Nhà thiết kế Vũ Việt Hà: "Thời trang như hơi thở của tôi"

17/06/2023 - 06:45

PNO - Gần 20 năm theo nghề thiết kế thời trang, từ một sự bén duyên tình cờ, Vũ Việt Hà dành trọn niềm say mê và hứng khởi của anh cho áo dài.

Áo dài Vũ Việt Hà không đi sâu vào cách tân phom dáng nhưng vẫn luôn gây ngạc nhiên về độ mới mẻ nhờ sự tìm tòi không ngừng. Hà không ngại thử sức với những chất liệu mới được làm hoàn toàn thủ công từ những làng nghề lâu năm hoặc từ đôi tay khéo léo của đồng bào dân tộc.

Tôi gặp Hà trong một tối mưa khi anh vào TPHCM chuẩn bị cho show diễn mới. Hà nói anh cảm giác mình đang ở độ chín với nghề. Còn tôi thì chờ đợi, không biết lần này, Hà sẽ mang đến điều gì mới và tiếp tục gây ngạc nhiên, sau hàng loạt chất liệu bền vững và “khó nhằn” trong khâu xử lý, từ lụa tơ tằm thô, lanh, gai đến tơ sen và gần nhất là tơ chuối.

Nhà thiết kế Vũ Việt Hà chuẩn bị cho các buổi chụp hình
Nhà thiết kế Vũ Việt Hà chuẩn bị cho các buổi chụp hình

Áo dài như một mối duyên lớn 

Phóng viên: Giữa rất nhiều nhà thiết kế đã tạo tiếng vang với áo dài, vì sao anh vẫn chọn trang phục này để định danh?

Nhà thiết kế Vũ Việt Hà: Thoạt đầu, tôi chỉ có khái niệm thiết kế thời trang, chứ không chủ đích làm âu phục hay áo dài. Tuy nhiên, những lần tham gia các cuộc thi thiết kế, tuần lễ thời trang hay lễ hội áo dài, tôi được khá nhiều khách hàng ủng hộ. Vừa có thu nhập, vừa được làm công việc sáng tạo mình yêu thích, đó là điều vô cùng hấp dẫn. Áo dài như một mối duyên lớn của tôi, cũng như cái duyên vô tình đưa đẩy tôi đến với nghề thiết kế thay vì trở thành họa sĩ.

* Đâu là bước ngoặt đáng nhớ của anh với áo dài, đặc biệt là tìm tòi để đưa vào những yếu tố truyền thống và làm mới chiếc áo quen thuộc?

- Mỗi bộ sưu tập với tôi đều đáng nhớ vì phía sau đó đều chứa đựng những câu chuyện thú vị, nhiều ý nghĩa. Nếu kể ra đây, tôi nghĩ có 2 điểm mốc cho câu hỏi của bạn.

Đầu tiên là thời điểm tôi học ở trường. Tôi đăng ký học hội họa nhưng vì ngành thời trang thiếu chỉ tiêu, tôi được nhà trường chuyển hồ sơ qua. Dù không có năng khiếu về may vá nhưng tôi vẫn háo hức. Khoa thiết kế khi ấy nhận được sự tài trợ của ông Kansai Yamamoto - nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Khi đài truyền hình NHK của Nhật Bản đến Việt Nam tìm hiểu về hiệu quả của khóa học, ông Yamamoto còn hỗ trợ kinh phí để chúng tôi thiết kế phục trang, đi phố cổ quay hình. 10 năm sau, đài NHK trở lại, xem những học viên đó còn ai theo nghề. Khóa của tôi và 5 khóa sau đó chỉ còn duy nhất tôi. Họ vừa ngạc nhiên vừa quý mến khi thấy tôi theo nghề một cách bài bản, chuyên nghiệp nên mời tôi sang Nhật để giới thiệu bộ sưu tập (BST) và quay hình. Chuyến đi đó, tôi gặp lại ông Yamamoto. Ông bày tỏ niềm vui khi thấy BST của tôi và biết tôi vẫn theo đuổi thời trang.

Thứ hai là cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix, tôi nhận được giải của một viện thiết kế tại Nhật Bản. Họ đặc biệt yêu thích những sản phẩm mang tính truyền thống, di sản nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tôi được truyền cảm hứng bởi niềm say mê đó. 

Các sản phẩm nghệ thuật của Nhật Bản thường đề cao yếu tố văn hóa và truyền thống. Với những gì thuộc về thủ công, họ rất trân trọng. Tôi nhận ra mình cũng cần làm những điều tương tự - đưa văn hóa, yếu tố truyền thống vào thời trang Việt. Tôi thu nhặt được từ những chuyến đi để biết mình là ai, cần theo đuổi lối nào trong thời trang. Những người tôi gặp, những thứ tôi học được trở thành nền tảng giúp tôi phát triển nghề.

* Ai là người ảnh hưởng đến anh trong nghề?

- Cô Minh Hạnh. Trong khoảng 10 năm đầu tiên làm nghề, tất cả chương trình tôi tham dự đều được làm cùng cô. Điều lớn nhất tôi học được ở cô là tư duy đưa các yếu tố văn hóa vào thiết kế. Nhờ được làm việc với cô, tư duy của tôi dần được thành hình và chắt lọc những gì hợp với mình, phong cách của mình.

Bên cạnh cô Hạnh, tôi còn chịu ảnh hưởng của một số nhà thiết kế quốc tế. Hiện tại, tôi vẫn luôn cập nhật xu hướng quốc tế, từ màu sắc, kiểu dáng cho đến cách họ ứng dụng văn hóa bản địa vào trang phục. Tôi muốn những chiếc áo dài của Vũ Việt Hà không chỉ nổi bật nhờ họa tiết, chi tiết đính kết hay thuần theo phom dáng quen thuộc mà có những cập nhật đương đại. 

Thời trang phụ thuộc không gian văn hoá mình sinh sống

* Cụ thể anh đã cập nhật những gì cho áo dài Vũ Việt Hà từ các sàn diễn quốc tế?

- Với tôi, thời trang phụ thuộc vào không gian văn hóa mình sinh sống. Do đó, những đổi mới, cách tân cũng phải dựa trên cái nền sẵn có. Chẳng hạn, bên cạnh các thiết kế đậm văn hóa các vùng miền của Việt Nam thì với những BST được giới thiệu ở các nước, tôi cũng tìm hiểu và lồng ghép những yếu tố văn hóa của quốc gia đó lên áo dài; tất nhiên có sự chọn lựa phù hợp để cả hai tôn vinh lẫn nhau. Duy nhất một điều tôi tâm niệm phải theo: văn hóa truyền thống của người Việt trong trang phục. Đó là sự thanh lịch, kín đáo, đôi khi liên quan đến cả phong tục, tập quán của người Việt mình. Yếu tố này trở thành chìa khóa cho các BST của tôi. Cho nên, trong mọi thiết kế, sự phá cách của tôi rất kỹ càng, vẫn có hồn cốt.

Về việc ứng dụng xu hướng quốc tế, đó có thể là màu sắc hoặc phom dáng. Chẳng hạn trong năm 2023, màu hồng cánh sen sẫm, màu tím, màu lam đều trở thành xu hướng và được tôi đưa vào áo dài. Phom áo cũng thoải mái hơn. Bối cảnh kinh tế và ảnh hưởng sau dịch khiến người ta luôn có cảm giác ngột ngạt thì thời trang cần phóng khoáng và cởi mở hơn.

* Mỗi lần xuất hiện là mỗi lần giới thiệu một chất liệu mới, kể một câu chuyện mới, với anh, điều này có áp lực?

- Vô cùng áp lực vì nếu mình không tạo được những thứ mới mẻ nghĩa là mình đang đi lùi và thất bại, ít nhất với chính mình. Khách hàng của tôi và cả truyền thông đều dõi theo, chờ đợi những chất liệu mới, những thứ mới mẻ từ tôi. Sự tìm tòi hẳn nhiên tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, cho nên giá mỗi thiết kế cũng không hề rẻ. Tuy nhiên, bù lại, tôi được nhìn thấy sự trân trọng mọi người dành cho mình, sự nâng niu của họ trước mỗi thiết kế như với một tác phẩm nghệ thuật và niềm vui khi sáng tạo thành hình.

Và sau mỗi lần thử nghiệm với chất liệu mới, tôi cũng đã khơi dậy sức sống của các làng nghề, để sản phẩm của họ được nhiều người biết đến hơn. Chính suy nghĩ đó thúc đẩy và cổ vũ tôi từng ngày.

* Anh nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo thế nào?

- Không ai có thể đi xa và dài hơi nếu không có đội ngũ đồng hành. Tôi may mắn có được điều ấy. Tôi cũng học từ các sàn diễn quốc tế mỗi mùa và từ sinh viên của tôi - những người có sức sáng tạo dồi dào; ý tưởng độc đáo, mới mẻ.

* Việc tham gia giảng dạy ở Khoa Thiết kế và Mỹ thuật Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội có phải là để anh dành một chút tình yêu cho hội họa - niềm đam mê từ thuở nhỏ? Nếu không thiết kế nữa, liệu có một họa sĩ Vũ Việt Hà?

- Việc dạy học giúp tôi tự làm mới mình và như đã chia sẻ, cho tôi học thêm nhiều điều thú vị từ sinh viên. Đã có một thời gian tôi thử vẽ trở lại nhưng rồi những gì tôi vẽ đều là các bản thiết kế dành cho thời trang. Thời trang như hơi thở của tôi. Quả thật tôi không biết nếu không thiết kế nữa, mình sẽ làm gì.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Thư Hiên (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI