Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: "Bỏ của'' lấy... sân khấu

24/02/2021 - 19:21

PNO - Trong khi nhiều bầu show than trời vì lỗ nặng, thậm chí không ít người rời sân khấu vì những khó khăn chồng chất thì Nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng và một số bạn bè, cộng sự lại lao vào lĩnh vực này.

Hy vọng người trẻ đến sân khấu

Sau một thời gian lấn sân sân khấu trong vai trò diễn viên, sắp tới đây NTK Sĩ Hoàng sẽ đầu tư vào vở Khóc giữa trời xanh. Đồng hành với anh là một số bạn bè, cộng sự.

Lựa chọn này tương đối mạo hiểm trong tình hình dịch bệnh hiện tại, cộng với những khó khăn kéo dài trong lĩnh vực sân khấu. Nhưng Sĩ Hoàng tỏ ra không lo ngại.                     

Đến cuối 2020, vở Yêu là thoát tội đã diễn được 99 suất, tại nhiều trường học trên cả nước. Ê-kíp nhận nhiều phản hồi tích cực từ các học sinh, ban giám hiệu; trở thành động lực để tiếp tục “lên đường”.

NTK Sĩ Hoàng Tâm sự: “Sau mỗi suất diễn, chúng tôi thường hỏi có bao nhiêu em học sinh đã từng đến sân khấu, nhà hát, xem kịch. Thật chạnh lòng khi những con số luôn rất ít. Tuy nhiên, cũng thật vui khi được hỏi có muốn xem tiếp, muốn đến sân khấu hay không, có rất nhiều câu trả lời có.

Những phản hồi tích cực từ ban giám hiệu, các em học sinh luôn thôi thúc chúng tôi làm nhiều điều hơn nữa cho các em và cho cả sân khấu. Hơn 30 năm qua, tôi không chỉ làm NTK, mà đã dạy nhiều thế hệ. Vì thế, tôi càng tâm huyết với việc xây đắp đời sống tinh thần cho các em trẻ sau này”.

NTK Sĩ Hoàng trong vở Yêu là thoát tội
NTK Sĩ Hoàng trong vở Yêu là thoát tội

Với vở diễn lần này, NTK Sĩ Hoàng có nhiều vai trò chứ không đơn thuần là một diễn viên như các vở trước. Anh vừa là diễn viên, vừa kêu gọi đầu tư, hỗ trợ từ những bạn bè, cộng sự thân thiết. Mỗi người tuỳ theo sức, điều kiện sẽ đóng góp khác nhau.

Chẳng hạn, việc tập luyện vở trong hơn 2 tháng sẽ diễn ra tại studio của hoa hậu Giáng My. Trang phục của vở sẽ do chính NTK Sĩ Hoàng thực hiện. NSƯT Lê Văn Định thiết kế sân khấu. 

Việc chọn đối tượng tiếp nhận là học sinh, mỗi vở diễn được xem như một bài học ngoại khoá tạo ra hướng đi hiệu quả, bớt đi những áp lực so với sân khấu thông thường. Họ chủ động tìm cơ hội, chứ không ngồi chờ tại phòng vé. Tuy nhiên, chi phí cho mỗi suất diễn cũng khá thấp.

“Điều quan trọng nhất, nghệ sĩ vẫn được sống với đam mê, tạo ra những giá trị tốt cho cộng đồng, tạo ra một thế hệ khán giả trẻ cho sân khấu. Vượt lên trên những toan tính thiệt hơn, chúng tôi chỉ mong muốn hình thành nên ý niệm về sân khấu, đến sân khấu, nhà hát, thưởng thức nghệ thuật nghiêm túc với giới trẻ, chứ không chỉ có điện thoại thông minh, máy tính bảng...”, anh nói.

Ê-kíp của vở diễn Khóc giữa trời xanh
Ê-kíp của vở diễn Khóc giữa trời xanh

Với vở diễn lần này, ê-kíp của anh nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà hát TPHCM trong hai đêm diễn chính thức đầu tiên, dự kiến diễn ra ngày 12, 13/5. Hai suất này, ê-kíp sẽ mời đại diện các trường đến xem, đánh giá. Trong trường hợp những suất diễn sau nhà trường không có đủ điều kiện về sân khấu, ánh sáng, nhà hát sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ.

“Với quá nhiều tình yêu thương, sự sẻ chia như thế, không có lý do gì để chúng tôi lo ngại. Điều sợ nhất hiện tại vẫn là dịch bệnh nhưng hiện đã có nhiều thông tin tích cực giúp chúng tôi cảm thấy an tâm hơn. Nghệ sĩ phải luôn trong thế chuẩn bị sẵn sàng. Đến khi tình hình ổn định, chúng tôi sẽ “ra quân”, NTK Sĩ Hoàng bộc bạch.

Hoa hậu Giáng My lần đầu đóng kịch

Vở diễn do tác giả Lê Chí Trung viết kịch bản, Nguyên Phùng làm đạo diễn. Khóc giữa trời xanh được cảm tác từ nhân vật Thái sư Lê Văn Thịnh thời nhà Lý. Đây là người cùng với Lý Thường Kiệt làm nên hai “cánh tay” văn võ cho vua Lý Nhân Tông. Ông đỗ nho học tam trường năm 25 tuổi (tương đương trạng nguyên sau này), và làm Thái sư ở tuổi 35. Ông từng đi sứ sang nhà Tống, đòi lại 6 huyện bị chiếm giữ chỉ bằng tài biện luận. Có nhiều công trạng nhưng cuối cùng Lê Văn Thịnh lại bị án oan, bị đày và chết năm nào không rõ.

Tên nhân vật trong vở diễn được thay đổi so với tên trong chính sử. Tác giả Lê Chí Trung cho biết ban đầu có ý định dùng tên chính sử, nhưng vì những lý do nhất định nên chọn phương án này.

Hiện, các nghệ sĩ đã bắt đầu tập luyện. Thông qua câu chuyện xưa, nhưng tác giả Lê Chí Trung cũng gửi gắm những thông điệp về thời cuộc hiện tại để vở diễn gần gũi hơn.

NTK Sĩ Hoàng đảm nhận vai Thái sư. Anh cho biết vai diễn này khó vì cuộc đời nhân vật nhiều thăng trầm, nhưng cũng chính điều đó giúp cái tôi nghệ sĩ được phát huy.

Vai Thái hậu Vân Dung được giao cho Hoa hậu Giáng My. Trừ một trải nghiệm vào năm 17 tuổi, có thể xem đây là lần đầu tiên chị đóng kịch. 

Hoa hậu Giáng My trong buổi thảo luận cùng ê-kíp
Hoa hậu Giáng My trong buổi thảo luận cùng ê-kíp

Giáng My cho biết có thể đam mê với sân khấu của người cha quá cố - nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng vẫn còn cháy bỏng nên khiến chị tiếp tục bước đi trên con đường này. Cũng như NTK Sĩ Hoàng, chị không đặt nặng vấn đề lợi nhuận kinh tế. 

Tuy nhiên, trước đây, Giáng My chỉ hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc. Vì thế, việc nhận đóng kịch cũng gây tò mò. “Tôi từng nghĩ sẽ từ chối, vì khối lượng công việc nhiều. Tôi sợ không có thời gian kham nổi nếu đi theo vở diễn. Nhưng với sự thuyết phục của NSX, biên tập và đạo diễn, một phần khi đọc kịch bản, rất nhiều kỷ niệm với người bố đã khuất ùa về nên tôi nhận lời. Đây là nghề ông đã gắn bó rất nhiều năm. Biết sẽ có nhiều áp lực nhưng tôi sẽ cố gắng học hỏi ở các anh, chị đi trước. Đây sẽ là một thử thách khá lớn để tôi có thể khám phá và trải nghiệm với chính bản thân mình. Quan trọng hơn hết, tôi muốn góp một chút sức để truyền tải tình yêu sử đến với thế hệ trẻ”, Giáng My chia sẻ.

NTK Sĩ Hoàng cho biết sau buổi tập đầu tiên, ngôn ngữ sân khấu, chất giọng, cách diễn của Giáng My đủ giúp ê-kíp cảm thấy an tâm với sự chọn lựa của mình. 

NSƯT Phạm Thục, NSƯT Xuân Hồng, Hoàng Giang, Quốc Việt... Phần lớn nghệ sĩ tham gia vở diễn đều hoạt động trong lĩnh vực sư phạm nên rất thấu hiểu, chia sẻ với mục tiêu chung mà dự án này hướng đến. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI