Nhà thiết kế Thủy Nguyễn: Đi qua ảo giác với "Mộng bình thường"

11/11/2020 - 07:51

PNO - Các thiết kế của Thủy Nguyễn tuy bay bổng, giàu chất hội họa và thi ca, nhưng tính ứng dụng khá cao.

Một trong những hấp lực và thách thức lớn nhất của sàn diễn thời trang chính là tính ảo giác, chuẩn bị lâu mau cũng chỉ để đi thoáng qua trước mắt, tắt đèn là khép lại. Dường như nhà thiết kế thời trang Thủy Nguyễn nhận ra điều này nên đã làm triển lãm Mộng bình thường, đang diễn ra tại The Factory (TP.HCM), kéo dài trong nhiều tháng (từ ngày 7/11/2020 đến 6/2/2021), để nhìn lại hành trình gần mười năm của Thuy Design House.

Triển lãm bày gần 70 bộ trang phục và hơn 200 hiện vật, theo tổng thể của nghệ thuật sắp đặt, chia làm bảy chủ đề, gồm Áo dài: xưa đến ngày sau, Lầu son gác tía, Đôi vầng nhật nguyệt, Đong đầy ký ức, Ở trọ trần gian, Muôn hình vạn trạng, Phố phố phường phường.

Triển lãm Mộng bình thường bày gần 70 bộ trang phục và hơn 200 hiện vật
Triển lãm Mộng bình thường bày gần 70 bộ trang phục và hơn 200 hiện vật

Thủy Nguyễn cho biết: “Tôi mong muốn thay đổi nhìn nhận về thời trang đương đại của khán giả, qua cách thức biểu diễn cũng như trình bày. Đến với triển lãm này, nơi không phải là sàn diễn, khán giả sẽ được ngắm nhìn kỹ thuật và đi sâu hơn vào quá trình thực hiện tác phẩm, vào mong muốn của người nghệ sĩ. Tất nhiên, vì là triển lãm tĩnh, nên phần thị giác cũng được chú trọng đáng kể”.

Thực tế cho thấy nhiều bộ sưu tập thời trang “chỉ đủ để dừng lại” trên sàn diễn, với các hào nhoáng đặc thù, nhưng ít đọng lại trong đời sống. Tại triển lãm Mộng bình thường, Thủy Nguyễn chỉ bày một bộ trang phục mới, còn lại là các trang phục đã xuất hiện trong các cuộc trình diễn trước đây. Có lẽ Thủy Nguyễn đủ tự tin để nói rằng, sau vài năm, các thiết kế của mình vẫn còn đủ sức trụ lại. Hoặc ít ra, đây cũng là dịp để Thủy Nguyễn nhìn lại chính hành trình đã qua của mình. 

Thủy Nguyễn mong muốn làm thay đổi nhìn nhận về thời trang đương đại của khán giả, qua cách thức biểu diễn cũng như cách trình bày
Thủy Nguyễn mong muốn làm thay đổi nhìn nhận về thời trang đương đại của khán giả, qua cách thức biểu diễn cũng như cách trình bày

Các thiết kế của Thủy Nguyễn tuy bay bổng, giàu chất hội họa và thi ca, nhưng tính ứng dụng khá cao. Còn nhớ trong phim Cô ba Sài Gòn (2017), những chiếc áo dài do Thủy Nguyễn thiết kế tưởng chừng là cuộc chơi của màu sắc và tinh thần giả tưởng, ai ngờ đã tạo ra một hiệu ứng xã hội đáng kể. Thành công của Thuy Design House có lẽ cũng ở khía cạnh này, luôn nỗ lực tạo ra các thiết kế đi vào đời, chinh phục người tiêu dùng bình thường, chứ không chỉ nằm trong tháp ngà của riêng giới thời trang.

Nhìn xuyên suốt Mộng bình thường, có ba điều dường như Thủy Nguyễn ít khi xao nhãng trong các thiết kế của mình. Đầu tiên là cách khai thác, lấy cảm hứng từ vốn cổ dân gian Bắc bộ và truyền thống văn vật, văn hiến của người Việt. Từ những câu chuyện cổ tích, đạo mẫu, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống cho đến các yếu tố tâm linh, tư tưởng, thẩm mỹ, quan niệm sống đều được lấy cảm hứng để cập nhật cho cuộc sống hiện tại.

Các sản phẩm của Thủy Nguyễn thường lấy cảm hứng từ vốn cổ dân gian Bắc bộ và truyền thống văn vật, văn hiến của người Việt
Các sản phẩm của Thủy Nguyễn thường lấy cảm hứng từ vốn cổ dân gian Bắc bộ và truyền thống văn vật, văn hiến của người Việt

Kế đến, đó là chất hội họa với các bảng màu nổi bật, cách phối màu, đường cắt, cách chơi ánh sáng trên vải và phụ kiện khá mạnh bạo. Điều này giúp các trang phục sặc sỡ, phù phiếm, thị dân, nhưng ít khi bị diêm dúa. Cuối cùng, dù lấy cảm hứng từ truyền thống và bản sắc địa phương, nhưng Thủy Nguyễn luôn khước từ trở thành người bảo tồn di sản, ca ngợi bản sắc, mà chỉ xem đây như là một thuộc tính tất yếu của đời sống đương thời, kiểu như người ta lớn lên cùng điều đó, dù có để ý hoặc vô tình lướt qua.

Một điểm ưu trội của Mộng bình thường, đó là từ ý tưởng cho đến thực hiện sắp đặt có một sự nhất quán, chỉn chu. Có được điều này, không thể phủ nhận các cộng sự lành nghề và không gian The Factory Contemporary Art Center khá phù hợp cho cuộc bày biện. Triển lãm do chuyên gia Dolla S. Merrillees làm giám tuyển, bà từng là giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và khoa học (MAAS) tại Sydney, nên thừa kinh nghiệm để làm Mộng bình thường.

Lý Đợi

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI