PNO - Trưởng thành ở Mỹ với nghề thiết kế thời trang, Vincent Đoàn một mình trở về Việt Nam sống và làm nghề. Về, vì yêu nghề, vì mong muốn làm được một điều gì đấy với ngành thời trang còn non trẻ trong nước.
Âm thầm và bền bỉ, đều đặn hằng năm, anh cho ra mắt hai bộ sưu tập mới, đúng tiêu chí của một nhà thiết kế quốc tế. Tên tuổi Vincent Đoàn, mỗi năm lại gắn với một cuộc thi nhan sắc nào đấy, mới nhất là Hoa hậu Hoàn vũ, làm nên thương hiệu Vincent Đoàn - nhà thiết kế cho các hoa hậu.
* Công việc gắn liền với những cô hoa hậu xinh đẹp, hình thể chuẩn, trang phục mang tính trình diễn cao, anh có nghĩ mình sẽ đi xa trong thời trang ứng dụng - dòng thời trang dành cho những người bình thường, phù hợp với cuộc sống thường nhật?
- Thiết kế của Vincent Đoàn có rất nhiều mẫu mang tính phổ thông, phù hợp với một số đối tượng, chứ không chỉ có dòng thời trang dạ hội mang tính biểu diễn. Nhưng thực ra, đối tượng khách hàng của Vincent cũng không đại trà lắm. Tôi làm nghề và đặc biệt yêu nghề, nên luôn mong muốn khách hàng hiểu mình. Họ phải là người có kiến thức, có địa vị xã hội. Tôi không chú trọng vào sản phẩm dành cho đối tượng tuổi teen, mà là những người phụ nữ có độ chín muồi về tuổi tác, nhìn phải thật là đàn bà.
Khi xây dựng phân khúc khách hàng cho nhãn hàng của mình, tôi cũng hạn chế một phần đối tượng khách hàng. Không phải ai cũng có thể mặc được thiết kế của Vincent Đoàn mà phải là những người biết yêu chiều cơ thể mình, có phong cách, có kiến thức. Nhiều người nghĩ tôi khó, nhưng như thế tôi mới có thể tự ràng buộc mình theo một cái gu riêng. Như khi nhìn các đường cúp trên một bộ trang phục của hoa hậu mặc, mọi người sẽ nói “đây là đồ của ông Vincent”, hoặc khi nhìn thấy khách hàng mặc Vincent, người ta nhận ra ngay.
* Các thiết kế phổ thông ấy có nét đặc biệt như thế nào, để mọi người có thể đọc được gu riêng của anh?
- Quần áo thiết kế dòng thông thường của tôi cắt cúp rất nhiều, có thể khai thác ưu điểm của khách hàng về đường cong cơ thể. Tôi đặc biệt nhấn mạnh và chú trọng phom dáng, cắt cúp, đường cong, không xử lý nhiều về bề mặt. Nhấn mạnh nét nữ tính của người mặc, đề cao sự sang trọng của trang phục.
Mẫu của tôi không kết hoa, kết cườm mà chú trọng vào những đường cắt để tôn vinh nét đẹp của người phụ nữ. Có thể đây cũng là khó khăn của tôi khi làm nghề trong nước, vì với phần đông khách hàng nữ của tôi, gu của họ vẫn rất Á Đông, họ thích những gì màu sắc, lấp lánh. Dần dà họ hiểu hơn về phong cách của tôi, vì khi chọn trang phục quá nhiều chi tiết rườm rà bên ngoài, dù không cố ý nó vẫn che mất nét đẹp bên trong. Nên chắc chắn họ là những người đạt đến độ chín muồi của tuổi tác, mới lựa chọn trang phục của Vincent.
* Từng làm việc tại công ty thời trang chuyên nghiệp, với môi trường hoạt động quy củ, anh có thấy mình gặp nhiều khó khăn khi hoạt động trong nước, với ngành thời trang Việt Nam còn nhiều bất cập?
- Tôi về Việt Nam từ năm 2014, còn quá ngắn so với con đường làm nghề phía trước. Thị trường thời trang Việt Nam hiện vẫn là một thị trường mới. Mới, nên rất tiềm năng, rộng mở với những người làm nghề như tôi.
Bên cạnh đó, vì mới mẻ, nên chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thử thách. Điều quan trọng cho tôi chính là khách hàng, họ luôn muốn thử tất cả những cái mới. Thử hình dung thế này, chỉ cần một nhà tạo mốt nào đó ra mẫu mới, lập tức sản phẩm ấy có mặt nhan nhản khắp thị trường. Nhà thiết kế nào có mẫu đẹp, lập tức ngoài đường quá chừng người sử dụng sản phẩm ấy. Đó chính là khó khăn.
Khách hàng chưa có gu ổn định, họ chỉ muốn thử nhiều sản phẩm, chưa biết phân biệt được hàng thiết kế và hàng copy. Các nhãn hàng còn quá non nớt trong việc quảng bá và quản lý sản phẩm, chưa định hình được gu của mình một cách ổn định.
* Làm thế nào anh có thể vượt qua việc copy, lấn bản các mẫu do mình thiết kế? Để trụ lại với nghề, khẳng định được mình quả là khốc liệt.
- Các mẫu thiết kế mới ra mắt của tôi bị các nơi nhái theo thì nhiều lắm, có thể họ may và bán đại trà. Nhiều khi họ đến tận showroom, thử hết các mẫu mới và chụp lại. Nhìn mẫu của tôi sẽ không thể nhái theo được, tôi luôn có cách xử lý, giấu đường may, cắt cúp, giấu ben rất riêng. Nhưng nếu là thợ may chuyên nghiệp, khi mặc vào người, cầm lên săm soi, sẽ biết được tôi xử lý trang phục ấy ra sao, giấu giếm chỗ này chỗ kia thế nào. Nên đôi khi họ chỉ cần đi “thử đồ”, ngày mai mẫu của Vincent sẽ có ở đâu đó ngay lập tức.
Làm thế nào để vượt qua những việc ấy ư? Đôi khi mẫu của tôi vừa xuất hiện đã tràn lan ngoài thị trường. Nên trước tiên, tôi phải tự thay đổi kỹ thuật của mình, mỗi mùa. Tôi tin rằng, những ai yêu mến Vincent Đoàn, tôn trọng sáng tạo của nhà thiết kế, sẽ không chấp nhận khoác lên người những mẫu quần áo không “chính chủ”. Một điều chắc chắn, như tôi nói từ đầu, khách hàng của Vincent Đoàn là khách có chọn lọc, họ sẽ biết tìm đúng Vincent Đoàn.
* Để tồn tại trong môi trường thời trang như ở Việt Nam, theo anh, nhà thiết kế cần gì?
- Chất lượng và gu. Trong khoảng thời gian không dài hoạt động thời trang ở Việt Nam, tôi nhận ra tại sao mình tồn tại được ở môi trường khốc liệt này, đó là do chất lượng sản phẩm của tôi tốt.
Tôi không đưa mình lên quá cao với sự ảo tưởng, hoặc đưa sản phẩm lên mức giá cao chót vót. Tôi luôn tự trả lời câu hỏi “khách hàng là ai, họ sử dụng sản phẩm của mình như thế nào, phù hợp với nó hay không?” trước khi bắt đầu thiết kế sản phẩm mới. Dù thế nào, các sản phẩm của tôi đều đạt những tiêu chuẩn rất cụ thể như đường may, đường rã, chỉn chu từng chút một. Ngay từ đầu tôi đã chủ trương sản phẩm của mình không dùng những chi tiết đi kèm để lấp liếm lỗi.
Mỗi nhà thiết kế đều phải xây dựng cho mình một gu riêng, để nhắc đến kiểu ấy là người ta nghĩ ngay đến mình. Như thế mới có thể tồn tại được.
* Nhưng một bộ trang phục gắn mác hàng thiết kế không phải ai cũng có thể mua được. Anh có dự định “hạ giá” sản phẩm thương hiệu của mình để tiếp cận số đông không?
- Khách hàng của tôi đa phần là những phụ nữ thành đạt, bản lĩnh và rất tự tin. Nhưng tôi nghĩ, khi mở bất cứ tủ quần áo nào, chắc chắn các chị không chỉ có sản phẩm của Vincent Đoàn, mỗi người có rất nhiều lựa chọn để xây dựng phong cách cho mình. Có thể chị sẽ có áo đầm dự tiệc của Vincent Đoàn, quần tây của một nhãn hàng khác vì phù hợp với công việc của chị. Mọi thứ luôn đa dạng, có nhiều chọn lựa, phù hợp với mục đích nào đó của khách hàng. Nên đừng hỏi tôi sao không hạ giá để bán được nhiều hơn.
Chưa khi nào để bán được một sản phẩm tôi lại một hai khen khách hàng đẹp dù họ mặc không hợp. Dù họ rất thích mẫu ấy nhưng nếu trang phục không phù hợp, tôi cũng không đồng ý để khách mặc. Tôi có kiến thức để tư vấn cho khách mặc sao cho đẹp hơn. Vì thế, khách hàng của tôi sẽ không mang tính đại trà, nhưng chắc chắn sẽ là những khách hàng trung thành.
* Để đẹp, mọi người có cần phải ăn mặc theo mùa không?
- Tôi khẳng định là có. Nhưng tôi khuyên mọi người đừng hình dung mùa theo thời tiết xuân, hạ, thu, đông mà nên rộng hơn, lưu ý đến màu sắc, chất liệu để có thể tạo thành mùa. Thời tiết Sài Gòn không phân chia mùa rõ rệt, luôn nóng, nên mọi người phải chú ý đến chất liệu thoáng, không nhăn.
Chẳng hạn như chuẩn bị vào mùa đông, đừng nghĩ mình sẽ mặc áo dạ, áo len mà chú ý đến màu sắc, những màu hơi nóng một chút. Mùa xuân - hè thiên về hoạt động ngoài trời, cần lưu ý đến việc này. Thu - đông là mùa tiệc tùng, hội họp, cần chọn trang phục có chất liệu quan trọng.
Mùa thu này, màu sắc bắt đầu đậm lại, đây là bước chuyển mùa giữa hè sang đông, tông màu sẽ giảm dần độ tươi sáng. Đơn giản vậy thôi.