Nhà thiết kế hay con buôn nghệ thuật?

19/06/2015 - 17:41

PNO - PN - Những lùm xùm quanh câu chuyện đạo nhái thiết kế và ứng xử thiếu văn minh của nhà thiết kế (NTK) Đỗ Mạnh Cường những ngày qua lại ghi thêm một vệt tối trong bức tranh thời trang Việt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nha thiet ke hay con buon nghe thuat?

Mẫu thiết kế "của Đỗ Mạnh Cường" bị cư dân mạng cho là hàng "đạo"

Bộ sưu tập (BST) La vie en rose mà NTK này quảng bá rầm rộ ở “đẳng cấp quốc tế” bao gồm tổ chức tại một lâu đài sang trọng tại khu “sang chảnh” Beverly Hill (Los Angeles, Mỹ), thiệp mời gửi đến những người quyền quý nổi tiếng (trong đó có cả chị em nhà Paris Hilton nhưng họ không đến dự), hàng trăm bộ trang phục vận chuyển từ Việt Nam sang, hàng chục người mẫu từ Việt Nam…

Thế nhưng ngay khi vừa xuất hiện, các thiết kế lập tức bị bóc mẽ “giống đến 90%” thiết kế của các nhà tạo mốt lớn trên thế giới gồm Lanvin, Dior, Giambattista Valli… từ kiểu dáng phồng xòe đến những bông hoa thêu tay, từ sắc đỏ đến dáng áo cape lệch tay chỉ khác độ dài, từ bộ đầm đen thêu hoa hồng trắng chỉ khác phần vai vải voan…

Chuyện bị tố đạo nhái của thời trang Việt chẳng có gì mới mẻ, và mãi chỉ là đôi co vô bổ giữa những người được gọi chung là “cư dân mạng” với chủ nhân của thiết kế. Vì không có đại diện nào của những hãng thời trang “nạn nhân” kia gửi đơn tới tòa. Có chăng, nó chỉ chủ yếu ảnh hưởng đến người mặc khi bị chê là ngôi sao mà mặc đồ nhái. Vụ việc sau đó cũng thường bế tắc vì những người liên quan luôn im lặng. Rất ít người dám dũng cảm thừa nhận việc copy ý tưởng như Nguyễn Công Tín (NTK cũ của Mỹ Tâm).

Trên thế giới, cả đế chế thời trang như Zara hay những nhãn hàng bình dân lớn cũng không ít lần hầu tòa và bồi thường vì copy kiểu dáng của các hãng cao cấp.

Thế nhưng, những thiết kế copy vẫn được ưa chuộng chỉ vì chúng có mức giá quá chênh lệch so với hàng hiệu. Không phải ai cũng dám bỏ ra hàng nghìn USD để mặc hàng hiệu, kể cả người nổi tiếng. Không ít sao Việt vẫn trung thành với Zara, H&M, F21… với mức giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một sản phẩm.

Sự thành công về mặt thương mại của Đỗ Mạnh Cường chính là điều mà NTK này tự hào, “vì Việt Nam hiện nay không ai có thể tổ chức hai sô định kỳ mỗi năm như tôi”. Có lẽ chính vì tự tin với bản lĩnh kiềm tiền của mình, nên NTK này mới không ngại gọi những người tố mình đạo nhái là “một lũ điên rảnh rỗi lẫn vô tích sự”, “có tiền đâu mà bày đặt”, “mấy cưng cứ tiếp tục sủa”… gây nên sự phẫn nộ trong những ngày qua.

Thiết kế thời trang không chỉ là lĩnh vực mang tính chất thương mại, vì NTK được tôn vinh như nghệ sĩ nhờ khả năng sáng tạo cái đẹp và dẫn đầu xu hướng. Nếu NTK chỉ vay mượn ý tưởng chất xám và đầu tư vào khâu quảng bá - thương mại, coi trọng đồng tiền quá mức thì có gì khác con buôn, dù là con buôn nghệ thuật?

 TUỆ NHÃ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI