Phóng viên: Thưa anh, việc thực hiện trang phục cho những vở diễn lịch sử thường trải qua những giai đoạn nào?
Nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng: Tôi sẽ đọc kịch bản kỹ, lĩnh hội thông điệp, xác định diễn viên, tính cách nhân vật, bối cảnh, rồi đi tìm tư liệu. Một bước không thể thiếu là đến bảo tàng tham khảo về mỹ thuật ứng với từng giai đoạn lịch sử. Tôi cũng thường tìm đến các nhà sử học, nghiên cứu văn hóa để làm rõ những điều còn vướng mắc. Sau đó mới lên mẫu thiết kế, đi tìm chất liệu, rồi thực hiện thành mẫu thật.
Công đoạn tìm tài liệu mất đến 2/3 thời gian tổng. Tư liệu về văn hóa mặc của người Việt xưa còn lại rất ít, chủ yếu bằng chữ, không có hình ảnh minh họa nên rất khó khăn. Tôi cũng thường xem lại bản dựng thô để quan sát chuyển động của diễn viên, sự tương tác của họ trên sân khấu để tiếp tục điều chỉnh trong kỹ thuật may cho đến khi ra mắt chính thức.
|
Phục trang của vở "Bàn tay của trời" (do nhà thiết kế Sĩ Hoàng thiết kế) lấy cảm hứng từ cuộc sống An Nam xưa
|
* Ứng với vở lịch sử, dã sử và dân gian, trang phục sẽ được xử lý thế nào cho phù hợp?
- Với chính sử, trang phục phải chính xác. Nếu hạn chế về tư liệu, có thể thông qua kiến trúc, tượng, phù điêu… để thể hiện. Vì cơ bản, mỹ thuật cũng là một sự phản ánh lịch sử đương thời, trong đó có văn hóa mặc. Chẳng hạn, họa tiết rồng thời Trần sẽ khỏe, mộc, còn thời Lý sẽ uyển chuyển, mềm mại hơn. Với dã sử, trang phục cũng cần bám vào chính sử nhưng có thể cách điệu đi một chút. Với vở dân gian (mốc thời gian không rõ ràng), trang phục thường được thực hiện theo văn hóa mặc thời Nguyễn vì giai đoạn này tư liệu còn nhiều. Màu sắc cơ bản của trang phục là những màu nguyên, không trộn lẫn.
* Anh nhận định thế nào về trang phục lịch sử trên sân khấu hiện tại?
- Cái đẹp, sang trước hết phải xuất phát từ cái đúng. Đa phần, chúng ta chưa làm đúng.
Trong hệ thống giải thưởng của sân khấu, điện ảnh, thường không có giải dành cho trang phục, dẫn đến không đặt nặng, không chuẩn. Lúc này, phục trang ra sao phụ thuộc vào tầm nhìn và cách làm việc của nhà sản xuất (NSX), NTK.
|
Phục trang do NTK Sĩ Hoàng thiết kế trong vở Yêu là thoát tội |
Tôi thường đặt câu hỏi vì sao các nhà làm sân khấu, phim ảnh khi thực hiện đề tài cổ, sử lại không mời những nhà cố vấn về văn hóa mặc, nghiên cứu sử học. Chúng ta đang lãng phí một nguồn kiến thức chuyên sâu, và dẫn đến những bàn thua trông thấy trên sân nhà. Trong khi đó, nhiều sản phẩm văn hóa của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan khi vào Việt Nam đều tạo “sóng”, khiến khán giả Việt rành văn hóa ngoại hơn nội.
* Nhưng kinh phí đang là vấn đề lớn với các sân khấu, đặc biệt sân khấu xã hội hóa…
- Với những vở diễn được Nhà nước đầu tư, việc làm trang phục thoải mái hơn với mức kinh phí vài trăm triệu đồng. Nhưng với sân khấu xã hội hóa, đúng là một vấn đề lớn. Hiện, organza, đũi, linen là những chất liệu đáp ứng được việc thay thế sa, the… thường dùng trong trang phục người xưa, nay không còn (hoặc ít). Nhưng giá thành của những chất liệu này rất đắt, lên đến vài trăm ngàn/mét, dễ hư hao. Trong khi đó, vải pha sợi ni-lông chỉ vài chục ngàn/mét, lại rất bền. Điều đó buộc NSX chọn biện pháp kinh tế hơn.
Thực tế, cũng có nhiều NSX có tâm, có sự đầu tư, nhưng cuối cùng kinh phí dành cho phục trang chỉ vài chục triệu đồng, nhưng số tiền cần lại gấp nhiều lần như thế. Dần dà, sự thỏa hiệp đó dẫn đến thực trạng như hiện tại.
|
Phục trang của NTK Sĩ Hoàng vở "Vụ án cậu trời" |
* Trong khi sân khấu đang khó khăn, thì gần đây phim ảnh đã đầu tư lên đến hàng tỷ đồng cho phục trang. Nhưng dường như theo sau mỗi dự án đều là những sự ồn ào…
- Ở đây, kinh phí không giải quyết được tất cả. Nếu sự sáng tạo không dựa trên hiểu biết thì cũng bằng 0. Ta cần NTK giỏi, nhưng hơn hết phải phù hợp. Có những đoàn phim mong mang một giá trị lịch sử nào đó cho khán giả, nhưng khởi đầu không đúng thì mong ước chính đáng đến cỡ nào cũng đều không thể thực hiện.
Cách đây khá lâu có một bộ phim làm về võ tướng Việt Nam, nhưng khi ra trận lại mặc đồ da. Chúng ta không thuộc văn hóa thảo nguyên, cũng không nằm trong vùng ôn đới, nên đây là cái sai căn bản. Nhìn vào, chỉ thấy đó là hình tượng trong văn hóa Trung Quốc.
NSX và NTK chưa có mối liên kết thực sự tốt, trong đó đạo diễn phải là nhạc trưởng. Dĩ nhiên, không ai có thể hiểu hết, biết hết, đặc biệt những vấn đề lịch sử, nhưng không hiểu thì đi tìm.
|
Sự tương phản về màu sắc, hoa văn trong trang phục của bá hộ Tư Chớp (ngoài cùng bên phải) và Nghè Trạch (thứ hai từ phải sang) trong vở 'Bàn tay cuả trời' |
Khi đầu tư đến nơi đến chốn, trang phục không chỉ phục vụ cho vở diễn, mà còn có giá trị lưu trữ, triển lãm, đồng thời góp một phần không nhỏ vào giá trị thẩm mỹ của sân khấu.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng
|
* Liệu có một hướng mở cho vấn đề này không, thưa anh?
- Trong 100 khán giả, chỉ một người biết rõ lịch sử thì cũng cố gắng vì một người đó mà làm cho tốt. Bởi một người này có thể truyền đi sự tốt đẹp đến hàng trăm người khác, hoặc gây ra một cơn bão dư luận trong hàng ngàn người khi lỡ có sai sót.
Chúng ta chưa có sự cầu thị đúng nghĩa. Sau mỗi vở diễn hay bộ phim, NSX cần mở ra một không gian để nhận góp ý từ khán giả. Trong khi đó, văn hóa phê bình từ khán giả cũng là một vấn đề cần được thay đổi. Bây giờ, chúng ta đang bắt đầu xây dựng, chỗ nào sai cần can đảm đập bỏ. Nhưng quan trọng, khi bắt đầu xây phần móng phải chắc, đừng để những sai lầm cứ diễn ra liên tục.
Thành Lâm (thực hiện)