Trước đó, các bộ sưu tập (BST), trang phục làm từ vải thừa, tái chế trang phục cũ, vỏ thanh long, nhựa sinh học (rau câu giòn) của anh đều đưa giới mộ điệu đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Thời trang bền vững là hướng đi khó, nhưng Trần Hùng vẫn đang kiên trì theo đuổi.
Phóng viên: Sáng tạo với các chất liệu thông thường vốn đã không dễ. Hẳn độ khó của thử thách được nhân lên gấp nhiều lần với anh trong BST lần này?
Nhà thiết kế Trần Hùng: Chúng tôi mất 2 tuần để nuôi giấm, hoàn thiện chất liệu da qua nhiều công đoạn tách, phơi… Sau đó, ê kíp mất thêm 3-5 ngày để thực hiện thành phẩm. Tôi đã chuẩn bị ý tưởng thiết kế từ rất lâu nên mọi việc trôi chảy. BST mang dáng vẻ wet look (trông như bị ướt - PV). Những đường xếp nếp tạo cảm giác trang phục như được chạm khắc trên các bức tượng. Chúng tôi khâu tay hoàn toàn. Da scoby có tính chất giống da bình thường nên kỹ thuật may không khác biệt nhiều.
|
Nhà thiết kế Trần Hùng và những tác phẩm anh vừa giới thiệu tại Tuần lễ thời trang London - Ảnh do nhân vật cung cấp |
* Sự đầu tư này cũng tỉ lệ thuận với kỳ vọng được thừa nhận khác biệt/đặc biệt, anh thấy điều này đúng chứ?
- Mỗi BST được giới thiệu tại LFW, tôi luôn muốn chứng minh sự nghiêm túc, chỉn chu với thời trang bền vững. Đó là mục tiêu duy nhất thay vì kỳ vọng một điều gì đó mà mình không thể nắm chắc. Hội đồng thời trang Anh luôn tạo điều kiện, đón nhận, tôn trọng sự sáng tạo của mỗi nhà thiết kế (NTK).
* Thời trang bền vững/thời trang xanh là khái niệm luôn “nóng” trong ngành thời trang, đặc biệt khi các vấn đề về môi trường ngày càng cấp bách. Nhưng đây cũng được xem là “ngõ hẹp” của thị trường…
- Nếu ở Việt Nam, khái niệm “bền vững” còn tương đối mới mẻ thì thế giới đã, đang có nhiều biện pháp hiện thực hóa chúng. Bền vững là tương lai phát triển của thế giới, diễn ra ở nhiều ngành, không riêng thời trang. Ưu điểm của thời trang bền vững là giảm thiểu tác hại đến môi trường, sử dụng tài nguyên có thể tái tạo. Ở mặt ngược lại là chi phí tăng cao do tốn nhiều công sức, lợi nhuận thấp, khó bảo quản.
Nhìn vào lịch sử phát triển trang phục, phải mất hàng trăm năm để thay đổi tư duy của một thế hệ. Thời trang bền vững cũng sẽ như vậy. Có chăng, tiến trình này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn khi chúng ta nhận ra sự cạn kiệt của tài nguyên hóa thạch.
* Chắc chắn rằng, con đường này không chỉ là tiếng nói cho thời trang, mà cũng bộc lộ quan điểm sống, làm nghề của một người Việt trẻ thế hệ mới…
- Tôi luôn muốn làm mới bản thân, không muốn đi vào lối mòn. Tôi luôn nghĩ, học hỏi và tiếp thu những cái mới để không bị thụt lùi so với sự phát triển của thế giới là điều quan trọng hàng đầu.
* Hiện anh cũng là một trong số ít NTK Việt Nam được nhiều ngôi sao quốc tế chọn diện trang phục. Nhưng con đường anh đi lại khá im ắng. Điều gì đã tạo nên lớp vỏ kén khá chặt nơi anh so với sự sôi động của thị trường hiện tại?
- Mọi người đang nhận định sự sôi động của thị trường là tính lan tỏa trên các mạng xã hội? Đây là một đặc điểm của thị trường Việt Nam nhưng không phải là mẫu số chung của thị trường quốc tế. Giá trị cốt lõi của một thương hiệu là sản phẩm được chú ý, đón nhận.
Ồn ào, náo nhiệt cũng vui, nhưng im lặng cũng có giá trị của riêng mình. Nhiều người nổi tiếng ở Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Mỹ… liên tục diện trang phục của tôi. Sự im lặng không phải là rào cản để bước ra thế giới bên ngoài.
|
Quá trình thực hiện trang phục thủ công từ chất liệu da scoby của Trần Hùng (Ảnh: nhân vật cung cấp) |
* Là một trong số ít NTK Việt đã có thành tựu ở thị trường quốc tế, anh nhận định thế nào về cơ hội, đặc biệt dành cho những người trẻ?
- Người trẻ rất chủ động tiếp cận cơ hội, giỏi hơn thế hệ trước khi hòa mình vào dòng chảy thế giới. Các bạn có nhiều công cụ để xây dựng, phát triển thương hiệu cá nhân. Để hội nhập, không chỉ giới trẻ mà cả thế hệ trước cũng cần phải thay đổi, thích nghi với cái mới, biết chọn lọc để giữ được cái tôi.
Các nước phát triển rất coi trọng tài năng mà họ đào tạo, bất kể sự khác biệt về quốc tịch, màu da... Người được đào tạo từ ngôi trường tại London dễ dàng có được vị trí tại LFW hơn so với một NTK từ Việt Nam. Sự hậu thuẫn giữa thời trang Việt và thế giới khác nhau rất nhiều. Vì thế, thời điểm này, tôi chưa thể bàn đến sự cạnh tranh mà chỉ dừng ở việc chúng ta cần đuổi kịp sự phát triển của thế giới.
* Trong bất kỳ sự phát triển nào thì gốc rễ luôn là điều quan trọng nhất. Anh đồng ý chứ?
- Khi có dịp gặp và chia sẻ với những NTK nổi tiếng ở nước ngoài, tôi luôn tự hào vì mình là một NTK Việt Nam, cũng như nhiều bạn bè tự hào về đất nước, nền thời trang của họ. Khi thương hiệu TRANHUNG có tên trên trang chủ của LFW, phần giới thiệu đầu tiên, tôi khẳng định thương hiệu đến từ Việt Nam. Tôi nghĩ ý thức này đã giúp chúng tôi có được hôm nay.
Phần lớn khi biết tôi đến từ Việt Nam đều ngạc nhiên. Tôi đoán trước được, vì nói thẳng là nền thời trang của ta còn quá non trẻ. Chúng ta chưa có một tuần lễ thời trang chính thống, một hiệp hội thời trang tiệm cận quốc tế, một môi trường phát triển đủ lành mạnh… Làm sao để 2 tiếng Việt Nam ngày càng thân thuộc hơn với bạn bè quốc tế, đó là cả một hành trình dài đầy thử thách, nhưng cũng hết sức thú vị trong tương lai.
* Xin cảm ơn anh.
Thành Lâm (thực hiện)