Nhà thiết kế Nguyễn Đức Huy: Bỏ du học, theo đuổi cổ phục, áo dài

17/03/2023 - 07:43

PNO - Nguyễn Đức Huy nói chưa từng nghĩ sẽ theo đuổi con đường này, nhưng có lẽ nghề chọn người. Những bước đi đầu tiên đầy gian nan nhưng cũng nhiều hạnh phúc khi anh được theo đuổi sự đam mê của mình.

Yêu từ khi nào không hay biết 

Áo dài trong Nguyễn Đức Huy từng gắn với các khái niệm: cũ kỹ, không hợp thời, không gần gũi với thế hệ mình. Huy từng có thời gian du học tại Đức, ngành quy hoạch đô thị. Những năm sống tại đây, được tiếp cận với nhiều nền văn hóa khiến anh trăn trở: “Mình là ai, có gì khác biệt so với bạn bè từ các nước khác?”. Suy nghĩ này thôi thúc anh tìm hiểu nhiều về văn hóa Việt Nam.

Thời điểm này, phong trào tái hiện cổ phục manh nha phát triển trong nước. Một vài sự kiện giới thiệu cổ phục được tổ chức và Huy tình cờ xem được. Lần đầu tiên, anh biết trang phục của người Việt trong lịch sử đa dạng như vậy chứ không chỉ gói gọn trong áo dài, áo bà ba như anh từng nghĩ. “Những hình ảnh đó làm thay đổi suy nghĩ của tôi hoàn toàn. Tôi bị mê hoặc thực sự” - Huy tâm sự.

Bộ sưu tập của Nguyễn Đức Huy tại đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Bộ sưu tập của Nguyễn Đức Huy tại đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 - Ảnh: Nguyễn Quang 

Suốt 2 năm sau đó, anh theo dõi, quan sát, tìm đọc các tài liệu về cổ phục. Sách Ngàn năm áo mũ cũng là tài liệu khiến anh thấy thích thú. Đến năm thứ ba trong kỳ du học, Huy thấy không còn yêu thích ngành đang học như trước và quyết định nghỉ. Trong 1 năm tiếp theo, anh dành thời gian để suy nghĩ, lựa chọn con đường khác cho tương lai. Đây cũng là lúc anh bắt đầu nghiên cứu về cổ phục nhiều hơn, đào sâu hơn.

Không dừng ở việc tự học, Huy chọn học dự thính ngành Việt Nam học và Đông Á học tại Đức. “Tôi muốn học bài bản hơn. Tôi muốn biết người Đức, phương Tây nghĩ gì về văn hóa Việt Nam” - anh nói. Bước ngoặt này khá lớn nhưng không khiến anh lo sợ, bởi theo anh, ở môi trường quốc tế, việc chuyển ngành học hoặc chấp nhận mất nhiều thời gian để tìm được chính xác ngành mà mình đam mê là chuyện bình thường. Huy nghĩ, khi không yêu sẽ khó còn động lực để học, làm việc tốt nhất có thể.

Phong trào phát triển cổ phục đang ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam. Ngoài Cổ phục Đông Phong của Nguyễn Đức Huy còn có thể nhắc đến các nhóm như: Đại Việt Cổ Phong, Ỷ Vân Hiên, Great Vietnam…

Gia đình cũng lo lắng vì đây là ngã rẽ quan trọng, song khi nghe Huy giải thích, gia đình đã thuận theo, dẫu cũng không chắc tương lai của anh ra sao. Bỏ ngành quy hoạch đô thị, anh xác định sẽ về quê hương lập nghiệp. Rồi trong một lần về Việt Nam, Đức Huy được bạn rủ tham gia cuộc thi về cổ phục. Sự kiện ấy đã giúp anh bén duyên với một công ty chuyên phát triển cổ phục, nhưng chỉ làm ở mảng kinh doanh. Để quảng bá, tiếp thị tốt, đòi hỏi anh phải có kiến thức về trang phục, chất liệu vải, quy trình làm ra một bộ trang phục hoàn chỉnh.

Đường dài từ những bước chân... 

Cổ phục Đông Phong ra đời khoảng tháng 4/2019 là kết quả hợp tác giữa Huy và 2 người bạn. Dự án đầu tiên của họ là thiết kế cổ phục gửi cho sinh viên tại Đức. Giá thành của cổ phục thời điểm này khá cao. Đức Huy mong có thể tạo ra trang phục với giá phải chăng, giúp nhiều bạn trẻ có thể tiếp cận.

Là tay ngang, việc lấn sân sang lĩnh vực thiết kế, thời trang không hề dễ. Huy không giỏi về nhận định màu sắc nên rất khó để phối màu cho trang phục. Anh từng đi học vẽ một thời gian, nhưng khả năng cải thiện không nhiều. Anh bảo mình không có năng khiếu. Đến nay, việc phối màu, anh vẫn phải nhờ bạn bè tư vấn để an tâm hơn.

Thời gian đầu, Huy chủ yếu phụ trách vận hành thương hiệu, chọn vải, kết nối khách hàng… 2 cộng sự của anh, một người là thợ may, người còn lại làm nghiên cứu văn hóa. Sau một thời gian, công việc của các cộng sự bận rộn, buộc Huy phải tìm hiểu sâu vào khâu sản xuất, thiết kế trang phục. Đồng thời, anh cũng đưa thêm thợ khác vào làm việc.

Ban đầu, do không rành về kỹ thuật cắt may nên anh không thể truyền đạt trọn vẹn mong muốn với người thợ. Phải sau một thời gian học, Huy mới có thể vào việc trơn tru hơn. Thợ may vừa là cộng sự, vừa như thầy của anh. “Ban đầu tôi cũng không dám đặt mục tiêu sẽ may được áo hoàn chỉnh, nhưng phải hiểu trọn vẹn quá trình làm ra một chiếc áo. Tôi không học chuyên ngành thời trang nên không nắm rõ về tính chất các loại vải, tìm ra những loại thay thế phù hợp với ngày xưa. Tôi đến nhiều chợ đầu mối, về các làng nghề để tìm hiểu. Tôi tự mò mẫm, tự tìm kiếm mọi thứ” - anh Đức Huy chia sẻ.

Sau hơn 1 năm rưỡi, anh đã thuần thục các khâu, có thể dễ dàng diễn đạt các ý tưởng, mong muốn. Trước đó, giữa anh và thợ nhiều lần không hiểu ý nhau dẫn đến cắt may sai, chọn chất liệu chưa phù hợp. Họ phải cắt may lại nhiều lần mới có thể cho ra thành phẩm ưng ý.

Bộ sưu tập của Nguyễn Đức Huy tại đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Bộ sưu tập của Nguyễn Đức Huy tại đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TPHCM 2023 - Ảnh:  Nguyễn Quang 

Thời gian đầu, Huy gần như chỉ “nuôi” thương hiệu Cổ phục Đông Phong. Sau hơn 2 năm, việc kinh doanh mới ổn định. “Tôi không có nhu cầu tiêu xài quá nhiều. Tôi chỉ mong có thể kiếm được tiền duy trì thương hiệu, dư ra một chút để làm các bộ sưu tập, thử nghiệm thêm những điều mới. Hiện tại, tôi hài lòng vì sống được với công việc này” - anh chia sẻ.

Khi nhiều đơn vị may cổ phục ra đời, giá các sản phẩm hạ xuống, Đức Huy muốn phát triển theo chiều sâu, tập trung vào chất liệu, cụ thể là nhuộm màu tự nhiên. Ngoài việc tạo nên bản sắc, anh mong muốn trang phục của người Việt sẽ dùng nhiều hơn những chất liệu sản xuất trong nước, thay cho vải nhập khẩu.

Trong đêm khai mạc Lễ hội Áo dài TPHCM 2023, nhà thiết kế Nguyễn Đức Huy giới thiệu bộ sưu tập Nếp màu tự nhiên. Bộ sưu tập gồm các thiết kế cổ phục, cho thấy sự phát triển của áo dài trong lịch sử. Một số thiết kế lấy cảm hứng từ cung đình, phượng bào của hoàng hậu. Các thiết kế được đánh giá cao bởi phom dáng, đường may đẹp, màu sắc thu hút. Trên sân khấu, Nguyễn Đức Huy cũng trực tiếp thực hiện kỹ thuật nhuộm vải từ nguyên liệu tự nhiên.

Một lần, anh thử nhuộm chàm và thấy thích thú, vì phải nuôi các vi sinh vật trong thùng màu nhuộm. Từ đây, anh bắt đầu tìm hiểu thêm các màu sắc khác. Huy cùng cộng sự lặn lội lên các vùng núi cao để học nhuộm chàm từ người Mông. Trong 1 tháng rưỡi sống hòa mình cùng thiên nhiên, tham gia các công việc thủ công càng khiến anh thích thú và mong gìn giữ công việc thú vị này giữa lòng phố thị. Ban đầu, việc nhuộm vải này là khâu tách biệt với việc may cổ phục. Nhưng rồi sau đó Huy lại nghĩ, tại sao không nhuộm vải rồi mới đem may thành cổ phục?

Nguyễn Đức Huy từng có thời gian du học ngành quy hoạch đô thị tại Đức, nhưng hiện tại theo đuổi con đường làm cổ phục, áo dài
Nguyễn Đức Huy từng có thời gian du học ngành quy hoạch đô thị tại Đức, nhưng hiện tại theo đuổi con đường làm cổ phục, áo dài

“Tài liệu ghi chép về trang phục của người xưa thường rất ít. Nếu có, đó là tài liệu bằng chữ viết, khó hình dung chính xác đó là màu gì. Tuy nhiên, có tài liệu ghi chép về cách thức, nguyên liệu để nhuộm vải. Tôi có niềm tin là thông qua phương pháp nhuộm tự nhiên này có thể truy lại các màu sắc ông bà ta từng dùng. Bên cạnh đó, việc nhuộm màu tự nhiên cũng thân thiện với môi trường, là điều tôi rất quan tâm” - Đức Huy chia sẻ.

Hiện anh áp dụng 2 phương pháp nhuộm. Một là nhuộm theo công thức truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi còn lưu truyền; hai là theo tài liệu từ Nhật Bản, Trung Quốc - 2 quốc gia có ngành nhuộm tự nhiên phát triển mạnh. Ngoài các nguyên liệu thường được sử dụng, Đức Huy còn thử tìm các loại nguyên liệu mới hoặc tìm đến các tiệm thuốc bắc để mua những nguyên liệu có thể cho ra màu, từ đó tạo ra các màu mới.

Đến nay Đức Huy đã nhuộm được hơn 100 sắc độ thuộc nhiều màu lên vải. Tuy nhiên, chỉ có hơn 10 màu được sử dụng phổ biến nhất cho trang phục vì không có sự sai khác quá lớn, bền màu… “Tôi xem đây là nghề thực sự chứ không đơn thuần là sở thích nữa” - anh nói. 

Thành Lâm

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI