Cùng khởi nghiệp từ truyền thống gia đình, cùng học tại Học viện thời trang London (Hà Nội), tài năng và quyết liệt theo đuổi đam mê, có thương hiệu của riêng mình, Vũ Thảo và Lâm Gia Khang, dù phải đi một đoạn đường vòng, mỗi người một hướng riêng nhưng lại có những điểm gần nhau.
Vũ Thảo được xem là người tiên phong trong dòng thời trang sinh thái - thân thiện với môi trường (còn gọi là thời trang bền vững) tại Việt Nam. Có thể nói chưa nhà thiết kế Việt Nam nào thực hiện một quy trình thời trang “hữu cơ”, từ gốc đến ngọn (trồng, tạo ra nguyên liệu, dệt, nhuộm và thiết kế hoàn thiện) như chị.
Lâm Gia Khang gần như là điển hình của thế hệ “millennials”, năng động, khiêm tốn , tự tin, cởi mở và yêu thích trải nghiệm. Những thiết kế mang xu hướng “less is more” của Khang ngày càng củng cố vị trí trong lòng các tín đồ thời trang.
Mỗi người có một con đường - một câu chuyện riêng để kể. Câu chuyện của sinh thái và tối giản.
Vũ Thảo: 'Mỗi thiết kế của tôi có cách kể chuyện riêng'
Ít ai biết Vũ Thảo, nhà thiết kế (NTK) theo phong cách thời trang bền vững, từng xuất hiện trên New York Times, bắt đầu học về thời trang khi đã lấy chồng, sinh con.
Thảo vốn yêu thích công việc may vá từ khi là sinh viên khoa Anh trường đại học Sư phạm Ngoại ngữ, lại có mối lương duyên với văn hóa truyền thống khi làm báo, nhưng mãi đến khi sinh con, chị mới bắt đầu theo học ngành thời trang, một lĩnh vực những tưởng chỉ người trẻ đầy nhiệt huyết và bay nhảy mới không ngại dấn thân theo đuổi.
Tốt nghiệp Học viện Thời trang London (LCFS) năm 2008, chuyên ngành thiết kế thời trang, nhưng bốn năm sau - 2012, thương hiệu Kilomet 109 của Vũ Thảo mới ra đời. Tên thương hiệu được đặt theo khoảng cách cây số từ quê hương Thái Bình của Thảo đến Hà Nội.
Kilomet 109 còn mang ý nghĩa về dòng thời trang bền vững, chất liệu thân thiện với môi trường từ khâu nuôi trồng, xử lý sợi cho đến dệt nhuộm và thiết kế, sản xuất, được Thảo định hướng ngay từ đầu. Cô tin rằng, không cần lên gân, đánh bóng khi quảng bá Kilomet 109 mà hãy để “tiếng lành đồn xa”.
Trước khi cho ra đời Kilomet 109, Vũ Thảo có kinh nghiệm làm việc cho các công ty thời trang nước ngoài tại Hà Nội, trong đó có thương hiệu Victoria Roe (Anh, từ năm 2008 - 2010) và trở thành NTK, quản lý chất lượng của A.D.Deertz (Đức, từ năm 2010 - 2012).
Những thương hiệu với phong cách thời trang hiện đại đã phần nào ảnh hưởng đến tư duy thiết kế hòa hợp giữa giá trị truyền thống và hơi thở đương đại của Kilomet 109 hiện nay.
Mong muốn mang đến những sản phẩm may mặc hiện đại, thân thiện với môi trường, quy trình thiết kế của Kilomet 109 khép kín từ trồng cây bông, cây gai dầu, chăn tằm ươm tơ, giã sợi dệt vải và nhuộm thủ công từ các loại nguyên liệu hữu cơ hoa lá cỏ cây.
Vũ Thảo muốn đóng góp, cộng tác cùng các doanh nghiệp nhỏ, thợ thủ công, nghệ nhân bản địa để gìn giữ, sáng tạo trên những chất liệu tự nhiên, dựa trên nguồn nguyên liệu địa phương và kỹ thuật truyền thống.
Các thiết kế của Kilomet 109 lấy cảm hứng từ kỹ thuật dệt sợi tơ, bông, gai, nhuộm chàm, vẽ sáp ong truyền thống của phụ nữ Nùng, Dao, Thái, Tày, Mường, H’Mong… ở Mai Châu, Hòa Bình, Cao Bằng.
- Dù không chủ trương quảng bá, các thiết kế của Kilomet 109 vẫn có mặt ở nhiều nơi: Module 7 Studio (83 Xuân Diệu, Hà Nội); boutique của thương hiệu A.D.Deertz (Berlin), boutique Out to Lunch (Porto, Bồ Đào Nha)… Kilomet 109 có gì độc đáo?
- Mỗi thiết kế của Kilomet 109 có cách kể chuyện riêng. Chúng chứa đựng những trải nghiệm về con người, lịch sử của mảnh đất và lời thì thầm của hạt giống, hoa lá, cỏ cây. Mang đậm bản chất Á Đông kết hợp với những chi tiết thực dụng của phong cách thời trang Âu Mỹ, Kilomet 109 áp dụng kỹ thuật may thêu thủ công trên những đường cắt và kiểu dáng hiện đại. Với nguồn cảm hứng gần gũi bắt gặp từ cuộc sống, thiên nhiên và con người Việt Nam, truyền tải các cảm giác đan xen: thành thị - tối giản - truyền thống - dân tộc, Kilomet 109 xuất hiện như một “kẻ lập dị” trong muôn vàn công thức thời trang nhanh - rẻ - hàng loạt hiện nay.
- Đó là quá trình học hỏi và kết hợp giữa cái gọi là thời trang đạo đức và các giá trị nghệ thuật của các dân tộc?
- Có thể nói như vậy, giai đoạn là một nhà báo, tôi có cơ hội khám phá, học hỏi, cũng như ngày càng trân trọng kỹ thuật nhuộm chàm của người Nùng. Những thiết kế của Kilomet 109 không chỉ lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống dân tộc thiểu số, mà hòa trộn với phong cách hiện đại tôi tích lũy được khi làm việc với những thương hiệu thời trang châu Âu. Tư duy sáng tạo cởi mở cũng thúc đẩy những sáng kiến mới, ứng dụng và thử nghiệm kỹ thuật nhuộm chàm truyền thống để tạo nên những sắc độ khác nhau.
- Chị đã sáng tạo thêm những màu chàm dịu nhẹ cho Kilomet 109?
- Từ bao đời nay, phụ nữ Nùng chỉ quen làm ra hai màu chàm truyền thống, tôi muốn tạo ra những sắc chàm nhàn nhạt dịu nhẹ cho những thiết kế của Kilomet 109. Không chỉ màu chàm non hay gam chàm già, xưởng thiết kế của Kilomet 109 còn có bảng màu sắc tự nhiên từ các nguyên liệu như lá bàng, lá chè xanh, củ nâu, củ nghệ, vỏ gỗ…
Bộ sưu tập của Kilomet 109 có thể là những chiếc áo khoác biker vải lanh nhuộm chàm áp dụng kỹ thuật lăn đá độc đáo của người H’Mong, áo bu dông chần bông pha sợi gai được nhuộm màu củ nâu kết hợp vỏ gỗ, hay những chiếc áo lụa tơ tằm nhuộm lá cẩm đỏ… Đó là một quy trình thú vị.
- Chị nghĩ gì về Zero Waste - thời trang không hao tổn, một dòng chảy của thời trang chậm?
- Tôi nghĩ thời trang chậm, Zero Waste, Eco Sustainable fashion, về cơ bản không phải là một xu hướng đến rồi đi. Nó là một dòng chảy lâu đời, có văn hoá, câu chuyện riêng. Việt Nam có thể dẫn đầu trong lĩnh vực thời trang Zero Waste hay Eco Sustainable fashion vì từ xưa, ông bà ta đã biết tiết kiệm, tái sử dụng và không lãng phí.
- Làm thời trang sinh thái nên dường như cách quảng bá, giới thiệu của chị cũng rất âm thầm?
- Giá trị thật thì không cần phải ồn ào vẫn có chỗ đứng. Tôi là người dễ bị cuốn vào công việc, dễ mải mê với những thứ đằng sau cánh gà hơn là đứng trên sân khấu.
Người làm quảng bá tốt cần có kỹ năng, tự tin, thoải mái và làm chủ tình huống. Với tôi, quảng bá tên tuổi vẫn phải dựa vào người thật, việc thật. Không thể cứ chụp ảnh “tự sướng”, “sống ảo” và càng không phải lên gân lên cốt. Vì như thế sẽ rất mệt mỏi, dễ mất sức vào những thứ bong bóng mà đáng lẽ các NTK nên dành dụm để làm ra những sản phẩm có giá trị thực sự, không cần phải tô vẽ, trang điểm thêm.
Tôi tôn trọng người tiêu dùng như tôn trọng bản thân. Họ có thể bị “say sóng” đôi ba lần nhưng sẽ nhanh chóng nhận ra sự thật. Tôi không muốn dùng văn hóa thời trang như những cái bẫy tiêu dùng.
***
Trong thời điểm cả thế giới gióng lên hồi chuông báo động về một nền công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, trong đó dệt may đứng thứ hai, chỉ sau hóa chất, thời trang của Vũ Thảo thật sự là câu chuyện truyền cảm hứng, theo cách chậm rãi, nhẹ nhàng và yên lặng của riêng mình.
Thư Quân (thực hiện)