Ước mơ được truyền tải vẻ đẹp của văn hóa Việt
Không nằm ngoài dự đoán, Thái Trung Tín là một trong hai cái tên cuối cùng trụ lại trong cuộc thi thiết kế trang phục truyền thống cho đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ năm nay.
Ngay từ đầu, bản vẽ Ô mê trô đã khiến người xem ấn tượng bởi sự kết hợp hài hòa giữa áo dài, mấn, quạt, mô hình tàu mê-trô phối đầu rồng lạ mắt. Trang phục thể hiện được vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam, lại phản ánh được sự năng động hiện đại.
Tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế vừa được tổ chức vào tháng Ba, thiết kế Lá ngọc cành vàng của Thái Trung Tín dành cho á hậu Ngọc Thảo cũng lọt vào top 3 chung cuộc do giám khảo chọn.
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ thiết kế Nàng mây được á hậu Lệ Hằng mang đến Hoa hậu Hoàn vũ 2016. Bộ trang phục thể hiện vẻ đẹp của nghề đan mây tre truyền thống, nhận nhiều tràng pháo tay nồng nhiệt từ khán giả xem trực tiếp. Chẳng ai nghĩ lồng gà, lợp bắt cá... lại có thể được biến hóa tài tình đến thế. Đây cũng là thiết kế của nhà thiết kế sinh năm 1994 này.
|
Thái Trung Tín và mô hình búp bê của mẫu thiết kế Ô mê trô |
Ở mảng trang phục truyền thống cho các đại diện Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế, Tín là cái tên được nhắc đến hàng đầu bởi mỗi trang phục do anh tạo ra luôn mang đậm chất Việt Nam nhưng được thể hiện dưới góc nhìn rất mới mẻ. Tín thẳng thắn cho biết công việc này không mang lại nguồn thu nhập. Chi phí do các đơn vị bỏ ra chỉ ở mức vừa đủ để thực hiện trong khi thời gian và công sức của anh cũng như ê-kíp bỏ ra rất nhiều, nhưng Tín luôn thấy vui. “Tiền không mua được niềm vui, nguồn cảm hứng tích cực này. Tôi quan tâm đến niềm hạnh phúc mình có được sau mỗi hành trình đáng nhớ như thế”, anh tâm sự.
Từ nhỏ, mỗi khi được xem ti vi và nghe hai tiếng Việt Nam vang lên, trong lòng Tín luôn có cảm giác rộn ràng khó tả. Ước mơ được truyền tải vẻ đẹp của văn hóa Việt ra ngoài lãnh thổ lớn dần trong Tín.
Đam mê thời trang và yêu thích các cuộc thi nhan sắc, Tín xác định trang phục truyền thống chính là con đường để anh hiện thực hóa giấc mơ. Mãi đến năm 2016, cuộc thi tuyển chọn trang phục truyền thống cho đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ mới được tổ chức.
Nhớ lại, Tín bảo: “Tôi có linh cảm cuộc thi này dành cho mình. Mọi thứ đã diễn ra như mong muốn. Sau chiến thắng trên, tôi hiểu mình cần làm gì đó để góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc và thời trang của tôi sẽ được ghi dấu, gắn liền với những giá trị truyền thống. Có những điều rất nhỏ bị chúng ta lãng quên nhưng khi đến với quốc tế lại trở nên đặc biệt”.
Một lời nói dối và những phép thử
Tín xuất thân trong một gia đình lao động. Ba anh không ủng hộ con cái theo nghệ thuật. Tín bảo: “Ba có suy nghĩ riêng, tôi không trách. Thế nhưng điều đó là động lực để tôi phấn đấu mỗi ngày. Tôi muốn ba có cái nhìn khác đi”, anh tâm sự.
Tín mê mẩn vải vóc từ bé. Thời trung học, Tín bắt đầu tập vẽ thời trang. Màu sắc trang trí nhà cửa, vật dụng trong nhà được bố trí ra sao, ánh sáng thế nào... đều do Tín quyết định. Nhiều người bảo anh đua đòi, cầu kỳ nhưng chỉ Tín hiểu bản thân đang muốn gì. Với Tín, mọi thứ xung quanh đều phải đẹp theo ý thích để anh có được nguồn cảm hứng sống, làm việc.
|
Thiết kế Nàng mây của á hậu Lệ Hằng tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2016 |
Trước sự phản đối của gia đình, đặc biệt là ba, Tín chọn cách nói dối khi vào đại học. Anh nói mình thi ngành kiến trúc nhưng thực tế lại theo ngành thiết kế thời trang. Ngày có kết quả trúng tuyển, Tín mới thông báo cho cả nhà.
“Ba tôi phản đối dữ dội. Tôi hiểu mình không thể chứng minh bằng lời nói, mà phải bằng hành động cụ thể. Tôi phải làm tốt công việc thiết kế sau này. Ba mẹ hẳn có lý do riêng. Tôi lựa chọn theo trái tim, niềm yêu thích của mình không phải do bồng bột mà thể hiện trách nhiệm với bản thân. Tôi luôn có niềm tin khi thấy con cái hạnh phúc thì ba mẹ cũng sẽ vui”, anh nói.
Tín không thích những khuôn khổ, càng không thích sự ràng buộc. Vì thế, trong khi bạn bè mất đến hàng năm trời để theo đuổi các lớp dạy vẽ chuẩn bị hành trang thi đại học, anh chỉ ôn vỏn vẹn một tháng rồi thi. Khi đang học năm thứ hai, Tín là một trong những sinh viên có thành tích tốt để được làm đồ án trong hai tuần. Cũng trong thời gian này, cuộc thi tuyển chọn trang phục truyền thống diễn ra.
Mẫu phác thảo lấy ý tưởng từ nghệ thuật múa rối nước ra đời. Tuy nhiên, Tín không muốn dừng lại ở đó. Anh quyết định kết thúc nhanh đồ án, chỉ cần đạt điểm trung bình là được, để tiếp tục sáng tạo cho cuộc thi trang phục truyền thống. Nàng mây đến tay ban tổ chức khi chỉ còn vài giờ nữa là hết hạn nộp hồ sơ. Cuối cùng, Nàng mây chiến thắng.
Cũng trong năm học thứ hai, Tín quyết định tạm dừng việc học để tìm đến nhà thiết kế Sĩ Hoàng học việc. Anh lặn lội đến tận Bảo tàng Áo dài ở TP. Thủ Đức để thuyết phục nhà thiết kế Sĩ Hoàng bởi từ lâu nhà thiết kế này không còn nhận học trò hay sinh viên thực tập. Sự kiên trì của Tín đã khiến bậc tiền bối gật đầu.
Trong hai tuần đầu học việc, Tín chỉ được giao việc cạo vết xi măng, bút xóa trên tường, lau nhà, dọn dẹp bàn ghế. Anh hoang mang, đặt nhiều câu hỏi. Về sau, Tín mới hiểu đó là phép thử lòng kiên nhẫn mà người thầy đặt ra. “Trong thời gian học, làm việc với thầy, tôi hiểu ra nhiều điều. Nếu không làm nghề đủ tốt thì trước hết hãy làm một người tốt”, anh nhớ lại.
Tại đây, Tín được học vẽ, may áo dài và rất nhiều điều về văn hóa truyền thống Việt Nam. Tình yêu với văn hóa Việt ngày một lớn để anh xác định con đường thời trang trong tương lai.
Bộ sưu tập tốt nghiệp mang tên Mamabu kể câu chuyện về những vị thần, kết hợp các họa tiết cổ thời Lý, Trần mà Tín sưu tầm được tại các đình chùa đã giúp anh đạt ngôi vị thủ khoa.
Lúc này, Tín lại bất ngờ xin vào thực tập, làm việc cho nhà thiết kế Lê Thanh Hòa - một thương hiệu thời trang nữ tính, hiện đại, khác hẳn với con đường truyền thống Tín theo đuổi.
|
Nhà thiết kế Thái Trung Tín |
“Tôi đã chìm đắm quá lâu trong thế giới của mình nên cần bước ra ngoài để tìm sự cân bằng. Ban đầu, tôi thấy khó khăn vì đây không phải phong cách tôi theo đuổi. Dần dần, tôi học được cách điều hành, quản lý nhân sự, thái độ làm việc chuyên nghiệp, có tình người, cách giúp một tập thể đoàn kết từ anh Hòa. Ở đâu cũng có điều hay nếu chúng ta chịu học”, Tín tâm sự.
Nhưng cuối cùng, Tín vẫn quay về với văn hóa truyền thống Việt Nam. Những năm qua, anh thực hiện trang phục cổ cho phim, quảng cáo... Đây là nguồn thu chính để bù lại cho đam mê thực hiện trang phục truyền thống cho các người đẹp.
Sắp tới, anh sẽ cho ra mắt thương hiệu thời trang riêng, phát triển trên nền lụa. “Tôi muốn phụ nữ, thậm chí nam giới sẽ thoát khỏi những khuôn mẫu thời trang mà số đông cho rằng đẹp. Tôi mong mọi người sẽ luôn được sống với cái tôi của họ, cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc nhất với những gì họ thích và chọn”, anh nói.
Thành Lâm