Nhà thiết kế Phạm Đặng Anh Thư: Tôi thích và chọn đứng sau những lấp lánh

06/03/2022 - 06:19

PNO - Ở Thư tồn tại nhiều mâu thuẫn, nhiều điều thú vị và bất ngờ. Đạt được danh tiếng từ lúc còn rất trẻ nhưng cô lại nhìn danh tiếng bằng thái độ “kính nhi viễn chi”.

18 tuổi, Phạm Đặng Anh Thư chạm vào đỉnh cao danh vọng khi đoạt giải nhất cuộc thi Hot VTeen 2006 - cuộc thi mà ban đầu cô chỉ tham gia trong vai trò hỗ trợ hình ảnh truyền thông và trang phục cho các thí sinh. Khác với những người bạn đồng trang lứa sau này gặt hái được thành công từ giới giải trí như Wanbi Tuấn Anh, Midu, Khổng Tú Quỳnh… Thư chọn một ngã rẽ khác: học thiết kế nội thất. Tuy nhiên, sau đó, cô lại dừng chân ở thời trang. 20 tuổi, JoliPoli ra đời, Thư vừa học vừa kinh doanh.

Trong chiếc đầm đen giản dị khác với hình ảnh lấp lánh thường thấy trên truyền thông, Phạm Đặng Anh Thư gặp tôi khi cô vừa tư vấn xong cho một khách hàng chọn váy tại JoliPoli - đứa con tinh thần được Thư gầy dựng cách đây khoảng 
12 năm.

Khá nhiều thương hiệu lập nên kỳ tích từ câu chuyện khởi dựng rất đỗi tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu giản dị, thực tế. JoliPoli ra đời từ việc Thư không thể tìm thấy quần áo để mặc khi cô bước vào tuổi đôi mươi. Rất nhiều người trẻ trạc tuổi cô cũng có nhu cầu tương tự.

Cuộc trò chuyện với Thư không chỉ xoay quanh thời trang, về những ý tưởng bay bổng lãng mạn cho chiếc váy dạ hội vừa được một ngôi sao Hoa ngữ chọn mặc mà còn về cách sống, cách vận hành công việc. Thư nhìn mọi thứ bằng đôi mắt của một người làm toán và nỗ lực thoát khỏi cái mác xinh xắn, ưa nhìn từ thời phổ thông. Có lẽ điều đó giúp cô cân bằng các sáng tạo trong thời trang cũng như giữ cho cô có được sự tỉnh táo khi đầu tư vào một lĩnh vực mới.

Ở Thư tồn tại nhiều mâu thuẫn, nhiều điều thú vị và bất ngờ. Đạt được danh tiếng từ lúc còn rất trẻ nhưng cô lại nhìn danh tiếng bằng thái độ “kính nhi viễn chi”. Cho đến bây giờ, Thư vẫn thừa nhận mình nhút nhát và có đôi phần dè dặt trước truyền thông sau một sự cố không đáng có. Nhưng có lẽ, chính sự chừng mực, tài năng và sự dốc lòng khiến cô luôn được bạn bè yêu mến. Thư nhiều lần nhắc đến sự chân thành trong lối sống, cách nghĩ và cả cách cô làm dịch vụ. Phần lớn bạn bè đều là khách hàng của Thư. Họ đến, sử dụng dịch vụ, rồi nhận ra sự tận tâm của Thư và chọn ở lại, thậm chí chọn đồng hành với cô trong nhiều dự án đầu tư khác. 

Xem khách hàng như người thân 

Phóng viên: Mỗi giai đoạn trong kinh doanh đều có những khó khăn nhất định nhưng COVID-19 lại là thách thức chưa từng có trước nay. Kinh nghiệm nào đã giúp bạn vận hành và giữ được sự ổn định trên?

Một mẫu thiết kế ấn tượng của thương hiệu JoliPoli
Một mẫu thiết kế ấn tượng của thương hiệu JoliPoli

Nhà thiết kế Phạm Đặng Anh Thư: Định hướng của chúng tôi là phân khúc cao cấp, thay vì số lượng đại trà. Nhờ đó, trong giai đoạn giãn cách, chúng tôi không rơi vào tình trạng quá bị động. Thật may mắn khi chúng tôi không để mất nhân viên nào suốt hai năm qua. 

Bên cạnh thời trang, JoliPoli còn cung cấp dịch vụ xây dựng hình ảnh, tổ chức sự kiện, quay phim, chụp ảnh…  Chúng tôi cũng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác liên quan đến tài chính và có sự chuẩn bị để chuyển dịch cho đội ngũ nhân viên. Lợi thế của tôi là từng học nhiều ngành, cả văn, chuyên toán rồi mỹ thuật. Nhờ đó, tôi có thể rút ngắn thời gian khá nhiều để học thêm những ngành khác.

"Tôi có quá nhiều ý tưởng, không làm là… bệnh liền. Nguồn năng lượng từ công việc cho tôi sức sống, cuốn tôi đi; do đó, tôi gần như không có thời gian dành cho gia đình hay chăm sóc bản thân. Hai năm dịch vừa qua, tôi bắt đầu nhìn lại và kiểm soát cân nặng của mình. Tôi đã giảm 12kg. Có sức khỏe mới đi đường dài được.

Mỗi giai đoạn trong đời mỗi người đều sẽ có những cột mốc ưu tiên. Tôi nghĩ công việc hiện tại đã phần nào ổn định, vì vậy tôi sẽ dành thời gian cho bản thân nhiều hơn”.

Phạm Đặng Anh Thư

Tất nhiên, ở lĩnh vực mới thì học phí phải trả khá cao nhưng tôi may mắn có bạn bè đồng hành. Nhóm chúng tôi có khoảng mười thành viên, gắn bó với nhau từ những ngày đầu JoliPoli mới ra đời. Mỗi người một thế mạnh. Chẳng hạn, tôi thiên về đối ngoại, các cộng sự có người làm quy trình, có người vận hành, quản trị… Chúng tôi hoạt động theo hình thức góp sức gầy dựng một quỹ nhỏ, đầu tư xen kẽ, phân bổ vốn dàn trải. Ai chuyên lĩnh vực nào sẽ đầu tư vào đó thay vì dồn vốn vào một xu hướng, nguy cơ gãy đổ cao hơn.

* Người ta vẫn khuyên bạn bè đừng đầu tư cùng nhau…

- Bạn bè của tôi đa phần đều là khách hàng. Tôi nghĩ, người chơi được chưa chắc làm việc được nhưng người đã làm việc được thì rất dễ để trở thành bạn bè. Phân khúc cao cấp có nhiều sự lựa chọn, việc tìm dịch vụ cung cấp hoàn hảo không khó nhưng tôi tin họ chọn mình vì nhìn thấy được sự đồng hành của tôi với rất nhiều chân tình trong đó. Tôi cho rằng khi làm bất cứ điều gì, phải đặt bản thân vào vị trí của khách hàng, xem họ như người thân để biết được nhu cầu, tâm tư thay vì đưa cho họ những thứ đang có và buộc họ chọn. Khi ta gắn bó với một người nào đó trong những dịp trọng đại và họ nhìn thấy được sự chu đáo, tình cảm của mình từ cách mình xử lý công việc, cách mình đối xử với nhân viên… họ trở nên có lòng tin và dễ trở thành bạn. 

Từng đứng trước hào quang của sự nổi tiếng nhưng Anh Thư đã chọn một hướng đi khác  - trở thành nhà thiết kế thời trang
Từng đứng trước hào quang của sự nổi tiếng nhưng Anh Thư đã chọn một hướng đi khác - trở thành nhà thiết kế thời trang

* Đâu là ưu điểm của JoliPoli so với các thương hiệu quốc tế cùng phân khúc?

- Nhắc đến JoliPoli là nhắc đến kỹ thuật đo may 3D rất đặc biệt. Không biết bạn có để ý hiện nay có rất ít nhà thiết kế đồ cưới, đồ dạ hội là phụ nữ hay không? Vì là phụ nữ nên tôi khá am hiểm nhu cầu cũng như những ưu khuyết điểm trên cơ thể phụ nữ. Các thiết kế do đó đều được quy về tỷ lệ chuẩn để bất kỳ người phụ nữ nào mặc vào cũng thấy đẹp. Đó là lý do không ít bên copy nhưng không thể tạo ra được thiết kế như vậy.

Thứ hai, chúng tôi làm rất nhanh. Chẳng hạn trong một, hai tuần đã có thể xong váy cưới đính kết cầu kỳ. Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy khách hàng của mình có rất ít thời gian. Khi họ đưa ra yêu cầu, vấn đề nằm ở việc mình có làm hay không mà thôi vì họ không chờ mình hay chấp nhận bất cứ lý do nào. Điều này giúp chúng tôi có sức cạnh tranh rất lớn.

Thứ ba, tôi là người thích sự đơn giản, không rườm rà chi tiết. Thời trang trong mắt tôi là ngành khoa học thị giác. Cho nên khi tạo ra các thiết kế lộng lẫy sẽ dừng ở mức đủ đẹp, hài hòa thay vì sến súa. Việc hòa hợp những mảng đối lập sẽ tạo nên sức hút riêng.

Nhà thiết kế Phạm Đặng Anh Thư bên khách hàng tại các sự kiện
Nhà thiết kế Phạm Đặng Anh Thư bên khách hàng tại các sự kiện

Năng lượng từ công việc cho tôi sức sống 

* Bạn có đề cập đến ý khởi dựng thương hiệu vì không thể mua được quần áo, tính bạn cũng thích sự đơn giản nhưng lại chọn đồ cưới, đồ dạ hội… - dường như điều đó hơi mâu thuẫn?

- Tôi chọn học đại học ngành kiến trúc vì thích trang trí nội thất chứ không nghĩ mình sẽ làm thời trang. Có lẽ là nghề chọn mình. Sau cuộc thi Hot VTeen, tôi nhận ra không chỉ riêng mình mà các bạn đồng trang lứa đều có nhu cầu mặc những trang phục thể hiện cá tính của họ trong đời sống thường nhật cũng như những dịp quan trọng. Thời điểm đó, không có nhiều sự lựa chọn như bây giờ, họ không biết mua ở đâu hoặc tìm đến ai. Phân khúc cao chỉ dành cho những người đã đi làm, có thu nhập trong khi những người trẻ thật ra quyết định khá nhiều chi tiêu của gia đình.

Vậy là tôi đem hết vốn liếng để dành từ hồi vẽ thư pháp trên gốm ra mở một cửa hàng nho nhỏ ở mặt sau một chung cư trên đường Cao Thắng, đón đầu thị trường siêu ngách nhưng tiềm năng. Cửa tiệp bày trí theo concept và mang lại cảm giác như đến nhà một đứa bạn thân. Ở đó, khách hàng được lục lọi, trải nghiệm và khám phá. Sự chân tình, sự hiểu ý khi đáp ứng được nhu cầu khách hàng, sự thoải mái của mọi người và cộng thêm một chút may mắn đã giúp JoliPoli được đón nhận rộng rãi.

Theo thời gian, các khách hàng của tôi dần lớn lên, lập gia đình và tiếp tục không có sự lựa chọn trong ngày cưới. Họ quay trở lại đặt hàng, số lượng đông đến mức gợi ý và thúc giục tôi chuyển qua làm đồ cưới, đồ dạ hội. Có lẽ tôi là nhà thiết kế đầu tiên khởi sự với việc may đo áo cưới cao cấp cho nhóm khách hàng trẻ tuổi, thành đạt.

Cùng rapper Wowy tại một sự kiện
Cùng rapper Wowy tại một sự kiện

* Ba mẹ bạn vốn làm trong ngành y. Họ có ủng hộ giấc mơ này của bạn?

- Ba mẹ tôi không muốn tôi tự doanh mà mong tôi chọn thứ gì đó đơn giản hơn để có thêm thời gian cho bản thân, cho gia đình. Đến ngày khai trương, ba mẹ mới biết hóa ra tôi tự kinh doanh chứ không phải đi làm thêm. Tôi có được sự ủng hộ rất lớn từ ba mẹ. Ba mẹ rất tâm lý và thương yêu chị em tôi. Ba tôi là giáo sư đồng thời cũng là người thầy đầu tiên của tôi. Ông dạy tôi biết cách yêu thương, vị tha và chấp nhận. Mẹ tôi cũng làm trong ngành y, bà từng trải qua một căn bệnh thập tử nhất sinh và được chẩn đoán là sẽ chẳng thể sinh con được. Thế nhưng, ba mẹ tôi vẫn đến với nhau. Rồi chị em tôi lần lượt ra đời. Tôi nghĩ, ước mong lớn nhất của ba mẹ là được nhìn thấy chị em tôi sống hạnh phúc, vui vẻ. Ông bà không câu nệ thành tích, vật chất xung quanh hay áp đặt kỳ vọng lên chị em tôi.

Chúng tôi lớn lên trong tình thương yêu vô bờ đó của ba mẹ chứ không phải sự kỳ vọng vào vị trí nào trong xã hội. Chính tình thương yêu đó cho chúng tôi thêm sức mạnh lẫn sự quyết tâm. Từ nhỏ, tôi đã là đứa trẻ hễ không làm thì thôi, còn khi đã quyết định theo đuổi điều gì thì sẽ vạch ra kế hoạch và cố gắng hết sức.

Thời niên thiếu của tôi cũng có nhiều ngã rẽ bất ngờ như vậy. Đang học chuyên văn thì lớp Tám tôi chuyển sang học chuyên toán và có chân trong đội toán thi tuyển cấp quốc gia. Vào đại học, tôi lại chọn thi văn, vẽ… và chỉ chọn thi vào một trường duy nhất. Tôi thích đặt mình vào những sự thử thách khác nhau để cố gắng và xem khả năng thích ứng, bản năng sinh tồn của mình đến đâu. Thực ra, cũng có giai đoạn tôi cân nhắc có nên tiếp nối con đường y học ba mẹ đã theo đuổi. Nhưng rồi tôi nhận ra, mình là người nhiều cảm xúc, đối diện với sức khỏe, với sự sinh tử của người khác, tôi e rằng mình không thể kiểm soát được tâm trạng.

* Từng đứng trước hào quang của sự nổi tiếng nhưng bạn đã chọn một hướng đi khác trong khi có không ít người muốn bước vào. Sự lựa chọn ở đây bắt nguồn từ lý do nào?

- Thành công từ cuộc thi ngày ấy quả là bảo chứng hoàn hảo để tôi bước vào giới giải trí. Nhưng, tôi có nhiều thứ muốn trải nghiệm hơn. Tôi thích và chọn đứng sau những lấp lánh, tung hô vì tôi muốn mọi người nhìn nhận năng lực của mình hơn là vẻ bề ngoài. Câu hỏi của chị khiến tôi nhớ đến một kỷ niệm thời phổ thông, khi tôi đi nhận giải học sinh giỏi toán cấp thành phố nhưng lơ ngơ đi lạc. Mọi người trông thấy tôi thì ngay lập tức dẫn tôi vào khu vực của các bạn văn nghệ. 

Ở đây, tôi muốn nói là dường như vẫn còn đó định kiến những cô gái sở hữu một chút nhan sắc thì chẳng biết gì ngoài ca hát. Với số đông, họ không có năng lực thật sự, chỉ cần đẹp thôi là đủ.

Lý do thứ hai, tôi muốn cuộc sống của mình không bị ràng buộc hay nhận về quá nhiều sự chú ý của người khác. Tôi thích một đời sống giản dị, làm những điều mình thích, thoải mái, tự do tự tại thay vì phải dè chừng dư luận. Cho đến bây giờ, tôi vẫn như vậy.

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ. 

Thư Hiên (thực hiện)

Ảnh Nhân vật cung cấp 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI