Hành trình thời trang của Nguyễn Công Trí được nhìn lại qua triển lãm Cục im lặng có thể gói gọn trong vài từ: im lặng, nhẫn nại, giá trị và hết sức khiêm tốn. Không bao giờ nói quá nhiều về những gì đang làm, không biện minh hay lý giải những hoài nghi, dè bỉu, Nguyễn Công Trí như một khối trầm tích và theo thời gian, những vân quý dần hiển hiện.
Truyền thông gọi Nguyễn Công Trí là “anh cả” của làng thời trang. Tôi thì nghĩ, đến bây giờ đã có thể gọi Trí là một biểu tượng (icon), một hình khối đa diện, nhiều góc cạnh. Vì sự mở đường, tầm vóc của anh trong nghề thiết kế, cách anh gầy dựng, bồi đắp thế hệ nhà thiết kế tiềm năng và cả cách anh ứng xử với người xung quanh. Không bao giờ để người khác phải chờ đợi là phương châm của Trí từ lúc anh còn là một thanh niên mới chân ướt chân ráo vào nghề. Bài phỏng vấn này diễn ra vào thời điểm Trí đang rất bận và ai cũng cần đến sự có mặt của anh mà Trí thì không nỡ chối từ. “Nhờ có bạn bè, nhờ truyền thông, tôi mới được như hôm nay”.
|
Các thiết kế của Nguyễn Công Trí bay bổng, nhiều cảm xúc như một phần tính cách anh |
Đồng hành cùng Trí trong triển lãm lần này đều là những người bạn gắn bó với nhau trên 10 năm. Họ đều thành danh trong lĩnh vực sáng tạo. Từ đạo diễn Việt Tú, giám đốc sáng tạo Hà Đỗ cho đến người phụ trách nội dung Quỳnh Hương. Trí thường bảo anh may mắn khi có bạn bè, cộng sự lâu năm bên cạnh, tin tưởng. Thật ra, cũng phải sống như thế nào mới được bạn bè, cộng sự yêu mến, tin tưởng đến như vậy.
Mười mấy năm trước, Nguyễn Công Trí đã là một người tĩnh lặng, không mấy quan tâm những gì người khác nói về mình. Lúc ấy, Trí đã là “ngôi sao” trong làng thiết kế và với vị trí của anh lúc bấy giờ, có thể “hô mưa gọi gió” trên sàn diễn. Thế nhưng, Trí lại thản nhiên đón nhận mọi thứ. Nói đúng hơn, Trí cũng từng có mong muốn thể hiện bản thân. Người trẻ nào vào nghề mà chẳng ít nhiều muốn chứng tỏ. Song Trí đã sớm thoát khỏi suy nghĩ “người khác phải thế này thế kia vì mình là…”.
Thay vào đó, Trí chọn cách “im lặng và tập trung làm việc”. Chính sự im lặng đó đã tạo cho anh một sự nghiệp ngày càng vững chắc và nhiều dấu son. Bởi Trí ý thức được rằng chỉ có thành quả của công việc mới phản ánh chính xác bạn là ai. Và bởi, thời trang với Trí là đam mê chưa khi nào dứt. Cảm hứng đến với Trí dễ như lấy từ trong túi ra. Nó có thể là bất cứ thứ gì hiện hữu xung quanh anh.
Các thiết kế của Trí bay bổng, nhiều cảm xúc như một phần tính cách của anh. Phần còn lại khá lý trí, đủ tỉnh táo và khéo léo, để đảm bảo yêu cầu về phom dáng, chất lượng vải, để chọn hướng đi gắn liền với các ngôi sao, để có thể cân bằng giữa sáng tạo và nhu cầu của thị trường. “Cơm áo không đùa với khách thơ” - luôn luôn là như vậy.
“Sự cố trong cuộc sống đôi khi giúp tôi thăng hoa”
“Tôi không cho rằng việc định ra mục tiêu và một mực đi trên con đường được vẽ ra một cách cứng nhắc là cách giúp chúng ta thành công. Bạn có mục đích nhưng bắt buộc luôn phải có trải nghiệm từ tâm hồn và cảm xúc tại thời điểm đó. Có như vậy, thiết kế mới chạm được vào trái tim người mặc”.
Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí
|
Phóng viên: Tại sao là thời điểm này chứ không phải lúc nào khác, để anh thực hiện triển lãm Cục im lặng? Hay đến bây giờ, sau khi đã thỏa sức bay bổng ở thị trường trong nước và quốc tế, anh mới cảm thấy tự tin?
Nhà thiết kế Nguyễn Công Trí: Tôi xuất thân là dân kiến trúc, bước vào nghề thiết kế với hai bàn tay trắng. Thành ra, tôi phải học từ đầu: làm thế nào để may được, làm thế nào để xử lý chất liệu… Từ những ngày đầu ấy, tôi đặt cho mình đề bài là phải thực hiện 10 bộ sưu tập mang 10 phong cách khác nhau, thể hiện con người, suy nghĩ, nhận thức của tôi tại mỗi thời điểm. Sau hai thập niên, tôi muốn được nhìn lại điều mình thích và tiếp tục phát triển.
Tôi xem Cục im lặng như lễ tốt nghiệp của mình. Mười bộ sưu tập của thương hiệu Nguyen Cong Tri đánh dấu hành trình trưởng thành và phát triển của tôi trong lĩnh vực thời trang.
* Thử sức qua rất nhiều phong cách thời trang khác nhau, vậy điều quan trọng nhất với anh qua những lần “thể nghiệm” đó là…
- Tôi thấy mình vẫn còn có thể học nữa, học mãi. Tôi vẫn có thể thử thách bản thân mỗi ngày với chính điều mà tôi đam mê - đó là nghề thiết kế thời trang. Thậm chí, đi xa hơn nữa, là nghệ thuật.
* Trên hành trình 20 năm, có giai đoạn anh băn khoăn, dừng lại và tự hỏi mình là ai. Giai đoạn đó như thế nào?
- Đứng trước những băn khoăn như bạn vừa nói, tôi luôn chọn giải pháp là làm việc. Tôi thuộc kiểu người tìm thấy những điều tích cực ngay cả trong khó khăn. Đôi khi, chính những sự cố trong cuộc sống lại giúp tôi thăng hoa trong những ý tưởng sáng tạo của mình (cười lớn).
“Im lặng không đồng nghĩa với từ bỏ, chấp nhận buông xuôi”
* Vậy chặng đường tiếp theo sẽ là…
- Trước mắt, trong năm sau, ê-kíp của tôi dự định làm một quyển sách, còn lại vẫn sẽ là thời trang. Chỉ khác là giờ đây, bên cạnh thương hiệu Nguyen Cong Tri, còn có thêm một Nguyễn Công Trí là nghệ sĩ, làm những điều anh ta thích. Có thể trong tương lai, đứng sau thương hiệu Nguyen Cong Tri thay vì ông Nguyễn Công Trí thì lại là những nhà thiết kế trẻ, là các học trò của tôi như cách mà các thương hiệu thời trang trên thế giới vận hành. Còn hiện tại chắc là đi… chơi thôi, sau một năm quá bận rộn.
* Có sự rạch ròi giữa thương hiệu Nguyen Cong Tri và cái tôi cá nhân Nguyễn Công Trí là do lâu nay tính cá nhân phải “hy sinh” để cân bằng với nhu cầu của thị trường?
- Theo tôi, một nghệ sĩ thông minh phải biết sống được trong chính đam mê của họ.
|
Sự im lặng giúp Nguyễn Công Trí nhìn rõ thế giới nội tâm và khơi gợi những khả năng bình thường khó chạm tới |
“Điều gì làm nên sức mạnh của Nguyễn Công Trí? Sự im lặng. Một khối im lặng nguyên chất. Khối im lặng của Trí không ai đoán được. Nó có quá nhiều gợi mở, quá nhiều tình yêu, quá nhiều sức mạnh mà lớp vỏ ngôn từ không thể diễn tả. Thế giới của Trí xanh non và luôn hồn nhiên bất tận”.
Nhà báo Quỳnh Hương
|
* Người ta thường thích nói về bản thân khi đạt được một chút thành tựu. Anh lại chọn lên tiếng bằng thiết kế. Tính cách của anh vốn dĩ là như vậy hay anh đã rèn giũa để đứng ngoài mọi khen chê trong nghề?
- Đây là cả một quá trình tôi tập luyện khi đứng trước những biến cố của cuộc sống, trải dài từ lúc còn là một cậu thanh niên cho đến khi đã trưởng thành. “Im lặng” trở thành triết lý sống, cách làm việc của tôi. Im lặng không đồng nghĩa với từ bỏ, chấp nhận buông xuôi. Với tôi, im lặng là tập trung vào những gì mình quan tâm, bỏ qua mọi ồn ào. Nó giúp tôi nhìn rõ thế giới nội tâm và khơi gợi những khả năng bình thường khó chạm tới. Nhờ đó, tôi có thể sống trọn với sáng tạo, với đam mê và tích góp năng lượng mang tôi vươn xa trong sự nghiệp.
* Với thái độ im lặng đó, làm sao anh chia sẻ giấc mơ đến các cộng sự và ê-kíp?
- Tôi nghĩ mình may mắn khi bên cạnh luôn có những cộng sự thật sự thân thiết. Có những người đi với tôi mười năm, có những người nhiều hơn thế. Có những người sẵn sàng hy sinh cuộc sống cá nhân, tạm gác chuyện gia đình để giúp giấc mơ của thương hiệu Nguyen Cong Tri trở thành hiện thực. Với tôi, họ giống như gia đình của mình. Tôi luôn trân quý họ.
“Đừng tập trung mục tiêu mà đánh mất cảm xúc”
* Giai đoạn đầu trong sự nghiệp của anh, thói quen sử dụng mạng xã hội chưa phổ biến. Với anh, điều này có là may mắn khi nó giúp anh tránh xa những ồn ào, dễ bị xao nhãng?
- Tôi không nghĩ đó là may mắn. Cuộc sống và sự phát triển của xã hội đều có lý do riêng. Điều quan trọng là khi chúng ta tạo được thế chủ động trước những thay đổi này, chúng ta sẽ làm được điều mình muốn.
|
Một góc không gian triển lãm Cục im lặng |
* Từng đạt được khá nhiều giải thưởng nhưng với một “lính mới”, một “tay ngang”, anh cũng đã không ít lần đối mặt với ánh mắt hoài nghi…
- Tôi biết và nghe nhiều sự gièm pha, dè bỉu. Kiểu như: “Ông này làm không có gu, sao mỗi bộ sưu tập một màu sắc, trường phái?”, “Ông này không có sự hiểu biết về thời trang...” nhưng tôi mặc kệ tất cả. Tôi không nghe, không thấy và không dính đến thị phi vì còn rất nhiều điều hay cần học hỏi. Nếu quá để ý vào những điều thị phi, những hoài nghi, ta sẽ không còn tâm trí để làm việc. Đối với tôi hoài nghi là thử thách. Và đến ngày hôm nay, tôi đã vượt qua được tất cả thử thách đó.
Tôi là một người không bao giờ dừng lại. Tôi luôn tìm cách để vượt qua mọi giới hạn, đặc biệt là giới hạn của bản thân. Nhiều lúc đã chạy được đến vạch đích nhưng thay vì nhắm mắt nghỉ ngơi, tôi lại giật vạch lụa và ném tiếp ra xa. Những vạch đích của tôi thay đổi và luôn luôn chuyển dịch về phía trước.
* Như mang thời trang Việt ra thế giới?
- Tôi vốn không bao giờ ép buộc bản thân phải cố gắng chinh phục các sàn diễn thế giới hay có được những khách hàng là các ngôi sao quốc tế. Mục tiêu và kế hoạch trong công việc là điều cần có nếu muốn thành công. Tuy nhiên theo tôi, người làm nghệ thuật đừng quá đặt nặng hay chỉ tập trung vào nó mà đánh mất cảm xúc. Quan trọng nhất với tôi là thể hiện mình, niềm yêu thích của mình trên thiết kế.
* Theo anh, khát vọng mang truyền thống ra thế giới liệu có trở thành một áp lực vô hình cho bất kỳ ai làm sáng tạo nói chung và thời trang nói riêng?
- Tôi cho rằng khi làm một bộ sưu tập, cảm xúc ngay tại thời điểm đó là vô cùng quan trọng. Bởi nó chính là “chất liệu” làm nên sự trọn vẹn của một tác phẩm. Những vấn đề tôi quan tâm rất đỗi dung dị, gần gũi với tôi trong đời sống. Chẳng hạn như: cây lúa, hoa cỏ, cánh đồng, làng quê, dòng sông, mái tranh… hoặc đôi khi là cảm giác bị mắc kẹt trong thành phố, tỉnh dậy sau một trận ốm… Từ những cảm hứng đó, tôi thêm thắt, cường điệu hóa những chi tiết, nỗ lực nắm bắt xu hướng và thể hiện chúng trên các chất liệu.
Tôi nghĩ chúng ta không nên xem việc đưa truyền thống vào thiết kế là một áp lực. Mọi thứ nên đến theo một cách tự nhiên. Nếu thật sự trong con người mình có tâm hồn, mình yêu và say mê vẻ đẹp truyền thống thì vẻ đẹp ấy sẽ được dung nạp vào con người mình một cách đều đặn qua những gì mình cảm nhận được mỗi ngày. Đến khi chúng ta sáng tạo, những điều tích lũy theo thời gian ấy sẽ tự nhiên toát ra mà không gượng ép.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Hoàng Hoài Hương (thực hiện)
Ảnh: Daingo Studio