Nhiều lần muốn bỏ cuộc
Mê thời trang từ thuở bé nên tốt nghiệp trung học, Cường ôm ấp giấc mộng trở thành nhà thiết kế và theo học Khoa Thời trang của Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Niềm vui chưa trọn thì thực tế khắc nghiệt buộc Cường phải tỉnh mộng. “Để hoàn thành được một sản phẩm của đồ án cần rất nhiều nguyên phụ liệu. Vậy mà sau khi chấm điểm xong thì sản phẩm chỉ có thể để trưng một góc, trở nên vô giá trị dù mình đã dồn biết bao tâm sức vào đó. Đồ án này qua đi, đồ án khác lại tới chiếm rất nhiều thời gian khiến tôi không thể làm việc để kiếm tiền trang trải cho việc học, trong khi đồ án cũng chẳng bán được. Tôi nhận thấy mình không thể tiếp tục mãi tình cảnh đó nên đành chọn cách dừng lại việc học” - Cường tâm sự.
Trở về quê phụ giúp cha mẹ được một thời gian, tình yêu thời trang trong Cường lại… ngọ nguậy. Một thứ gì đó vô hình nhưng mãnh liệt cứ thôi thúc anh. “Không học ở trường thì mình học từ thực tiễn” - Cường nghĩ vậy và liều lĩnh xin vào làm thiết kế cho một thương hiệu thời trang khá nổi tiếng tại Hà Nội.
Bằng sự nhạy bén, nhanh chóng nắm bắt xu hướng, Cường được chọn trong số rất nhiều hồ sơ gửi về. Hai năm mài giũa từ thực tế đã bồi đắp thêm cho Cường kiến thức về vải vóc, kỹ thuật may, đồng thời giúp anh chuyển động cùng dòng chảy sôi động của thời trang trong nước. Khoảng thời gian này cũng trả lời cho Cường thế nào là dấu ấn cá nhân trong thiết kế.
Dẫu vậy, thay vì “đâm đầu” mở một thương hiệu riêng, Cường tỉnh táo nhận ra “mình chưa có gì trong tay cả”. Một mô hình kinh doanh muốn đi vào vận hành, với Cường cần hội tụ đủ ba yếu tố: ý tưởng, kế hoạch và tài chính. Anh hiểu để đi được đường dài với thời trang, ngoài dấu ấn, ngoài tài năng còn cần trường vốn.
“Nếu bạn chỉ có đủ kinh phí để tạo ra sản phẩm theo ý tưởng và mong chờ nguồn thu bán ra từ sản phẩm để thu hồi vốn thì đừng nên mở thương hiệu thời trang. Bởi các yếu tố như: cửa hàng, dịch vụ khách hàng, marketing… cũng cần được quan tâm. Nếu không nghiêm túc cân nhắc, bạn có thể thất bại dù bạn tạo ra sản phẩm tốt và có kế hoạch kinh doanh rõ ràng” - Cường chia sẻ.
Quẩn quanh mãi, Cường rời Hà Nội lên Tây Bắc. Suốt một năm trời, anh đi khắp nơi, sống cùng người dân bản địa, ăn cùng, ngủ cùng họ. Bầu trời xanh bao la, những cụm mây trắng bồng bềnh, gió mang theo hương thơm mát lành của đám hoa mơ, hoa mận những ngày đầu xuân, những thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh, nếp sống đơn sơ mà chân tình của người dân tộc không chỉ xoa dịu các câu hỏi trong lòng Cường mà còn thổi vào đó những tiếng hát, thắp lên những hy vọng mới. Cường thêm yêu và bị cuốn hút bởi vẻ đẹp từ các họa tiết trên vải thổ cẩm được dệt từ đôi tay chai sần của các bà, các mẹ, vẻ đẹp của đám cỏ cây dại ven đường.
Luôn dành tình cảm đặc biệt cho văn hóa truyền thống nên sự tươi mới đó đã nhen nhóm lên trong lòng Cường những ấp ủ mới. “Thiên nhiên có vô vàn điều thú vị, mới mẻ mà tôi cần khám phá, bảng màu của thiên nhiên luôn biến ảo mà rất đỗi hài hòa” - Cường cho biết.
Mô hình cà phê Nhà Sàn ra đời tại Hà Nội, như một thế giới thu nhỏ của những gì thiên nhiên Tây Bắc ban tặng cho con người. Đi cùng đó là nung nấu xây dựng một thương hiệu thời trang với chất liệu vải vóc từ thiên nhiên kết hợp họa tiết thổ cẩm dành cho phụ nữ độ tuổi từ 30-55.
O+ ra đời không lâu sau đó.
O+ và dấu ấn của Cường Nguyễn
Tây Bắc nói riêng và họa tiết dân tộc nói chung trong các thiết kế của O+ hiện lên vừa mãnh liệt, vừa mềm mại và tinh tế qua những đường viền áo, họa tiết quen thuộc trên tà áo, chiếc khăn thổ cẩm. Cường Nguyễn biết tiết chế màu sắc, họa tiết khiến cho vẻ đẹp của các thiết kế trở nên sâu lắng, không ồn ào mà vẫn khiến người khác trầm trồ, ngước nhìn như một tác phẩm nghệ thuật.
|
Sự đón nhận của khách hàng giúp nhà thiết kế Cường Nguyễn tự tin hơn với giấc mơ đưa O+ ra thị trường quốc tế |
“Khi tôi mới bắt đầu, nhiều ánh mắt hoài nghi dành cho tôi vì ý tưởng quá táo bạo. Người thân quen thì không giấu được lo lắng, liệu thị trường có chấp nhận hay không khi từ trước giờ đã không ít thương hiệu nhân danh truyền thống đều làm không đến nơi đến chốn. Tại sao tôi cứ phải “lao đầu” vào thời trang trong khi mô hình cà phê đã có thể nuôi sống bản thân” - Cường hồi tưởng. Và nói tiếp: “Khó khăn thứ hai cũng nằm chính ở chất liệu và họa tiết. Vì tất cả các sản phẩm đều làm thủ công nên thời gian tạo ra một sản phẩm cũng lâu hơn, vì thế việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng chậm hơn”.
“Tôi chuẩn bị tất cả cho những rủi ro nhưng trên hết, tôi tin vào sản phẩm của mình. Người phụ nữ mặc sản phẩm của O+ yêu tự do, thích nghệ thuật và luôn muốn được thể hiện dấu ấn của họ bất kỳ nơi nào họ xuất hiện bằng sự tự tin, bằng kiến thức, trái tim yêu thương, bằng sự không trộn lẫn” - Cường nói. Với tiêu chí “đẹp, độc, lạ”, sau ba tháng khởi đầu, lượng khách hàng của O+ dần nhiều lên, một phần nhờ marketing tiếp cận đúng cách, một phần nhờ sự độc đáo trong từng sản phẩm, khách hàng này giới thiệu cho khách hàng kia.
“Tôi nhóm máu O - nhóm máu có thể cho các nhóm máu khác. Tôi muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho mọi người. Vì đối tượng khách hàng của O+ có độ tuổi từ 30-55, thường là những người đã lập gia đình và sau sinh, cơ thể không còn được thon gọn, tôi muốn giúp họ che đi các khuyết điểm để tự tin hơn. Do đó, O còn có nghĩa là Oversize, cho dù bạn gầy hay quá khổ thì các thiết kế của O+ vẫn phù hợp. O cũng mang hàm ý Only (duy nhất). Tôi muốn nhắn gửi tới những người phụ nữ của O+ rằng, các chị là duy nhất, xứng đáng được yêu thương, trân trọng và nhận được những điều tốt đẹp nhất” - nhà thiết kế Cường Nguyễn chia sẻ ý nghĩa thương hiệu.
Chất liệu chủ đạo của O+ có nguồn gốc từ thiên nhiên như linen, lụa tơ tằm, gai, tơ tre, lanh… với khả năng thấm hút tốt, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; vừa mềm mại, vừa kháng khuẩn, chống nấm mốc, thân thiện với môi trường và an toàn cho người mặc là tiêu chí nhà thiết kế Cường Nguyễn đặt ra.
Điểm sáng nhất của thương hiệu này là tính gần gũi và hiện đại pha trộn hài hòa với họa tiết thổ cẩm thay vì chỉ lên sàn diễn hoặc khó ứng dụng vào đời sống vì quá kém sắc hoặc thô mộc quá mức dẫn đến sự kém tinh tế khi mặc. Đó là một quá trình đòi hỏi ở Cường Nguyễn nhiều sự tìm tòi và kiên trì.
Anh nói rằng, mỗi khi bắt đầu thực hiện một bộ sưu tập, điều chi phối anh nhiều nhất nằm ở khâu chất liệu, làm sao để chất liệu có thể chuyển tải được tinh thần bộ sưu tập mà vẫn giữ độ bền đẹp. “Vì vải được nhuộm màu tự nhiên nên tôi phải tính toán chuẩn xác sao cho sản phẩm sau khi xử lý không bị xô lệch, co rút đường may và những tấm vải phối màu không bị loang vào nhau, cũng không dễ phai”.
Sự đón nhận của khách hàng giúp Cường Nguyễn tự tin hơn với giấc mơ đưa O+ ra thị trường quốc tế. Đó là một hành trình dài, nhiều mới mẻ và cũng đầy thách thức mà Cường biết anh phải lao động nhiều hơn, tìm tòi và thử nghiệm nhiều hơn. Song Cường Nguyễn biết một điều, anh sẽ không bao giờ rời bỏ giấc mơ thời trang nữa.
Hoàng Hoài Hương
Ảnh: nhân vật cung cấp