Nhà thiết kế Hà Linh Thư - Tôi có những niềm vui không nằm trong định nghĩa của mọi người

22/04/2019 - 09:57

PNO - Những thiết kế của Hà Linh Thư vừa tinh tế vừa phóng khoáng, nổi loạn ngầm và độc đáo, nên biệt danh “người đàn bà nhung lụa” ra đời, gắn liền với chị.

Tròn một năm, Hà Linh Thư trở lại với Sài Gòn bằng bộ sưu tập thứ hai tại Vietnam International fashion Week 2019 mang tên Phượng. Niềm vui lần này to lớn, đầy đặn và mạo hiểm hơn khi trước đó gần một tháng, cửa hàng thứ hai của Thư, đồng thời là cửa hàng đầu tiên tại Sài Gòn chính thức mở cửa.

Nha thiet ke Ha Linh Thu - Toi co nhung niem vui khong nam trong dinh nghia cua moi nguoi

Hà Linh Thư, Sài Gòn và Phượng

Trong không gian rộng rãi, thoáng đãng của cửa hàng mới, những lẵng hoa chúc mừng của bạn bè nhân dịp Thư trở thành “thị dân” phương Nam vẫn tươi tắn trên chiếc bàn tròn to rộng, gợi liên tưởng đến những gian phòng khách sang trọng những năm 60, 70 tại thành phố này. Bức tường sơn màu xanh lá đậm, hai hàng dài trang phục treo mắc cẩn thận, vừa lưu dấu hoài niệm vừa thổi đầy hơi thở đời sống. Dường như nơi đây chẳng có gì ngoài tiếng cười, vải vóc, những người đàn bà đẹp vóc dáng lụa là đi ra đi vào, đầu ngẩng cao, từ tốn, thanh lịch, quý phái và khiêm cung. Người phụ nữ của Hà Linh Thư đẹp nhưng không phải vẻ đẹp nền nã, truyền thống mà đầy bản lĩnh, tự do, dám sống, phóng khoáng và… thích bay nhảy, vui chơi.

Chiếc máy lạnh trong góc phòng kêu từng chặp quấy rầy cuộc trò chuyện giữa chúng tôi, nhỏ nước tong tỏng xuống nền nhà. Nhân viên của Thư nói rằng không sửa được nữa rồi, phải thay mới. Chưa lâu trước đó, lúc sơn sửa, người thợ của căn nhà cũ bảo máy vẫn còn dùng được nên cứ sửa mà dùng. Đến từ một nơi xa, như bất kỳ ai, Thư phải đối mặt nhiều chuyện tương tự nhưng thay vì cáu gắt, than trách, Thư mở lòng, chấp nhận nó. “Đằng nào thì bực dọc cũng không thay đổi được chuyện đã rồi”. Thư hiếm khi giữ hoặc ghi nhớ chuyện gì không vui quá lâu trong đầu, bởi lẽ, như Thư nói: “Chỉ nên giữ những chuyện đáng nhớ”. Cái gì đã qua thì chấp nhận, đừng nhìn lại mà âu sầu, nuối tiếc. Cái gì đến sẽ đến. Đừng mong chờ. Hãy sống vui, tận hưởng từng giây phút của hiện tại và học cách cân bằng.

Nha thiet ke Ha Linh Thu - Toi co nhung niem vui khong nam trong dinh nghia cua moi nguoi

Tôi không gặp Thư năm chị vừa 30 để biết hồi ấy chị như thế nào, điều gì thôi thúc chị quyết tâm rời bỏ vị trí thiết kế đồ họa của một tờ báo lớn, công việc mà trong mắt nhiều người thật sự ổn định, đáng ao ước. Tôi cũng không gặp Thư ở những cú vấp, những khoảng lặng khi Pearl Hà - showroom thời trang đầu tiên của chị tại Hà Nội - gặp khó khăn, khi chị chọn trở thành bà mẹ đơn thân ở tuổi 39. Tôi đã mong chị kể về giai đoạn đó nhưng những gì chị còn lưu giữ chỉ là những ký ức đẹp đẽ nhất. 

Trải nghiệm mang đến cho người đàn bà sự sâu lắng, thời gian giúp họ rộng mở trái tim, nhìn sâu vào bên trong, tìm câu trả lời mà có thể tuổi trẻ họ chưa đủ sức. Tất nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng như vậy. Nhưng ít nhất, với Hà Linh Thư - người luôn hiện hữu năng lượng tích cực, luôn sẵn sàng thử sức với sự mới mẻ, luôn chịu khó học hỏi - thì điều này đúng. Thư mang những khát khao, những run rẩy, những vẻ đẹp chếnh choáng, thậm chí phù phiếm từ cuộc sống đang diễn ra mỗi ngày, từ nghệ thuật đương đại vào thời trang, vào nhung, lụa. Thư nhìn mọi vật, mọi người bằng đôi mắt của riêng chị. Chẳng hạn như Madonna nổi loạn trong mắt số đông thì với chị, đó là người đàn bà đẹp và giỏi giang. Những thiết kế của Thư, vì thế xa hoa, yêu kiều mà cũng rất quyến rũ; chúng được nhìn bằng đôi mắt của một người đàn bà từng đi qua thác ghềnh mà vẫn lấp lánh tình yêu, yêu đời, yêu người.

Hà Linh Thư không phải là kẻ tay ngang rẽ lối thời trang như nhiều người vẫn nghĩ. Chị tốt nghiệp khoa thiết kế đồ họa trường đại học Mỹ Thuật nhưng cái duyên thiết kế mỹ thuật cho báo lớn hơn nên chị chọn báo chí ngay khi vừa bước vào đời. Khi trở về với thời trang, với mộng ước của tuổi thanh xuân, Thư chinh phục được rất nhiều giải thưởng danh tiếng, ấn tượng nhất có lẽ là giải Trang phục đẹp nhất tại International Olympic Model Thượng Hải năm 2003. Năm 2013, Thư tham gia trình diễn bộ sưu tập ở Paris và góp mặt vào Tuần lễ thời trang tại Sunabayan, Indonesia 
năm 2018.

Những thiết kế của Hà Linh Thư vừa tinh tế vừa phóng khoáng, nổi loạn ngầm và độc đáo, nên biệt danh “người đàn bà nhung lụa” ra đời, gắn liền với chị. Nói về niềm đam mê dành cho văn hóa nói chung và những nét văn hóa Việt Nam trong thời trang nói riêng, Hà Linh Thư cho biết, chính sự thừa hưởng quý giá về những giá trị văn hóa Á Đông trong một gia đình truyền thống với ba thế hệ đều làm trong lĩnh vực nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ đã giúp khơi nguồn cảm hứng nơi chị.

Bộ sưu tập lần này của chị cũng vậy. Phượng lấy cảm hứng từ nhân vật cùng tên trong tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng, một cô gái Sài Gòn mang đậm hơi thở văn hóa nhưng với chị, Phượng còn mang nhiều tầng nghĩa khác. Đó là tiếng nước chảy, tiếng ly tách chạm nhau báo hiệu sự nghỉ ngơi thư thái sau một ngày làm việc; là hình ảnh bông hoa đang vươn mình khoe sắc; là sự hiện thân lộng lẫy của người đàn bà đẹp, tự tin, kiêu hãnh và ý thức được vẻ đẹp của thời gian hiện hữu trên khóe mắt, bờ môi...

Dừng lại nơi hạnh phúc

Phóng viên: Cơn gió nào đã mang chị vào Sài Gòn với quyết định mở một cửa hàng hẳn hoi thay vì chỉ ghé qua như trước đây?

Nhà thiết kế Hà Linh Thư: Từ nhiều năm qua, bạn bè tôi phần lớn đều chuyển vào sinh sống và làm việc ở TP.HCM. Mọi người nói, Sài Gòn rất vui. Tôi nghĩ nhiều người nói thì hẳn là đúng rồi. Mà Sài Gòn vui thật. Mặt khác, cũng đã đến lúc mở rộng thị trường theo quy luật phát triển. Có bạn bè động viên, sẵn sàng giúp đỡ, sao mình không thử? Nghĩ là làm, tôi mất khoảng 6, 7 tháng để lên kế hoạch, tìm kiếm vị trí, sửa chữa. Do vướng một vài yếu tố khách quan nên mất khoảng ba tháng rưỡi để hoàn thiện cửa hàng mới này.

Nha thiet ke Ha Linh Thu - Toi co nhung niem vui khong nam trong dinh nghia cua moi nguoi

* So với lúc mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, cảm xúc bây giờ của chị có gì khác biệt?

- Khác nhiều lắm, vì chúng ta của hôm nay không giống hôm qua. Cuộc sống luôn vận động và không ngừng biến đổi, chẳng thể nào hoài niệm mãi được. Hồi ấy, tôi thấy mình ngây thơ, đúng kiểu thích thì làm và quyết làm cho bằng được. Rồi thời gian, công việc dạy tôi nhiều thứ, buộc tôi học cách cân bằng, giữa một người làm sáng tạo và người làm kinh doanh. Tôi nghĩ đó là lẽ tất yếu, không có gì ghê gớm cả! Ai cũng vậy mà, phải không?

Trong công việc, tôi là người dám nghĩ dám làm. Lúc tôi rời báo, nhiều người nghĩ tôi… điên. Không ai muốn bỏ một công việc ổn định như vậy để bắt đầu một công việc hoàn toàn mới, đầy mạo hiểm. Nhưng biết làm sao được. Chỉ thời trang mới khiến tôi thấy hạnh phúc. Tôi biết mình muốn gì, cần gì và tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Tất nhiên, khi làm cái mới, bao giờ mình cũng hồi hộp, chờ đón phản ứng của mọi người. Nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời. Cốt lõi của sự việc nằm ở tính táo bạo và quyết liệt. Với tôi, táo bạo không đồng nghĩa với liều lĩnh, nhắm mắt đưa chân mà làm. Nó cần có kế hoạch, cụ thể và rõ ràng. Bạn bè động viên, khen ngợi, hẳn nhiên rồi và thật sự bạn bè cũng ghi nhận, thán phục khi biết Hà Linh Thư có thể làm được như thế. Mà bạn quý thì bạn khen như thế chứ thật ra, tôi học được từ bạn bè rất nhiều.

* Làm mẹ đơn thân ở tuổi 39 có phải là quyết định táo bạo nhất của chị?

- Không! Chỉ đơn giản, đó là món quà ông trời ban tặng. Quà quý thế phải nhận chứ! Tôi thấy, đa phần mọi người có xu hướng bi kịch hóa mọi chuyện, trong khi cuộc sống đơn giản hơn rất nhiều. Có lẽ mọi người thường thích tưởng tượng những bà mẹ đơn thân vì khuyết đi một vế, chắc dáng đi khó mà cân bằng, chắc sẽ vất vả, sầu khổ, hay cau có. Sự thật hoàn toàn ngược lại. Làm mẹ đơn thân chỉ khó khăn khi kinh tế không ổn định. Cuộc sống của mẹ con tôi rất vui. Tôi có những niềm vui không nằm trong định nghĩa của mọi người.

Ngay thời điểm bắt đầu với thời trang cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ mình đã đi đúng hướng và sẽ mãi mãi đi trên con đường này. Tôi luôn tìm cách ươm giữ hồn Á Đông trong các thiết kế của mình, vì đó chính là bản sắc và là điều đã tạo nên thương hiệu Hà Linh Thư.

Nhà thiết kế Hà Linh Thư

* Có vẻ như từ hồi làm mẹ, chị hay dùng những gam màu trẻ trung hơn thì phải?

- Là “công” của bé Táo đấy! (con gái Hà Linh Thư - PV) Thực sự tôi chưa bao giờ thích màu hồng nhưng Táo thích màu hồng, chỉ ăn kem hồng, sữa cũng chọn hộp sữa màu hồng nên mẹ “sến” theo. Kết quả là, hồng trở thành tông nổi bật trong cửa hàng của tôi hiện giờ. Mà cũng có thể, càng có tuổi, phụ nữ càng muốn níu giữ tuổi xuân bằng những gam màu tươi sáng, như chính cuộc đời mỗi lúc một trở nên nhẹ nhõm hơn trong mắt họ...

Tự phụ không có chỗ trong sáng tạo

* Trang phục nào sẽ nói lên cá tính Hà Linh Thư nhất?

- Có lẽ là hiện đại, thanh lịch và sang trọng - tiêu chí tôi luôn hướng tới. Nhưng nếu cô đọng thì tự do chính là cá tính của tôi. Vì thế, tôi thường mặc thiên về kiểu dáng bay bổng và gợi cảm. Chỉ khi tự do bạn mới dám thể hiện sự gợi cảm của mình.

* Tự do, thoải mái là lý do chị hay thiết kế những mẫu váy suông, thậm chí rộng thùng thình, hơn là nhấn mạnh đường nét?

- Một cách chủ ý thì không nhưng trong vô thức thì hẳn là có sự nhất quán. Giờ tôi thấy mệt với những chiếc đầm ôm sát khiến mình luôn phải làm nô lệ cho nó: bụng lúc nào cũng phải hóp lại cho “vừa khuôn”, nhất là những lúc mệt mỏi, nóng bức… Tôi tin một chiếc đầm rộng vẫn giúp người phụ nữ đẹp, quyến rũ như thường, chỉ cần khoe một chút bờ vai hay cái gáy là ổn.

* Các thiết kế của chị thường đa dạng, nhiều màu sắc mà vẫn thống nhất về phong cách. Để làm được điều này, có khó không?

- Tôi may mắn thích đọc sách từ bé, lại sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật và được cha mẹ rèn dạy kỹ lưỡng từ nhỏ. Tôi nghĩ không chỉ riêng thời trang mà đối với công việc sáng tạo nói chung, người ta phải có một bề dày về văn hóa và kiến thức, được tích lũy mỗi ngày. Ngay cả khi đã có nền tảng vững chắc thì vẫn phải học. Một ngày nào đó nếu ta nghĩ ta học đủ rồi thì chính lúc đó, ta đang dừng lại. Sự tự phụ không có chỗ trong công việc sáng tạo.

Làm thời trang, người ta thường rất dễ nhầm lẫn hoặc nhập nhằng giữa việc thời trang đi ra từ bản thân, từ cá tính của nhà thiết kế và thời trang bắt chước, sao chép từ những nguồn khác. Nếu không có đủ bề dày kiến thức, bề dày văn hóa, bạn sẽ dễ dàng sa ngã dù không cố ý. Rồi khi nhà thiết kế mà bạn “dõi theo” chuyển hướng, nhưng hướng đi đó không phải là điều bạn muốn, bạn sẽ lúng túng. Mà như vậy thì đâu thể gọi là thiết kế nữa. Nhà thiết kế phải luôn khát khao được kể câu chuyện của chính anh ta, những câu chuyện từ hồi ức, từ quan sát, từ nhận thức, từ điểm nhìn của anh ta.

Một lần, khi về nhà thăm mẹ, mở cái rương cũ ra ngắm, thấy áo dài mẹ nâng niu cất giữ, chuỗi ngọc mẹ từng đeo, bao cảm xúc thương mến chợt ùa về trong tôi. Bao nhiêu kỷ niệm lần mở. Thế là tôi làm bộ sưu tập Khu vườn của mẹ - bình yên và đẹp diệu kỳ. Nhưng khi xem những bức tranh của Yayoi Kusama, tôi lại bị ám ảnh bởi vẻ đẹp lạ thường, kỳ dị trong thế giới nghệ thuật mà bà vẽ nên. Tôi lại háo hức làm ra bộ sưu tập Crazy Dog - sự điên loạn, bung phá trong nghệ thuật. Tất cả đều là tôi - một tôi luôn say mê đời sống và những vẻ đẹp biến ảo của nó. Tùy thời điểm, tùy cảm xúc mà tôi chọn cái nào để khai phá, sáng tạo và biểu hiện.

* Có khi nào chị thấy cảm hứng sáng tạo, cảm hứng mặc đẹp vơi cạn hoặc nhàm chán?

- Có lẽ khi đó tôi không còn là đàn bà nữa rồi. Phù phiếm một chút cũng vui mà. Lúc nào tôi cũng thích mặc đẹp, kể cả trong phòng ngủ. Cuộc sống có nhiều niềm vui và mặc đẹp là một trong những niềm vui đó. Mỗi người có quyền chọn cho mình một sở thích riêng. Tôi yêu cái đẹp. Vì thế không chỉ mặc đẹp, nhà cửa hoa lá, con cái, mẹ già… mọi người, mọi thứ quanh tôi đều phải đẹp. Và chắc chắn, tôi sẽ đẹp cho đến khi nhắm mắt.

* Chị muốn con gái lớn lên sẽ là người phụ nữ thế nào?

- Một người lành mạnh và tử tế. Thế là đủ. Còn được thêm gì nữa thì càng tốt. Tôi sẽ cố lo cho Táo được hưởng sự giáo dục đầy đủ và tốt nhất.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Hoàng Linh Lan (thực hiện) 

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI