Nhà thiết kế Đặng Trọng Minh Châu: Mẹ là nguồn cảm hứng

14/04/2019 - 06:30

PNO - Mười năm trước, khi còn làm nghề trang điểm dạo, Đặng Trọng Minh Châu "ghé qua" tà áo dài như một sự tình cờ rồi ở lại.

Đến nay, áo dài Minh Châu đã trở thành thương hiệu có tiếng, đặc biệt là áo dài cưới hoặc áo dài trình diễn. Đánh dấu cột mốc mười năm, Châu mở rộng diện khách hàng, hướng đến phân khúc cao cấp.

Tại Vietnam International Fashion Week 2019, nhà thiết kế (NTK) Đặng Trọng Minh Châu mang đến bộ sưu tập (BST) Kim - đơn giản mà tinh tế. Châu nói, đây không phải là mục tiêu mà là anh “phải làm cái gì đó, sáng tạo và mới mẻ hơn, với chính mình và với những ai đã từng yêu mến, ủng hộ mình”. Trong cuộc trò chuyện, Châu nhắc nhiều đến mẹ - như ngọn nguồn cảm hứng bất tận. 

Nha thiet ke Dang Trong Minh Chau: Me la nguon cam hung

Không ngại sự so sánh

Phóng viên: BST áo dài lần này bạn mang đến Vietnam International Fashion Week có gì khác biệt so với những chiếc áo dài trước đó đã tạo nên thương hiệu áo dài Minh Châu?

NTK Đặng Trọng Minh Châu: BST Kim lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của người phụ nữ, của tà áo dài như rất nhiều mẫu áo khác của tôi từng thiết kế, nhưng nó còn phản ánh sự mâu thuẫn, giằng xé nội tâm của người phụ nữ - những người đa phần lúc nào cũng chọn cách sống hy sinh, chấp nhận thiệt thòi để vun vén cho gia đình, con cái thay vì mua sắm cho bản thân, dù chỉ là một món nho nhỏ.

* Năm trước, NTK Công Trí cũng đã mang áo dài đến Vietnam International Fashion Week. So sánh là điều khó tránh khỏi…

- Tôi không ngại so sánh, vì áo dài vốn dĩ là thế mạnh của Minh Châu. Tôi và các cộng sự đã cùng nhau đi được mười năm, chúng tôi tự tin vào nghề và thương hiệu của mình. Mọi người thường đóng khung áo dài Minh Châu là áo dài cưới, áo dài bà sui hay áo dài trình diễn. Do đó, những thiết kế lần này được làm với mong muốn thoát khỏi sự mặc định vốn có. Nói đúng hơn, đây là một cuộc “vượt qua chính mình” của tôi. Chính vì vậy mà hồi đầu, khi ban tổ chức bảo tôi đưa danh sách khách mời, tôi đắn đo rất nhiều. Không phải tôi sợ phản ứng, mà vì tôi nghĩ đây là một bước tiếp trong hành trình của mình với áo dài.

Nha thiet ke Dang Trong Minh Chau: Me la nguon cam hung

* Từ lúc nào anh nhận ra tình yêu với áo dài và theo đuổi quyết liệt đến vậy?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nhà thiết kế. Mà ngay cả cái từ đó nghe cũng quá xa lạ với tôi. Hồi nhỏ, chứng kiến má một mình bươn chải nuôi con, tôi chỉ ước có thể làm gì đó để giúp đỡ má. Từ làm chủ một xưởng nón, có hàng trăm công nhân, hàng phân phối khắp cả nước, vì sự cố trong gia đình mà sự nghiệp của má tiêu tan. Má làm đủ nghề khác, từ đi may mướn cho đến buôn bán hàng ăn… miễn lương thiện và có tiền nuôi con là má không nề hà. Tôi hay ngồi bên máy may của má, nhìn má may mà thuộc từ cách đưa vải vào máy, đạp máy, dò chỉ. Má cấm tôi may, má nói nghề này cực lắm.

* Xem ra, nghề may anh được thừa hưởng từ má…

- Nó là một đường vòng. Năm tôi 15 tuổi, má bệnh nặng phải nhập viện, tôi thay má nấu nướng, buôn bán quán ăn. Với nhiều người, tình cảm của má có thể là sự bao bọc, chở che. Còn má luôn rèn cho tôi tính tự lập. Lúc nào má cũng mong tôi có một cái nghề tử tế để có thể kiếm sống sau này

18 tuổi, tôi đi dân quân, thấy mấy anh mấy chị cắm hoa đẹp thì theo học. Thấy tôi có khiếu, mấy anh chị cũng tạo điều kiện. Khi mọi người thi cắm hoa, thi trình diễn thời trang… tôi là người làm trang phục; thấy trang điểm thì tôi quan sát, học ké, rồi làm nghề trang điểm dạo. Tôi nhớ khi tôi cầm về đưa má bốn trăm ngàn đồng thù lao trang điểm cho người ta, má rớt nước mắt.

Trang điểm thường đi kèm với trang phục. Những cuộc thi tôi tiếp xúc thường chọn trang phục áo dài. Tôi gom góp tiền để dành từ nghề trang điểm, học thêm và may áo dài hỗ trợ một người chị tham gia cuộc thi nhan sắc. Chiếc áo đó tuy không được giải vì chị tôi đã đoạt giải ở hạng mục khác nhưng được nhiều người khen ngợi, chú ý.

Một bữa, tôi đang đi trang điểm dạo thì có chị Diệu Hoa, thành viên ban giám khảo hôm đó, gọi điện nhờ tôi làm áo dài. Cũng chính chị là người đã mở đường và giúp tôi trong những ngày tháng đầu tiên. Hồi đó, nhà tôi ở Hóc Môn, má bán một cây vàng đưa tôi, cộng với 2.000 euro được chị Hoa giúp, tôi thuê cửa hàng và bắt đầu chinh phục áo dài.

Nha thiet ke Dang Trong Minh Chau: Me la nguon cam hung

Lựa chọn này cho tôi niềm vui

* Áo dài coi dễ mà khó, không phải ai cũng có thể chinh phục được. Tại Việt Nam đâu thiếu những NTK thành danh với áo dài, sao anh lại chọn con đường khó?

- Bạn có tin vào cái gọi là nghề chọn mình không? Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy mọi chuyện xảy đến với mình đều tự nhiên như một sự an bài. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không cần sự cố gắng. Nhưng, tôi tin vào chữ duyên.

Áo dài khó thiết kế, đồng thời khó mặc. Đâu phải ai cũng có vóc dáng chuẩn để mặc như người mẫu. Cho nên, tôi muốn thiết kế của mình giúp người mặc tự tin hơn, che đi những khuyết điểm trên cơ thể. Nguồn cảm hứng lớn nhất của tôi là má, khách hàng khó tính nhất của tôi cũng là má. Má bị bệnh, tay chân teo lại, vai rủ xuống nhưng bụng khá lớn, ngực thì chảy - người lớn tuổi nào cũng vậy - nên không mặc áo nâng được. Thành ra, lúc má mặc thử chiếc áo tôi may, bảo “thoải mái”, đó là niềm vui và là nguồn động viên lớn nhất dành cho tôi.

Tôi tự đặt mục tiêu cho mình là áo dài không những phải đẹp mà còn giúp người mặc cảm thấy thoải mái, tự tin nhất. Mỗi khi bắt tay làm, tôi đều dồn hết sự chăm chú, tận tâm vào đó. Mỗi chiếc áo làm ra đều đầy yêu thương như chiếc áo tôi đã làm cho má. Tôi tin, khi mình làm điều gì đó bằng chính trái tim, sẽ chạm được đến trái tim và nhận lại nhiều điều bất ngờ.

* Chẳng hạn như…

- Như tôi không biết gì nhiều về kinh doanh, chính khách hàng là người đứng ra chỉ cách giúp, rồi giới thiệu khách hàng khác cho tôi. Tôi nghĩ đó là món quà quý giá, không phải ai cũng có được. Hồi đầu, nhiều khách đến, cứ nghĩ Minh Châu là một cô chủ nào đó lớn tuổi, khi nhận ra cái đứa hay tư vấn cho khách nhiệt tình, bình dân là chủ, mọi người vừa bất ngờ, vừa thương. Có lần, một cô khách đến mua áo, thấy tôi đang nấu cơm cho hai đứa cháu, cô thương quá liền gởi cho bao gạo. Nhiều câu chuyện ấm lòng lắm, kể không hết.

* Anh vừa qua tuổi 30 một chút, thường xuyên nhắc đến chữ duyên, lại phải chăm lo cho cả gia đình, yêu thương hai đứa cháu như con. Sống vì người khác nhiều quá, anh có thấy tuổi trẻ của mình đang bị bỏ quên?

- Nhiều người cũng hỏi như bạn nhưng niềm vui của tôi là mang đến niềm vui cho mọi người, có thể chăm lo cho gia đình, cho nhân viên và cộng sự. Đó là hạnh phúc. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không tin là mình đã có thể mua được nhà ở Sài Gòn, mua được xe… Bởi giấc mơ của tôi hồi nhỏ chỉ là được ngủ đủ giấc tới 6 giờ sáng, được nghỉ một chút vào buổi trưa và có thể được nghỉ vào ngày tết.

Bốn năm trước, khi má mất, tôi thấy cuộc sống này thật vô thường. Đó là khoảng thời gian tôi bế tắc nhất. Nhưng chính việc chăm lo cho các cháu đã giúp tôi tìm được lối thoát. Tôi nhìn thấy một thế hệ tiếp nối. Điều khiến tôi tự hào nhất không phải là mình kiếm được bao nhiêu tiền mà thấy hai cháu mạnh mẽ, tình cảm và biết yêu thương.

Trong tôi luôn thường trực một nỗi sợ, tôi sợ mình không đủ sức khỏe, bất thình lình ngã bệnh, sợ không còn làm được nữa nên tôi đều tranh thủ mỗi phút giây để lo cho gia đình, dồn tâm sức cho công việc và chăm sóc sức khỏe bản thân. Mỗi người có một lựa chọn. Và lựa chọn này mang đến cho tôi niềm vui.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Lê Phan  (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI