thơ và trong tranh của tôi rất khác nhau. Trong thơ thì chỉ cần sự tinh quái của ngôn ngữ và sự biến ảo của vần điệu, nhưng trong tranh thì màu sắc phải tầng tầng lớp lớp. Phải thể hiện trên tranh kiểu nào đó cho người xem thấy được kỹ thuật và tấm lòng của mình qua nét vẽ, làm nên “cái hồn” của bức tranh.
* Anh có thể miêu tả cuộc hôn nhân của mình trong… vài câu thơ?
- Đó là bài thơ DẠM NGÕ lúc tôi dẫn mẹ đến cầu hôn vợ tôi. Bài lục bát đại khái như sau:
“Hai người lớn giáp mặt nhau
Vậy là con trẻ qua cầu gió bay
Áo tình anh giữ trong tay
Bõ công em cởi từ ngày còn thơ
Anh đi hỏi vợ bất ngờ
Vầng trăng chờ mật nằm mơ trên trời
Trầu cau chưa sắm đủ đôi
Trước sau chỉ có một lời cầu hôn…”
* Cám ơn anh đã dành cho Báo Phụ Nữ cuộc trò chuyện thú vị.
Nguyễn Diễm (thực hiện)