Nhà thiết kế Vũ Huy: Tay nói mắt nghe

26/03/2023 - 19:53

PNO - Vũ Huy là người điếc bẩm sinh. Thế nhưng, điều này không cản trở anh cảm thụ vẻ đẹp từ cuộc sống, để thể hiện lên những tà áo dài, theo đuổi đam mê trở thành nhà thiết kế.

 

Chân dung nhà thiết kế Vũ Huy - ẢNH: THÀNH LÂM
Chân dung nhà thiết kế Vũ Huy - Ảnh: Thành Lâm

25 tuổi mới tốt nghiệp lớp Mười hai

5 năm trước, nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng được mời đến giao lưu với một câu lạc bộ những người điếc. Kết thúc buổi giao lưu, anh mở lời rằng ai muốn học nghề, trở thành NTK, anh sẵn lòng giúp đỡ. Duy nhất Vũ Huy giơ tay. Dịp tình cờ này đã kết duyên thầy trò cho cả hai, giúp Vũ Huy theo đuổi con đường mơ ước. Với nhiều người, việc trở thành một NTK có thể đơn giản nhưng với Vũ Huy, để “gõ cửa” được ước mơ là cả một hành trình dài.

Từ nhỏ, Huy đã thấy sự khác biệt giữa mình so với các thành viên trong gia đình. Mọi người nói nhưng anh không nghe được gì. Huy từng nhiều lần thắc mắc vì sao anh lại khác biệt như thế. Mọi trao đổi giữa các thành viên trong gia đình với anh đều qua cử chỉ, điệu bộ. Gia đình anh cũng tìm nhiều cách chữa chạy, mong muốn Huy có thể nghe nói được như bình thường nhưng mọi nỗ lực đều không có kết quả.

Một lần, Huy xem ti vi, thấy ở góc màn hình có biên tập viên dùng tay ra hiệu. Anh tò mò và được giải đáp đó là ngôn ngữ ký hiệu. Thuở nhỏ, Huy từng theo học một trường dành cho trẻ em bình thường nhưng anh không thể nghe, nói được nên việc học hết sức khó khăn.

“Tôi thích được đi học. Tôi muốn được như bạn bè đồng trang lứa. Tôi muốn kiến thức phải tăng lên theo năm tháng” - anh nói. Trong những năm học ở quê nhà, có năm Huy ở lại lớp, kết quả học tập cũng không tốt. Anh nói vì không nghe được nên anh không biết mọi người xung quanh đang nói gì về mình. Có thể nhờ đó anh không buồn hay mặc cảm. Có thêm bệnh về tim nên gia đình nghĩ Huy chỉ cần biết chữ là đủ. Nhưng, Huy chưa bao giờ muốn bỏ cuộc.

Đến khi anh và chị gái vào TPHCM, họ giúp Huy tìm được ngôi trường phù hợp là Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai. Năm 2010, lúc 16 tuổi, Huy mới tìm được lối đi cho cuộc đời. Anh phải học lại từ đầu. Thời điểm đó, cha mẹ vẫn muốn Huy về sống tại quê nhà Thanh Hóa nhưng Huy không đồng ý bởi anh luôn ý thức học tập là con đường duy nhất anh có thể đi.

“Vào trường, mọi người đều dùng ngôn ngữ ký hiệu bằng tay. Họ đùa giỡn với nhau rất vui nhưng tôi thì ngại ngùng. Tôi thu mình vào một góc. Rất may, tôi đã nhanh chóng nhận ra, nếu không học, tôi sẽ không thể hòa nhập. Tôi bắt đầu ngày đêm học các ký tự, cách chuyển văn viết sang ngôn ngữ ký hiệu...” - anh nhớ lại.

Đã có những lời trêu đùa, chế giễu vì tuổi của Huy lớn hơn so với nhiều học sinh trong trường. Tuy nhiên, Huy không bận tâm quá nhiều bởi anh biết mục tiêu và mong muốn của mình. Sau này, khi lên cấp II, Huy chuyển sang học tại Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy Văn hóa điếc thuộc Đại học Đồng Nai. Ở đây, anh được phát triển ngôn ngữ toàn diện. Năm 2022, khi 25 tuổi, Huy mới hoàn thành chương trình phổ thông.

Sẽ luôn có cơ hội nếu…

Bộ sưu tập Hoa đồng cỏ nội của nhà thiết kế Vũ Huy tại Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 - ẢNH: BTC
Bộ sưu tập Hoa đồng cỏ nội của nhà thiết kế Vũ Huy tại Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 - Ảnh: BTC

Nhà Huy ở TP Biên Hòa còn lớp học của NTK Sĩ Hoàng ở TPHCM nhưng Huy vẫn kiên trì theo đuổi bởi anh biết đây là con đường giúp tương lai tươi sáng hơn. Khi còn ở quê nhà, Huy hầu như không có bạn vì không thể giao tiếp được với ai. Một lần, nhìn thấy những bài vẽ của anh trai rất đẹp, Huy thích thú nên sao chép. Do ở quê, điều kiện tiếp xúc với giấy vẽ, màu sắc có phần hạn chế, Huy chỉ vẽ trên giấy nháp. Cũng từ đó, Huy bắt đầu vẽ áo dà 

“Tôi còn đòi mua búp bê nhưng mẹ không cho. Mẹ bảo tôi mua xe nhưng tôi không thích” - anh cười nhớ lại. Thấy người bà con họ hàng có búp bê, Huy rất thích. Anh tự mày mò nghiên cứu, may áo dài cho búp bê. “Ngày trước, mẹ không tin tôi có thể may áo dài, làm NTK. Bây giờ, tôi hy vọng mẹ có thể vui, an tâm khi tôi đã biến mong muốn đó thành hiện thực” - anh nói thêm.

Ròng rã 3 năm, mỗi cuối tuần, Vũ Huy đi từ 2-3 chuyến xe buýt để đến được lớp học của NTK Sĩ Hoàng. Việc giao tiếp của 2 thầy trò trong thời gian đầu rất khó khăn vì NTK Sĩ Hoàng không biết ngôn ngữ ký hiệu, còn Huy không thể nói. Họ trò chuyện qua 1 quyển sổ, trong đó viết chi chít các khái niệm. Có lần, NTK Sĩ Hoàng nói về bố cục nhưng Huy không hiểu nên anh phải tìm mọi cách giải thích để Huy có thể hình dung. Khi không hiểu bất kỳ từ nào, Vũ Huy lên Google để tra cứu, tìm hiểu cặn kẽ. Bên cạnh đó, NTK Sĩ Hoàng cũng học được một số ngôn ngữ ký hiệu. Nhờ vậy, sau này, quá trình dạy và học của 2 thầy trò bớt áp lực hơn.

Thiết kế là sự phối hợp của các khâu vẽ, thêu, in màu, cắt may… Ban đầu, NTK Sĩ Hoàng là thông dịch viên, cầu nối cho Huy với ê kíp nhưng sau đó, Vũ Huy cũng nỗ lực để giao tiếp được với mọi người bằng cách vẽ và viết. Hiện tại, anh nắm chắc các quy trình để thiết kế áo dài. 

Nhà thiết kế Vũ Huy và nhà thiết kế Sĩ Hoàng giới thiệu bộ sưu tập Tay nói mắt nghe vào tháng 12/2022 - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Nhà thiết kế Vũ Huy và nhà thiết kế Sĩ Hoàng giới thiệu bộ sưu tập Tay nói mắt nghe vào tháng 12/2022 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cuối năm 2022, Vũ Huy chính thức xuất hiện với tư cách NTK, khi có trang phục trình diễn trong bộ sưu tập Tay nói mắt nghe, dành riêng cho trẻ em. Anh cho biết trong quá trình học, có những lần các yêu cầu được NTK Sĩ Hoàng đưa ra khá gấp, anh phải đối diện với nhiều áp lực, căng thẳng mới hoàn thành. Từ “cố gắng” luôn hiện diện trong suy nghĩ của anh.

“Đào tạo một người bình thường trở thành NTK mất 4-5 năm. Huy cũng mất khoảng thời gian tương đương như thế. Nghĩa là sự nỗ lực của em ấy rất lớn. Tôi dạy một nhưng Huy biết mười” - NTK Sĩ Hoàng chia sẻ. Kỹ thuật cắt may Huy tự tìm hiểu và học theo, chứ không đợi đến khi được dạy. Sự chủ động, cần cù của anh được thầy đánh giá cao, trân trọng.

Suốt 5 năm ấy, có những thời điểm khó khăn, đặc biệt khi học những cái mới, kỹ thuật khó nhưng chưa bao giờ Huy từ bỏ. Anh luôn mang suy nghĩ phải làm sao để không trở thành gánh nặng cho mọi người. 
Bộ sưu tập gần đây được Vũ Huy giới thiệu tại Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 mang tên Hoa đồng cỏ nội có mảng màu rực rỡ, dành cho phụ nữ từ 16-30 tuổi. Huy có năng khiếu hội họa nên tất cả áo dài đều được thực hiện trên nền vải trắng. Anh sẽ vẽ, sau đó nhuộm rồi mới may thành áo.

Huy luôn lưu giữ ký ức về những loài hoa đồng nội tại quê nhà. Theo Huy, mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp, giá trị, đối tượng yêu quý riêng. Huy không giống như người bình thường nhưng vẫn có “hương sắc” bởi sự nỗ lực, kiên trì. Bộ sưu tập được hoàn thành trong 2 tuần, với nhiều ngày Huy phải làm việc liên tục.

Năm 2023, Vũ Huy chuẩn bị theo học tại Khoa Thiết kế thời trang của Đại học Công nghiệp TPHCM. Bên cạnh việc học nghề, giúp bản thân phát triển, Huy còn tham gia nhiều buổi giao lưu với cộng đồng người điếc. Anh hy vọng có thể truyền động lực đến những người khiếm khuyết như mình, giúp họ vượt qua áp lực, sự phân biệt đối xử, mặc cảm để hòa nhập, tự tin vươn đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. 

NTK Sĩ Hoàng nói trong hành trình làm thầy vừa qua, chính anh cũng học được sự kiên trì, vượt lên số phận của học trò. Theo anh, con đường nào cũng sẽ có hoa hồng dẫu khởi đầu đầy chông gai nếu người đi luôn cố gắng và không bao giờ từ bỏ.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI