Nhà thiết kế Duy Đào: “Gieo” hạt mầm, ươm giấc mơ

07/01/2024 - 07:06

PNO - “Thế giới này luôn cần thêm một giáo viên, một bác sĩ nhưng chưa chắc cần thêm một nhà thiết kế. Vì vậy, hãy cố gắng trở thành một nhà thiết kế tốt (cả làm nghề lẫn làm người)” - nhà thiết kế được đề cử Grammy thiết kế cho ngôi sao Elton John, cũng là giáo sư đứng lớp của Duy Đào từng dạy. Và Duy đã xem nó như “kim chỉ nam” cho sự nghiệp thiết kế của anh.

“Gieo” và gặt

Tháng Mười một năm nay, Grammy 2024 công bố đề cử, cái tên Duy Đào (Đào Đức Duy) đã thu hút sự chú ý của truyền thông trong nước cũng như trở thành từ khóa tìm kiếm trên internet khi xuất hiện tại hạng mục Thiết kế ấn phẩm đặc biệt (Best Boxed or Special Limited Edition Package) cho album Gieo của ban nhạc 9X - Ngọt.

Khác với thiết kế truyền thống, boxset Duy thực hiện có rất nhiều thành phần như poster, thẻ lời bài hát, CD, photobook, giấy ghi chú, sticker, hạt giống, mút xốp để gieo hạt… Ý tưởng cho album là 1 chiếc hộp được chôn xuống đất để giao tiếp với tương lai. Lần đầu tiên, 1 sản phẩm sáng tạo của người có quốc tịch Việt Nam được đề cử tại giải thưởng âm nhạc của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật thu âm Mỹ.

Duy Đào - Nhà thiết kế trẻ với khát vọng đưa sáng tạo Việt vươn tầm thế giới.
Duy Đào - Nhà thiết kế trẻ với khát vọng đưa sáng tạo Việt vươn tầm thế giới.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu Duy được đề cử một giải thưởng danh giá. Trước đó, trong lĩnh vực thiết kế, Duy đã “bỏ túi” kha khá giải thưởng uy tín ở quy mô toàn cầu như Art Director Club, International Design Awards, One Show, Type Director Club, Graphis và Adobe Achievement Award. Duy còn có những tác phẩm và dự án được xuất bản trên nhiều ấn phẩm uy tín như sách Những tác phẩm chữ đẹp nhất thế giới 2018 hoặc được trưng bày tại nơi danh giá như Bảo tàng Thiết kế Cooper Hewitt (New York, Mỹ).

Tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành thiết kế tại ArtCenter College of Design (California, Mỹ) - 1 trong 10 trường thiết kế hàng đầu thế giới, trước khi trở về Việt Nam mở Studio DUY tại Hà Nội, Duy từng làm việc với nhiều thương hiệu toàn cầu, từ các công ty lớn lâu đời trong Fortune 500 đến những cá nhân và tổ chức giàu tham vọng, gồm Google, Facebook, Twitter, Oppo, Logitech…

Thiết kế mỹ thuật của album Gieo do Duy Đào thực hiện
Thiết kế mỹ thuật của album Gieo do Duy Đào thực hiện

Duy nói, anh biết ơn những cơ hội đã đến. Việc chủ động chọn lựa, nếu có, đều nằm ở khả năng anh có phù hợp với dự án hay không. “Sáng tạo là một hành trình dài ta cứ mải miết đi, không dự đoán được đích cuối hay thành phẩm sẽ được đón nhận như thế nào. Người làm sáng tạo chỉ có thể nắm bắt được ý tưởng, ngồi xuống và hiện thực hóa chúng từ những gì anh ta hình dung, bằng tâm trí, sức lực tốt nhất có thể” - Duy nói.

“Có những ngày vật vã, chẳng có ý tưởng nào đến, cố gắng đến mấy cũng chẳng nhúc nhích được chút nào. Song đôi lúc, tôi lại bắt gặp ý tưởng từ chính những gì diễn ra quanh mình. Quan trọng là mình cứ tiếp tục nghĩ không ngừng” - Duy bộc bạch. Anh ví von, việc nuôi dưỡng một ý tưởng từ lúc mới hé cho đến khi thành hình hệt như một người cần mẫn gieo hạt trên luống cày, rồi chăm bón, vun tưới. Chất liệu nuôi dưỡng cho hạt mầm sáng tạo ấy, một phần đến từ những mong muốn của người thiết kế, một phần từ chia sẻ của khách hàng nhưng cốt lõi là từ độ cảm của người thiết kế với những gì anh ta tiếp nhận. Đó cũng là sự kỳ diệu của sáng tạo mà máy móc hay bất kỳ công nghệ nào sẽ chẳng bao giờ thay thế được.

Điển hình là câu chuyện thiết kế album Gieo. Tên của album do Duy đặt. Mọi sáng tạo mới đều là kết quả của một quá trình tích lũy, giống như vòng đời của hạt giống. Những hạt giống này được gieo trồng một cách ẩn dụ trong "chiếc hộp thời gian" gửi đến tương lai. Duy thừa nhận anh không phải là “fan cứng” của Ngọt và dù “nhà nằm cùng một dãy phố nhưng đến bây giờ bọn tôi mới gặp mặt nhau”. Khát vọng của những người trẻ có quan điểm và biết rõ con đường đang đi, muốn làm một điều gì đó cất lên tiếng nói của thế hệ mình đã tạo nên sợi dây liên kết họ, chặt chẽ.

Khi dự án khép lại, người làm sáng tạo lại trả mọi thứ về vạch xuất phát, với tâm thế tò mò của một đứa trẻ, để lắng nghe, tiếp nhận những điều mới mẻ khác. “Mọi người thường nghĩ, vui nhất là lúc được thành quả nhưng với tôi, vui nhất là lúc được làm, nghiên cứu, thảo luận với team, thuyết phục mọi người tin vào một thứ chưa tồn tại, giải thích một ý tưởng chưa ai làm. Với tôi, dự án tiếp theo luôn là hay nhất dù bây giờ chưa biết đó là gì. Hôm nay tốt hơn hôm qua mới là tiêu chuẩn tôi và đội ngũ của mình hướng đến, không phải vì giải thưởng hay bất kỳ đề cử nào” - Duy chia sẻ.

Cảm hứng sáng tạo đến từ đời sống

Việc tham gia tranh giải tại các giải thưởng lớn trong nghề, với Duy, không phải để gặt hái danh tiếng mà nhằm tìm được tiếng nói dành cho một chàng trai “chưa là gì” và để mọi người thấy rằng năng lượng sáng tạo của Việt Nam không hề thua kém bất kỳ đất nước nào. Duy chia sẻ anh không chạy theo giải thưởng, mà “chạy” theo tiêu chuẩn của những người được giải.

Điều này làm tôi nhớ đến những năm Duy xa nhà để theo đuổi giấc mơ thiết kế trên đất Mỹ ở tuổi 18. Duy là 1 trong 3 sinh viên vào trường ở độ tuổi này trong khi những sinh viên khác đều tầm 25-26 tuổi và đều trang bị kha khá kinh nghiệm trong lĩnh vực đồ họa. Duy cũng là người Việt Nam duy nhất trong trường lúc đó. Suốt học kỳ đầu, Duy vừa vật lộn với những từ chuyên môn tiếng Anh dù kỹ năng và thẩm mỹ của anh không tệ, vừa đấu tranh tư tưởng để thiết lập sự tự tin bằng kiến thức tự học. Hàng giờ liền, ngoài việc đến lớp, anh lại vùi đầu trên thư viện. Cũng chính những ngày tháng đó đã giúp Duy tôi luyện sự điềm tĩnh và vững chãi.

Một lần, tình cờ xem quyển sách thiết kế logo của các thương hiệu toàn cầu, Duy nhận thấy, các thương hiệu danh tiếng châu Á tại Hàn, Nhật đều được tôn vinh in lên sách. Đặc biệt, chúng đều do chính người dân quốc gia đó thực hiện, trong khi vẫn hiếm hoi thương hiệu Việt Nam được như thế. Sự tình cờ này đã thắp lên nơi Duy quyết tâm lẫn khao khát một ngày sẽ có thiết kế thương hiệu Việt vươn ra thế giới và do chính người Việt thiết kế. Giấc mơ ngày nào của Duy đã được hiện thực hóa khi anh bắt tay thực hiện dự án thay đổi bộ nhận diện của thương hiệu sữa Vinamilk quen thuộc với hàng triệu người Việt.

“Bố tôi có nói trước lúc tôi nhận dự án rằng chỉ người Việt mới thực sự yêu các giá trị của người Việt. Sau thời gian làm dự án cho các công ty Fortune 500 ở Mỹ, tôi và đội ngũ dồn rất nhiều tâm huyết cho dự án này bởi vì với tôi, đây là dự án của đất nước mình, là câu chuyện và khát vọng của quê hương” - Duy tâm sự.

Dù vậy, Duy không cưỡng ép để đưa yếu tố Việt Nam vào các sáng tạo. “Sự thấm nhuần văn hóa Việt trong tâm hồn, lối sống sẽ được chuyển tải tự nhiên theo ngôn ngữ sáng tạo chuẩn quốc tế mà vẫn tạo được bản sắc riêng” - anh nói. Kiệm lời, khiêm tốn, thích tìm tòi khám phá và thì thầm với “bạn mèo” ở nhà, âm thầm quan sát đời sống xung quanh để làm giàu thêm vốn sống thay vì trở thành nhân tố nổi bật giữa đám đông, Duy thừa nhận anh không quen thuộc với việc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Nhờ sự động viên và cổ vũ của mẹ và vợ, Duy có thêm đôi chút tự tin dù đôi lúc, ống kính khiến anh lại rơi vào trạng thái mất tự nhiên.

Duy nói, dù làm nghề thiết kế, sáng tạo mỹ thuật nhưng anh không phải là người giỏi nhất trong gia đình. Người giỏi hơn là ông nội của Duy - Nghệ sĩ nhân dân Đào Đức - chỉ đạo mỹ thuật/họa sĩ thiết kế đầu tiên và xuất sắc của Hãng phim truyện Việt Nam. Còn người “nghệ sĩ” nhất nhà lại là cha anh - họa sĩ Đào Hải Phong. “Tôi chỉ may mắn được thừa hưởng nhiều giá trị từ gia đình và đang cố gắng giữ gìn các truyền thống để giúp phát triển và lưu truyền văn hóa, sáng tạo của người Việt như ông, như cha tôi và nhiều thế hệ trước đã miệt mài” - Duy khiêm tốn. 

Thư Hiên - Ảnh do nhân vật cung cấp

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI