Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường: Tôi chọn gia đình

11/07/2021 - 17:55

PNO - Tôi làm mọi thứ chỉ theo con tim mách bảo, không suy nghĩ quá nhiều chuyện được mất. Qua hành trình dài như thế, tôi chỉ mong và xin mọi người nhìn nhận lại hai vấn đề: bỏ rơi con và phá thai.

Suốt hành trình mười năm dõi theo Đỗ Mạnh Cường, tôi thấy anh thay đổi nhiều trong cuộc sống lẫn công việc - từ một nhà thiết kế độc thân, cá tính trở thành cha của tám đứa con nuôi. Ngày trước, anh sợ gia đình, sự ràng buộc... nhưng tình thương với những đứa trẻ sớm thiếu thốn tình thân đã giúp Cường vượt qua. Hành trình đó cho anh nhiều điều, nhất là niềm hạnh phúc khi chứng kiến các con khôn lớn, ngoan ngoãn.

Ổn và vui với hiện tại

Phóng viên: Anh từng bảo sợ lập gia đình, sợ phải đảm đương trách nhiệm với ai đó. Với việc nhận nuôi tám đứa trẻ, xem như anh tự “phá rào”?

Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường: Quyết định nhận nuôi các con đều đến rất nhanh. Tôi gặp Nhím năm 2014, khi làm từ thiện tại một ngôi chùa ở Long An. Lúc đó, con mới hai tháng tuổi, nhỏ nhất chùa và rất ngoan. Khi ẵm con trên tay, tôi thấy lòng rung cảm. Biết con bị bỏ rơi trong túi nhựa đen trước cổng chùa khi mới vài ngày tuổi, tôi rất xúc động và quyết định nhận nuôi con. 

Thời điểm đó, tôi chưa từng nghĩ sẽ lập gia đình, cũng chẳng có ý niệm phải chăm nom một đứa trẻ. Tuy nhiên, có một sự thôi thúc nào đó bên trong khiến tôi đưa ra quyết định. Khi nhận nuôi Nhím xong, tôi hơi lo lắng nhưng tự động viên không sao cả, cứ dành tình thương cho con và làm mọi thứ hết sức. Tôi mất gần năm năm mới có thể đón con về nhà để chăm sóc, sau khi hoàn tất các thủ tục, chứng minh mình có khả năng nuôi con… Có tuần, tôi đi lại giữa TP.HCM và Long An vài lần để chăm con nhưng chưa bao giờ thấy mệt.

Tôi nhận MyMy khi con mới ba ngày tuổi. Trước đó, tôi có đọc được thông tin trên mạng rằng mẹ của con muốn bán con vì lý do nào đó. Một người thân của tôi phải lái xe 12 tiếng để đến gặp mẹ bé tại bệnh viện, thuyết phục hỗ trợ một số tiền hơn mong muốn của chị ấy. 

Sau khi đọc câu chuyện về con, tôi liền quyết định nhận nuôi, không đắn đo gì. Lúc đó, tôi chỉ lo MyMy bị bán qua biên giới. Nhìn mẹ bé bước đi sau khi trao con, rồi ngoảnh lại rơi nước mắt, lòng tôi có những cảm xúc rất khó tả - buồn, xót, đau đớn... Tôi mong sẽ không có đứa trẻ nào phải rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Còn Linh Đan thì không có bố, phải lang thang xin ăn cùng mẹ suốt hai năm đầu đời. Dù được các mạnh thường quân giúp đỡ, mẹ bé vẫn mang con đi ăn xin... Từ khi đọc câu chuyện của con, tôi muốn nhận nuôi ngay để bù đắp những thiệt thòi mà con phải chịu. Tôi nghĩ đứa trẻ nào cũng đều xứng đáng được lớn lên trong tình yêu thương, có cuộc sống đủ đầy. 

Từ ngày nhận nuôi các con, Đỗ Mạnh Cường thấy mình thay đổi nhiều, điềm tĩnh hơn trong mọi suy nghĩ, hành động
Từ ngày nhận nuôi các con, Đỗ Mạnh Cường thấy mình thay đổi nhiều, điềm tĩnh hơn trong mọi suy nghĩ, hành động

* Bạn bè, người thân của anh lẽ nào không phản ứng gì trước những quyết định chớp nhoáng như thế?

- Đến khi nhận nuôi sáu con, tôi có ý định dừng lại, vì nhà đã đông. Thời gian đó, tôi cũng nảy ý định làm thương hiệu thời trang SIXDO, vừa để kỷ niệm cho gia đình, vừa để sau này các con tiếp quản. Mọi người lo cho tôi nên khi nghe tin tôi tiếp tục nhận Rồng, đến Sóc, không ít người hốt hoảng. Ngày tôi nhận Sóc, điện thoại tôi như nổ tung vì những cuộc gọi, tin nhắn hỏi thăm.

Làm sao không nhận Rồng được khi nghe Rồng từng là bào thai bị phá bỏ lúc mới 27 tuần tuổi, được các tình nguyện viên cứu, nằm viện suốt ba tháng và sống sót. Tôi tự hỏi vì sao người ta nhẫn tâm làm điều đó. Sức sống mãnh liệt của con khiến tôi quyết định nhận nuôi.

Tôi hiểu, sự lo lắng của mọi người có căn cứ. Nuôi một đứa trẻ không chỉ cần có tiền mà còn cần thời gian, tình yêu thương, sự chăm sóc, dạy dỗ. Khi làm bố, trách nhiệm gắn liền với một cuộc đời. Trong khi đó, tôi còn rất nhiều công việc cần phải lo. Song, mọi người có thể an tâm bởi tôi ổn và vui với hiện tại.

* Những ngày giãn cách xã hội, phải “chiến đấu” với tám thành viên nhí trong gia đình, hẳn không dễ dàng với anh?

- Thật ra, sinh hoạt trong gia đình tôi không khác ngày thường nhiều. Thường, hơn năm giờ sáng, tôi dậy chuẩn bị sữa cho các bé nhỏ. Sau đó, tôi đánh thức tất cả, giúp con vệ sinh cá nhân, tắm rửa, thay quần áo. Cả nhà ăn sáng vào khoảng bảy giờ. Sau bữa sáng, các con sẽ học, chơi còn tôi làm việc.

Càng lớn, các con càng tò mò, hiếu động. Thú thật, đôi lúc tôi cũng mệt và đuối, nhưng cảm giác hạnh phúc bù đắp cho tất cả.

Quyết định nhận nuôi các con đều đến với nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường rất nhanh chóng
Quyết định nhận nuôi các con đều đến với nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường rất nhanh chóng

Đừng để con trẻ phải gánh hậu quả cho sai lầm của người lớn 

* Từ một nhà thiết kế trở thành một ông bố, anh học và xoay xở ra sao khi trong tay không có chút “vốn liếng” nào?
- Tôi vốn rất thích con nít. Đến nhà người quen, bạn bè có con nít, tôi đều dành thời gian chơi cùng bọn trẻ, có khi vài tiếng không chán. Cũng lạ, tôi đi đến đâu, con nít quấn quýt đến đó. Con gái chị Hà Kiều Anh hay Linh Nga đều mến tôi lắm.

Nhờ vậy, tôi quan sát được cách mọi người chăm trẻ, từ thay tã, tắm rửa đến đút sữa, cho ăn... Khi nhận các con về, tôi có thể làm mọi việc theo kinh nghiệm, đến bảo mẫu hay những phụ nữ có dịp quan sát cũng tỏ ra bất ngờ.

Tôi có sức khỏe của người bố nhưng đôi tay vẫn nhẹ nhàng, có lẽ nhờ tiếp xúc với vải vóc nhiều năm. Vì thế, tôi tự tin ẵm con, tắm cho con mà không làm con đau hay khó chịu. Tôi tin mình được trời phú cho những kỹ năng để làm bố. Nhờ quãng thời gian tự lập khi đi học, làm việc ở Pháp, tôi cũng ổn trong khoản nấu nướng nên việc nấu, tập cho con ăn dặm khá trơn tru.

Sau khi nhận nuôi Nhím, tôi tham gia nhiều hội nhóm dành cho các bà mẹ, nhờ thế đỡ lúng túng. Tuy nhiên, có những lúc con mọc răng, bị sốt nên trái tính trái nết, tôi khá căng thẳng. Có đêm, tôi phải để con ngủ trên người, cứ cách hai tiếng lại dậy đút sữa hoặc cho uống thuốc. Có những ngày, tôi thức dậy trong tình trạng mệt mỏi nhưng vẫn phải tiếp tục công việc dù tôi có một người bạn đồng hành và ba người giúp việc phụ tôi trong việc chăm con.

* Những trường hợp quá đặc biệt như Linh Đan, Rồng ắt sẽ khiến anh lo lắng nhiều hơn?

- Ngày gặp Linh Đan, tôi giật mình vì bé đen nhẻm, ốm nhom, rất ít nói. Đón con về, tôi cắt tóc, thay quần áo đẹp cho con. Tôi chọn dầu gội đầu có mùi thơm dễ chịu, giúp con thoải mái hơn. Khi những đứa trẻ vui cũng là lúc ta dễ tiếp cận chúng nhất.

Tôi để con tự do trong vài ngày đầu, rồi quan sát thói quen, hành vi để điều chỉnh. Chuyện đi vệ sinh của con cũng phải hướng dẫn lại từ đầu vì con chưa từng được dạy. Mỗi tối, tôi ngủ cùng con, kể chuyện cho con nghe, nhờ đó rút ngắn khoảng cách dần.

Riêng với Rồng, thời gian nhận nuôi con tôi căng thẳng nhất, vì chỉ còn một tuần là diễn ra show thời trang. Sức khỏe của con thời điểm đó đã tạm ổn nhưng cần phải theo dõi liên tục. Sau khi xong việc, có đêm tôi gần như thức trắng để canh con vì lo. Có lúc, tôi căng thẳng ngỡ khó vượt qua.

* Nhận nuôi tám đứa trẻ là do tình thương, nhưng liệu có còn nguyên nhân nào khác?

- Trừ kinh doanh, trong rất nhiều việc, tôi đều bị chi phối bởi cảm xúc. Không có tiêu chuẩn hay thước đo nào từ bên ngoài có thể lay động hoặc khiến tôi phải làm điều tôi không muốn.

Tôi làm mọi thứ chỉ theo con tim mách bảo, không suy nghĩ quá nhiều chuyện được mất. Qua hành trình dài như thế, tôi chỉ mong và xin mọi người nhìn nhận lại hai vấn đề: bỏ rơi con và phá thai. Đừng để con trẻ phải gánh hậu quả cho sai lầm của người lớn. Trên trang cá nhân của tôi có rất nhiều tin nhắn cầu cứu, mong tôi nhận thêm con, giúp đỡ họ, nhưng sức tôi có hạn. Nghĩ tới cảnh nhiều đứa trẻ sớm chịu thiệt thòi, lòng tôi không chịu được.

Với Đỗ Mạnh Cường,  gia đình là nơi con người thấy bình yên, hạnh phúc
Với Đỗ Mạnh Cường, gia đình là nơi con người thấy bình yên, hạnh phúc

Gia đình là nơi để con người thấybình yên, hạnh phúc

* Chúng ta đang sống trong giai đoạn có nhiều xáo trộn. Dường như lòng tin là thứ rất mỏng manh. Anh từng đối diện với những sự hoài nghi chứ?

-Điều đó khiến tôi đôi khi căng thẳng. Chẳng hạn khi tôi đăng hình con lên mạng xã hội với mong muốn những người yêu thương con được biết tình hình của con thì có người lại nghĩ tôi lợi dụng con để quảng bá hình ảnh, tên tuổi. 

Chúng ta nghi ngờ lòng tốt của người khác nhưng có bao giờ tự đặt câu hỏi: “Nếu ở hoàn cảnh đó, mình sẽ như thế nào?”. Sống tử tế chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vì vậy, trước khi phán xét ai đó, hãy đặt mình vào vị trí của họ để cảm nhận. Khi đó, vẫn không muộn để bạn bày tỏ quan điểm, suy nghĩ. 

* Mười năm trước, khi ai hoài nghi, hiểu sai, anh đều đáp trả ngay, nhưng nay anh lại điềm tĩnh đến bất ngờ. Có lẽ khi hạnh phúc, khi làm cha, người ta sẽ khác đi?

- Từ ngày nhận nuôi các con, tôi thấy mình thay đổi nhiều, điềm tĩnh hơn trong mọi suy nghĩ, hành động. Tôi chỉ có thời gian dành cho công việc và các con nên ít chú ý đến thế giới bên ngoài hơn. 

Làm bố không chỉ là cho con ăn, đưa con đi học mà còn phải trở thành tấm gương cho con. Vì thế, mỗi điều tôi nói, mỗi việc tôi làm đều phải cân nhắc, đặc biệt khi tôi nhận được sự chú ý của cộng đồng thì các con hoàn toàn có thể bị ảnh hưởng.

Muốn là tấm gương cho các con soi mình, trước tiên tấm gương đó phải sạch sẽ. Tôi không cố gồng để sống khác đi, chỉ là có cân nhắc nặng nhẹ, được mất nhiều hơn.

* Sự thay đổi không chỉ bấy nhiêu?

- Lịch làm việc của tôi hoàn toàn thay đổi để dành thời gian cho con, thay vì chỉ cho bản thân và công việc như trước. Những chuyến đi chơi xa hay công tác dài ngày đều được tôi cân nhắc kỹ càng. Nếu có đi xa, cũng phải tranh thủ về sớm nhất có thể, vì để con ở nhà tôi không an tâm, lại nhớ con quay quắt đến mất ngủ.

Các con đang tuổi nghịch ngợm nên nhà lúc nào cũng ầm ĩ. Không gian riêng tư, yên tĩnh gần như không còn. Tôi chỉ có một khoảng thời gian ngắn dành cho bản thân khi các con đi ngủ. Tôi cũng từ chối rất nhiều cuộc hẹn, gặp gỡ, tụ họp để toàn tâm toàn ý chăm con.

Tôi khó tính trong việc ăn uống. Có những món không bao giờ xuất hiện trong nhà tôi như: xôi, canh khoai mỡ… nhưng từ khi có con, chúng thường có mặt trong gian bếp vì con thích và có một số món rất tốt cho con.

Ngày trước, tôi chi tiêu rất thoải mái, có thể thích gì sẽ mua ngay. Nay thì tôi phải lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng, biết cân nhắc nhiều hơn. Những đứa trẻ khiến tôi chậm một nhịp trong việc tiêu tiền so với trước.

Tôi từng trữ phôi, nhưng khi nhận nuôi các con, tôi từ bỏ luôn ý định có con ruột. Những đứa trẻ ấy đã quá bất hạnh, thiếu thốn thì nay làm cha, tôi cần toàn tâm cho chúng.

* Nhiều người gọi đó là hy sinh. Anh có thấy mình thiệt thòi không?

- Tôi không nghĩ đó là sự hy sinh mà là sự lựa chọn và khi đã chọn thì phải có trách nhiệm với lựa chọn đó. Đây là việc bình thường với bất kỳ bậc cha mẹ nào, không riêng tôi. Chúng ta có thể khác nhau về nghề nghiệp, vị trí trong xã hội nhưng tình thương con là như nhau.

Hy sinh là mối quan hệ trong đó có một bên chịu thiệt thòi. Còn tôi thấy mình được nhiều thứ khi làm bố, quan trọng nhất là ngày nào cũng được sống trong niềm vui, tiếng cười của con trẻ.

* Khi các con hỏi về gia đình chỉ có một ông bố, không giống như bạn bè, anh lý giải ra sao?

- Khi tôi nhận nuôi thì Tít đã sáu tuổi, biết về gốc gác của mình. Bảy bé còn lại, khi các con trưởng thành, tôi sẵn sàng chia sẻ câu chuyện để các con biết. Đó là việc cần làm. Tôi luôn mong các con sẽ giữ được sự tôn trọng với người đã sinh ra mình.

Mỗi người có quan điểm riêng về gia đình. Có người nghĩ phải có đủ cha mẹ mới là gia đình hạnh phúc. Với tôi, gia đình là nơi con người thấy bình yên, hạnh phúc; là nơi giúp họ phát triển đủ đầy. Mọi sự định lượng đều mang tính tương đối. Tôi hướng các con đến việc tìm hạnh phúc trong cuộc sống thông qua mong muốn chính đáng, giá trị mà con tin tưởng, chứ không phải một thước đo nào đó được áp từ bên ngoài.

Chỉ mong con thành người tử tế

Mong muốn lớn nhất của tôi là các con khỏe mạnh, phát triển bình thường, trở thành người có ích cho xã hội. Tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, càng không để dư luận bên ngoài có quyền đó. Tôi cổ vũ các con phát triển tự do trong khuôn khổ cho phép, sớm giúp các con hiểu được giá trị của bản thân. Tôi cũng sẽ quan sát để từ đó giúp con có sự lựa chọn phù hợp.

Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường

* Dư luận sẽ luôn dõi theo gia đình anh - một người nổi tiếng. Điều đó khiến anh nghiêm khắc với các con, để giữ hình ảnh đẹp?

- Tôi từng nói, điều khiến tôi hạnh phúc nhất không phải sự thành công hay giàu có mà là hậu vận có những đứa con ngoan, hiếu thảo. Dĩ nhiên, sự ngoan ngoãn, hiếu thảo đó xuất phát từ nền tảng giáo dục tốt chứ không phải phép màu. 

Các con tôi thương bố mà cũng rất sợ bố. Tuy nhiên, sự nghiêm khắc cần được thể hiện dưới vỏ bọc mềm mỏng. Chẳng hạn, khi phạt cũng phải dùng lời lẽ dễ nghe, tông giọng mềm một chút để không khiến con hoảng loạn (cười).

Tôi vẫn nhớ những lúc MyMy nũng nịu: “Con yêu bố” còn Nhím khi bị trách phạt cũng luôn miệng: “Bố có giận con, con cũng không giận bố. Bố có hết yêu con, con cũng không hết yêu bố. Bố đừng hòng mà trốn được con. Con sẽ bám bố suốt đời”. Cứ như thế, có ông bố nào không mềm lòng. Tình cảm của các con khiến tôi thực sự hạnh phúc.

* Nếu các con muốn tìm về nguồn cội hoặc cha mẹ các bé muốn nhận lại con, anh sẵn sàng chứ?

- Nếu điều đó xảy ra, tôi vẫn sẵn lòng chào đón họ. Quyết định tùy thuộc vào các con. Tôi tôn trọng quyết định của con dẫu điều đó có thể khiến mình buồn. Tôi chỉ cố gắng sống thật tốt, làm những điều trái tim mách bảo. Tuy nhiên, tôi không đặt nặng tâm tư vào những chuyện chưa xảy ra, cũng chẳng sợ những điều chưa đến. Ngày nào vui được cứ vui, như thế những đứa trẻ mới hạnh phúc. 

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Thành Lâm (thực hiện)

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI